menu
Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 4. Lý thuyết hộp

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 4. Lý thuyết hộp

News Trading

News Trading
Like
1016 View

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 4. Lý thuyết hộp

Sau thất bại thảm hại với cổ phiếu JONES & LAUGHLIN và thành công có phần may mắn với cổ phiếu TEXAS GULF PRODUCING, tôi ngồi đánh giá lại vị trí của mình. Đến bây giờ tôi không nên coi thị trường chứng khoán như một cỗ máy huyền diệu mà nếu may mắn, tôi có thể nhận đồng tiền vàng rơi ra như trong một máy đánh bạc. Tôi nhận ra tôi không thể kinh doanh chỉ dựa vào sự may rủi mặc dù may mắn luôn tồn tại trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Tôi có thể may mắn một lần, hai lần nhưng không thể may mắn mãi mãi.

Tôi phải dựa vào kiến thức, phải học cách đứng vững trên thị trường chứng khoán. Liệu tôi có thể thắng bài brit nếu chưa biết luật? Liệu tôi có thể thắng một ván cờ mà không hiểu những nước đi của đối thủ? Nói cách khác, liệu tôi có thể thành công trên thương trường mà không học cách kinh doanh không? Tôi đang tham gia vào một trò chơi khắc nghiệt, nó thách thức cả những chuyên gia sắc sảo nhất. Tôi không thể mong đợi chiến thắng nếu không học những điều cơ bản của trò chơi.

Tôi bắt đầu tìm hiểu. Đầu tiên tôi kiểm tra lại những kinh nghiệm cũ của mình. Một mặt, kiểm tra phương pháp nghiên cứu cơ bản (tôi đã áp dụng thất bại). Mặt khác, kiểm tra phương pháp kỹ thuật, tôi đã thành công. Hiển nhiên tôi cố gắng lặp lại phương pháp thành công tôi đã dùng với cổ phiếu TEXAS GULF PRODUCING.

Điều đó không dễ dàng gì. Tôi đã ngồi nghiền ngẫm những bảng chứng khoán nhiều giờ liền mỗi tối, cố gắng tìm một cổ phiếu khác giống TEXAS GULF PRODUCING. Và một ngày, tôi chú ý đến cổ phiếu M & M WOOD WORKING. Không một công ty tư vấn tài chính nào nói về nó. Nhà môi giới của tôi chưa từng nghe về cổ phiếu của M & M. Nhưng tôi vẫn có ấn tượng tốt với cổ phiếu này vì những biến động hằng ngày của nó làm tôi nhớ lại cổ phiếu TEXAS GULF PRODUCING. Tôi bắt đầu theo dõi nó cẩn thận.

Tháng 12 năm 1955, cổ phiếu đó đã tăng từ 15 đến 23,625 đô la. Sau năm tuần yên tĩnh, khối lượng giao dịch và giá của M & M tăng trở lại. Tôi quyết định mua 500 cổ phiếu với giá 26,625 đô la. Cổ phiếu M & M tăng giá liên tục. Tôi giữ và theo dõi từng dao động của nó. Khi nó đạt đến 33 đô la, tôi quyết định bán và thu về lợi nhuận 2.866,62 đô la.

Tôi rất vui không phải vì số tiền lãi đó mà đơn giản vì cổ phiếu M & M WOOD WORKING giống như cổ phiếu TEXAS GULF PRODUCING. Tôi mua nó chỉ dựa trên những diễn biến trên thị trường mà không có nhiều thông tin về nó. Khi nó tăng liên tục và khối lượng giao dịch duy trì ở mức cao, tôi đã nắm lấy cơ hội.

Điều này đã được chứng minh là đúng. Qua báo chí, tôi phát hiện ra cổ phiếu M & M tăng mạnh là do có sự sáp nhập được đàm phán bí mật. Một nguồn thông tin tiết lộ rằng có một công ty khác có kế hoạch mua lại M & M WOOD WORKING với giá 35 đô la một cổ phiếu, và đề nghị này đã được chấp thuận. Điều này có nghĩa mặc dù tôi không hay biết về những thương lượng ở hậu trường nhưng tôi chỉ bán ra thấp hơn 2 điểm so với mức giá cao. Tôi thấy phấn khích khi nhận ra việc mua cổ phiếu dựa vào diễn biến của thị trường giúp tôi thu được lợi nhuận từ một kế hoạch sáp nhập mà tôi không hay biết. Tôi như ở trong kế hoạch đó, nhưng thực sự không phải vậy.

Thành công này đã thuyết phục tôi rằng chỉ có phương pháp kỹ thuật là đúng đắn. Nếu tôi nghiên cứu tình hình giá cả và khối lượng giao dịch của một cổ phiếu và bỏ qua những yếu tố khác liên quan, tôi sẽ có được những kết quả khả quan.

Tôi bắt đầu làm việc với quan điểm này. Tôi tập trung hơn vào giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch, bỏ ngoài tai tin đồn, lời khuyên hoặc những thông tin cơ bản. Tôi quyết định không quan tâm đến những lý do của việc tăng giá. Tôi cho rằng nếu thay đổi căn bản nào để công ty phát triển tốt hơn thì điều này sớm muộn cũng thể hiện trong việc tăng giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu vì nhiều người muốn mua chúng. Nếu tôi tập luyện cho đôi mắt phát hiện được những thay đổi tăng ngay thời gian đầu, như trường hợp của cổ phiếu M & M WOOD WORKING, tôi sẽ mua và hưởng lợi nhờ cổ phiếu tăng giá mà không cần biết lí do đằng sau.

Nhưng làm thế nào để nhận biết được những thay đổi này? Sau quá trình tìm hiểu, suy ngẫm tôi đã tìm ra một tiêu chuẩn: so sánh cổ phiếu với con người.

Để tìm ra nó, tôi đã liên tưởng như sau: Nếu một cô gái rất đẹp chuẩn bị biểu diễn một vũ điệu hoang dã. Không ai ngạc nhiên cả. Mọi người trông đợi cô ấy làm điều đó. Nhưng nếu một quý bà đột nhiên định làm điều tương tự, hẳn là không bình thường. Mọi người lập tức nói: “Điều gì lạ lùng đang xảy ra vậy?”.

Tương tự, nếu một cổ phiếu bình thường không dao động nhiều đột nhiên dao động mạnh thì tôi sẽ coi đó là không bình thường. Và nếu nó tăng giá nữa thì tôi sẽ mua nó. Tôi cho rằng đằng sau những chuyển động không bình thường này có một nhóm người có những thông tin tốt. Bằng việc mua cổ phiếu đó, tôi đã trở thành hội viên của nhóm người không lên tiếng này.

Tôi thử làm theo phương pháp này. Một vài lần tôi thành công, một vài lần không. Tôi không nhận ra mình chưa tập luyện kỹ lưỡng. Chính xác là khi tôi cảm thấy tự tin với trên lý thuyết của mình, tôi chỉ mới bắt đầu.

Tháng 5 năm 1956, tôi để ý tới một cổ phiếu tên là PITTSBURGH METALLURGICAL, được định giá 67 đô la. Nó biến động nhanh, tôi nghĩ nó sẽ tiếp tục tăng. Khi thấy hoạt động tăng này, tôi mua 200 cổ phiếu với tổng chi phí là 13.483,40 đô la.

Tôi quá chắc chắn về nhận định của mình và bỏ qua sự thận trọng cần có. Đối lập với dự đoán của tôi, cổ phiếu này bắt đầu giảm. Tôi nghĩ đây chỉ là một phản ứng nhỏ. Tôi chắc chắn chỉ sau sự rớt giá nhẹ nhàng này nó sẽ tăng trở lại. Cổ phiếu này cũng biến động mạnh nhưng lại theo hướng khác. 10 ngày sau đó, cổ phiếu PITTSBURGH METALLURGICAL giảm mạnh và đứng giá ở 57,75 đô la. Tôi bán và lỗ 2.023,32 đô la.

Tôi đã sai ở đâu?. Ở thời điểm đó, mọi yếu tố đều chỉ ra cổ phiếu đó là tốt nhất. Vậy mà ngay sau khi tôi mua, nó đã giảm. Đáng thất vọng hơn nữa, khi tôi vừa bán thì nó tăng giá trở lại.

Cố gắng tìm lời giải thích, tôi kiểm tra lại những biến động của cổ phiếu này trước đó và khám phá ra khi tôi mua, cổ phiếu này đã ở đỉnh của sự tăng giá (18 điểm). Vì vậy, khi tôi đặt tiền vào nó, nó bắt đầu đi xuống. Tôi đã mua cổ phiếu sai thời điểm.

Nhìn lại, tôi nhận thấy điều đó rất rõ ràng. Tôi hiểu tại sao cổ phiếu lại thay đổi theo hướng đó. Tuy nhiên, “Làm thế nào để phát hiện ra sự thay đổi đúng thời điểm nó xảy ra?”

Câu hỏi đó thật dễ hiểu, nhưng để trả lời lại vô cùng phức tạp. Tôi biết rằng hệ thống sổ sách không hiệu quả, bảng cân đối tài chính không có tác dụng gì, các thông tin thì thiếu minh bạch và đầy sai sót. Tôi quyết tâm nghiên cứu kỹ từng biến động của mỗi cổ phiếu. Chúng đã hoạt động thế nào? Bản chất của những hoạt động đó là gì? Có khuôn mẫu nào cho những dao động này không?

Tôi đọc sách, nghiên cứu những bảng chứng khoán, và hàng trăm biểu đồ. Qua đó, tôi học được nhiều điều về biến động của cổ phiếu mà trước đây tôi không thấy. Tôi nhận ra biến động của một cổ phiếu không hoàn toàn ngẫu nhiên. Cổ phiếu không “bay” theo mọi hướng như những quả bóng bay. Chúng chuyển động lên hoặc xuống nhưng theo xu hướng nhất định, như một mẩu sắt chuyển động về hướng nam châm vậy. Cổ phiếu sẽ chuyển động trong một chuỗi các khung, hay tôi gọi là “những chiếc hộp”.

Chúng dao động tương đối ổn định trong một khoảng nhất định. Vùng chứa đựng những chuyển động lên-và-xuống này gọi là chiếc hộp hay cái khung. Với tôi, những chiếc hộp này hiện ra ngày càng rõ nét.

Đây là sự khởi đầu cho lý thuyết chiếc hộp của tôi, một lý thuyết sẽ đưa đến một gia tài lớn.

Tôi đã áp dụng lý thuyết của mình như sau: Nếu những chiếc hộp của cổ phiếu mà tôi quan tâm được xếp chồng lên nhau như một kim tự tháp, tôi sẽ quan sát chiếc hộp ở vị trí cao nhất. Tôi hoàn toàn yên tâm nếu cổ phiếu đó dao động giữa điểm cao nhất và thấp nhất của chiếc hộp. Khi tôi xác định được kích cỡ của chiếc hộp, cổ phiếu đó có thể thay đổi tùy thích miễn là trong cái khung đó. Và nếu nó biến động lên và xuống ra ngoài chiếc hộp đó, thì tôi mới nên lo lắng.

Nhưng nếu cổ phiếu đó không dao động và cũng không chuyển dịch, nghĩa là nó là cổ phiếu “chết”. Tôi cũng không quan tâm tới cổ phiếu này vì nó sẽ không tăng giá mạnh.

Lấy một cổ phiếu nằm trong hộp 45/50 làm ví dụ. Nó có thể tăng giảm giữa con số 45 và 50 bao nhiêu lần tùy thích và tôi sẽ vẫn mua nó. Tuy nhiên, nếu nó giảm xuống còn 44,5 đô la, tôi sẽ tính tới khả năng từ bỏ nó.

Tại sao ư? Vì khi giảm xuống dưới 45, nghĩa là nó đã rơi vào hộp thấp hơn và điều này không tốt. Tôi muốn nó chuyển động ở trong một chiếc hộp cao hơn.

Thỉnh thoảng, một cổ phiếu nằm trong một chiếc hộp nhiều tuần liên tục. Điều đó tôi không quan tâm, tôi chỉ cần đảm bảo nó đang ở trong chiếc hộp đó và không bị trượt xuống khung thấp hơn.

Ví dụ, tôi quan sát thấy một cổ phiếu ở trong hộp 45/50, Điều này có thể biểu diễn như thế này:

45 – 47 – 49 – 50 – 45 – 47

Điều này có nghĩa là, sau khi đạt mức cao ở giá 50, nó có thể quay trở lại mức thấp ở giá 45 và sau đó kết thúc phiên giao dịch ở giá 46 hoặc 47. Tôi vẫn vui vẻ vì nó vẫn nằm trong chiếc hộp của nó. Tất nhiên, tôi tìm kiếm một dao động tới chiếc hộp cao hơn. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ mua cổ phiếu đó.

Tôi không tìm ra quy luật cụ thể nào để điều này xảy ra. Đó chỉ là vấn đề phải thường xuyên quan sát và hành động hợp lý. Một vài cổ phiếu thường xuyên biến động, chúng di chuyển sang chiếc hộp khác chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ nhưng có cổ phiếu khác lại cần đến nhiều ngày. Nếu biến động đúng, cổ phiếu này sẽ chuyển dịch từ chiếc hộp 45/50 sang chiếc hộp khác cao hơn. Những chuyển động sau đó của nó được biểu diễn như thế này:

48 – 52 – 50 – 55 – 51 – 50 – 53 – 52

Cổ phiếu này bây giờ đã tự thiết lập khá rõ ràng trong chiếc hộp cao hơn: 50/55.

Đừng hiểu sai ý tôi về vấn đề này. Đây chỉ là những ví dụ. Điều mà tôi phải quyết định là kích cỡ của chiếc hộp đó. Tất nhiên mỗi cổ phiếu có một kích cỡ riêng. Một vài cổ phiếu chuyển động trong một khung rất hẹp, có lẽ ít hơn 10% mỗi hướng. Những cổ phiếu dao động lớn khác lại chuyển động trong một khung có biên độ từ 15% và 20%. Việc cần làm là xác định chính xác cái khung đó và chắc chắn rằng cổ phiếu này sẽ không chuyển động xuống dưới ngưỡng thấp. Nếu điều đó xảy ra, tôi bán nó ngay lập tức.

Vì thế, tôi coi một chuyển động từ 55 xuống 50 là khá bình thường vì nó vẫn nằm trong chiếc hộp. Điều này không có nghĩa là cổ phiếu đó đang rớt giá. Đơn giản đó là một chuyển động ngược chiều.

Trước khi nhảy, một vũ công sẽ thực hiện một động tác cúi người để tạo đà cho một cú bật nhảy tốt. Tôi phát hiện điều này cũng giống như đối với cổ phiếu. Một cổ phiếu sẽ không tăng đột ngột từ 50 đến 70. Nói cách khác, cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá, sau khi đạt đến mức giá 50 lại quay trở về mức giá 45 chính là một động tác cúi người của vũ công, để chuẩn bị cho cú nhảy lên tốt hơn.

Khi có kinh nghiệm hơn, tôi hiểu thêm rằng một chứng khoán sau khi đã đạt mức điểm cao 50 lại quay lại mức 45 có một lợi ích quan trọng khác. Nó loại bỏ những kẻ yếu tim và đe dọa những người giữ cổ phiếu này mà lầm tưởng nó rớt giá. Chính việc này cũng tạo điều kiện cho cổ phiếu tăng giá trở lại nhanh chóng hơn.

Tôi cũng thấy rằng khi một cổ phiếu đang trong xu thế đi lên thì khả năng tăng giá của nó tất yếu. Một cổ phiếu đang trong tiến trình tăng giá, ví dụ tăng từ 50 đến 70, nhưng thi thoảng rớt lại, thì điều đó là một phần của một nhịp điệu đúng.

Có thể diễn giải điều đó như sau:

50 – 52 – 57 – 58 – 60 – 55 – 52 – 56

Điều đó có nghĩa, ban đầu cổ phiếu này đang nằm trong hộp 52/60.

Sau đó, cổ phiếu có xu hướng tăng và di chuyển như thế này:

58 – 61 – 66 – 70 – 66 – 63 – 66

Như vậy, nó đang trong hộp 63/70. Tôi cho rằng cổ phiếu này đang chuyển đến hộp cao hơn.

Nhưng vấn đề đâu là thời điểm đúng để mua cổ phiếu đó vẫn chưa được giải quyết? Đó là thời điểm khi giá cổ phiếu vừa bước vào một chiếc hộp mới cao hơn. Điều này dường như khá đơn giản. Trường hợp của cổ phiếu LOUISIANA LAND & EXPLORATION lại cho thấy điều này không hề đơn giản.

Trong nhiều tuần liền, tôi quan sát biến động của cổ phiếu này và nhìn thấy nó thiết lập những hộp xếp theo hình kim tự tháp. Khi mức khung trên của chiếc hộp cuối cùng của nó là 59,75, tôi cảm thấy mình đã đánh giá đúng về nó. Tôi yêu cầu nhà môi giới gọi điện cho tôi khi nó đạt 61 điểm mà tôi cho là cánh cửa của chiếc hộp mới. Ông đã gọi điện, nhưng lúc đó tôi không có trong khách sạn. Ông phải mất hai tiếng đồng hồ để gặp được tôi. Tại thời điểm đó, cổ phiếu này ở giá 63. Tôi thất vọng khi thấy mình vừa bỏ lỡ một cơ hội lớn.

Khi nó tăng đến giá 63 chỉ trong một thời gian ngắn tôi chắc rằng mình vừa bỏ lỡ một cơ hội rất tốt. Tôi mất bình tĩnh. Lẽ ra tôi phải trả bất kỳ giá nào cho cổ phiếu mà tôi nghĩ sẽ tăng đến mức giá khó tin.

Nó đã tăng giá: 63,5 – 64,5 – 65. Tôi đã đúng. Tôi đã đánh giá đúng về nó và tôi đã bỏ lỡ cơ hội tốt. Tôi không thể đợi thêm được nữa. Tôi mua 100 cổ phiếu ở giá 65 đô la – ở đỉnh của một chiếc hộp mới của nó – vì tôi đã bỏ lỡ nó ở điểm xuất phát của hộp này.

Mặc dù có nhiều tiến bộ hơn trong đầu tư nhưng tôi vẫn là tay thợ học việc so với những “kỹ sư” của Phố Wall. Vì thế tôi trao đổi thêm với người môi giới về ngưỡng điểm 61 của cổ phiếu đó qua điện thoại, điểm tôi đã không may bỏ lỡ. Ông bảo tôi nên đặt lệnh mua tự động. Điều đó có nghĩa là cổ phiếu sẽ được mua tự động khi nó tăng đến 61. Ông cũng khuyên khi tôi quyết định đầu tư vào một cổ phiếu nào đó, tôi nên đặt lệnh mua ở một giá xác định trước. Khi thị trường đạt đến giá này, cổ phiếu này tự động được mua mà không cần phải bàn luận gì thêm. Tôi đã đồng ý tiến hành như vậy.

Lệnh mua tự động đã giúp tôi không bỏ lỡ thời điểm quan trọng khi giá cổ phiếu chuyển sang hộp mới.

Lý thuyết chiếc hộp và cách ứng dụng được khẳng định chắc chắn trong suy nghĩ của tôi. Trong ba trường hợp sử dụng lý thuyết này sau đó, tôi đều thành công.

Tôi mua cổ phiếu ALLEGHENY LUDLUM STEEL khi nó chuẩn bị chuyển sang hộp 45/50. Tôi mua 200 cổ phiếu với giá 45,75 đô la và bán chúng ba tuần sau đó với giá 51 đô la.

Tôi cũng mua 300 cổ phiếu DRESSER INDUSTRIES khi nó chuẩn bị bước vào hộp 84/92. Tôi mua ở giá 84 đô la, nhưng khi nó không tiến triển đúng trong chiếc hộp đó, tôi đã bán nó ở giá 86,5 đô la.

Sau đó tôi mua 300 cổ phiếu COOPER-BESSEMER ở điểm khởi đầu của hộp 40/45 với giá 40,75 đô la và bán chúng ở giá 45,125 đô la.

Lợi nhuận qua ba giao dịch là 2.442,36 đô la.

Tôi thấy rất tự tin. Nhưng một thất bại đau đớn sau đó đã chứng minh tôi cần nhiều hơn một lý thuyết suông. Tháng 8 tôi mua 500 cổ phiếu NORTH AMERICAN AVIATION với giá 94,375 đô la với niềm tin rằng nó chuẩn bị thiết lập chiếc hộp mới ở giá hơn 100 đô la. Thực tế không như vậy. Nó đảo chiều ngay lập tức và giảm giá. Tôi có thể bán cổ phiếu đó khi nó hạ một điểm. Tôi cũng có thể làm điều tương tự khi nó giảm thêm một điểm nữa. Nhưng tôi quyết định giữ nó. Lòng kiêu hãnh không cho phép tôi hành động như thế. Tính chính xác của lý thuyết chiếc hộp đang bị đe dọa. Tôi tự nhủ rằng cổ phiếu này không thể giảm hơn nữa. Tôi không biết đến một điều mà tôi đã học được sau này, rằng trong thị trường chứng khoán không gì là không thể. Một cổ phiếu có thể làm bất kỳ điều gì. Đến cuối tuần sau đó, lợi nhuận từ ba thương vụ trước đây của tôi đã không còn. Tôi quay lại điểm xuất phát.

Thất bại này là một quan trọng trong sự nghiệp với thị trường chứng khoán của mình. Chính tại điểm này tôi cũng nhận ra rằng:

1. Không có điều gì là chắc chắn trên thị trường – tôi phải thừa nhận rằng tôi đã sai trong một nửa số lần tham gia.

2. Tôi phải chấp nhận sự thật và điều chỉnh lại bản thân tôi cho phù hợp hơn. Tôi cần bớt kiêu hãnh.

3. Tôi cần chẩn đoán khách quan, không gắn vận mệnh của mình với bất kỳ một lý thuyết hay cổ phiếu nào.

4. Tôi không nên tập trung quá vào cơ hội. Đầu tiên, phải giảm rủi ro đến mức tối thiểu.

Bước đầu tiên tôi tiến hành theo khuynh hướng đó là áp dụng thứ mà tôi gọi là vũ khí mất-nhanh. Tôi biết rằng mình đã sai đến một nửa số lần chơi. Tại sao tôi không chấp nhận sai lầm và bán ngay khi còn lỗ ít? Nếu tôi mua một cổ phiếu ở giá 25 đô la thì tại sao tôi không cùng một lúc đặt một lệnh để cổ phiếu đó được bán ra khi nó giảm xuống thấp hơn 24 đô la?

Tôi quyết định sẽ đặt lệnh mua tự động ở những giá xác định cùng với một lệnh “chặn lỗ” tự động để đề phòng cổ phiếu giảm giá. Bằng cách này, tôi tính sẽ không bao giờ quá thua lỗ. Nếu cổ phiếu của tôi giảm xuống dưới một mức giá mà tôi nghĩ chúng có thể sẽ giảm, tôi sẽ không sở hữu chúng nữa. Nhưng rất nhiều lần khi tôi “dừng cuộc chơi” chỉ vì một điểm, thì cổ phiếu tăng giá trở lại ngay sau đó. Tôi nhận ra điều này không quá quan trọng khi muốn tránh thua lỗ lớn. Tôi có thể mua lại cổ phiếu đó với giá cao hơn.

Sau đó, tôi tiến hành bước thứ hai không kém phần quan trọng.

Tôi biết rằng một nửa số quyết định của tôi là đúng. Tôi cũng hiểu tại sao mình khánh kiệt và có thể phá sản. Nếu tôi đầu tư khoảng 10.000 đô la vào một cổ phiếu thường, thì tôi mất xấp xỉ 125 đô la tiền phí môi giới mỗi lần tôi mua và 125 đô nữa cho mỗi lần bán.

Với 250 đô la một giao dịch (mua + bán), tôi chỉ cần 40 lần như thế tôi đã mất đi số vốn của mình cho dù tôi có giao dịch thành công. Tôi có thể phá sản vì phí môi giới. Những “con chuột” môi giới có thể gặm nhấm ở mỗi giao dịch và cuối cùng ăn hết toàn bộ số tiền:

Mua 500 cổ phiếu ở giá 20 đô la

TRẢ (gồm cả phí môi giới)          10.125,00 đô la

Bán 500 cổ phiếu ở giá 20 đô la

NHẬN (trừ đi phí môi giới)       9.875,00 đô la

                                       LỖ      250.00 đô la

40 giao dịch với giá 250 đô la = 10.000 đô la

Chỉ có một câu trả duy nhất: lợi nhuận phải lớn hơn khoản phí môi giới.

Tôi đã học được rằng khó khăn nhất là không được bán một cổ phiếu đang lên giá quá nhanh. Tôi luôn bán quá nhanh vì tôi là một kẻ nhát gan. Khi tôi mua một cổ phiếu ở giá 25 đô la, nếu nó tăng đến 30 đô la, tôi lo lắng cổ phiếu sẽ giảm giá đến mức tôi bán nó ngay. Tôi biết điều nên làm nhưng lúc nào tôi cũng làm ngược lại.

Tôi quyết định khi nào chưa rèn được dũng cảm trong những tình huống đó, tôi nên áp dụng phương pháp khác. Đó là vừa giữ cổ phiếu đang tăng giá đó vừa phải liên tục tăng ngưỡng của lệnh “chặn lỗ”. Tôi sẽ giữ một ngưỡng an toàn để sự biến động nhẹ của giá cổ phiếu sẽ không thể chạm đến nó được. Tuy nhiên, nếu cổ phiếu thực sự đổi hướng và bắt đầu giảm, tôi phải bán hết ngay lập tức. Với cách này, thị trường sẽ chỉ có thể lấy đi một phần rất nhỏ lợi nhuận của tôi.

Làm sao biết được khi nào nên bán để thu lợi?

Tôi thừa nhận mình không có khả năng bán ở giá cao nhất. Bất kỳ ai mà tự nhận mình luôn làm được điều đó đều là nói dối. Nếu tôi bán khi cổ phiếu đang tăng, điều đó chỉ hoàn toàn là suy đoán, vì tôi không thể biết cổ phiếu còn tăng đến bao giờ. Sự suy đoán này cũng không dễ hơn là dự đoán buổi hòa nhạc “Người đàn bà đẹp của tôi” sẽ kết thúc sau 200 màn trình diễn. Bạn cũng có thể đoán nó sẽ dừng sau 300 hay 400 màn trình diễn. Tại sao nó lại không dừng ở bất kỳ một con số nào trong những số đó. Vì ông đạo diễn có ấm đầu thì mới hủy bỏ buổi biểu diễn khi thấy rạp chật ních người mỗi tối. Chỉ đến lúc bắt đầu thấy những ghế trống, ông mới ngừng biểu diễn.

Tôi sẽ thật ngu xuẩn nếu bán một cổ phiếu khi nó vẫn tiếp tục tăng giá. Vậy khi nào sẽ bán? Tại sao lại hỏi thế, chính là lúc những chiếc hộp bắt đầu chuyển động ngược lại! Lệnh chặn lỗ mà tôi điều chỉnh khi cổ phiếu tăng giá sẽ tự động làm nhiệm vụ này.

Sau khi đưa ra các quyết định này, tôi ngồi và định nghĩa lại những mục tiêu của mình với thị trường chứng khoán:

1. Đúng chứng khoán

2. Đúng thời gian

3. Thua lỗ nhỏ

4. Lợi nhuận lớn

Tôi kiểm tra lại vũ khí của mình:

1. Giá cả và lưu lượng

2. Lý thuyết chiếc hộp

3. Lệnh mua tự động

4. Lệnh bán chặn lỗ

Theo chiến thuật cơ bản của mình, tôi quyết định sẽ luôn luôn làm thế này: Tôi chỉ chạy theo những xu hướng đang lên, kéo theo bảo hiểm là lệnh dừng – mất phía sau. Khi xu hướng đó vẫn tiếp tục, tôi sẽ mua thêm. Còn khi xu hướng đó đổi chiều? Tôi sẽ chạy thật nhanh như một kẻ trộm.

Tôi nhận ra có nhiều trở ngại và có rất nhiều công trình nghiên cứu qui luật diễn biến cổ phiếu. Tôi cho rằng tôi đã quyết định đúng trong một nửa số lần. Nhưng dù sao tôi cũng nhìn thấy sai lầm của tôi rõ ràng hơn bất kỳ lúc nào. Tôi biết rằng phải áp dụng một quan điểm cứng rắn, không cảm tính với cổ phiếu. Tôi không được có cảm tình với cổ phiếu khi chúng tăng giá và không được phép tức giận khi chúng giảm giá. Không có những cổ phiếu tốt hay xấu mà chỉ có cổ phiếu đang tăng hay giảm giá. Tôi nên giữ những cổ phiếu đang tăng và bán những cổ phiếu đang giảm.

Để làm được điều này, tôi phải điều khiển được toàn bộ cảm xúc của mình: Sự sợ hãi, hy vọng và tham lam. Điều này thật khó. Tôi hiểu phải tự rèn luyện rất nhiều, nhưng tôi có cảm giác mình mình đang đi đúng hướng.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com