menu
Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 1. Thời gian ở Canada

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 1. Thời gian ở Canada

News Trading

News Trading
Like
1120 View

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? Hộp Darvas Nicolas Chương 1. Thời gian ở Canada

Đó là tháng 11 năm 1952. Khi tôi đang biểu diễn trong hộp đêm “Latin Quarter” thuộc khu Manhattan của New York, thì người quản lý gọi điện. Ông nhận được lời mời tôi và bạn múa của tôi, Julia, đến diễn ở hộp đêm Toronto. Hai anh em trai sinh đôi Al và Harry Smith là chủ hộp đêm này và họ đã có một đề xuất rất bất thường với tôi: thanh toán thù lao cho tôi bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Trong nghề diễn, tôi từng có những trải nghiệm lạ lùng, và đây lại là một trải nghiệm mới lạ nữa.

Tôi hỏi kỹ hơn về việc này và được biết, họ đang chuẩn bị trả cho tôi 6.000 cổ phiếu của một công ty tên là BRILUND. Đây là một nhà máy khai khoáng của Canada mà Al và Harry tham gia sở hữu. Thời gian đó cổ phiếu này có giá 50 xu một cổ phiếu.

Tất cả những gì tôi biết về cổ phiếu là giá của nó thường dao động lên. Vì thế, tôi đề nghị anh em nhà Smith, nếu giá cổ phiếu xuống thấp hơn 50 xu, họ sẽ thanh toán cho tôi phần chênh lệch. Họ đồng ý với yêu cầu này trong thời hạn sáu tháng.

Do có một sự cố ngẫu nhiên, nên tôi không thể hoàn thành hợp đồng. Vì thấy ái ngại nên tôi đề nghị mua số cổ phiếu đó. Tôi gửi anh em Smith một tấm séc trị giá 3.000 đô la và nhận lại 6.000 cổ phiếu của BRILUND.

Tôi không nghĩ gì về chuyện đó nữa cho đến hai tháng sau, tôi tình cờ liếc nhìn giá của cổ phiếu BRILUND trên báo. Tôi đứng bật dậy từ ghế của mình. Cổ phiếu BRILUND trị giá 50 xu trước đây của tôi giờ đang được định giá 1,90 đô la. Tôi bán chúng ngay lập tức và kiếm được khoản tiền lãi gần 8.000 đô la.

Đầu tiên. tôi không tin đó là sự thật. Với tôi, nó như một phép thuật. Tôi thấy mình giống như một người lần đầu tiên tham gia cuộc đua và có may mắn của người mới bắt đầu. Nhận được tiền từ chiến thắng, anh ta chỉ đơn giản tự hỏi: “Điều này sẽ còn kéo dài bao lâu nữa?”.

Tôi chợt nhận ra mình đã bỏ lỡ một cơ hội tốt trong cuộc đời. Tôi quyết tâm tham gia vào thị trường chứng khoán. Tôi chưa từng do dự về quyết định này, nhưng quả thực tôi còn biết quá ít về lĩnh vực cực kỳ xa lạ: chứng khoán.

Tôi hoàn toàn không biết một chút gì. Thậm chí, tôi còn không biết đến sự tồn tại của thị trường chứng khoán ở New York. Tất cả những gì tôi biết là những cổ phiếu của Canada, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty khai khoáng. Vì chúng đã đem lại lợi nhuận lớn cho tôi, nên điều khôn ngoan mà tôi cần làm là tiếp tục đầu tư vào chúng.

Nhưng tôi nên bắt đầu thế nào? Làm thế nào để tìm được những cổ phiếu nên mua? Bạn không thể chọn chúng một cách ngẫu hứng. Bạn cần có thông tin. Đó là vấn đề nan giải đối với tôi: làm thế nào để có thông tin? Tôi nhận thấy điều này là không thể với một người bình thường. Sau đó, tôi lại nghĩ cần phải hỏi mọi người để khám phá ra những bí mật lớn. Tôi nghĩ nếu cố gắng, tôi có thể làm quen với những người am hiểu. Vì thế, tôi hỏi tất cả mọi người tôi gặp để tìm hiểu xem họ có biết thông tin gì về thị trường chứng khoán không. Làm việc trong các hộp đêm, tôi được gặp nhiều người giàu có. Những người giàu có chắc chắn sẽ biết.

Thế nên, tôi hỏi họ. Câu hỏi thường trực của tôi là: “Ông có biết cổ phiếu nào tốt không?” Thật lạ, dường như ai cũng biết một cổ phiếu nào đó. Điều đó thật đáng ngạc nhiên. Rõ ràng, tôi là người Mỹ duy nhất không có thông tin riêng nào về thị trường chứng khoán. Tôi háo hức lắng nghe những gì họ nói và tuyệt đối tin tưởng làm theo họ. Tôi mua những cổ phiếu mà mọi người khuyên nên mua. Tôi mất nhiều thời gian mới nhận ra đây là phương pháp không bao giờ hiệu quả.

Tôi là một mẫu người lạc quan. Tôi đã mua cổ phiếu của những công ty mà tôi thậm chí không thể đánh vần nổi tên chúng. Tôi cũng chẳng biết họ kinh doanh gì và ở đâu. Chắc không có một người mua cổ phiếu nào lại ngờ nghệch và thiếu hiểu biết như tôi hồi đó.

Đầu năm 1953, tôi biểu diễn ở Toronto. Vì vận may bất thường đầu tiên 8.000 đô la của tôi với cổ phiếu BRILUND, nên tôi luôn cho rằng, Canada chính là một mảnh đất tài chính màu mỡ. Vì thế, tôi nhận định rằng đây chính là một nơi tốt để tìm kiếm những “mách bảo hiệu quả”. Tôi hỏi một vài người xem họ có biết một nhà môi giới nào tốt, đáng tin cậy không, và cuối cùng tôi cũng được giới thiệu một người.

Tôi đã bất ngờ và cảm thấy thất vọng khi tìm được văn phòng của ông. Đó là một căn phòng nhỏ, nhếch nhác giống như một phòng giam, chứa đầy sách và trên tường chằng chịt biểu bảng. Sau này, tôi biết chúng là “biểu đồ”. Ở đây, không có nhiều dấu hiệu của sự thành công và hiệu quả. Ngồi sau bàn là một người vóc dáng nhỏ bé, đang nghiền ngẫm các con số và sách vở. Khi tôi hỏi liệu ông có biết cổ phiếu nào tốt không, ông đã đáp lời ngay lập tức.

Ông mỉm cười và lôi từ trong túi ra một tấm séc có trả cổ tức và có in tên của một công ty vàng nổi tiếng, KERR-ADDISON.

Ông đứng dậy và nói: “Anh bạn của tôi, hãy nhìn cái này đi. Tấm séc có trả cổ tức đó đáng giá gấp năm lần số tiền mà cha tôi phải trả cho cổ phiếu gốc. Đó là loại cổ phiếu mà tất cả mọi người đều tìm kiếm”.

Cổ tức được trả gấp năm lần giá của cổ phiếu gốc! Điều này hấp dẫn tôi như hấp dẫn bất kỳ một người nào khác. Cổ tức đang trả là 80 xu nên cha ông đã chỉ phải trả 16 xu cho cổ phiếu đó. Điều đó xem ra rất tuyệt vời với tôi. Tôi không nhận ra rằng phải giữ cổ phiếu trong suốt 35 năm để có được khoản cổ tức này.

Người đàn ông nhỏ bé đó mô tả cách ông tìm những loại cổ phiếu kiểu đó trong nhiều năm nay. Từ thành công của cha mình, ông cho rằng cổ phiếu tốt phải nằm trong những mỏ vàng. Cuối cùng ông ta cũng tìm được nó. Đó là cổ phiếu EASTERN MALARTIC. Sau khi nghiên cứu số liệu sản xuất, bản kê giá và thông tin tài chính, ông quả quyết công ty vàng này sẽ tăng gấp đôi khả năng hiện tại, vì thế 5 đô la đầu tư vào cổ phiếu sẽ nhanh chóng trở thành 10 đô la.

Trước nguồn thông tin uyên bác này, tôi lập tức mua 1.000 cổ phiếu EASTERN MALARTIC với giá 290 xu. Cổ phiếu này nhanh chóng giảm xuống 270 xu, sau đó tiếp tục giảm xuống 260 xu, vì vậy tôi lo lắng theo dõi. Chỉ trong vòng vài tuần, nó giảm xuống chỉ còn 241 xu, và tôi tức tốc bán hết. Tôi kết luận rằng nhà môi giới vốn tính thận trọng và có tư duy số học này không biết làm thế nào để tạo ra một vận may.

Mọi thứ cứ tiếp tục thôi miên tôi như thế. Tôi vẫn không dừng làm theo những mách bảo nhưng hiếm khi tôi lãi. Đôi khi, tôi cũng kiếm được một chút nhưng số tiền đó chưa đủ bù lỗ.

Tôi đúng là một kẻ học nghề, bởi tôi thậm chí không hề biết đến những thứ như phí môi giới và thuế chuyển đổi. Chẳng hạn, tôi mua cổ phiếu KAYRAND MINES vào tháng 1 năm 1953. Lúc đó, giá cổ phiếu của công ty này là 10 xu và tôi đã mua 10.000 cổ phiếu.

Tôi chăm chú theo dõi thị trường và ngày hôm sau, khi cổ phiếu KAYRAND tăng lên 11 xu một cổ phiếu thì tôi lập tức gọi điện cho nhà môi giới của mình và yêu cầu ông bán chúng. Tôi nghĩ mình đã kiếm được 100 đô la chỉ trong vòng 24 giờ. Tôi tin mình rất thông minh với cách kiếm nhanh như thế.

Khi tôi gặp lại và nói chuyện với nhà môi giới của mình, ông đã hỏi tôi: “Tại sao ông lại chấp nhận lỗ trong thương vụ đó?” – “Lỗ ư? Tôi đã kiếm được 100 đô la cơ mà”. Ông từ tốn giải thích cho tôi là phí môi giới mua 10.000 cổ phiếu là 50 đô la, phí môi giới bán 10.000 cổ phiếu ngày hôm sau là 50 đô la nữa. Thêm vào đó, tôi còn phải chịu thuế chuyển đổi sở hữu khi bán.

Cổ phiếu KAYRAND chỉ là một trong rất nhiều cổ phiếu mà tôi sở hữu lúc đó. Tôi còn có các cổ phiếu MOGUL MINES, CONSOLIDATED SUDBURY BASIN MINES, QUEBEC SMELTING, REXSPAR, JAYE EXPLORATION. Song, tôi không kiếm được một chút tiền nào từ chúng.

Tôi đã có một năm hạnh phúc với việc mua bán ở Canada như thế. Tôi tự thấy mình là một nhà kinh doanh thành công, một nhà buôn bán cổ phiếu lớn! Tôi cứ nhảy vào và nhảy ra khỏi thị trường như một con cào cào. Tôi rất hạnh phúc nếu tôi kiếm được hai điểm. Tôi thường sở hữu 25 đến 30 loại cổ phiếu tại một thời điểm, tất cả đều với số lượng nhỏ.

Tôi thường có cảm tình đặc biệt với một số loại cổ phiếu. Đôi khi vì chúng là cổ phiếu mà bạn bè tôi khuyên mua, đôi khi vì chúng là cổ phiếu tôi từng thu được lợi nhuận. Do đó, tôi thích những cổ phiếu này hơn những cổ phiếu khác và coi chúng như “những tài sản yêu thích”.

Tôi coi chúng thuộc sở hữu của riêng mình, giống như những thành viên trong gia đình. Tôi ngày đêm cầu nguyện cho chúng. Tôi kể về chúng như người cha kể về những đứa con mình. Tôi chẳng bận tâm khi không ai đánh giá cổ phiếu yêu quý của tôi cao hơn các cổ phiếu khác. Suy nghĩ này kéo dài cho đến một ngày tôi chợt nhận ra rằng những cổ phiếu yêu quý nhất của tôi lại đang gây ra cho tôi những tổn thất nặng nề nhất.

Chỉ trong vài tháng, bản báo cáo những giao dịch của tôi trông giống như một bản báo cáo mua bán của một trung tâm giao dịch chứng khoán nhỏ. Tôi cảm thấy mình đang kinh doanh tốt. Có vẻ như, tôi đang dẫn đầu. Nếu tôi nghiên cứu kỹ những giao dịch của mình thì có lẽ tôi không thể vui vẻ như thế. Có lẽ tôi đã nhận thức được rằng, giống như một người chơi cá cược, tôi đã bị tâng bốc và phấn chấn bởi những lợi nhuận nhỏ, và thường đơn giản hóa những thua lỗ. Tôi hoàn toàn phớt lờ sự thật rằng tôi đang giữ rất nhiều cổ phiếu có giá thấp hơn nhiều so với khi mua và chúng có vẻ đang dậm chân tại chỗ.

Đó là thời kỳ của những sự mạo hiểm khờ dại, ngu ngốc mà tôi không hề cố gắng tìm hiểu lí do về việc mua bán của mình. Tôi đã làm theo “linh cảm”. Tôi mua những cái tên mà Chúa gửi cho tôi, những lời đồn đại về việc tìm thấy các mỏ vàng và uranium, tất cả những điều mà ai đó đã bảo tôi. Khi liên tục thua lỗ, một khoản lợi nhuận nhỏ hiếm hoi lại đem đến cho tôi chút hy vọng, giống như một củ cà rốt trước mũi một con khỉ.

Cho đến một ngày, sau bảy tháng mua và bán, tôi quyết định xem xét lại quá trình kinh doanh của mình. Tôi phát hiện ra, mình đã mất gần 3.000 đô la.

Cũng chính trong ngày hôm đó, tôi bắt đầu nhận thức được rằng cách kiếm tiền của mình có gì đó chưa đúng. Một con người bên trong bắt đầu thì thầm với tôi rằng, thực ra tôi chẳng hiểu tí gì về những việc mình đang làm.

Tôi đã bắt đầu như thế đấy. Tôi thề với bản thân rằng tôi sẽ không bao giờ động đến sồ tiền gốc 3.000 đô la tôi đã trả cho cổ phiếu BRILUND, và tôi vẫn đang còn khoảng 5.000 đô la tiền lãi từ giao dịch này. Nhưng, nếu tiếp tục, tôi có thể giữ được nó trong bao lâu nữa?

Đây chỉ là một trang trích từ bản báo cáo lỗ – lãi của tôi. Nó cho thấy toàn cảnh một câu chuyện buồn về sự thất bại ở quy mô nhỏ.

CỔ PHIẾU OLD SMOKY GAS & OILS

Mua giá 19 xu

Bán giá 10 xu

CỔ PHIẾU KAYRAND MINES

Mua giá 12 xu

Bán giá 8 xu

CỔ PHIẾU REXPAR

Mua giá 130 xu

Bán giá 110 xu

CỔ PHIẾU QUEBEC SMELTING & REFINING

Mua giá 22 xu

Bán giá 14 xu

Bị ám ảnh bởi những thành công kiểu như “một củ cà rốt trước mũi khỉ”, tôi không biết rằng mỗi tuần tôi mất một trăm đô la.

Đó là khó khăn đầu tiên của tôi với thị trường chứng khoán. Trong sáu năm sau đó, tôi còn có vài lần thua lỗ nghiêm trọng khác, nhưng xét trên một phương diện nào đó. đây vẫn là lần tồi tệ nhất. Điều này còn tùy vào việc tôi có tiếp tục tham gia thị trường chứng khoán nữa hay không.

Tôi quyết định ở lại và tiếp tục thử sức.

Vấn đề là tôi phải làm gì tiếp theo. Chắc chắn phải có một cách nào khác. Nhưng tôi có thể chứng minh được điều đó hay không? Sự thật cho thấy là tôi đã sai khi nghe theo khách hàng ở hộp đêm, những đầu bếp, những người trung gian. Họ cũng chỉ là những người học nghề như tôi. Họ chẳng biết gì hơn tôi, song họ lại tự tin đưa ra lời khuyên của mình.

Tôi chăm chú đọc từng trang báo cáo mà nhà môi giới gửi cho tôi: Mua 90 xu, bán 82 … Mua 65 xu, bán 48 …

Ai sẽ giúp tôi khám phá những bí mật của thị trường chứng khoán? Tôi bắt đầu đọc các bản tin tài chính và bảng yết giá cổ phiếu Canada. Tôi theo dõi tỉ mỉ hơn những bản tin tư vấn với những lời khuyên về cổ phiếu trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Toronto.

Tôi quyết định cần có sự giúp đỡ của những chuyên gia. Vì thế, tôi đăng ký dịch vụ cung cấp thông tin tư vấn tài chính. Tôi cho rằng chính các chuyên gia đã phân tích thông tin và tư vấn trên các bản tin. Tôi nên làm theo những lời khuyên mang tính chuyên nghiệp này và từ bỏ việc mua cổ phiếu dựa vào những chỉ dẫn vớ vẩn của người lạ hoặc của những kẻ học đòi kinh doanh chứng khoán. Nếu làm theo những chỉ dẫn có kỹ năng và có óc xét đoán của họ, chắc chắn tôi sẽ thành công.

Có những công ty tư vấn tài chính khuyến khích đặt mua tạp chí của họ bằng cách bán bốn ấn bản thử nghiệm đầu tiên chỉ với 1 đô la. Bạn có thể thử nghiệm trước khi quyết định mua tư vấn.

Tôi quyết định bỏ ra 12 đô la đặt mua bản thử nghiệm này và háo hức đọc những ấn bản họ gửi tới.

Ở New York, có những công ty tư vấn tài chính danh tiếng nhưng những ấn bản của Canada tôi mua thực ra chỉ dành cho những nhà kinh doanh dễ bị mắc lừa mà thôi. Làm thế nào tôi nhận biết được điều đó? Những bản tư vấn tài chính này làm tôi hài lòng và phấn khích.

Chúng đơn giản hóa những suy đoán về thị trường chứng khoán và khiến mọi thứ nghe có vẻ rất nhanh và dễ dàng.

Chúng thường xuất hiện với những tiêu đề lớn:

“Mua cổ phiếu này ngay trước khi quá muộn!”.

“Hãy mua hết khả năng có thể!”.

“Nếu nhà môi giới khuyên bạn không nên mua nó, hãy từ bỏ nhà môi giới đó đi!”.

“Cổ phiếu này mang lại lợi nhuận 100%, hoặc hơn thế!”.

Những điều này nghe giống như những thông tin thật và nóng bỏng. Chúng đáng tin cậy hơn rất nhiều so với những chỉ dẫn vớ vẩn trong một nhà hàng.

Tôi đọc ngấu nghiến những ấn bản này. Chúng thường mang tính rộng lượng và tình cảm anh em. Một trong số những ấn bản đó nói:

“Lần đầu tiên trong lịch sử tài chính Canada, các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ có cơ hội tuyệt vời để trở thành cổ đông với giá ưu đãi như những người sáng lập công ty vì một tương lai phát triển sáng lạn mới.

“Những nhà tài phiệt của Phố Wall đang cố thâu tóm toàn bộ cổ phiếu của công ty chúng tôi. Song, với truyền thống đạo đức, chúng tôi chỉ quan tâm đến sự tham gia của những nhà đầu tư có vốn khiêm tốn. Những người như các bạn…”.

Đó chính là tôi! Họ hiểu chính xác vị trí của tôi. Tôi đúng là một anh chàng nhỏ bé đáng thương khi luôn bị những nhà tài phiệt của Phố Wall đẩy vòng quanh. Đúng ra, tôi chỉ nên thương tiếc cho sự ngu dốt của chính mình.

Tôi vội vàng chạy đến chiếc điện thoại để đặt lệnh mua những cổ phiếu mà họ khuyên. Chúng giảm giá liên tục. Tôi thực sự không thể hiểu nhưng vẫn không mảy may lo lắng. Họ chắc chắn phải biết họ nói gì chứ. Cổ phiếu tiếp theo sẽ tăng giá. Song, điều đó hiếm khi xảy ra.

Tôi đã đối mặt với một trong những cạm bẫy lớn của những nhà kinh doanh nhỏ: Đó là khi nào nên bước vào thị trường. Những đợt giảm đột ngột ngay sau khi nhà đầu tư bỏ tiền ra là một trong những thử thách khó khăn nhất cho những người mới đặt chân vào thị trường. Phải mất nhiều năm, tôi mới nhận ra khi những nhà môi giới tài chính khuyên bạn mua một cổ phiếu nào đó, thì trước đó, dựa vào nguồn tin nội bộ họ đã bán chúng ra từ lâu.

Như vậy, khi nhà môi giới rút tiền ra thì những nhà đầu tư nhỏ thiếu kinh nghiệm lại nhảy vào. Họ là người cuối cùng mong muốn hưởng lợi nhiều nhất nhưng lại được hưởng lợi ít nhất. Số tiền của họ quá nhỏ để nâng giá cổ phiếu ở mức tụt điểm lớn, sau khi các chuyên gia rút ra.

Tại thời điểm đó, tôi hoàn toàn không hiểu vì sao cổ phiếu của tôi lại giảm giá. Tôi cứ nghĩ đó là do tôi không may. Nhưng giờ thì tôi hiểu, trong mọi trường hợp, tôi đã bị sắp đặt vào những giai đoạn như thế và mất tất cả những gì mình có.

Khi đầu tư 100 đô la, ngay lập tức tôi mất 20 đến 30 đô la. Tuy nhiên, quả thật, cũng có một vài cổ phiếu lên giá khiến tôi vui vẻ.

Thậm chí khi đến New York, tôi vẫn gọi điện đặt lệnh cho các nhà môi giới ở Toronto.

Tôi làm thế vì tôi không biết mình có thể giao dịch với thị trường chứng khoán Canada qua nhà môi giới ở New York. Những nhà môi giới ở Toronto thường gọi điện chỉ dẫn tôi và tôi luôn mua những cổ phiếu mà họ hoặc các công ty tư vấn tài chính Canada gợi ý. Giống như một nhà đầu tư nhỏ lúc thắng lúc thua, tôi coi mọi thua lỗ của mình chỉ là do thiếu may mắn. Tôi tin chắc một ngày nào đó tôi sẽ gặp may. Không phải lúc nào, tôi cũng sai – nói một cách nào đó thì được trải nghiệm vẫn tốt hơn là không. Thỉnh thoảng, tôi cũng đã kiếm được vài trăm đô la. Nhưng, đó đều là do ngẫu nhiên.

Đây là một ví dụ. Một hôm, khi đang lướt qua bảng chứng khoán Canada, tôi để ý đến cổ phiếu tên là CALDER BOUSQUET. Tôi không biết cổ phiếu đó là gì và công ty này sản xuất cái gì. Nhưng đó là một cái tên đẹp. Tôi thích nó, vì thế tôi mua 5.000 cổ phiếu với giá 18 xu, hết 900 đô la.

Sau đó, tôi phải bay đến Madrid để tham gia một vũ hội. Một tháng sau, khi tôi quay lại, tôi mở báo và tìm cái tên CALDER. Cổ phiếu đã lên đến 36 xu, gấp đôi giá tôi đã mua. Tôi bán và kiếm được 900 đô la. Đó là một vận may ngẫu nhiên.

Đó là một may mắn “kép” vì cổ phiếu đó lên giá không vì một lý do xác đáng nào. Nếu tôi không đi biểu diễn ở Tây Ban Nha, rất có thể tôi đã bán khi chúng tăng đến 22 xu.

Đó là một giai đoạn lạ lùng và điên khùng nhưng nó đã đi vào dĩ vãng. Lúc đó tôi thấy mình thực sự trở thành một nhà kinh doanh chứng khoán lỗi lạc. Tôi tự hào vì tôi đang làm việc dựa những kỹ năng được đào tạo bài bản hơn, chứ không như trước đây chỉ dựa vào những thông tin có từ những đầu bếp và những thông tin nghe lỏm từ phòng thay đồ. Các nhà môi giới Canada và tư vấn tài chính vẫn khuyên tôi. Tôi ngày càng chìm sâu vào xã hội của những nhà kinh doanh tìm kiếm giàu có trong những bữa tiệc cocktail. Những người đó nói với tôi về các công ty dầu mỏ và khả năng chúng đang chuẩn bị đạt đến đỉnh điểm của sự giàu có. Họ thì thầm về những nơi có uranium ở Alaska. Họ khẳng định về sự phát triển mạnh mẽ ở Quebec. Tất cả những điều này đảm bảo sẽ mang đến những vận may lớn, chỉ cần bạn có thể bước vào thị trường chứng khoán ngay lúc này. Tôi đã làm thế nhưng chẳng thu được chút lợi lộc nào.

Cuối năm 1953, tôi trở lại New York. Mười một nghìn đô la ban đầu giờ chỉ còn 5.800 đô la. Một lần nữa, tôi phải xem lại mình. Những chỉ dẫn của các chuyên gia không mang lại giàu có nhanh như họ đã hứa. Các công ty tư vấn tài chính cũng không thể mang đến những thông tin cho phép bạn kiếm tiền trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu của họ có xu hướng giảm hơn là tăng. Trên các tờ báo ở New York, không có giá cổ phiếu của Canada, nhưng vì đam mê chứng khoán nên tôi đọc cột tin tài chính trên các tờ báo như tờ Thời báo New York, tờ New York Herald Tribune, và Tạp chí Phố Wall. Tôi không mua bất kỳ cổ phiếu nào niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, nhưng tôi vẫn nhớ tên của một vài cổ phiếu và một vài cụm từ khó hiểu như “giao dịch ngoài” (mua bán không qua sở giao dịch chứng khoán).

Càng đọc, tôi càng thấy hứng thú với thị trường New York. Tôi quyết định bán tất cả cổ phiếu Canada của mình, trừ cổ phiếu OLD SMOKY GAS & OILS vì theo lời khuyên của một người bạn, công ty này có hy vọng phát triển mạnh. Như mọi lần, không có bước phát triển lớn nào xảy ra, và sau năm tháng ở New York, tôi quyết định từ bỏ cuộc chiến không cân sức này. Tôi bán những cổ phiếu Canada cuối cùng, những cổ phiếu mà tôi mua với giá 19 xu rồi chỉ bán với giá 10 xu. Cùng lúc đó tôi bắt đầu lo ngại không biết việc “săn bắt” trong “khu rừng” lớn hơn và gần nhà hơn – Sàn Giao dịch Chứng khoán New York có dễ dàng hay không. Tôi gọi điện cho một người bạn, người đại diện cho đoàn kịch Eddie Elkort của New York, và hỏi anh ấy có biết nhà môi giới chứng khoán New York nào không. Anh ấy đưa cho tôi một cái tên, Lou Keller.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com