menu
Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 2.  Đặt chân vào Phố Wall

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 2. Đặt chân vào Phố Wall

News Trading

News Trading
Like
1194 View

Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 2. Đặt chân vào Phố Wall

Tôi gọi cho Lou Keller, nói cho ông biết tôi là ai và muốn gì. Hôm sau, Keller gửi tôi một số giấy tờ để ký và báo cho tôi biết, ngay sau khi hoàn trả lại các giấy tờ và trả tiền đặt cọc, tôi sẽ có tài khoản tại công ty môi giới của ông. Có một điều gì đó đã xảy ra với tôi khi nhận được thông báo đó. Tôi đột nhiên bắt đầu cảm thấy mình đang trở thành một phần của bối cảnh tài chính lúc bấy giờ. Tôi không thể mô tả Phố Wall vì chưa từng đặt chân tới đó, nhưng chỉ cái tên của nó thôi cũng đã có một sức hấp dẫn bí ẩn đối với tôi.

Tại đây, mọi thứ đang trở nên nghiêm túc và khác biệt. Lúc này, tôi coi thời gian thử thách vận may của mình khi còn ở Canada chỉ hoàn toàn là một trò đánh bạc điên khùng mà sẽ không bao giờ, tôi lặp lại.

Khi tìm hiểu những thông báo giá của thị trường chứng khoán trên các tờ báo New York, tôi thấy mình dường như đang bước vào một giai đoạn mới, thành công của cuộc đời. Nó không giống như thị trường Canada liều lĩnh với những thông tin rỉ tai về việc khám phá ra mỏ vàng hay mỏ Uranium. Đó là công việc làm ăn đáng tin cậy, một con phố hội tụ các chủ tịch ngân hàng và các nhà công nghiệp lớn. Tôi chuẩn bị bước vào đó với lòng tôn kính thực sự.

Tôi dự định tiếp cận thị trường chứng khoán với một sự chuẩn bị chu đáo và kỹ càng hơn nhiều. Tôi kiểm lại toàn bộ tài sản để tính xem mình có bao nhiêu cho đầu tư. Tôi đã bắt đầu ở thị trường Canada với 11.000 đô la – gồm 3.000 đô la vốn đầu tư gốc tại cổ phiếu của BRILUND và 8.000 đô la tiền lãi. Sau 14 tháng kinh doanh ở Canada, số tiền này đã giảm đi 5.200 đô la. Tất cả tôi còn lại từ BRILUND là 5.800 đô la.

Số tiền này dường như không đủ để giúp tôi tiếp cận với Phố Wall, vì thế tôi quyết định sẽ đầu tư thêm. Tôi nâng số tiền sẽ kinh doanh lên thành 10.000 đô la nhờ tiền tiết kiệm từ các buổi diễn. Đó là một con số đẹp tròn trĩnh, và tôi đặt cọc số tiền này ở công ty môi giới.

Và một ngày, tôi quyết định bắt đầu kinh doanh. Tôi gọi điện cho Lou Keller với một thái độ lãnh đạm, tôi cố tỏ ra là một tay đầu cơ tài chính có kinh nghiệm, tôi chỉ đơn giản hỏi ông cổ phiếu nào tốt.

Bây giờ tôi nhận ra rằng loại câu hỏi này phù hợp hơn với một kẻ bán thịt lợn, nhưng Keller đã đáp ứng câu hỏi của tôi. Keller gợi ý một vài cổ phiếu mà ông cho rằng “an toàn”. Ông cũng đưa ra những lý do cơ bản để giải thích vì sao những cổ phiếu này được coi là “an toàn”. Vì không hiểu, tôi chăm chú lắng nghe những lời giải thích về sự tăng lợi tức, chia tách cổ phiếu, và tăng lợi nhuận. Bây giờ tôi hiểu những gợi ý và giải thích của Keller chính là những lời khuyên mang tính chuyên gia có giá trị nhất. Con người đó đã kiếm sống ở Phố Wall, hẳn nhiên ông biết rõ mọi thứ. Tuy nhiên, ông chỉ “gợi ý”. Ông nhấn mạnh rằng các quyết định là “tùy ở tôi”. Điều này làm tôi cảm thấy mình quan trọng và được nắm quyền chủ động.

Khi một hoặc hai cổ phiếu Keller đưa ra tăng một vài điểm, tôi không một chút nghi ngờ về tính đúng đắn của thông tin mà mình đang nhận được cũng như về tố chất bẩm sinh của ông. Điều tôi không biết là thực ra tôi đang ở giữa một thị trường chứng khoán đầu cơ đang lên giá mạnh nhất mà thế giới từng chứng kiến và thật dễ để kiếm lợi nhuận, trừ khi bạn là người cực kỳ thiếu may mắn.

Đây là ba vụ làm ăn điển hình mà tôi liên tục đạt được đầu năm 1954 – những thương vụ này đã làm tôi tin rằng mình là người có khả năng trời phú với Phố Wall. Các số liệu trong bảng này cũng như tất cả các bảng sau của cuốn sách đều được tôi tính cả tiền hoa hồng và thuế.

200 CỔ PHIẾU COLUMBIA PICTURES

Mua: 20 đô la (4.050,00 đô la)

Bán: 22,875 đô la (4.513,42 đô la)

Lợi nhuận: 463,42 đô la

200 CỔ PHIẾU NORTH AMERICAN AVIATION

Mua: 24,25 đô la (4.904,26 đô la)

Bán: 26,875 đô la (5.309,89 đô la)

Lợi nhuận: 405,63 đô la

100 CỔ PHIẾU KIMBERLY-CLARK

Mua: 53,5 đô la (5.390,35 đô la)

Bán: 59 đô la (5.854,68 đô la)

Lợi nhuận: 464,33 đô la

Tổng lợi nhuận: 1.333,38 đô la

Mỗi giao dịch mang lại cho tôi hơn 400 đô la. Đó không phải là một số tiền lớn, nhưng tôi đã kiếm được tổng của cả ba vụ giao dịch 1.333,38 đô la chỉ trong vài tuần.

Cảm giác mình đang làm ăn có lãi tại Phố Wall, cộng với một sự kính sợ tự nhiên con phố này, tạo cho tôi cảm giác hạnh phúc ngây ngô. Tôi tưởng mình như đang rũ bỏ dần cái vị thế nghiệp dư ở Canada và trở thành người trong cuộc. Tôi không hề nhận ra phương pháp của tôi không tiến triển gì. Tôi chỉ dùng những từ hoa mỹ hơn để che đậy nó. Ví dụ, thay vì coi lời khuyên của nhà môi giới là những chỉ dẫn mang tính chất quyết định trong việc mua bán chứng khoán, tôi coi đó chỉ là những “thông tin”. Tôi cũng cho rằng mình đã từ bỏ thói quen nghe theo chỉ dẫn, thay vào đó là tiếp nhận những thông tin chính xác dựa trên các bằng chứng kinh tế đúng đắn.

Sau đó, mọi chuyện vẫn tiếp tục “xuôi chèo mát mái”. Đây là một vài giao dịch trong tháng 4 và 5 của năm 1954:

Lợi nhuận, lợi nhuận, và lợi nhuận. Sự tự tin của tôi đã lên đến đỉnh điểm. Đây rõ ràng không phải là đất nước Canada. Tại đây, mọi thứ tôi chạm vào đều biến thành vàng. Cuối tháng 5, số vốn ban đầu 10.000 đô la của tôi đã tăng thành 14.600 đô la. Những lần thua lỗ thi thoảng xảy ra cũng không làm tôi mấy bận tâm. Tôi xem chúng như những sự trì hoãn nhẹ nhàng và không thể tránh khỏi trên con đường tiến tới sự giàu có. Như vậy, khi thành công, tôi lại ca tụng bản thân còn khi thua lỗ, tôi thường đổ lỗi cho nhà môi giới.

Tôi vẫn tiếp tục mua bán cổ phiếu. Có hôm tôi gọi điện cho nhà môi giới tới 20 lần/ngày. Nếu mỗi ngày không tiến hành ít nhất một giao dịch, tôi thấy mình không làm tròn bổn phận với thị trường. Khi thấy một cổ phiếu mới lên sàn, tôi muốn sở hữu chúng ngay lập tức. Tôi tìm kiếm cổ phiếu mới như một đứa trẻ khao khát có những món đồ chơi lạ.

Những giao dịch mà tôi được tham gia ở Phố Wall vào tháng 7 năm 1954 sẽ cho thấy công sức tôi phải bỏ ra:

Lợi nhuận cuối cùng của tôi qua tất cả các giao dịch này là 1,89 đô la. Còn người duy nhất vui vẻ sau tất cả những giao dịch này không ai khác chính là nhà môi giới của tôi. Theo luật của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York, tổng số tiền hoa hồng của ông qua 10 giao dịch

này là 236,65 đô la. Thêm vào đó, lợi nhuận 1,89 đô la của tôi chưa tính đến số tiền tôi phải trả cho các cú điện thoại.

Tuy vậy, chỉ có duy nhất một điều thực sự làm tôi phiền lòng. Tôi không hiểu một nửa số từ mà nhà môi giới của tôi dùng để nói về thị trường chứng khoán. Tôi không muốn lộ ra sự ngu dốt của mình, vì thế tôi quyết định tìm hiểu những vấn đề này. Không chỉ đọc những mục thông tin tài chính trên các báo ra hằng ngày của New York, tôi bắt đầu đọc thêm sách về thị trường chứng khoán để có thể tự tin nói chuyện ngang tầm với nhà môi giới của mình.

Dần dần, tôi quen với một chuỗi các từ mới và luôn cố gắng sử dụng chúng liên tục. Tôi bị thu hút bởi những từ như lợi nhuận, cổ tức, vốn hóa. Tôi đã học được rằng “lợi nhuận mỗi cổ phiếu” là “tổng lãi của công ty chia cho tổng số cổ phiếu hiện có của công ty đó” và rằng “cổ phiếu niêm yết” là “những cổ phiếu được định giá trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và Sàn Giao dịch Chứng khoán Mỹ”.

Tôi tìm hiểu định nghĩa về cổ phiếu, trái phiếu, tài sản, lợi nhuận, và phần trăm lợi tức.

Có quá nhiều thứ để đọc, bởi vì có hàng trăm cuốn sách được xuất bản, viết về thị trường chứng khoán. Sách viết về thị trường chứng khoán còn nhiều hơn lượng sách viết về các đề tài văn hóa.

Tại thời điểm này, tôi đọc những cuốn sách như:

Với vốn từ mới và kiến thức chứng khoán rộng hơn, tham vọng của tôi càng lớn hơn. Tôi thấy đã đến lúc mình tìm một vận may BRILUND khác. Ở đâu đó sẽ phải có một cổ phiếu tăng giá tốt như BRILUND, tôi gọi đó “cổ phiếu giá rẻ”.

Tôi bắt đầu đăng ký các tư vấn thị trường chứng khoán của Moody’s, Fitch, và Standard & Poor’s. Họ cung cấp cho tôi những thông tin mà theo tôi là rất tuyệt vời trừ một điều là tôi chẳng hiểu chúng một chút nào.

Có một vài đoạn như thế này:

“Mức tiêu dùng của khách hàng có triển vọng tăng mạnh, cộng với sự tiến bộ trong hiệu quả sản xuất, tạo nền tảng cho những lợi nhuận tương đối tốt và sự tăng trưởng cổ tức của những công ty này. Chúng tôi mong rằng sự bất tuân các quy luật liên tục sẽ chỉ diễn ra nhất thời dưới một cái vỏ mà trong đó thị hiếu thị trường mới sẽ phổ biến”.

Họ rất đàng hoàng, ấn tượng. Họ nói cho tôi mọi thứ tôi muốn biết, trừ một điều họ không thể nói được là cổ phiếu nào sẽ tăng giá giống như cổ phiếu của BRILUND.

Càng đọc, tôi càng thấy tò mò. Tôi muốn xem những nhà cung cấp dịch vụ khác đang nói gì. Tôi cũng biết chỉ với 1 đô la, tôi sẽ được dùng thử những bản tin tư vấn trong vòng bốn tuần. Do đó, tôi đăng ký thử gần hết các dịch vụ của các công ty được quảng cáo.

Tôi thu thập các bài báo từ mọi nơi, từ những tờ nhật báo, cột tin tài chính, bìa sách. Hễ thấy công ty nào có dịch vụ tài chính mới là tôi đặt ngay 1 đô la vào hòm thư.

Khi nhận được bản tin tư vấn, tôi ngạc nhiên khi thấy chúng thường mâu thuẫn. Nhiều cổ phiếu được một công ty tư vấn khuyên mua vào thì lại được một công ty khác khuyên bán ra . Tôi thấy những gợi ý cũng mập mờ. Họ sử dụng những thuật ngữ khó hiểu và không giải thích như là “Mua ngược” hay “Mua khi thị trường đóng băng”.

Tôi quá đề cao tất cả những điều này và tôi đọc chúng say sưa, hy vọng sẽ tháo gỡ được bí mật của loại cổ phiếu chỉ có thể tăng giá.

Một ngày có một công ty tư vấn – công ty này tự hào về việc chỉ cung cấp ấn phẩm từ năm đến sáu lần một năm – xuất bản một ấn phẩm rất bóng bẩy, gần như một quyển sách hoàn chỉnh nghiên cứu cổ phiếu của EMERSON RADIO. Nó so sánh công ty này với một công ty tên là R.C.A và thể hiện quan điểm thiên về EMERSON RADIO. Nó đi sâu phân tích vốn hoá, doanh thu, lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế, lợi nhuận trên một cổ phiếu, tỉ số giá trên lợi nhuận của cổ phiếu EMERSON.

Tôi không hiểu tất cả những điều này, nhưng tôi rất ấn tượng bởi những từ mang tính uyên bác và những so sánh, phân tích rất khoa học. Họ khẳng định cổ phiếu của EMERSON hiện đang được bán ở mức giá khoảng 12 đô la, đáng lẽ phải đáng giá 30 đến 35 đô la nếu so sánh với giá của R.C.A. tại thời điểm đó.

Như một phản xạ, tôi mua cổ phiếu của EMERSON. Tôi đã trả 12,5 đô la, một cái giá mà dường như vẫn còn thấp hơn nhiều cho một cổ phiếu mà quyển sách bóng loáng kia đã khẳng định với tôi là đáng giá tới cả 35 đô la. Điều gì đã xảy ra? Loại cổ phiếu không thể thất bại này bắt đầu giảm giá mạnh. Bối rối, bất ngờ, tôi bán chúng.

Bây giờ, tôi chắn rằng những nhà phân tích thực thụ của Phố Wall, những người đã chuẩn bị cuốn sách bóng bẩy này, không có gì ngoài những khái niệm dữ dội nhất, nhưng tôi phải thông báo một điều chỉ để khẳng định một sự thật là đến cuối năm 1956, cổ phiếu này giảm xuống chỉ còn 5,75 đô la.

Cũng khoảng thời gian đó, tôi nghe một câu nói đã được truyền khẩu qua nhiều thế hệ ở Phố Wall, nhưng với tôi thì nó còn mới, rằng: “Bạn không thể bị phá sản từ những cố gắng đạt lợi nhuận”. Tôi thực sự bị ấn tượng bởi câu nói này và tôi quyết tâm đưa câu nói đó thành sự thực. Và đây là cách tôi đã thực hiện.

Một trong những cổ phiếu dẫn đầu thị trường hồi đầu tháng 2 năm 1955 là cổ phiếu của KAISER ALUMINUM. Theo lời khuyên từ nhà môi giới, tôi mua 100 cổ phiếu với giá 63,375 đô la và trả tổng cộng 6.378,84 đô la cho số cổ phiếu. Cổ phiếu này tăng nhanh, và tôi bán khi ở giá 75 đô la. Tôi nhận được 7.453,29 đô la và thu về 1.074,45 đô la lợi nhuận chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.

Hy vọng về một lợi nhuận nhanh khác, tôi chuyển sang mua 100 cổ phiếu của BOEING với giá 83 đô la. Tôi trả 8.343,30 đô la cho số cổ phiếu này. Cổ phiếu này gần như bắt đầu giảm ngay lập tức. Bốn ngày sau, tôi bán với giá 79,875 để nhận về 7.940,05 đô la. Tôi lỗ 403,25

đô la qua giao dịch này.

Cố gắng gỡ lại, tôi mua cổ phiếu của MAGMA COPPER trong tuần đầu tiên của tháng 4. Nó đang được bán với giá 89,75 đô la. Tôi đã trả 9.018,98 đô la cho 100 cổ phiếu. Ấy vậy mà ngay sau khi tôi mua, cổ phiếu bắt đầu giảm giá. Hai tuần sau đó tôi đã bán chúng với giá 80,5 đô la để nhận lại 8.002,18 đô la. Tôi lỗ 1.016,80 đô la.

Cùng thời gian này, cổ phiếu của KAISER ALUMINUM, cổ phiếu mà tôi đã bán đi trong tuần đầu tiên của tháng 3, lại tăng đến 82 đô la. Một công ty tư vấn khuyên tôi nên mua, nên tôi đã quay lại mua 100 cổ phiếu với giá đó. Tôi trả 8.243,20 đô la.

Năm phút sau đó, nó bắt đầu giảm. Vì không muốn phải chấp nhận thêm rủi ro mất mát nữa, tôi bán với giá 81,75 đô la và nhận lại 8.127,59 đô la. Điều này có nghĩa là chỉ trong vòng năm phút mua bán tôi đã mất 115,61 đô la, tính cả tiền phí môi giới.

Ở thương vụ KAISER đầu tiên, tôi đã kiếm được một lợi nhuận là 1.074,45 đô la. Tổng thua lỗ do việc bán ra và mua vào những cổ phiếu khác là 1.535,66 đô la. Như vậy, sau vòng giao dịch bắt đầu với KAISER và kết thúc cũng với KAISER, tôi đã làm mất 461,21 đô la.

Đây là một trường hợp khác. Từ tháng 11 năm 1954 đến tháng 3 năm 1955, tôi luôn mua vào rồi lại bán ra một cổ phiếu tên là RAYONIER. Chỉ trong vòng 18 tháng, cổ phiếu này đã tăng từ xấp xỉ 50 đô la đến 100 đô la. Đây là những giao dịch của tôi với RAYONIER, với 100 cổ phiếu ở thời điểm đó:

Tổng lợi nhuận tôi đã kiếm được qua một chuỗi những giao dịch mua bán này là 1.238,12 đô la. Nhưng sau đó cái mô hình thua lỗ cũ đã tự nó lặp lại. Tháng 4 năm 1955, tôi chuyển sang mua cổ phiếu của MANATI SUGAR. Tôi mua 1.000 cổ phiếu với giá 8.75 đô la và trả 8.508,80 đô la cho số cổ phiếu đó. Ngay khi tôi mua xong nó bắt đầu giảm và tôi đã bán ra ở nhiều giá khác nhau như 7,75; 7,625; và 7,5. Tôi đã nhận lại toàn bộ 7.465,70 đô la, và mất 1.043,10 đô la. Như vậy số lợi nhuận mà tôi còn lại là 195,02 đô la sau những giao dịch với cổ phiếu của RAYONIER và MANATI.

Tuy nhiên, nếu như tôi đã giữ vụ mua hồi tháng 11 với cổ phiếu của RAYONIER mà không liên tục nỗ lực tìm kiếm một lợi nhuận khác, và tôi bán chúng vào tháng 4 với giá 80 đô la, tôi đã thu về một lợi nhuận là 2.612,48 đô la, thay vì chỉ có 195,02 đô la.

Tất cả những điều này phủ định câu nói: “Bạn không thể bị phá sản từ những cố gắng đạt lợi nhuận”. Nhưng lúc ấy tôi không nhận ra điều này

Thị trường chứng khoán theo cách nói đơn giản dễ hiểu của tôi là nơi: “Mua rẻ, bán đắt”. Nhưng tôi có thể mua những cổ phiếu rẻ ở đâu? Trong khi đi tìm một chỗ tiến hành thương lượng, tôi khám phá ra thị trường OTC, đó là thị trường của những cổ phiếu không niêm yết. Tôi biết rằng để được niêm yết và giao dịch trên các sàn giao dịch chứng khoán, một công ty phải tuân theo những quy định tài chính rất nghiêm ngặt. Những điều này không áp dụng với những chứng khoán giao dịch OTC.

Vì thế, với tôi, thị trường này là một nơi hoàn hảo để có được những thương lượng. Tôi ngờ nghệch tin rằng những cổ phiếu không niêm yết sẽ có ít người biết và tôi sẽ mua chúng với giá rẻ. Tôi vội vàng đăng ký Tạp chí Thị trường giao dịch OTC và bắt đầu tìm kiếm.

Tôi háo hức tìm trong số hàng nghìn những cái tên mà có thể tiến hành thương lượng. Tôi mua những cổ phiếu như cổ phiếu của PACIFIC AIRMOTIVE, COLLINS RADIO, GULF SULPHUR, DOMAN HELICOTER, KENNAMETAL, TEKOIL CORPORATION và một vài cổ phiếu ít tiếng tăm khác. Điều mà tôi không biết là khi tôi đi bán những cổ phiếu này, một vài cổ phiếu đã mắc kẹt ở tay tôi như nhựa đường vậy. Tôi rất khó để bán chúng đi và hiếm khi bán được với giá đã mua. Tại sao ư? Bởi vì những chứng khoán này không có một luật lệ khắt khe về giá cả như đối với những chứng khoán được niêm yết; không có những chuyên gia và các nhà chuyên môn để đảm bảo cho thị trường liên tục và trật tự; không có báo cáo để ai đó có thể xem được những giao dịch đang diễn ra. Tất cả chỉ có giá “Chào mua” và giá “Chào bán”. Tôi phát hiện thấy những giá này cách biệt nhau rất xa. Khi tôi muốn bán ở giá 42 đô la, giá này gọi là giá “Chào bán”, tôi chỉ tìm được một người mua ở giá 38 đô la, và giá này được gọi là giá “Chào mua”. Thỉnh thoảng tôi kết thúc được ở giá 40 đô la nhưng cũng không có gì là chắc chắn.

Khi tôi trượt chân vào thị trường giao dịch OTC, tôi không biết đến tất cả những điều này. Thật may mắn, tôi nhanh chóng nhận ra rằng đây là một lĩnh vực đặc biệt và chỉ sinh lời cho những chuyên gia, những người biết những điều gì đó về một công ty cụ thể. Tôi quyết định sẽ từ bỏ và hướng quay lại với những chứng khoán được niêm yết tại sở giao dịch.

Trong suốt thời gian này, tôi chưa từng một lần hỏi về tính xác thực của những tin đồn ở Phố Wall. Tôi không có cách nào để biết được rằng chúng cũng không có căn cứ và nguy hiểm như những tin đồn ở thị trường Canada hay bất kỳ thị trường nào khác.

Những điều mà tôi tin là thông tin đúng đắn, được lan truyền trực tiếp từ Phố Wall, đã cuốn hút tôi mạnh mẽ. Đây là hai trường hợp điển hình cho thấy rõ loại thông tin mà tôi đã vội vàng tóm lấy và làm theo.

Một ngày có một tin đồn lan khắp thị trường rằng BALD-WIN-LIMA-HAMILTON, một công ty của một nhà sản xuất các thiết bị đường sắt, đã nhận được đơn hàng đóng một tàu nguyên tử. Phố Wall phản ứng lại thông tin ngay lập tức. Cổ phiếu của công ty này nhẩy vọt từ 12 đô la đến hơn 20 đô la. Khi tôi nghe được tin giật gân này thì cổ phiếu của nó đã tăng đến cái mức sau này trở thành mức đỉnh điểm. Tôi mua 200 cổ phiếu với giá 24,5 đô la. Số tiền phải trả cho thương vụ này là 4.954,50 đô la. Tôi giữ số cổ phiếu đó trong hai tuần và theo dõi nó với sự thiếu tin tưởng tuyệt đối khi nó từ từ trượt xuống giá 19,25 đô la. Sau đó, dù đã nhận ra rằng có điều gì đó không đúng, nhưng tôi vẫn phải bán chúng và chịu lỗ 1.160,38 đô la. Tuy nhiên, tôi vẫn làm được một điều tốt nhất có thể khi bản thân đang hoang mang. Tôi đã có thể phải hứng chịu một điều tồi tệ hơn rất nhiều với cổ phiếu đó, bởi sau này nó giảm xuống chỉ còn 12,25 đô la.

Một lần khác, nhà môi giới của tôi gọi điện cho tôi và nói với tôi rằng, “cổ phiếu của STERLING PRECISION sẽ đạt được tới giá 40 đô la trước cuối năm nay”. Cổ phiếu đó hiện đang được định giá 8 đô la. Ông đưa cho tôi một lý do: “Công ty này chuẩn bị mua lại rất nhiều công ty nhỏ đang làm ăn tốt khác và sẽ phát triển thành tập đoàn”. Ông còn nói thêm rằng đây là thông tin đầu tay.

Với tôi thế là đủ. Tại sao lại không nhỉ? Một nhà môi giới ở Phố Wall, người mà tôi nghĩ không thể sai, đã mang tới cho tôi một thông tin đích thực. Tôi không thể đặt lệnh mua của mình nhanh hơn thế. Tôi quyết định sẽ đánh lớn trận này. Tôi mua 1.000 cổ phiếu của STERLING PRECISION với giá 7,875 đô la một cổ phiếu, hết 8.023,10 đô la. Tôi khoan khoái chờ nó tăng đến 40 đô la. Chẳng những không tăng đến 40 đô la mà nó bắt đầu đi xuống. Nó đang trượt xuống từ từ. Khi cổ phiếu có vẻ muốn giảm xuống dưới 7 đô la, rõ ràng một điều gì đó không đúng đã xảy ra, vì thế tôi đã bán chúng với giá 7,125 đô la và nhận lại số tiền 6.967,45 đô la. Mẩu thông tin đó đã làm tôi mất 1.055,65 đô la chỉ trong vài ngày. Cổ phiếu này sau đó còn xuống tới 4,125 đô la.

Nhưng những mất mát này phần nhiều được bù đắp bởi cảm giác hãnh diện khi được là một phần của Phố Wall, vì thế tôi không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới. Một ngày, khi đang đọc tờ Tạp chí Phố Wall, tôi nhìn thấy một cột báo cáo những giao dịch chứng khoán do nhân viên và giám đốc của những công ty được niêm yết thực hiện. Khi xem xét nó kỹ hơn tôi phát hiện ra rằng, để tránh những thao túng, Ủy ban giao dịch chứng khoán yêu cầu tất cả các nhân viên và giám đốc của công ty phải báo cáo lại bất cứ khi nào họ mua hay bán cổ phiếu của chính công ty mình. Đó là một điều đáng để ý đây! Đây chính là cách để tôi biết những “người nội bộ” đang làm gì. Tất cả những gì tôi phải làm là làm theo họ. Nếu họ đang mua, tôi cũng mua. Nếu họ đang bán, tôi cũng sẽ bán.

Tôi thử cách tiếp cận này, nhưng nó không hiệu quả. Khi tôi biết được các giao dịch của những người trong công ty thì đã quá muộn. Bên cạnh đó, tôi thường phát hiện ra rằng những người nội bộ cũng chỉ là người. Giống như những nhà đầu tư khác, họ cũng thường mua quá muộn hoặc quá sớm. Tôi còn có một khám phá khác. Họ có thể hiểu biết tất cả về công ty của họ nhưng họ lại không biết về thái độ của thị trường trong đó cổ phiếu của họ được bán.

Tuy nhiên, qua nhiều trải nghiệm này, những kết luận nhất định cũng bắt đầu xuất hiện. Giống như một đứa trẻ bắt đầu học chữ cứ nghe đi nghe lại một số từ, qua kinh nghiệm kinh doanh tôi cũng đã dần dần nhận thức được những phác thảo của các quy tắc mà tôi có thể áp dụng. Chúng là:

1. Tôi không nên nghe theo các công tư vấn, dù ở Canada hay ở Phố Wall.

2. Tôi phải hết sức thận trọng với lời khuyên của những nhà môi giới. Họ vẫn có thể sai.

3. Tôi nên bỏ ngoài tai những câu nói được lưu truyền ở Phố Wall, dù nó cổ kính và đáng tôn trọng bao nhiêu đi nữa.

4. Tôi không nên mua bán ở thị trường OTC vì chỉ trong thị trường chứng khoán được niêm yết mới luôn luôn có người mua khi tôi muốn bán.

5. Tôi không nên nghe theo những lời đồn đại, không cần biết chúng có vẻ chắc chắn đến mức nào đi nữa.

6. Với tôi, hướng tiếp cận cơ bản hoạt động tốt hơn là mạo hiểm. Tôi nên nghiên cứu hướng tiếp cận này.

Tôi viết ra những quy tắc này cho bản thân mình và quyết tâm hành động theo chúng. Tôi xem lại bản kê khai của nhà môi giới và sau đó phát hiện ra một giao dịch đã đưa đến cho tôi quy tắc thứ bảy. Tôi phát hiện mình từng sở hữu một cổ phiếu mà không biết nó.

Đó là cổ phiếu của VIRGINIAN RAILWAY và tôi đã mua 100 cổ phiếu vào tháng 8 năm 1954 với giá 29,75 đô la với tổng chi phí là 3.004,88 đô la. Tôi đã mua và quên bẵng nó, đơn giản vì tôi quá bận rộn với những cuộc điện thoại bán ra, mua vào hàng tá cổ phiếu khác nhau .

VIRGINIA RAILWAY chưa bao giờ khiến tôi mệt mỏi, vì thế tôi để nó một mình. Nó giống như một đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi chơi ở một góc trong lúc tôi lo lắng và bực bội về những hành vi của một tá những đứa trẻ hư khác. Bây giờ, khi tôi đã nhìn thấy tên của nó – sau khi giữ nó 11 tháng trời – tôi khó mà nhận ra nó. Nó quá im ắng, nó đã hoàn toàn ra khỏi tâm trí tôi. Tôi vội vã chạy đến những bảng chứng khoán của mình. Nó đang đứng ở giá 43,5 đô la. Cổ phiếu vốn bị lãng quên, yên bình, và có trả cổ tức này đã tăng từ từ. Tôi bán nó và nhận được 4.308,56 đô la. Không cần một nỗ lực nào của bản thân, hay thậm chí một chút mệt mỏi, nó đã kiếm cho tôi 1.303,68 đô la. Nó cũng khiến tôi lờ mờ hiểu ra một điều vừa trở thành một nguyên tắc của tôi.

7. Tôi nên giữ một cổ phiếu đang lên trong một thời gian dài hơn là chạy theo một tá cổ phiếu trong một thời gian ngắn.

Nhưng cổ phiếu nào sẽ tăng? Làm thế nào để tự tôi tìm ra nó?

Tôi quyết định phân tích lại cổ phiếu của VIRGINIA RAILWAY. Điều gì đã gây ra sự tăng giá đáng kể của nó trong khi những cổ phiếu khác lại rớt xuống. Tôi hỏi nhà môi giới của tôi để biết thêm chi tiết. Ông bảo tôi là công ty này trả cổ tức cao và có lịch sử lợi nhuận tốt. Vị thế tài chính của nó thì xuất sắc. Bây giờ tôi đã biết lí do của sự tăng nhanh đó. Đó là một lí do có cơ sở. Nó thuyết phục tôi về sự đúng đắn của hướng tiếp cận cơ bản của mình.

Tôi cũng quyết tâm sẽ phát triển phương pháp này. Tôi đọc, học, phân tích. Tôi tiến hành một cách bài bản để tìm những cổ phiếu lý tưởng.

Tôi nghĩ tôi nghiên cứu kỹ những bản báo cáo của công ty, tôi có thể tìm ra mọi thông tin về một cổ phiếu và có thể quyết định đó có phải là một sự đầu tư tốt hay không. Tôi bắt đầu học mọi thứ về bảng cân đối và các nguồn lợi nhuận. Những từ như “tài sản”, “nợ”, “vốn hóa”… trở nên quen thuộc trong vốn từ vựng của tôi.

Trong nhiều tháng tôi đã giải quyết được những vấn đề này. Sau khi kết thúc công việc hằng ngày của mình, nhiều đêm tôi đã nghiền ngẫm hàng tiếng đồng hồ những bản kê khai của hàng trăm công ty. Tôi so sánh tài sản, nợ, tỉ số lãi ròng trên doanh thu, và tỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu của chúng.

Tôi lướt qua danh sách:

Những cổ phiếu có đánh giá chất lượng cao nhất

Những cổ phiếu mà các chuyên gia thích

Những cổ phiếu đang được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị

Những cổ phiếu có tình hình tiền mặt tốt

Những cổ phiếu luôn trả cổ tức

Tuy nhiên, quanh đi quẩn lại, tôi lại phải đối mặt với một vấn đề cũ. Khi mọi thứ nhìn có vẻ hoàn hảo trên giấy, khi bảng cân đối kế toán có vẻ đúng, những triển vọng sáng lạn, thì thị trường chứng khoán lại không bao giờ hoạt động tương ứng với những điều đó.

Ví dụ, sau khi nghiên cứu, so sánh cẩn thận vị thế tài chính của rất nhiều công ty dệt, tôi quyết định rằng bảng cân đối kế toán cho thấy cổ phiếu AMERICAN VISCOSE và STEVENS là những lựa chọn tốt nhất. Tôi hoang mang không hiểu tại sao một cổ phiếu khác tên là TEXTRON lại có giá cao trong khi hai lựa chọn của tôi thì không. Tôi tìm thấy những điều tương tự lặp lại trong những nhóm ngành khác.

Thất vọng và một chút lúng túng, tôi tự hỏi liệu tôi có nên khôn ngoan làm theo đánh giá của một chuyên gia có am hiểu sâu sắc hơn về những giá trị của một công ty không. Tôi hỏi nhà môi giới của tôi liệu có chuyên gia nào như thế không. Ông giới thiệu một công ty rất tin cậy, chuyên cung cấp những số liệu vô cùng quan trọng của vài ngàn cổ phiếu – bản chất công việc kinh doanh, ngưỡng giá của chúng cho tối thiểu hai mươi năm, sự trả cổ tức, cơ cấu tài chính và lợi nhuận trên một cổ phiếu hằng năm của chúng. Công ty này cũng sắp xếp thứ tự mỗi cổ phiếu theo mức độ tương ứng về tính an toàn và giá trị. Tôi háo hức muốn xem công ty này cung cấp thông tin gì.

Những cổ phiếu Thượng Hạng là cổ phiếu mà việc trả cổ tức tương đối chắc chắn, được xếp hạng:

AAA – An toàn nhất

AA – An toàn

A – Vững chắc

Những cổ phiếu Đáng Để Đầu Tư là cổ phiếu thường trả cổ tức:

BBB – Tốt nhất

BB – Tốt

B – Khá tốt

Những cổ phiếu hạng Thấp Hơn, hiện đang trả cổ tức nhưng tương lai thì không chắc:

CCC – Tốt nhất

 CC – Triển vọng cổ tức tương đối tốt

C – Triển vọng cổ tức yếu

Những cổ phiếu Hạng Thấp Nhất gồm

DDD – Không có triển vọng trả cổ tức

DD – Giá trị nhìn thấy thấp

D – Không có giá trị nhìn thấy

Tôi nghiên cứu tất cả những đánh giá này rất cẩn thận. Có vẻ như như rất đơn giản. Tôi không cần phải phân tích bảng cân đối kế toán và các nguồn thu của công ty nữa. Tất cả điều đó đều đã được giải thích rõ ở ngay đây, tôi chỉ cần so sánh: A tốt hơn B, C tốt hơn D.

Tôi đã hào hứng tiếp thu phương pháp mới này. Với tôi nó hấp dẫn hơn một ngành khoa học nhạt nhẽo. Tôi không còn bị điều khiển bởi tin đồn. Tôi đang trở thành một chuyên gia tài chính điềm tĩnh và khách quan.

Tôi tin chắc mình đang xây nền tảng cho sự phát triển của mình. Bây giờ tôi thấy mình là người có đủ trình độ và tự tin. Tôi không nghe ai và không xin ai lời khuyên. Tôi khẳng định mọi thứ mà tôi đã làm trước đây là thiếu trách nhiệm. Tất cả những gì tôi cần bây giờ nhiều thời gian để lập bảng so sánh cho riêng mình.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status