Tôi Đã Win 2 Triệu Đô Như Thế Nào? – Hộp Darvas Nicolas – Chương 9. Cuộc khủng hoảng thứ hai
Nửa triệu đô la mang đến cho tôi sự tự tin tột bậc. Tôi biết rất rõ làm thế nào để có được điều đó và tôi cũng tự thuyết phục mình sẽ lặp lại chiến công này. Tôi không nghi ngờ gì về khả năng sử dụng phương pháp của mình. Làm việc qua những bức điện tín, giác quan thứ Sáu của tôi ngày càng hoàn thiện. Tôi có thể “cảm nhận” những cổ phiếu của mình. Điều này giống như cảm giác của một nhà soạn nhạc. Tai của ông sẽ nhận ra một thanh bằng mà một người bình thường khó có thể nghe thấy được.
Tôi gần như biết được những cổ phiếu nào sẽ hoạt động tốt. Nếu như sau khi tăng 8 điểm, một cổ phiếu lại giảm 4 điểm, tôi cũng không hoảng hốt. Tôi chỉ hy vọng giá của nó ổn định hơn. Nếu một cổ phiếu trở nên vững chắc hơn, tôi có khả năng dự đoán ngày nó bắt đầu tăng giá. Đó là một sự huyền bí, một bản năng không thể giải thích được và tôi không hề thắc mắc về khả năng đó. Dường như, một sức mạnh ghê gớm đang bao trùm tôi.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi tôi tưởng mình chính là một Napoleon về tài chính. Tôi tưởng mình đang hành quân trên con đường trải hoa hồng. Tôi không đề phòng bất kỳ hiểm họa nào. Tôi không biết trên con đường này có một quái vật khổng lồ đang chờ tôi. Sau tất cả, tôi tự động viên mình một cách thiển cận và tự mãn: Liệu có bao nhiêu người có khả năng làm được như tôi?
Tôi quyết định tập trung vào kinh doanh. Nếu tôi đã kiếm được nửa triệu đô la, vậy điều gì cản trở tôi kiếm được hai triệu, ba hay thậm chí là năm triệu đô la? Mặc dù tỉ lệ đặt cọc yêu cầu vừa tăng lên mức 90%. Tôi thuyết phục bản thân dùng số tiền 160.000 đô la dành dụm được từ lợi nhuận của cổ phiếu BRUCE làm nền tảng để bắt đầu một vận may mới. Tôi bắt đầu ngay những thương vụ mới nghiêm túc.
Sự thật là khi túi tiền của tôi đầy hơn, thì trí tuệ của tôi lại vơi đi. Tôi trở nên quá tự tin, và đó là suy nghĩ nguy hiểm nhất mà bất kỳ ai chơi chứng khoán cũng sẽ gặp phải. Không lâu sau, tôi đã nhận được một bài học cay đắng cho quan điểm này
Sau vài ngày ở New York, tôi quyết định thiết lập mối quan hệ gần hơn với thị trường. Tôi sở hữu một hệ thống hết sức rõ ràng. Tôi tin rằng nếu tiến gần hơn vào thị trường, không gì có thể ngăn cản tôi tạo thêm của cải mỗi ngày. Vì viễn cảnh của những thành công sắp tới, tôi đã chọn văn phòng của một trong những nhà môi giới của tôi.
Trong chuyến thăm quan văn phòng đầu tiên, tôi đã bị cuốn hút. Phòng họp của Ban Giám đốc rất rộng, những chiếc ghế được đặt trước một cái máy báo giá cổ phiếu chạy liên tục. Không khí thật nhộn nhịp, dây điện nhằng nhịt. Những người ở trong phòng trông giống hệt như những kẻ bám theo trong trận Monte Carlo. Một không khí hối hả và ồn ào tràn ngập khắp nơi. Máy báo giá chạy rè rè, máy điện báo kêu lách cách, thư ký bận rộn chạy loanh quanh. Từ mọi hướng, tôi đều nghe thấy những câu như là: “GOODYEAR tôi thấy không tốt”. “Tôi đang thoát ra khỏi ANACONDA”. “Thị trường đang chín muồi để phản công”.
Ngày đầu tiên, tôi khá bình thản bởi không khí căng thẳng, náo động này. Nghĩ tới thành công, tôi cảm mình vượt qua mọi mệt mỏi, hy vọng và sợ hãi của những con người căng thẳng. Nhưng điều này không kéo dài được lâu. Khi hàng ngày trong phòng họp hội đồng quản trị, tôi dần từ bỏ suy xét độc lập và ra nhập với họ. Tôi lắng nghe vô số những sự thật và tin đồn. Tôi đọc những bài viết về thị trường. Tôi cũng bắt đầu trả lời các câu hỏi kiểu như “Bạn nghĩ thị trường hiện giờ ra sao?” hay “Bạn có biết cổ phiếu nào rẻ không?”. Tất cả những câu hỏi này khiến tôi tê liệt.
Chỉ trong vài ngày, tôi đã vứt bỏ những gì bản thân học được trong suốt sáu tháng qua. Tôi làm tất cả những điều chính mình không cho phép. Tôi nói chuyện với những nhà môi giới, lắng nghe tin đồn và không rời mắt khỏi những máy báo giá cổ phiếu.
Như có một con ma “làm giàu nhanh” nắm chặt lấy tôi Tôi hoàn toàn mất định hướng được xây dựng qua những bức điện tín. Từng bước tôi tự đưa mình đến con đường mòn và đánh mất kỹ năng của chính mình.
Đầu tiên, tôi từ bỏ giác quan thứ sáu. Tôi không “cảm nhận” được bất kỳ điều gì nữa. Những gì tôi thấy là một mớ hỗn độn giá cổ phiếu chạy lên chạy xuống không theo một nhịp điệu nào. Sau đó, tính độc lập của tôi cũng mất theo. Tôi dần áp dụng quan điểm của những người khác và đi theo đám đông. Lý trí đã rời bỏ tôi và thay vào đó là cảm tính bao trùm lấy tôi hoàn toàn.
Khi theo đám đông, tôi hành động giống họ. Thay vì là một con sói đơn độc, tôi trở thành một con cừu ngây ngô, bị kích động chạy vòng quanh với những con cừu khác, chờ bị nuốt chửng. Tôi không còn khả năng nói “không” nếu tất cả mọi người xung quanh tôi đang nói “có”. Tôi cũng hoảng sợ khi họ hoảng sợ. Tôi có hy vọng khi mà họ có hy vọng.
Điều này chưa bao giờ xảy ra với tôi, thậm chí cả trong những năm học việc đầu tiên. Tôi mất tất cả kỹ năng của mình. Tất cả mọi thứ tôi chạm vào đều trở thành sai.
Tôi xử sự như một kẻ không chuyên nghiệp. Một hệ thống tỉ mỉ mà tôi đã kỳ công xây dựng nên đang sụp đổ. Tất cả các giao dịch đều kết thúc thảm hại. Tôi đặt hàng chục những lệnh đối lập nhau. Tôi mua những cổ phiếu với giá 55 đô la. Rồi sau đó, chúng quay trở lại giá 51 đô la. Tôi chờ đợi. Lệnh chặn lỗ? Đó là thứ đầu tiên mà tôi vứt bỏ. Kiên nhẫn? Đánh giá? Tôi không có thứ nào. Những chiếc hộp? Tôi hoàn toàn quên chúng.
Khi những ngày tháng trôi qua, cái vòng luẩn quẩn các hoạt động mua bán chứng khoán của tôi bắt đầu trông như thế này:
Tôi đã tạo nên thất bại thảm hại đó. Thay vì chỉ trích chính mình, tôi lại nghĩ ra những lý do khác nhau nguỵ biện cho chúng. Tôi tin chắc là mình bị mua đắt rồi sau đó phải bán rẻ cổ phiếu. Tất nhiên, tôi không thể biết ai đã bán đắt, mua rẻ nhưng điều đó không ngăn cản tôi vứt bỏ niềm tin đó.
Cố chống lại những bóng ma đen đứng sau suy nghĩ này, tôi càng hấp tấp và trở nên bướng bỉnh. Thậm chí những cổ phiếu này đang “cắn” tôi, tôi chỉ lau vết máu và quay lại mua nhiều hơn. Tôi luôn tự nhủ rằng tôi đang có hơn nửa triệu đô la, vì thế điều tệ hại không thể xảy ra với tôi. Quả thực, tôi đã quá nhầm!
Tôi mất 100.000 đô la trong vài tuần. Một bản kê khai chi tiết những giao dịch của tôi giống như những ghi chép của kẻ mất trí. Đến giờ, tôi vẫn khó mà tin nổi điều đó. Đó là do thói tự cao tự đại dẫn đến ảo tưởng và tự mãn. Không phải thị trường mà là trực giác sai và những cảm xúc không thể kiềm chế được làm hại tôi.
Tôi mua cổ phiếu và bán chúng chỉ vài giờ sau đó. Tôi biết rằng nếu mua và bán cùng ngày, tôi chỉ cần đặt cọc 25% trong tài khoản. Thay vì tận dụng lợi thế, mỗi lần, tôi lại mất đi một vài nghìn đô la. Đây là cách mà tôi đã tránh cho bản thân khỏi thảm họa:
Sau cái bảng tổng kết này, tôi thường rùng mình mỗi khi nghĩ tới cổ phiếu.
Sự thật là tôi đã đọc quá nhiều, cố gắng làm quá nhiều. Tôi có thể đọc rất nhanh những con số trên bảng yết giá của thị trường chứng khoán nhưng chúng không còn nói lên điều gì nữa. Không lâu sau đó, tôi rơi vào giai đoạn tồi tệ hơn. Thường xuyên thua lỗ, hoảng sợ bởi những nhầm lẫn, bị cuốn theo những lời đồn đại, tôi hoàn toàn tê liệt, thậm chí còn không thể nhìn thấy những con số nữa. Khả năng gắn kết của tôi không còn. Tôi nhìn đăm đăm vào những cột số liệu nhưng lại không thể đánh giá được gì. Trí óc của tôi trở nên mụ mẫm. Tôi thấy mình giống như một người say mất đi “cảm giác” với thực tế và không thể hiểu tại sao lại như thế.
Sau đó, tôi bình tĩnh ngồi tự hỏi tại sao điều này lại xảy ra với mình. Tại sao tôi lại có “cảm giác” khi ở Hong Kong, Calcutta, Sài Gòn và Stockholm, nhưng lại đánh mất khi chỉ cách Phố Wall chưa đầy nửa dặm? Đâu là sự khác biệt?
Vấn đề này không dễ giải quyết. Và một ngày, khi đang ngồi trong Khách sạn Plaza, tôi chợt nhận ra một điều gì đó. Khi đang ở nước ngoài, tôi không ghé thăm các phòng giao dịch, không nói chuyện với ai, không nhận những cú điện thoại, không theo dõi những máy báo giá cổ phiếu.
Giải pháp đó đang hiện ra trước mắt tôi nhưng tôi không tin. Nó quá bất ngờ, quá đơn giản nên quá đặc biệt. Tôi không thể tin được rằng đôi tai đã phản bội tôi.
Khi đang du lịch ở nước ngoài, tôi có khả năng đánh giá thị trường, hoặc ít ra cũng là một vài cổ phiếu ổn định và trung lập, không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn hay tin đồn và hoàn toàn không có sự tham gia của cảm tính và cái tôi.
Tôi kinh doanh chỉ dựa trên nền tảng là những bức điện tín hằng ngày. Những bức điện tín đem đến cho tôi định hướng. Chúng chỉ cho tôi cách thức hoạt động của các cổ phiếu đang hoạt động. Khi đó, không hề có những tác động khác vì tôi không nhìn và không nghe bất kỳ điều gì khác.
Ở New York không giống như thế. Những tác động từ bên ngoài, tin đồn, sự hoảng loạn, thông tin đối lập nhau… đều chảy vào tai tôi. Kết quả, tôi lồng cảm tính vào cổ phiếu và hướng tiếp cận độc lập đã biến mất.
Tôi quyết định là chỉ có một câu trả lời. Đó là tôi phải cố gắng tìm lại bản thân. Tôi phải đi xa ngay lập tức, xa khỏi New York, trước khi tôi mất toàn bộ tiền của mình.
Nhưng tôi không bị sụp đổ hoàn toàn nhờ cổ phiếu UNIVERSAL CONTROLS và THIOKOL. Chúng vẫn đang hoạt động hiệu quả dù tôi bỏ mặc chúng. Tôi đã quá bận rộn nên không để ý đến chúng. Tôi đã mải mê mua bán những cổ phiếu khác, những cổ phiếu đã lấy tiền của tôi.
Tôi đánh giá lại tình hình và loại bỏ tất cả các cổ phiếu trừ hai cổ phiếu trên. Sau đó, tôi bay tới Paris. Trước đó, tôi yêu cầu các nhà môi giới không được gọi điện cho tôi hoặc gửi cho tôi bất kỳ thông tin nào. Cách liên lạc duy nhất mà tôi muốn là những bức điện tín hàng ngày.
Tôi lang thang quanh Paris, đầu vẫn đang quay tròn với những mục mờ ảo, vô nghĩa trên báo giá của thị trường. Những bức điện tín hàng ngày vẫn đến nhưng chúng không có nhiều ý nghĩa với tôi. Tôi hoàn toàn mất cảm giác. Tôi có cảm tưởng mình giống như một người vừa trải qua tai nạn khủng khiếp và có cảm giác sẽ không bao giờ bình phục trở lại. Tôi hoàn toàn nhụt chí.
Tôi ở Paris được hai tuần. Một ngày tôi nhận bức điện tín được gửi đến cho mình ở Khách sạn Georges V. Khi tôi chán nản lướt nhìn thì không biết vì lý do gì mà những con số dường như bớt mờ đi. Tôi không thể tin vào điều đó. Tôi đang nhìn chằm chằm vào chúng như thể tôi chưa từng nhìn thấy. Tôi sợ mình chỉ đang tưởng tượng ra mọi thứ mà thôi.
Tôi sốt ruột đợi bức điện của ngày hôm sau. Khi tôi nhận được, không còn nghi ngờ gì nữa: những con số đã rõ ràng hơn và quen thuộc hơn. Giống như một bức màn đã được dỡ bỏ, các hình ảnh bắt đầu xuất hiện trước mắt tôi, đem đến cho tôi một cái nhìn nào đó về tương lai của một cổ phiếu.
Những bức điện tín của tôi ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Tôi bắt đầu đọc báo giá giống như trước đây. Thêm nữa, tôi nhìn thấy trong số đó có một vài cổ phiếu mạnh hơn, một số khác yếu hơn. Đồng thời “cảm giác” của tôi bắt đầu trở lại. Dần dần, tôi bắt đầu lấy lại sự tự tin và dũng cảm để cố gắng tiếp cận lại thị trường.
Nhưng tôi đã học được bài học và quyết định biến nó thành một quy định cố định: Tôi không bao giờ được quay trở lại văn phòng môi giới nữa hay nghe điện thoại của các nhân viên môi giới. Tôi chỉ nhận những báo giá chứng khoán bằng điện tín thế thôi.
Thậm chí, nếu tôi quay trở lại khách sạn New York, hiện trường của những thương vụ thảm khốc của tôi, nơi chỉ nằm cách Phố Wall một chuyến taxi ngắn, thì quy định của tôi cũng không thay đổi. Tôi phải đặt mình cách xa Phố Wall hàng ngàn dặm. Hàng ngày, nhân viên môi giới phải gửi cho tôi một bức điện tín giống như thể tôi đang ở Hong Kong, Karachi hay Stockholm.
Thêm nữa, những nhà môi giới không bao giờ được báo giá những cổ phiếu khác cổ phiếu tôi yêu cầu. Họ không được nói với tôi về bất kỳ một cổ phiếu mới nào vì điều đó được liệt vào loại tin đồn. Tôi sẽ tự chọn những cổ phiếu mới khi đọc những ấn bản tài chính hàng tuần. Khi thấy một cổ phiếu đáng quan tâm và chuẩn bị tăng giá, tôi sẽ yêu cầu họ báo giá. Tôi sẽ chỉ yêu cầu một báo giá mới với mỗi thời điểm nhất định. Sau đó, tôi sẽ nghiên cứu nó cẩn thận trước khi quyết định liệu nó đáng để tìm hiểu tiếp hay không.
Giống như một người vừa thoát chết khỏi một vụ tai nạn máy bay và biết rằng mình phải bay lại ngay lập tức nếu không sẽ mất hết can đảm cho những lần sau, tôi biết mình phải làm gì ngay lúc này. Tôi đặt một chỗ trong chuyến bay quay lại New York.