menu
Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 3: Thuyết Phản Hồi

Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 3: Thuyết Phản Hồi

News Trading

News Trading
Like
9594 View

Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 3: Thuyết Phản Hồi


Một số độc giả có thể thấy chương này khó đọc. Những người chỉ quan tâm đến thị trường tài chính có thể bỏ qua chương này và quay lại sau khi đã thấy lời giải thích của tôi cho tình trạng hiện tại là thuyết phục. Từ quan điểm của tác giả, tôi vẫn thấy chương này là quan trọng – còn quan trọng hơn lời giải thích chính xác về khủng hoảng tài chính.


TÍNH CÓ THỂ SAI


Sau khi đã chỉ rõ tầm quan trọng của khung khái niệm của mình, giờ tôi có thể tập trung vào một số điểm phức tạp mà trong phần giới thiệu sơ lược tôi đã tạm giấu đi cho bớt rối. Tôi đã nhọc công với triết lý của mình trong nhiều năm. Tôi sẽ điểm lại một cách ngắn gọn những khó khăn đã gặp phải và tóm tắt lại những kết luận đã đạt được.


Tôi đã không làm rõ mối liên hệ giữa tính có thể sai và tính phản hồi. Con người ta là những kẻ tham dự chứ không phải chỉ là kẻ quan sát, và tri thức mà họ có thể thâu nhận được không đủ để dẫn dắt họ trong hành động. Họ không thể ra quyết định chỉ dựa trên tri thức. Đó là một điều kiện mà tôi đã mô tả bằng cụm từ “tính có thể sai”. Nếu không có tính này thì sẽ không có tính phản hồi: nếu người ta có thể ra quyết định dựa trên tri thức thì yếu tố không chắc chắn vốn là đặc điểm của những tình huống mang tính phản hồi sẽ bị mất đi; nhưng tính có thể sai lại không chỉ giới hạn ở những tình huống phản hồi. Nói cách khác, tính có thể sai là một điều kiện bao hàm hơn, còn tính phản hồi chỉ là một trường hợp đặc biệt.


Hiểu biết của người ta vốn dĩ là không hoàn hảo bởi vì họ là một phần của thực tại và một phần thì không thể hiểu trọn vẹn được cái tổng thể. Khi nói hiểu biết của chúng ta là không hoàn hảo, ý tôi là hiểu biết đó không trọn vẹn, và theo những cách không thể định nghĩa được chính xác, hiểu biết đó lại còn méo mó. Não người không thể nắm bắt được thực tại một cách trực tiếp mà chỉ có thể làm việc đó thông qua những thông tin mà nó rút ra được từ thực tại. Khả năng xử lý thông tin của não người là có giới hạn, trong khi lượng thông tin cần xử lý trên thực tế là vô hạn. Trí óc vì thế bắt buộc phải giảm lượng thông tin có sẵn xuống một tỉ lệ có thể xử lý được bằng nhiều kỹ thuật khác nhau: phép khái quát hóa, phép so sánh, ẩn dụ, thói quen, nghi thức, cùng các thông lệ khác. Những kỹ thuật này bóp méo các thông tin căn bản, nhưng lại sinh ra một thực tại phức tạp hơn nhiều của chính chúng, cùng với nhiệm vụ phải hiểu về thực tại ấy.


Để có được tri thức cần phải có một sự tách bạch giữa suy nghĩ và những đối tượng của suy nghĩ – tức các dữ kiện phải độc lập với những mệnh đề về chúng – và thực khó thiết lập được sự tách bạch này khi ta là một phần của cái mà ta đang tìm cách hiểu. Người ta phải đặt chính mình vào vị trí của một người quan sát tách biệt với thực tại. Trí óc con người đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong khi cố đạt tới vị trí ấy, nhưng rốt cuộc nó vẫn không thể vượt qua được thực tế rằng chính nó cũng là một phần của cái hoàn cảnh mà nó đang cố lĩnh hội.


Từ khi tôi bắt đầu khai triển khung khái niệm của mình từ hơn năm mươi năm trước, khoa học về nhận thức đã có những tiến bộ to lớn trong việc giải thích cách vận hành của bộ não con người. Tôi xin được dẫn ra vài nguyên lý của khoa học này vì chúng sẽ cung cấp một cái nhìn sâu sắc về tính có thể sai của chúng ta. Một nguyên lý cho rằng ý thức của con người là mới phát triển tương đối gần đây và vượt hẳn bộ não động vật. Một nguyên lý nữa cho rằng cảm xúc và lí trí là không thể tách rời. Những đặc tính này được phản ảnh trong ngôn ngữ chúng ta dùng. Nhiều ẩn dụ phổ biến nhất là có liên quan tới những chức năng căn bản về thị giác và vận động của động vật, và chúng mang một hàm ý về cảm xúc. Đi lên và tới trước là tốt, đi xuống và tụt lại là xấu; sáng và rõ là tốt, nhớp nháp và tối tăm là xấu. Ngôn ngữ thông thường cho ta một thế giới quan nhiều xúc cảm và không chính xác, nhưng nó lại có một năng lực đặc biệt trong việc nhận ra các đặc điểm cần thiết cho việc ra quyết định tức thì. Luận lý học và toán học tuy chính xác và khách quan hơn nhưng khi phải thích nghi với đời sống thì chỉ có công dụng hạn chế. Những ý tưởng được diễn tả bằng ngôn ngữ thông thường không đem lại được một miêu tả chính xác về thực tại nền tảng. Chúng làm tăng sự phức tạp của thực tại mà con người phải thích nghi cùng trong quá trình sống.


TÍNH PHẢN HỒI


Tôi đã phân tích mối quan hệ giữa tư duy và thực tại bằng cách giới thiệu hai chức năng nối chúng từ những hướng trái chiều. Bằng cách đó tôi đã đến được với khái niệm tính phản hồi.


Nhưng tôi đã gặp phải nhiều khó khăn to lớn trong lúc cố gắng định nghĩa và giải thích tính phản hồi. Tôi đã chỉ ra một sự khác biệt giữa tư duy và thực tại trong khi điều tôi muốn nói lại là: tư duy là một phần của thực tại. Tôi thấy mình đang nói về mối liên hệ hai chiều giữa diễn biến các sự kiện với tư duy của những người tham dự, như thế đã bỏ sót mối liên hệ hai chiều giữa tư duy của chính những người tham dự khác nhau. Để tính đến mối liên hệ này, tôi thấy mình bắt buộc phải tách bạch những khía cạnh khách quan và chủ quan của thực tại. Những khía cạnh khách quan là liên quan tới diễn biến các sự kiện, còn những khía cạnh chủ quan là liên quan tới tư duy của những người tham dự. Chỉ có một khía cạnh khách quan nhưng có bao nhiêu người tham dự là có bấy nhiêu khía cạnh chủ quan. Những mối liên hệ trực tiếp liên cá nhân giữa những người tham dự có lẽ mang tính phản hồi hơn so với sự tương tác giữa nhận thức với sự kiện, do các sự kiện phải mất nhiều thời gian hơn để bộc lộ.


Một khi đã phân biệt rõ những khía cạnh khách quan với chủ quan, chúng ta cũng phải phân biệt rõ những quá trình phản hồi với những mệnh đề phản hồi. Những mệnh đề phản hồi thuộc về lĩnh vực những quan hệ liên cá nhân trực tiếp, và những mối quan hệ này mang tính phản hồi cao hơn so với dòng chảy các sự kiện.


Hãy xem xét một mệnh đề về một khía cạnh khách quan: “Trời mưa.” Mệnh đề này có thể đúng có thể sai; nó không có tính phản hồi. Nhưng lấy một câu như: “Mày là kẻ thù của tao.” Mệnh đề này có thể đúng có thể sai tùy vào việc người nghe phản ứng với nó như thế nào. Đó là tính phản hồi. Những mệnh đề có tính phản hồi cũng giống như những mệnh đề có tính tự quy chiếu, nhưng tính không xác định lại không nằm trong ý nghĩa của chúng mà nằm trong ảnh hưởng do chúng gây ra. Có một mệnh đề tự quy chiếu nổi tiếng nhất là nghịch lý kẻ nói dối: “Người đảo Crete luôn nói dối,” do triết gia Epimenides người đảo Crete nói. Nếu mệnh đề này là đúng thì triết gia đảo Crete không nói dối, và do đó mệnh đề này lại 

là sai. Sự lập lờ nước đôi không liên quan gì tới tác động của mệnh đề trên. Ngược lại, trong câu “Mày là kẻ thù của tao” thì giá trị chân lý của mệnh đề tùy thuộc vào phản ứng của người nghe.


Đối với những quá trình phản hồi, tính bất định xuất hiện do sự thiếu tương ứng giữa các khía cạnh khách quan và chủ quan của một hoàn cảnh. Một hoàn cảnh có thể là phản hồi ngay cả khi các chức năng nhận thức và thao túng vận hành tiếp theo nhau chứ không đồng thời với nhau. Thế rồi tiến trình đó thay đổi trong một khoảng thời gian nhưng nó vẫn có thể được coi là phản hồi chừng nào mà cả tư duy của những người tham dự lẫn tình trạng thực tế của vấn đề đều không còn y nguyên như lúc bắt đầu, và những thay đổi xảy ra là kết quả của việc những người tham dự đã hiểu sai hay giải thích sai và như thế đã đưa một yếu tố bất định thực sự vào trong diễn biến các sự kiện. Điều này làm cho hoàn cảnh trở nên không thể dự đoán được trên cơ sở những định luật khoa học.


Tính phản hồi được minh chứng rõ nhất và nghiên cứu tốt nhất trong thị trường tài chính vì thị trường tài chính được coi là bị điều tiết bởi những định luật khoa học. Trong những lĩnh vực khác, khoa học ít được khai thác hơn. Ngay cả trong thị trường tài chính, những quá trình có thể chứng minh được là có tính phản hồi cũng chỉ diễn ra không thường xuyên. Ngày này qua ngày khác, các thị trường dường như tuân thủ những quy tắc thống kê, nhưng thỉnh thoảng những quy tắc này bị phá vỡ. Do đó chúng ta có thể phân biệt rõ giữa những sự kiện hàng ngày, nhàm chán và tiên đoán được với những quá trình phản hồi không tiên đoán được – những quá trình loại này có ý nghĩa vô cùng lớn vì chúng làm thay đổi chu trình lịch sử. Suy nghĩ này khiến tôi lập luận rằng những diễn biến lịch sử được phân biệt với những sự kiện hàng ngày chính là nhờ tính phản hồi của chúng. Nhưng lập luận này sai. Có nhiều sự kiện lịch sử, thí dụ như động đất, lại không hề mang tính phản hồi. Việc tách bạch giữa phản hồi với nhàm chán hàng ngày thành ra có tính lặp thừa: theo định nghĩa, những diễn biến có tính phản hồi sẽ thay đổi cả những khía cạnh khách quan lẫn những khía cạnh chủ quan của thực tại.


Khái niệm về tính phản hồi về mức độ nào đó đã bị vứt bỏ khi khoa học nhận thức và ngành nghiên cứu ngôn ngữ đã đạt được nhiều tiến bộ. Tính phản hồi chỉ phân biệt hai chức năng: chức năng nhận thức và chức năng thao túng. Đây là một sự phân loại khá thô sơ so với những phân tích chi tiết về các chức năng não và ngôn ngữ đã được đưa ra trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khái niệm đó vẫn không bị mất đi tính xác đáng của nó. Nó chỉ ra một sự méo mó trong cách mà các triết gia và khoa học gia nhìn thế giới. Mối quan tâm hàng đầu của họ là chức năng nhận thức; vì chức năng thao túng can thiệp tới sự vận hành đúng đắn của nhận thức, nên họ thường có khuynh hướng lờ nó đi hoặc cố tình loại nó ra khi xem xét. Lý thuyết kinh tế là thí dụ hay nhất. Thuyết cạnh tranh hoàn hảo được xây dựng trên giả định về tri thức hoàn hảo. Khi giả định này được chứng minh là không thể đứng vững, các nhà kinh tế học liền thực hiện tiếp những cú vặn vẹo còn công phu hơn hầu bảo vệ cái đồn lũy mà họ đã dựng nên chống lại những tác động hiểm ác của tính phản hồi. Đó là cách mà giả định về tri thức hoàn hảo đã biến hình thành thuyết kỳ vọng duy lý – tức một thế giới ảo vọng không giống với thực tế. Trong chương sau ta sẽ bàn về điều đó nhiều hơn.


NGUYÊN LÝ BẤT ĐỊNH CỦA CON NGƯỜI


Nét đặc biệt của tính phản hồi là nó đưa một yếu tố không chắc chắn vào tư duy của người tham dự và một yếu tố bất định vào hoàn cảnh mà họ tham dự. Tính phản hồi có điểm gì đó giống với nguyên lý bất định của Werner Heisenberg trong vật lý lượng tử nhưng lại có một sự khác biệt quan trọng: vật lý lượng tử giải quyết những hiện tượng không có người tham dự biết tư duy. Phát hiện của Heisenberg về nguyên lý bất định không làm thay đổi mảy may hành vi của các phân tử hay các sóng lượng tử, nhưng nhận thức về tính phản hồi có thể làm thay đổi hành vi của con người. Do đó, sự bất định đi kèm với tính phản hồi đã ảnh hưởng tới không chỉ những người tham dự mà cả những nhà khoa học xã hội đang tìm cách thiết lập những luật có giá trị phổ quát chi phối hành vi con người. Yếu tố bất định thêm vào này có thể được mô tả là nguyên lý bất định của con người, và nó làm cho nhiệm vụ của các ngành khoa học xã hội thêm phức tạp.


SAI LẦM THỜI KHAI SÁNG


Hầu hết những khó khăn tôi gặp phải trong lúc tranh luận về tính phản hồi đều là do tôi phải dùng thứ ngôn ngữ không công nhận sự tồn tại của nó. Tôi cố chỉ ra một mối liên hệ hai chiều liên thông giữa tư duy của những người tham dự với hoàn cảnh mà họ tham dự, nhưng truyền thống trí tuệ phương Tây cố hết sức để tách tư duy ra khỏi thực tại. Chính nỗ lực này đã tạo ra các cặp phạm trù, như giữa tinh thần với thể xác, giữa mô thức lý tưởng kiểu Plato với những hiện tượng quan sát được, giữa những ý tưởng tinh thần với những điều kiện vật chất, giữa mệnh đề với dữ kiện. Sự phân biệt mà tôi từng đưa ra giữa những khía cạnh khách quan và chủ quan của thực tại cũng rơi vào cùng một loại cặp phạm trù như thế.


Có thể hiểu được vì sao tồn tại những cặp phạm trù đó: mục tiêu của chức năng nhận thức là tạo ra tri thức. Tri thức đòi hỏi phải có những mệnh đề tương xứng với các dữ kiện. Để thiết lập được sự tương xứng này, các mệnh đề và các dữ kiện phải được đối xử như những phạm trù tách biệt. Do đó việc theo đuổi tri thức sẽ dẫn đến sự tách rời tư duy với thực tại. Tính hai mặt này bắt nguồn từ triết học Hy Lạp và đã thống trị thế giới quan của chúng ta trong suốt thời Khai sáng.


Các triết gia thời Khai sáng đặt niềm tin của mình vào lý tính: họ coi thực tại như một thứ gì đó tách rời và độc lập với lý tính, và họ trông chờ lý tính mang lại một bức tranh chính xác và đầy đủ về thực tại. Lý tính được cho là phải hoạt động như một cái đèn pha tìm kiếm, rọi sáng một thực tại nằm sẵn đó thụ động chờ được khám phá. Người ta không quan tâm đến khả năng những quyết định của các tác nhân duy lý có thể ảnh hưởng tới hoàn cảnh, do việc đó có thể can thiệp tới sự tách bạch giữa tư tưởng với đối tượng của những tư tưởng ấy. Nói cách khác, thời Khai sáng không công nhận tính phản hồi. Nó kiến tạo một thế giới tưởng tượng, nơi chức năng thao túng không thể can thiệp với chức năng nhận thức. Quả thực là nó đã hoàn toàn không thừa nhận chức năng thao túng. Nó cho rằng mục đích duy nhất của tư duy là theo đuổi tri thức. “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại,” René Descartes nói. Descartes đã rời bỏ triết thuyết của Aristotle bằng việc chỉ tập trung vào lý tính lý thuyết, phủ nhận cái mà Aristotle gọi là lý tính thực hành và tôi gọi là chức năng thao túng. Điều này đưa tới một cái nhìn méo mó về thực tại nhưng là một cái nhìn thích hợp với cái thời đại khi nó hình thành.


Vào thời Khai sáng, nhân loại có tương đối ít tri thức về các năng lực tự nhiên hay khả năng chế ngự các năng lực đó, nhưng phương pháp khoa học lại đưa ra hứa hẹn vô biên vì nó đã bắt đầu tạo ra những thành quả đáng kể. Rất thích hợp khi nghĩ rằng thực tại nằm sẵn ngoài kia chỉ trông đợi để được khám phá. Vào thế kỷ thứ 18 thì ngay cả trái đất cũng chưa được khám phá trọn vẹn. Thu thập dữ kiện và thiết lập một mối quan hệ giữa những dữ kiện ấy là việc được tưởng thưởng xứng đáng. Tri thức lúc đấy được thu thập theo vô vàn cách và từ vô vàn hướng khác nhau đến nỗi các khả năng dường như là vô hạn. Lý tính quét sạch hàng bao thế kỷ mê tín và tạo ra một cảm thức hân hoan về tiến bộ.


Thời Khai sáng, như người ta hiểu, không thừa nhận một giới hạn nào trong việc thu nhập tri thức. Sau khi đã định ra chỉ có duy nhất một mối liên hệ một chiều giữa tư duy và thực tại, nó coi thực tại như một thứ có sẵn một cách độc lập có thể được hiểu đầy đủ bằng cách đưa ra những mệnh đề tương xứng với các dữ kiện. Quan điểm này, mà Popper gọi là tính duy lý toàn diện, đã đạt tới đỉnh điểm của nó bằng chủ nghĩa thực chứng luận lý, một ngành triết học phát triển mạnh hồi đầu thế kỷ hai mươi khởi đầu từ Vienna. Chủ nghĩa thực chứng luận lý cho rằng chỉ những mệnh đề thực nghiệm, tức những mệnh đề có thể được kiểm chứng, mới có ý nghĩa, còn những tranh luận mang tính siêu hình đều vô nghĩa.[11] Các nhà thực chứng luận lý học coi các dữ kiện và những mệnh đề như thể chúng thuộc về hai vũ trụ tách rời nhau. Mối liên hệ duy nhất giữa hai vũ trụ này là: mệnh đề đúng thì tương xứng với dữ kiện, còn mệnh đề sai thì không. Trong những trường hợp này, dữ kiện được dùng như một tiêu chí đáng tin cậy của chân lý. Đó là nền tảng của thuyết tương xứng về chân lý. Khả năng rằng các mệnh đề cũng cấu thành cả dữ kiện đã bị bỏ qua phần lớn nhưng không phải hoàn toàn. Người ta chú tâm quá nhiều vào cái nghịch lý của kẻ nói dối.


Bertrand Russell, triết gia người Anh, người chịu trách nhiệm về việc đưa Ludwig Wittgenstein từ Vienna tới Cambridge, đã đề xuất một giải pháp cho nghịch lý của kẻ nói dối.


Russell đưa ra một phân biệt giữa hai loại mệnh đề: mệnh đề tự quy chiếu và mệnh đề không tự quy chiếu. Do giá trị chân lý của những mệnh đề tự quy chiếu không thể được xác định một cách chắc chắn, ông đề xuất rằng chúng nên bị loại khỏi vũ trụ của những mệnh đề có nghĩa. Giải pháp này hẳn đã được dùng để bảo tồn sự tách biệt tinh khôi giữa những dữ kiện với những mệnh đề, nhưng nếu thế nó cũng đã ngăn người ta tư duy về những vấn đề liên quan đến họ, hay thậm chí ngăn người ta có ý thức về chính bản thân. Tính phi lý của quan điểm này được Wittgenstein chỉ rõ, ông kết luận tác phẩm Tractatus Logico-Philosophicus của mình bằng việc nói rằng những ai hiểu quyển sách phải nhận ra rằng nó vô nghĩa. Không lâu sau đó, Wittgenstein bỏ, thôi không tìm kiếm một thứ ngôn ngữ logic lý tưởng nữa, mà thay vào đó đã nghiên cứu sự vận hành của ngôn ngữ thông thường.


NHỮNG SAI LẦM MÀU MỠ


Mặc dù niềm tin của thời Khai sáng vào lý tính không phải hoàn toàn đúng, nó vẫn tạo ra những kết quả thực sự ấn tượng đủ để duy trì thời Khai sáng trong suốt hai thế kỷ. Tôi gọi những ý tưởng không hoàn thiện nhưng tạo nên những kết quả tích cực là những sai lầm màu mỡ. Đây không phải là trường hợp duy nhất. Những “sai lầm màu mỡ” có đầy rẫy trong lịch sử. Tôi khẳng định rằng mọi nền văn hóa đều được xây dựng trên những “sai lầm màu mỡ”. Tôi gọi sự tách rời tư duy ra khỏi thực tại cũng là một sai lầm màu mỡ. Gọi là màu mỡ vì chúng phát triển mạnh và tạo ra những kết quả tích cực trước khi bộc lộ những khiếm khuyết; gọi là sai lầm vì hiểu biết của chúng ta về thực tại vốn không hoàn hảo. Dĩ nhiên, chúng ta có thể thu nạp được tri thức, nhưng nếu tri thức đó tỏ ra có ích, chúng ta thường hay khai thác nó quá đà và đưa nó sang cả những lĩnh vực mà ở đó nó không còn áp dụng được nữa. Đó là lúc tri thức ấy trở thành một sai lầm. Đó cũng là điều đã xảy ra với thời Khai sáng. Những tư tưởng của thời Khai sáng đã ăn quá sâu vào văn minh phương Tây của chúng ta và thật khó bỏ chúng đi. Chúng thấm đẫm trong các câu chữ thậm chí của cả những người vẫn thường phê phán một vài phương diện của truyền thống Khai sáng, trong đó có chính tôi.


PHÁC THẢO CỦA POPPER VỀ PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC


Karl Popper, một thành viên không chính thức của Nhóm Vienna, đã chỉ trích Wittgenstein và không đồng ý với quan điểm về tính duy lý toàn diện. Ông cho rằng lý tính không đủ năng lực để thiết lập được chân lý của những khái quát hóa theo cách vượt qua được hết mọi ngờ vực. Ngay cả những định luật khoa học cũng không thể được kiểm chứng, vì bằng phép logic diễn dịch, ta không thể đưa ra những khái quát hóa có giá trị phổ quát chỉ từ những quan sát cá thể, dù chúng có nhiều bao nhiêu đi nữa. Phương pháp khoa học sẽ vận hành tốt nhất từ góc nhìn hoài nghi toàn diện: các định luật khoa học chỉ được coi là những giả thuyết có giá trị tạm thời, trừ phi và cho đến khi chúng được kiểm sai.


Popper đã xây dựng một phác thảo đơn giản và thanh nhã cho phương pháp khoa học, gồm có ba yếu tố và ba quy trình. Ba yếu tố là những điều kiện đầu, những điều kiện cuối, và những khái quát hóa có giá trị phổ quát, hay chính là các định luật khoa học. Ba quy trình là dự đoán, lý giải, và kiểm nghiệm. Khi những điều kiện đầu được phối hợp với những định luật khoa học thì chúng cho ra một dự đoán. Khi những điều kiện cuối được phối hợp với những định luật khoa học thì chúng cho ra một lý giải. Như vậy, dự đoán và lý giải là đối xứng và có thể đảo ngược.


Cái thiếu trong phác thảo này là việc kiểm chứng các định luật. Và đây chính là đóng góp đặc biệt của Popper vào kiến thức của chúng ta về phương pháp khoa học. Ông cho rằng các định luật khoa học không thể được kiểm chứng; chúng chỉ có thể được kiểm sai. Đó là vai trò của kiểm nghiệm. Các định luật khoa học có thể được kiểm nghiệm bằng cách so đôi điều kiện đầu với điều kiện cuối. Nếu chúng không phù hợp với định luật khoa học đang xét thì chúng đã bị kiểm sai. Những mệnh đề nào không thể đưa ra kiểm sai thì không đáng được coi là khoa học. Chỉ cần một trường hợp không phù hợp là đã đủ để phá hủy toàn bộ giá trị của một khái quát hóa, nhưng bao nhiêu trường hợp phù hợp đi nữa cũng không đủ để kiểm chứng một khái quát hóa là đúng vượt qua mọi nghi ngờ. Theo cách hiểu này thì giữa việc kiểm chứng với việc kiểm sai có một sự bất đối xứng. Ba đặc điểm quan trọng nhất trong phác thảo của Popper là: tính đối xứng giữa dự đoán và lý giải, tính bất đối xứng giữa việc kiểm chứng và việc kiểm sai, và vai trò của kiểm nghiệm.


Lý lẽ của Popper rằng các định luật khoa học không thể được kiểm chứng đã giải quyết một vấn đề đáng nhẽ không thể giải quyết được của phép quy nạp. Chỉ vì từ lúc người ta có thể nhớ tới nay mặt trời vẫn mọc ở đằng Đông, làm sao ta dám chắc mặt trời sẽ tiếp tục làm vậy mãi? Phác thảo của Popper loại bỏ đòi hỏi phải kiểm chứng, bằng cách coi các định luật khoa học là chỉ có giá trị tạm thời trừ phi và cho đến khi chúng bị kiểm sai. Những khái quát hóa không thể bị kiểm sai thì không được coi là khoa học. Lý giải này nhấn mạnh đến vai trò trọng tâm của kiểm nghiệm trong phương pháp khoa học. Nó ủng hộ lối tư duy phê phán có thể cho phép khoa học được phát triển, cải thiện, và cách tân.


Nhiều triết gia chuyên nghiệp đã chỉ trích các điểm trong phác thảo của Popper. Thí dụ, Popper cho rằng kiểm nghiệm càng gắt gao thì giá trị của khái quát hóa nào vượt qua được kiểm nghiệm đó càng lớn. Các triết gia chuyên nghiệp đã đặt câu hỏi là liệu có thể đo được độ gắt gao của các kiểm nghiệm cũng như giá trị của các khái quát hóa kia không? Tuy thế, đối 

với tôi thì khẳng định của Popper là hoàn toàn đúng, và tôi có thể chứng minh nó bằng cách dùng kinh nghiệm của chính tôi trên thị trường chứng khoán. Trong khủng hoảng về quỹ tín dụng hồi năm 1986, người ta rất nghi ngờ là liệu công ty bảo hiểm tiền vay thế chấp địa ốc tên là Mortgage Guaranty Insurance (tên tắt là MAGIC) có sống sót nổi không. Giá cổ phiếu lúc đó tuột dốc, và tôi đã mua cổ phiếu dựa trên niềm tin rằng mô hình kinh doanh của nó đủ đúng đắn để vượt qua một kiểm nghiệm gắt gao. Tôi đã đúng và tôi thu bộn. Nói chung, một quan điểm đầu tư càng đi ngược lại quan điểm thịnh hành bao nhiêu thì phần thưởng tài chính mà người đầu tư có thể thu về càng lớn bấy nhiêu nếu như quan điểm đó cuối cùng hóa ra lại đúng. Chính vì lý do đó mà tôi có thể nói rằng mình đã chấp nhận phác thảo của Popper toàn tâm hơn các triết gia chuyên nghiệp.


TỪ BỎ SỰ THỐNG NHẤT VỀ PHƯƠNG PHÁP


Thế nhưng, mặc dù đã sáng suốt cho rằng chân lý tối thượng nằm ngoài tầm với của lý tính, Popper vẫn kiên quyết về cái mà ông gọi là học thuyết về thống nhất phương pháp khoa học, tức là nên áp dụng cùng các phương pháp và tiêu chuẩn cho cả việc nghiên cứu các vấn đề xã hội lẫn việc nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên. Làm sao có thể thế được? Những người tham gia vào những sự vụ xã hội hành động trên cơ sở một hiểu biết có thể sai. Tính có thể sai của họ đã mang vào trong những sự vụ xã hội một yếu tố bất định không hiện diện trong việc nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên. Sự khác biệt này cần phải được thừa nhận.


Tôi cố gắng trình bày sự khác biệt này bằng cách đưa ra khái niệm tính phản hồi. Khái niệm tự quy chiếu đã từng được Russell và những người khác phân tích thấu đáo. Nhưng tự quy chiếu lại chỉ gắn với lĩnh vực của những mệnh đề. Nếu việc tách rời vũ trụ của những mệnh đề ra khỏi vũ trụ của những dữ kiện là một sự bóp méo thực tại, thì trong địa hạt của các dữ kiện chắc chắn cũng phải tồn tại một hiệu ứng tương tự. Đó là mối quan hệ mà khái niệm phản hồi cố gắng trình bày. Ở một mức độ nào đó, khái niệm này đã được J. L. Austin và John Searle khai thác trong công trình của họ về hoạt động phát âm, nhưng tôi lại xem xét nó trong một bối cảnh rộng hơn nhiều. Tính phản hồi là một cơ chế phản hồi hai chiều không chỉ ảnh hưởng đến những mệnh đề (bằng cách làm cho giá trị chân lý của chúng thành bất định) mà còn ảnh hưởng đến những dữ kiện (bằng cách đưa vào dòng chảy các sự kiện một yếu tố bất định).


Mặc dù bị ám ảnh như vậy với khái niệm tính phản hồi, tôi lại không nhận ra một sai lầm trong ý niệm của Popper về xã hội mở: rằng diễn ngôn chính trị không nhất thiết là nhắm đến việc theo đuổi chân lý. Tôi tin rằng cả Popper và tôi đều phạm phải sai lầm này vì chúng tôi đều bận tâm nghĩ đến sự truy tầm chân lý. May mắn thay, những lỗi này không quá tai hại do lập luận ủng hộ tư duy phê phán vẫn không bị ảnh hưởng và những lỗi đó đều có thể sửa được: chúng tôi có thể thừa nhận một sự khác biệt giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, và chúng tôi có thể đưa ra việc theo đuổi chân lý như yêu cầu cho một xã hội mở.


Thái độ hậu hiện đại đối với thực tại nguy hiểm hơn nhiều. Trong khi thời Hậu hiện đại ăn điểm thời Khai sáng nhờ việc phát hiện ra rằng có thể thao túng thực tại, nó lại không thừa nhận việc theo đuổi chân lý là một yêu cầu. Hệ quả là nó cho phép sự thao túng thực tại được diễn ra tự do. Nhưng tại sao điều đó lại nguy hiểm? Bởi vì khi không có một hiểu biết đúng đắn, những kết quả của việc thao túng rất có thể sẽ khác hoàn toàn so với những dự tính ban đầu của người thao túng. Một trong những thí dụ thành công nhất của việc thao túng là khi Tổng thống George Bush phát động Cuộc Chiến chống Khủng bố và dùng đó làm luận điệu xâm chiếm Iraq với các lý do sai. Hậu quả ngược hẳn lại với dự định của ông ta: ông ta muốn thể hiện uy quyền tối thượng của Mỹ và thu thập sự ủng hộ về chính trị trong khi làm việc đó, nhưng thực tế thì ông ta lại gây ra một sự tụt dốc về quyền lực và ảnh hưởng của nước Mỹ đồng thời làm mất đi sự ủng hộ về chính trị.


Để canh chừng chống lại mối nguy hiểm từ việc thao túng thực tại, khái niệm xã hội mở mà Karl Popper thiết lập ban đầu cần được chỉnh sửa ở một khía cạnh quan trọng. Cái mà Popper vẫn cho là hiển nhiên thì nay cần phải đưa ra như một đòi hỏi rõ ràng. Popper cho rằng mục đích của tư duy phê phán là để đạt được một hiểu biết tốt hơn về thực tại. Điều đó đúng trong khoa học nhưng không đúng trong chính trị. Mục đích hàng đầu của diễn ngôn chính trị là để đạt được quyền lực và giữ vững quyền lực. Những người không nhận ra điều này khó có khả năng đang nắm quyền lực. Cách duy nhất để có thể thuyết phục các chính trị gia tôn trọng thực tại nhiều hơn là: khối cử tri phải nhấn mạnh điều đó, ban thưởng cho những chính trị gia nào nó thấy là trung thực và sáng suốt, và trừng phạt những kẻ nào đã cố tình lừa dối. Nói cách khác, khối cử tri cần phải có cam kết mạnh hơn với việc theo đuổi chân lý so với hiện nay. Không có cam kết đó, nền chính trị dân chủ sẽ không đem lại những kết quả mong muốn. Một xã hội mở chỉ có thể có đức hạnh bằng đức hạnh của những công dân sống trong nó.


THEO ĐUỔI CHÂN LÝ


Giờ đây, khi chúng ta đã biết rằng thực tại có thể bị thao túng thì việc tận tâm theo đuổi chân lý lại còn khó hơn so với thời Khai sáng. Trước hết, xác định được chân lý là cái gì cũng khó hơn. Thời Khai sáng coi thực tại là một thứ gì đó có sẵn một cách độc lập và do đó có thể lĩnh hội được; nhưng khi diễn biến các sự kiện phụ thuộc vào những niềm tin bị thiên kiến cùng những nhận thức sai của những người tham dự, thì thực tại biến thành một mục tiêu di động. Thêm nữa, hoàn toàn không có gì là hiển nhiên tại sao phải đặt việc theo đuổi chân lý lên trên việc theo đuổi quyền lực. Và ngay cả khi khối cử tri đã được thuyết phục để theo đuổi chân lý thì làm sao đây để giữ cho các chính trị gia được trung thực?


Tính phản hồi mang lại phần nào câu trả lời, ngay cả khi nó phải chừa lại không giải quyết nổi vấn đề làm sao giữ cho các chính trị gia được trung thực. Nó dạy chúng ta rằng việc theo đuổi chân lý là quan trọng chính bởi vì nhận thức sai lầm có khả năng mang tới những hậu quả tồi không định trước. Không may là khái niệm tính phản hồi đã không được hiểu đúng. Có thể thấy điều đó từ ảnh hưởng sâu rộng mà truyền thống Khai sáng, và mới đây hơn là cách ngôn hậu hiện đại, đã gây ra trên thế giới quan của người ta. Cả hai cách diễn giải về mối quan hệ giữa tư duy và thực tại đều méo mó. Thời Khai sáng thì bỏ qua chức năng thao túng. Cách tiếp cận hậu hiện đại thì lại đi sang phía cực đoan khác: bằng việc coi thực tại chỉ là một bộ sưu tập những diễn ngôn nhiều khi đối lập nhau, nó đã không trao đủ tầm quan trọng cho khía cạnh khách quan của thực tại. Khái niệm tính phản hồi giúp định rõ điểm thiếu sót trong từng cách tiếp cận. Nhưng vẫn phải nói là tính phản hồi còn lâu mới là một sự biểu đạt hoàn hảo của một thực tại vô cùng phức tạp. Rắc rối chính với khái niệm này là nó tìm cách mô tả mối quan hệ giữa tư duy và thực tại như những thể tách rời, trong khi trên thực tế tư duy là một phần của thực tại.


Tôi đã có được một sự tôn trọng lành mạnh đối với khía cạnh khách quan của thực tại nhờ đã từng sống dưới chế độ Phát 

xít và từng đầu cơ trên thị trường tài chính. Trải nghiệm duy nhất dạy cho người ta có được nhiều sự tôn trọng đối với một thực tại bên ngoài vượt khỏi tầm kiểm soát của người ta, hơn cả việc mất tiền trong thị trường tài chính, chính là cái chết – nhưng chết lại không phải là một trải nghiệm thực sự trong đời người. Rất khó để một công chúng đã dành nhiều thời gian trong cái thực tại ảo của những show truyền hình, những trò chơi điện tử, và những dạng giải trí khác có được lòng tôn trọng như thế. Cần nhớ rằng người dân ở Mỹ làm mọi cách để phủ nhận và quên đi cái chết. Thế nhưng nếu bạn coi thường thực tại thì nó sẽ sớm bắt kịp bạn. Còn lúc nào tốt hơn chính ngay bây giờ để giúp hiểu rõ hơn lập luận này, khi những hậu quả tồi tệ không định trước của Cuộc Chiến chống Khủng bố hiển hiện rõ ràng, và cái thực tế ảo của những sản phẩm tài chính tổng hợp đã phá vỡ hệ thống tài chính của chúng ta?


CÁCH NGÔN HẬU HIỆN ĐẠI


Tôi vốn không quan tâm lắm tới quan điểm hậu hiện đại cho tới gần đây. Tôi không nghiên cứu quan điểm đó, và tôi không hiểu rõ nó, nhưng tôi sẵn sàng loại bỏ nó ngay lập tức vì có vẻ như nó mâu thuẫn với khái niệm tính phản hồi. Tôi coi thế giới quan hậu hiện đại như một phản ứng quá mức đối với niềm tin quá đáng vào lý tính của thời Khai sáng, cụ thể là niềm tin rằng lý tính có thể lĩnh hội thấu đáo được thực tại. Tôi đã không thấy bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa cách ngôn hậu hiện đại với những ý thức hệ toàn trị và những xã hội đóng, mặc dầu tôi có thể thấy, nhờ việc là một người cực kỳ dễ dãi trước các quan điểm trái ý, rằng quan điểm hậu hiện đại có khả năng khuyến khích sự phát triển của những ý thức hệ toàn trị. Gần đây tôi đã thay đổi quan điểm của mình. Nay tôi thấy có một mối liên hệ trực tiếp giữa cách ngôn hậu hiện đại với hệ tư tưởng của chính quyền Bush. Hiểu biết này đã đến từ một bài báo hồi tháng Mười năm 2004 của Ron Suskind trong tờ New York Times. Ông đã viết như sau:


Vào mùa hè năm 2002… Tôi có một cuộc gặp với một cố vấn cấp cao của Bush. Ông ta bày tỏ sự không hài lòng của Nhà Trắng (về tiểu sử của Paul O’Neil, có tên là Cái giá của lòng trung, do Ron Suskind thực hiện[12]), và rồi ông ta kể với tôi một điều mà vào lúc ấy tôi không hiểu hết – nhưng giờ thì tôi tin là điều đó bộc lộ được ruột gan của nhiệm kỳ tổng thống Bush.


Người trợ lý đó nói rằng những người như tôi “ở trong cái mà chúng tôi gọi là cộng đồng dựa trên thực tại,” mà ông ta định nghĩa là những người “tin rằng giải pháp đến được là từ việc nghiên cứu sáng suốt về một thực tại có thể nhận thức được.” Tôi gật đầu và lẩm bẩm điều gì đó về những nguyên lý khai sáng và chủ nghĩa kinh nghiệm. Ông ta ngắt lời tôi: “Nhưng đó không phải là cách thế giới này thực sự vận hành nữa,” ông ta nói tiếp. “Chúng ta giờ đã là một đế quốc, và khi chúng ta hành động thì chúng ta tạo nên thực tại của riêng mình. Và trong khi anh nghiên cứu cái thực tại đó – một cách sáng suốt theo đúng ý anh – thì chúng tôi lại tiếp tục hành động, lại tạo thêm những thực tại mới khác, mà rồi anh cũng lại nghiên cứu những thực tại ấy, và đó là cách mà mọi việc sẽ xảy ra. Chúng tôi là những diễn viên của lịch sử… và anh, tất cả các anh, được chừa lại chỉ để nghiên cứu cái chúng tôi làm thôi.”[13]


Người trợ lý này, thấy bảo là Karl Rove, không chỉ thừa nhận rằng chân lý có thể bị thao túng mà còn cổ súy cho việc thao túng chân lý như một lối tiếp cận cao đạo hơn. Điều này cản trở trực tiếp việc theo đuổi chân lý, vừa bằng cách tuyên bố rằng điều đó là hão huyền, vừa bằng cách khiến cho nhiệm vụ đó khó khăn thêm qua việc liên tục thao túng chân lý. Thêm vào đó, lối tiếp cận của Rove còn dẫn đến sự giới hạn tự do bằng việc thao túng công luận để đề cao sức mạnh và đặc quyền của tổng thống. Đó là cái mà chính quyền Bush đã làm khi tuyên bố Cuộc Chiến chống Khủng bố.


Tôi tin rằng Cuộc Chiến chống Khủng bố là một minh họa tuyệt vời cho những hiểm họa nằm trong ý thức hệ của Rove. Chính quyền Bush đã dùng Cuộc Chiến chống Khủng bố để xâm lược Iraq. Đây là một trong những thí dụ thành công nhất của việc thao túng, tuy nhiên những hậu quả của việc đó đối với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và chính quyền Bush thì quả là tồi tệ.


Công chúng đã tỉnh giấc, như thể sau một cơn ác mộng. Công chúng có thể học được gì từ trải nghiệm ấy? Rằng thực tại như một vị đốc công nghiêm khắc, và chúng ta cứ tự ý đùa giỡn với hiểm nguy khi thao túng nó: hậu quả của những hành động của chúng ta rất có thể sẽ khác với những kỳ vọng của chúng ta. Dù có quyền lực đến mấy chúng ta cũng không thể áp đặt ý chí của mình lên thế giới: chúng ta cần phải hiểu thế giới này vận hành như thế nào. Tri thức hoàn hảo tuy không nằm trong tầm với của chúng ta nhưng chúng ta vẫn phải cố đạt tới càng gần nó càng tốt. Thực tại là một mục tiêu di động nhưng chúng ta vẫn cần phải theo đuổi nó. Nói tóm lại, phải đặt việc hiểu được thực tại lên trên việc thao túng thực tại.


Nhưng thực tế hiện nay cho thấy việc theo đuổi quyền lực có khuynh hướng được đặt trên việc theo đuổi chân lý. Popper và các học trò của ông, trong đó có cả tôi, đã phạm phải một sai lầm khi chúng tôi coi việc theo đuổi chân lý là đương nhiên. Nhận ra sai lầm ấy không dẫn chúng tôi đến việc từ bỏ ý niệm xã hội mở. Ngược lại, kinh nghiệm với chính quyền Bush càng phải củng cố sự cam kết của chúng tôi đối với xã hội mở như một hình thức tổ chức xã hội đáng mong muốn. Tuy nhiên, chúng tôi phải thay đổi định nghĩa rằng thế nào là một xã hội mở. Bên cạnh những đặc tính quen thuộc của một nền dân chủ tự do như tự do bầu cử, các quyền tự do cá nhân, phân quyền, pháp quyền, v.v, thì xã hội mở còn bao gồm một khối cử tri kiên trì đòi hỏi những chuẩn mực nhất định của tính trung thực và lòng thành thực. Đầu tiên chúng ta cần đề rõ ra những chuẩn mực này là gì và sau đó chấp nhận chúng rộng rãi.


NHỮNG CHUẨN MỰC CỦA DIỄN NGÔN CHÍNH TRỊ


Karl Popper, người trước tiên là một triết gia khoa học, đã nói về những chuẩn mực như vậy cho diễn ngôn và thử nghiệm khoa học. Để đưa ra chỉ một thí dụ, các định luật phải kiểm sai được, và các thử nghiệm cần phải tái tạo được thì mới đáng được coi là khoa học. Những chuẩn mực của phương pháp khoa học không thể đem áp dụng trực tiếp cho chính trị học; tuy nhiên chúng được coi là một thí dụ cho loại quy tắc cần được thiết lập.


Chúng ta đã chỉ ra hai điểm khác nhau cốt yếu giữa khoa học và chính trị. Một là chính trị quan tâm nhiều đến việc theo đuổi quyền lực hơn là theo đuổi chân lý. Hai là trong khoa học có một tiêu chuẩn độc lập, tức các dữ kiện, có thể được dùng để đánh giá tính đúng đắn hay giá trị của các mệnh đề. Trong chính trị, các dữ kiện thường phụ thuộc vào các quyết định của những người tham dự. Tính phản hồi đã quăng một chướng ngại vật vào trong mô hình phương pháp khoa học của Popper.


Trong Giả kim thuật Tài chính, tôi đã tỏ ra không đồng ý với học thuyết của Popper về thống nhất phương pháp. Tôi lập luận rằng tính phản hồi đã ngăn cản không cho các ngành khoa học xã hội đáp ứng được các chuẩn mực của khoa học tự nhiên. Làm sao có thể kỳ vọng rằng phương pháp khoa học có thể tạo ra những khái quát hóa – những thứ mà nếu suy ngược lại có thể cho ta những dự đoán và giải thích xác định – khi mà dòng chảy các sự kiện vốn dĩ là bất định? Chúng ta phải hài lòng với những suy xét cảm tính và những tình huống dự bị thay vì những tiên đoán xác định. Nhớ lại, có lẽ tôi đã dành quá nhiều thời gian vào việc khảo sát vai trò của các nhà khoa học xã hội nhưng lại không dành đủ thời gian cho việc khảo sát vai trò những người tham dự vào các hoàn cảnh xã hội. Đó là lý do tại sao tôi đã không nhận ra một sai lầm trong khái niệm của Popper về xã hội mở, đó là việc chính trị quan tâm đến việc theo đuổi quyền lực nhiều hơn là việc theo đuổi chân lý. Giờ đây tôi đang sửa lại cái lỗi này bằng cách đề ra yêu cầu rằng tính chân thực và sự tôn trọng đối với thực tại phải là những đòi hỏi dứt khoát cho một xã hội mở.


Rủi thay, tôi không có một công thức rõ ràng để biết làm thế nào đáp ứng được đòi hỏi đó. Tôi chỉ có thể nhận ra đấy là một vấn đề chưa được giải quyết. Chuyện ấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Đó không phải là một vấn đề mà một người có thể giải quyết; nó đòi hỏi một sự thay đổi trong thái độ của công chúng.[14]


Tôi tin rằng trong hai trăm năm đầu của nền dân chủ tại Mỹ, diễn ngôn chính trị tuân thủ những chuẩn mực về tính chân thực và tôn trọng ý kiến của đối phương cao hơn ngày hôm nay. Tôi đồng ý rằng người già thường nhìn thời quá khứ đẹp đẽ hơn thời hiện tại, nhưng trong trường hợp này tôi tin rằng tôi có thể chứng minh tuyên bố của mình bằng việc dẫn lại sai lầm của thời Khai sáng. Chừng nào con người còn tin vào năng lực lý tính thì chừng đó họ còn tin vào việc theo đuổi chân lý. Giờ khi chúng ta đã khám phá ra rằng thực tại có thể bị thao túng thì niềm tin đó bị lung lay.


Điều đó dẫn tới cái kết luận đầy nghịch lý rằng những chuẩn mực cao hơn trong chính trị là dựa trên một ảo tưởng, và những chuẩn mực ấy bị hạ giá trị bởi việc phát hiện rằng thực tại có thể bị thao túng. Kết luận này được củng cố bằng việc ngài Rove trên kia đã có thể dắt mũi những người vẫn còn bị huyễn hoặc bởi giả định sai lầm của thời Khai sáng và cố thắng thế bằng những lập luận lý tính hơn là bằng cách cậy đến cảm xúc và không đếm xỉa gì đến các sự kiện. Cuộc Chiến chống Khủng bố đã tỏ ra là câu khẩu hiệu hiệu quả nhất bởi nó khơi gợi thứ xúc cảm mạnh nhất trong mọi xúc cảm là nỗi sợ cái chết.


Để thiết lập lại những chuẩn mực cao hơn vẫn từng thắng thế, người ta phải thừa nhận rằng thực tại vẫn có ý nghĩa mặc dù nó có thể bị thao túng. Nói cách khác, người ta phải chấp nhận tính phản hồi. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, bởi vì một thực tại phản hồi phức tạp hơn nhiều so với cái thực tại mà thời Khai sáng theo đuổi. Quả thực, thực tại phức tạp đến nỗi ta không bao giờ có thể hiểu nó trọn vẹn. Tuy nhiên, việc hiểu thực tại tốt hơn giờ vẫn có tầm quan trọng không kém so với thời Khai sáng, và về phương diện này thì việc chấp nhận tính phản hồi sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng về phía trước. Đó là điểm mà tôi đã cố gắng đưa ra trong cuốn sách trước của tôi, khi tôi nói rằng chúng ta cần tiến từ Thời đại của Lý Tính sang Thời đại của Tính Có Thể Sai.


TÍNH CÓ THỂ SAI TRIỆT ĐỂ


Tính có thể sai và tính phản hồi là những ý tưởng khó chấp nhận và khó sử dụng. Là người tham dự, chúng ta thường xuyên bị yêu cầu phải đưa ra quyết định và có hành động. Nhưng làm sao ta có thể hành động dù chỉ với một mảy may tự tin khi mà ta có thể sai và các hành động của ta có thể mang lại những hậu quả tồi tệ không mong đợi? Sẽ đáng thèm muốn biết bao nếu như ta có thể cậy nhờ vào một học thuyết hay một hệ thống niềm tin nào đó dám nhận là sở hữu được chân lý tuyệt đối. Rủi thay, cái đáng muốn này lại khó đạt được; chân lý tuyệt đối nằm ngoài tầm với của trí năng con người. Những hệ tư tưởng hứa hẹn một sự chắc chắn tuyệt đối nhất định là sai. Chỉ có hiểu rõ điều này mới có thể ngăn con người không thu nhận một hệ tư tưởng như thế.


Việc chân lý tuyệt đối nằm ngoài tầm với đã không hề phế bỏ tôn giáo. Ngược lại, chỗ nào khả năng thâu nhận tri thức đóng lại thì chỗ đó thế giới của niềm tin mở ra. Xác nhận rằng chúng ta không thể quyết định dựa trên tri thức cũng tương đương với thừa nhận rằng chúng ta không thể tránh khỏi việc phải dựa vào những niềm tin, dù là niềm tin tôn giáo hay thế tục. Quả thực, tôn giáo đã đóng một vai trò quan trọng trong suốt lịch sử. Nhưng giai đoạn kể từ thời Khai sáng tới nay lại là một ngoại lệ. Niềm tin vào lý tính tạm thời che khuất tôn giáo. Đó là lý do tại sao thế kỷ hai mươi lại bị những hệ tư tưởng thế tục thống trị: chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa xã hội dân tộc, và tôi muốn thêm vào là cả chủ nghĩa tư bản cùng niềm tin vào vai trò của thị trường. Giờ đây khi yếu tố sai lầm trong thế giới quan Khai sáng đã trở nên rõ ràng, những niềm tin tôn giáo lại một lần đứng lên phía trước.


Khoa học không thể chứng minh các tôn giáo hoặc các hệ tư tưởng thế tục là sai bởi vì về bản chất những hệ tư tưởng này không chịu sự kiểm sai. Tuy nhiên, ta nên biết điều để hành động theo cái giả định rằng ta có thể sai. Ngay cả khi không thể chứng minh được một giáo điều là sai thì diễn giải của ta về nó vẫn không thể được chứng minh là đúng.


Cho đến giờ tôi vẫn đang tiếp bước Popper. Tôi muốn tiến xa hơn thế một bước. Popper cho rằng chúng ta có thể sai. Giả thuyết của tôi là chúng ta nhất định sai. Tôi gọi điều này là định đề của tính có thể sai triệt để. Tôi lấy lập luận sau làm nền tảng cho nó: chúng ta có thể đạt được một sự hiểu biết nào đó về thực tại, nhưng càng hiểu thì lại càng có nhiều điều để hiểu. Đối diện với mục tiêu di động này, chúng ta có khả năng làm quá tải bất kỳ kiến thức nào chúng ta đạt được bằng cách mở rộng nó ra sang cả những lĩnh vực nơi nó không thể được áp dụng. Theo cách này thì ngay cả những lý giải hợp lý về thực tại nhất định cũng sẽ làm nảy sinh ra những lý giải méo mó. Lập luận này giống với Nguyên tắc Peter, cho rằng những nhân viên thạo việc sẽ được thăng tiến cho tới khi họ chạm tới cái ngưỡng không thạo việc của họ.


Tôi thấy luận điểm của mình được bảo vệ bởi những phát kiến của ngành ngôn ngữ học nhận thức. George Lakoff và vài người khác đã chỉ ra rằng ngôn ngữ sử dụng ẩn dụ chứ không phải logic chặt chẽ. Các ẩn dụ làm việc bằng cách luân chuyển những quan sát hay các thuộc tính từ một tập hợp hoàn cảnh này sang một tập hợp hoàn cảnh khác, và việc luân chuyển này bị đẩy đi quá xa là điều gần như không thể tránh khỏi. Có thể thấy điều này rõ nhất trong trường hợp của phương pháp khoa học. Khoa học là phương pháp rất thành công để thu nhận tri thức. Hiểu như vậy dường như có mâu 

thuẫn với cái định đề về tính có thể sai triệt để, tức là, chúng ta nhất định sẽ sai. Nhưng quá trình đó đã bị đẩy đi quá xa. Do thành công của khoa học tự nhiên, các nhà khoa học xã hội đã cố gắng hết sức để bắt chước khoa học tự nhiên.


Hãy xem xét học thuyết kinh tế cổ điển. Cách nó sử dụng khái niệm cân bằng là bắt chước vật lý học Newton. Nhưng trong thị trường tài chính, nơi mà những kỳ vọng đóng một vai trò quan trọng, luận điểm cho rằng thị trường luôn hướng tới trạng thái cân bằng lại không tương xứng với thực tại. Thuyết kỳ vọng duy lý đã phải vặn vẹo hết cách để tạo ra một thế giới nhân tạo nơi khái niệm cân bằng vẫn tồn tại được, nhưng trong thế giới đó thực tế đã được ép cho phù hợp với lý thuyết chứ không phải là ngược lại. Đây là một trường hợp mà định đề tính có thể sai triệt để có thể áp dụng được.


Ngay cả khi họ không đáp ứng được các quy tắc và chuẩn mực của phương pháp khoa học, những nhà tư tưởng xã hội lại tìm cách khoác lớp áo khoa học lên trên lý thuyết của mình để đạt được sự công nhận. Sigmund Freud và Karl Marx đều quả quyết rằng lý thuyết của họ định rõ được diễn biến các sự kiện trong những lĩnh vực của riêng mỗi người bởi vì chúng mang tính khoa học. (Vào thời đó, các định luật khoa học được coi là tiên định.) Popper đã thành công trong việc lật trái các vị này, bằng cách chỉ ra rằng những lý thuyết của họ không thể được kiểm nghiệm theo cách thức ông đề ra và do đó chúng không phải là khoa học. Nhưng Popper đã đi không đủ xa. Ông không thừa nhận rằng việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội đã gặp phải một trở ngại vốn không có trong các khoa học tự nhiên là tính phản hồi và nguyên lý bất định của con người. Kết quả là việc bắt chước mù quáng khoa học tự nhiên đã không tạo được một biểu trưng đầy đủ của thực tại. Cả cân bằng chung lẫn kỳ vọng duy lý đều quá xa rời thực tại. Chúng cho ta những thí dụ về làm cách nào mà một lối tiếp cận tạo ra được những kết quả có giá trị lại trở thành bị khai thác quá đà và chất chồng cho quá tải tới mức không còn giá trị nữa.


Giả sử những phản đối của tôi đối với khái niệm cân bằng chung và kỳ vọng duy lý được người ta nói chung ủng hộ, và rồi các lý thuyết đó bị loại bỏ, thì chúng không còn là thí dụ cho tính có thể sai triệt để nữa. Việc này cho thấy cái sai lầm tệ hại trong định đề của tôi: định đề đó không nhất thiết phải đúng. Hệt như Popper đã đi không đủ xa, tôi đã lại đi quá xa. Chúng ta không nhất thiết phải sai trong mọi hoàn cảnh. Những nhận thức sai lầm có thể được sửa chữa.


Điều này còn giữ lại gì cho định đề của tôi? Định đề ấy đủ điều kiện để được coi là một sai lầm màu mỡ. Nó không thể đúng bởi vì nếu đúng thì nó sẽ rơi vào cùng một nhóm với nghịch lý kẻ nói dối. Còn nếu nó là một lý thuyết khoa học thì nó sẽ bị chứng minh là sai, vì trong lý thuyết của Popper thì chỉ cần một trường hợp đơn lẻ thôi là đủ để kiểm sai một lý thuyết. Nhưng định đề về tính có thể sai triệt để lại không phải là một lý thuyết khoa học. Nó là một giả thiết phục vụ cho lập luận và trong vai trò đó nó đã hoạt động đặc biệt tốt. Nó giúp nhận ra những chuỗi hành động ban đầu là tự-lớn-mạnh và cuối cùng là tự-tan-vỡ, bởi vì ngay từ đầu nó đã giả định rằng những ý tưởng hoạt động tốt rồi sẽ bị khai thác quá đà đến mức mà chúng không hoạt động được nữa. Quả thực, trong suốt quá trình làm nghề đầu tư của mình, tôi đã nhận dạng được nhiều chuỗi bùng-vỡ hơn hẳn số chuỗi xảy ra trên thực tế. Tôi đã loại bỏ phần lớn chúng bằng một quá trình thử-sai. Định đề về tính có thể sai triệt để nhấn mạnh tới sự chệch nhau giữa thực tại và nhận thức về thực tại của những người tham dự, và nó tập trung chú ý vào các ngộ nhận như một yếu tố có tính nguyên nhân của lịch sử. Điều này dẫn tới một diễn giải đặc biệt về lịch sử có thể soi sáng nhiều thứ. Thời hiện tại đây là một thời như thế. Tôi coi Cuộc Chiến chống Khủng bố là một ngộ nhận, hay một ẩn dụ sai lầm, đã mang đến những hậu quả tàn tệ cho nước Mỹ và thế giới. Và nguyên do của cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra có thể được quy kết trực tiếp cho một lý giải sai lầm về cách vận hành của thị trường tài chính.


Định đề tính có thể sai triệt để và ý tưởng về những sai lầm màu mỡ là những mốc son trong tư tưởng của tôi. Những khái niệm này nghe có vẻ tiêu cực, nhưng chúng không hề tiêu cực. Cái gì chưa hoàn thiện thì còn có thể được cải thiện; tính có thể sai triệt để còn vô cùng nhiều chỗ người ta có thể cải thiện. Trong định nghĩa của tôi, xã hội mở là một xã hội không hoàn thiện, luôn giữ mình cởi mở với các sự cải thiện. Xã hội mở sản sinh ra hy vọng và tính sáng tạo, mặc dầu xã hội mở thường xuyên bị đe dọa nguy hiểm và lịch sử thì đầy ắp những điều thất vọng. Bất kể những thuật ngữ nghe có vẻ tiêu cực như: hiểu biết không hoàn hảo, tính có thể sai triệt để, sai lầm màu mỡ – quan niệm của tôi về cuộc đời vẫn lạc quan sâu sắc. Đó là do khung khái niệm của tôi thỉnh thoảng lại cho phép tôi tạo ra những cải thiện trong đời thực.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com