menu
Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – Chương 1: Ý Tưởng Cốt Lõi

Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – Chương 1: Ý Tưởng Cốt Lõi

News Trading

News Trading
Like
23431 View

Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 1: Ý Tưởng Cốt Lõi


Điểm xuất phát của tôi là hiểu biết của chúng ta về thế giới mà chúng ta đang sống vốn dĩ không hoàn hảo, do chúng ta là một phần của cái thế giới mà chúng ta đang tìm cách hiểu. Có thể còn những tác nhân khác can thiệp đến khả năng thâu nhận tri thức của chúng ta về thế giới tự nhiên, nhưng việc chúng ta là một phần của cái thế giới đó đã đặt ra một chướng ngại khổng lồ cho sự hiểu biết những vấn đề về con người.


Có hai chức năng khác nhau trong việc hiểu một hoàn cảnh và tham dự vào hoàn cảnh đó. Một mặt, con người tìm cách hiểu cái thế giới nơi họ đang sống. Tôi gọi đó là chức năng nhận thức. Mặt khác, con người luôn tìm cách gây ảnh hưởng lên thế giới và thay đổi nó để làm lợi cho mình. Tôi đã từng gọi đây là chức năng tham dự, nhưng nay tôi thấy gọi đó là chức năng thao túng thì thích hợp hơn.[7] Nếu hai chức năng này tách biệt khỏi nhau thì chúng sẽ đạt được mục đích của chúng một cách hoàn hảo: sự hiểu biết của những người tham dự khi ấy được coi là tri thức, và những hành động của họ đem lại những kết quả mong muốn. Vì lý do đó, người ta rất dễ bị cám dỗ để đặt định đề rằng hai chức năng này trên thực tế vận hành riêng biệt với nhau. Quả thực, giả định đó đã từng được đặt ra, rõ ràng nhất là trong lý thuyết kinh tế. Nhưng không thể minh biện cho giả định đó được, trừ trong một số trường hợp ngoại lệ mà những người tham gia có một nỗ lực đặc biệt để giữ cho hai chức năng này được tách biệt khỏi nhau. Điều đó có thể đúng trong trường hợp các nhà khoa học xã hội tập trung cống hiến cho việc theo đuổi tri thức, nhưng lại không đúng với những người tham gia vào những sự kiện mà các nhà khoa học xã hội đem nghiên cứu. Vì những lý do mà tôi sẽ trình bày sau này, các nhà khoa học xã hội, đặc biệt là các nhà kinh tế học, thường lờ đi thực tế này.


Khi cả hai chức năng cùng đồng thời vận hành, chúng có thể can thiệp lẫn nhau. Để chức năng nhận thức có thể sản sinh tri thức, nó phải coi những hiện tượng xã hội là có sẵn một cách độc lập; chỉ khi đó các sự kiện mới được coi là các dữ kiện để người quan sát có thể đưa ra các nhận định tương xứng với chúng. Tương tự vậy, các quyết định cần được dựa trên cơ sở tri thức để mang lại những kết quả mong muốn. Nhưng khi cả hai chức năng này vận hành đồng thời thì những hiện tượng sẽ bao gồm không chỉ các dữ kiện mà còn cả những ý định và kỳ vọng về tương lai. Quá khứ có thể chỉ có một nhưng tương lai thế nào lại phụ thuộc vào quyết định của những người tham dự. Hệ quả là những người tham dự không thể quyết định mà chỉ dựa trên tri thức, bởi vì họ phải xử lý không chỉ những dữ kiện quá khứ và hiện tại mà còn cả những sự việc ngẫu nhiên liên quan đến tương lai. Trong những hoàn cảnh xã hội, vai trò của ý định và kỳ vọng về tương lai đã thiết lập nên một mối liên hệ hai chiều giữa tư duy của những người tham dự với hoàn cảnh mà họ tham dự, điều này có một hệ quả tai hại cho cả hai: nó đưa vào trong dòng chảy các sự kiện một yếu tố ngẫu nhiên hay bất định, và nó ngăn không cho quan điểm của những người tham dự được coi là tri thức.


Để một hàm có thể được coi là xác định, nó cần có một biến số độc lập xác định giá trị của biến số phụ thuộc. Trong chức năng nhận thức, tình trạng hiện tại của các vấn đề được coi là biến số độc lập, và quan điểm của những người tham dự được coi là những biến số phụ thuộc; với chức năng thao túng thì ngược lại. Trong những hoàn cảnh có tính phản hồi, mỗi chức năng này tước đi của chức năng kia biến số độc lập vẫn cần để tạo nên những kết quả xác định. Tôi đã đặt cho sự can thiệp hai chiều này một cái tên: tính phản hồi. Đặc điểm chính của các hoàn cảnh phản hồi là sự thiếu tương xứng giữa quan điểm của những người tham dự với tình trạng hiện tại. Lấy thí dụ thị trường chứng khoán. Khi mua bán cổ phiếu, người ta có những mong đợi về giá cổ phiếu tương lai, nhưng giá này lại tùy thuộc vào chính những kỳ vọng của nhà đầu tư. Không thể coi những kỳ vọng này là tri thức. Không có tri thức, những người tham dự phải đưa một yếu tố phán đoán hay thiên vị vào trong việc ra quyết định của mình. Và hệ quả là kết quả có thể khác rất xa với kỳ vọng.


Lý thuyết kinh tế học đã cố gắng rất nhiều để loại tính phản hồi ra khỏi trọng tâm của nó. Ban đầu, các nhà kinh tế học cổ điển đơn giản cho rằng những thành viên thị trường khi ra quyết định là dựa trên tri thức (thông tin) hoàn hảo: một trong những định đề cho lý thuyết cạnh tranh hoàn hảo chính là thông tin hoàn hảo. Xây dựng trên những định đề đó, các nhà kinh tế học đã lập nên đường cầu và đường cung rồi tuyên bố rằng những đường cong này chi phối quyết định của những người tham dự. Khi mô hình này bị chỉ trích, họ bèn ẩn náu đằng sau một quy ước phương pháp luận. Lionel Robbins, giáo sư của tôi ở trường Kinh tế London, lập luận rằng kinh tế học chỉ quan tâm tới mối quan hệ giữa cung và cầu, còn những gì tham gia vào việc tạo nên cung và cầu đó thì nằm ngoài phạm vi của nó.[8] Bằng việc coi cung và cầu là có sẵn một cách độc lập, ông đã loại bỏ khả năng có thể có một mối quan hệ phản hồi qua lại giữa hai yếu tố đó. Lối tiếp cận này về sau bị đẩy tới mức cực đoan là thuyết kỳ vọng hợp lý; thuyết này đã xoay sở để có thể đạt tới kết luận rằng giá cả thị trường trong tương lai có thể được xác định một cách độc lập và không bị phụ thuộc vào những thiên kiến và ngộ nhận phổ biến của các thành viên thị trường.


Tôi cho rằng thuyết kỳ vọng hợp lý đã giải thích sai hoàn toàn cách thị trường tài chính vận hành. Mặc dầu thuyết kỳ vọng hợp lý không còn được giới “phi hàn lâm” coi trọng, nhưng cái ý tưởng rằng thị trường tài chính có thể tự điều chỉnh và có xu hướng đạt tới trạng thái cân bằng vẫn còn là một mô thức phổ biến, trên đó nhiều sản phẩm tài chính tổng hợp và mô hình lượng giá có vai trò chủ đạo trong thị trường tài chính đặt nền móng. Tôi cho rằng mô thức phổ biến ấy là sai và cần phải thay nó ngay lập tức.


Thực tế là những người tham dự không thể ra quyết định dựa vào tri thức. Mối liên hệ hai chiều có tính phản hồi giữa hai hàm nhận thức và thao túng đã đưa vào cả hai hàm một yếu tố ngẫu nhiên và bất định. Điều này đúng với cả những thành viên thị trường lẫn những giới chức tài chính phụ trách chính sách kinh tế vĩ mô và có trách nhiệm giám sát, điều phối thị trường. Các thành viên của cả hai nhóm đó đều hành động trên cơ sở một hiểu biết không hoàn hảo về tình huống mà họ đang tham dự. Tuy không thể loại bỏ yếu tố bất định có sẵn trong mối quan hệ phản hồi hai chiều giữa các chức năng nhận thức và thao túng, nhưng nếu chấp nhận thực tế này thì chúng ta có thể cải thiện hiểu biết và khả năng thích nghi với hoàn cảnh của chúng ta rất nhiều.


Lập luận này đưa tôi đến với ý tưởng trọng tâm trong khung khái niệm của tôi: tôi cho rằng các sự kiện xã hội có một cấu trúc khác với các hiện tượng tự nhiên. Trong các hiện tượng tự nhiên có một mối liên hệ nhân quả nối một loạt dữ kiện này
tới loạt dữ kiện sau đó. Trong những sự vụ thuộc con người, các sự kiện có diễn biến phức tạp hơn. Ở đây, mối liên hệ nhân quả không chỉ bao gồm những dữ kiện mà còn cả quan điểm của những người tham dự cùng sự tác động qua lại giữa chúng. Vào bất cứ thời điểm nào cũng có một mối quan hệ hai chiều giữa các dữ kiện và các quan điểm: một mặt, những người tham dự tìm cách để hiểu được hoàn cảnh (gồm cả các dữ kiện lẫn các quan điểm); mặt khác, họ tìm cách để ảnh hưởng đến hoàn cảnh (cũng bao gồm cả các dữ kiện lẫn các quan điểm). Sự tác động lẫn nhau giữa chức năng nhận thức và chức năng thao túng đã xâm nhập vào mối liên hệ nhân quả, làm cho mối liên hệ này không dẫn dắt trực tiếp từ một loạt dữ kiện này sang một loạt dữ kiện khác mà lại phản ảnh và ảnh hưởng đến quan điểm của những người tham dự. Do những quan điểm đó không tương xứng với các dữ kiện, chúng đưa vào diễn biến các sự kiện một yếu tố bất định vốn không có trong các sự kiện tự nhiên. Yếu tố bất định này ảnh hưởng đến cả các dữ kiện lẫn quan điểm của những người tham dự. Tuy hiện tượng tự nhiên không nhất thiết được xác định bởi những định luật khoa học có giá trị phổ quát, nhưng các sự kiện xã hội thì lại còn ít thế hơn.


Tôi giải thích yếu tố bất định hàm chứa trong những sự kiện xã hội bằng cách dựa vào thuyết tương xứng về chân lý và khái niệm phản hồi. Phản hồi vẫn được dùng trong luận lý học khi nói đến một mối liên hệ mà một vật có với chính nó. Tôi đã dùng tính phản hồi theo một nghĩa có hơi khác để diễn tả một mối liên hệ hai chiều giữa tư duy của những người tham dự với hoàn cảnh mà họ tham dự.


Tri thức được thể hiện bằng những mệnh đề đúng. Một mệnh đề là đúng và chỉ đúng nếu nó phù hợp với các dữ kiện. Đó là điều mà thuyết tương xứng về chân lý nói với chúng ta. Để thiết lập được sự tương xứng, các dữ kiện và các mệnh đề về chúng phải độc lập với nhau. Đây là một yêu cầu không thể được thỏa mãn khi chúng ta là một phần của thế giới mà chúng ta đang gắng hiểu. Đó là lý do tại sao những người tham dự không thể ra quyết định dựa trên tri thức. Những gì thiếu về tri thức thì họ phải bù đắp bằng sự suy đoán dựa trên kinh nghiệm, bản năng, cảm xúc, lễ nghi, hay những ngộ nhận khác. Chính những quan điểm bị thiên lệch và những ngộ nhận của người tham dự đã đưa vào dòng chảy của sự kiện một yếu tố bất định.


Tất cả những điều này thật quá hiển nhiên. Điều khó hiểu là vì sao khái niệm tính phản hồi vẫn chưa được nhiều người công nhận. Trong trường hợp thị trường tài chính thì tôi biết câu trả lời: tính phản hồi ngăn cản các nhà kinh tế lập ra các lý thuyết có thể giải thích và tiên đoán hành vi của thị trường tài chính, giống cách mà các nhà khoa học tự nhiên có thể giải thích và tiên đoán các hiện tượng tự nhiên. Để xây dựng và bảo vệ vị thế của kinh tế học như một ngành khoa học, các nhà kinh tế học đã làm mọi cách để loại tính phản hồi ra khỏi chủ đề của họ. Khi bước sang những lĩnh vực khác của thực tế thì tôi không dám chắc lắm do không thật khá trong môn Triết. Tôi có cảm giác là các triết gia đã vật lộn với vấn đề này theo nhiều cách khác nhau. Thí dụ, Aristotle đã phân biệt giữa lý tính lý thuyết (ở đây là chức năng nhận thức) với lý tính thực hành (tức chức năng thao túng). Tuy nhiên vì là triết gia nên họ đã quá bận tâm với chức năng nhận thức đến nỗi không quan tâm đủ tới chức năng thao túng.


Các triết gia đã nhận ra và xem xét tính bất định trong nhận thức gắn liền với những mệnh đề tự-quy-chiếu. Vấn đề này đã được triết gia đảo Crete là Epimenides đưa ra khi ông nói rằng người đảo Crete luôn luôn nói dối. Nghịch lý của kẻ nói dối cuối cùng đã đưa Bertrand Russell tới chỗ phân biệt giữa các mệnh đề tự quy chiếu với những mệnh đề không tự quy chiếu. Những triết gia phân tích cũng đã nghiên cứu những vấn đề đi cùng với “hành vi ngôn từ” – những mệnh đề có tác động lên hoàn cảnh mà chúng đề cập, nhưng mối quan tâm của họ lại chủ yếu tập trung vào khía cạnh nhận thức của vấn đề. Người ta đã không thừa nhận rộng rãi rằng những sự kiện xã hội có một cấu trúc khác với các hiện tượng tự nhiên. Trái lại, Karl Popper, người mang lại nguồn cảm hứng chính cho tôi, còn công bố học thuyết về thống nhất phương pháp, tức là cần áp dụng cùng những phương pháp và tiêu chuẩn giống nhau cho nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên lẫn các sự kiện xã hội. Dĩ nhiên, đó không phải là điểm duy nhất được đưa ra, nhưng đó là quan điểm phổ biến của các nhà khoa học xã hội – những người khao khát có được vị thế như các nhà khoa học tự nhiên. Không phải nhà khoa học xã hội nào cũng mong như thế. Các nhà nhân loại học và hầu hết các nhà xã hội học thậm chí còn không cố bắt chước các nhà khoa học tự nhiên. Nhưng họ lại có ít ảnh hưởng hơn những người chịu bắt chước.


Thuyết phản hồi tìm cách soi rọi mối quan hệ giữa tư duy và thực tại. Nó chỉ áp dụng cho một phân khúc tương đối hẹp của thực tại. Trong lĩnh vực các hiện tượng tự nhiên, các sự kiện xảy ra độc lập với cái mà ta nghĩ; do đó khoa học tự nhiên có thể giải thích và tiên đoán diễn biến các sự kiện một cách tương đối chắc chắn. Tính phản hồi bị giới hạn trong lĩnh vực của các hiện tượng xã hội – cụ thể hơn, trong những hoàn cảnh mà ở đó những người tham dự không thể lấy thuần tri thức làm cơ sở cho các quyết định của mình – và điều này đã tạo ra những khó khăn cho các ngành khoa học xã hội mà các ngành khoa học tự nhiên không gặp phải.


Tính phản hồi có thể được cắt nghĩa như một vòng tròn hay một vòng phản hồi hai chiều giữa quan điểm của những người tham dự với hoàn cảnh hiện tại. Người ta ra quyết định không dựa trên hoàn cảnh thực sự mà người ta phải đối diện, mà trên nhận thức hay diễn giải của người ta về hoàn cảnh đó. Quyết định của họ tác động lên hoàn cảnh (chức năng thao túng), và những thay đổi của hoàn cảnh lại rất có thể sẽ làm cho họ thay đổi nhận thức (chức năng nhận thức). Hai chức năng này vận hành cùng lúc chứ không liên tiếp nối nhau. Nếu phản hồi là nối tiếp, nó sẽ tạo ra một chuỗi kết nối xác định duy nhất dẫn thẳng từ dữ kiện tới nhận thức, tới dữ kiện mới và rồi tới nhận thức mới và cứ thế mãi. Chính việc hai quá trình diễn ra cùng lúc đã tạo ra một sự bất định ở cả trong nhận thức của những người tham dự lẫn trong dòng chảy thực sự của sự kiện. Cách nhìn này về tính phản hồi sẽ đặc biệt có ích, như chúng ta sẽ thấy, trong việc hiểu biết về hành vi của thị trường tài chính. Dù chúng ta có nói về một vòng tròn hay về một cơ chế phản hồi thì khác biệt cũng chỉ là vấn đề diễn giải; nhưng sự tương tác hai chiều đó là có thực. Cái vòng tròn đó không phải là một sai lầm trong diễn giải; ngược lại, lỗi sai chính là sự phủ nhận cái vòng tròn đó. Thuyết phản hồi tìm cách để sửa cái lỗi đó.


Những khó khăn của các ngành khoa học xã hội chỉ là những phản ảnh thứ cấp, nhợt nhạt của cái tình huống gay go mà những người tham dự rơi vào. Họ có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của sự kiện – do tương lai bị ảnh hưởng bởi những quyết định của họ – nhưng họ lại không thể ra quyết định dựa trên tri thức. Họ bắt buộc phải hình thành một thế giới quan nhưng thế giới quan đó lại không tương xứng với tình trạng thực tế. Dù có nhận ra điều đó hay không, họ vẫn bị bắt buộc phải hành động trên cơ sở những tín điều không bắt rễ trong thực tế. Diễn giải sai thực tại và những ngộ nhận khác có vai trò ảnh hưởng tới tiến trình của các sự kiện lớn hơn nhiều cách người ta tưởng. Đó chính là nhận thức mới chủ yếu mà thuyết phản hồi mang lại. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay sẽ là một thí dụ thuyết phục.

Trước khi bước vào trình bày chi tiết lý thuyết này, tôi nghĩ có lẽ sẽ có ích nếu tôi kể lại cách tôi đã phát triển nó như thế nào trong suốt bao nhiêu năm. Như độc giả sẽ thấy, lý thuyết này hình thành từ kinh nghiệm cá nhân tôi. Tôi đã học được từ khi còn rất trẻ rằng những hệ tư tưởng dựa trên những tiền đề sai lầm có thể làm biến đổi thực tại như thế nào. Tôi cũng đã học được rằng có những lúc không thể áp dụng những qui tắc bình thường, và những lúc đó thì những điều bất thường trở thành những điều bình thường.

Trích từ ” Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros ” . Trích đoạn giúp bạn dễ đọc . Phi thương mại. Bạn có thể  ủng hộ tác giả, nhà xuất bản bằng cách nào đó phù hợp.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com