menu
Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 2: Tự Truyện Của Một Triết Gia Bất Thành

Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính – George Soros – Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 2: Tự Truyện Của Một Triết Gia Bất Thành

News Trading

News Trading
Like
1766 View

Phần 1: Tổng Quan – CHƯƠNG 2: Tự Truyện Của Một Triết Gia Bất Thành


Từ trước đến nay tôi vẫn luôn quan tâm tới triết học. Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã muốn biết mình là ai, muốn biết về cái thế giới nơi mình được sinh ra, về ý nghĩa của cuộc đời, và hơn thế nữa, khi đã trở nên ý thức hơn về cái chết, tôi muốn biết về cái chết sau này của chính tôi. Tôi bắt đầu đọc các triết gia cổ điển từ những năm đầu tuổi thiếu niên, nhưng giai đoạn thực sự quan trọng là trong thời quân Phát xít chiếm đóng Hungary vào năm 1944, và sau đó khi tôi di cư sang Anh vào năm 1947.


Năm 1944 là một trải nghiệm hình thành của đời tôi. Tôi sẽ không kể lại chi tiết về trải nghiệm đó bởi vì cha tôi đã làm việc đó tốt hơn tôi. Hãy tưởng tượng một đứa trẻ mười bốn tuổi với nguồn gốc trung lưu đột nhiên phải đối mặt với cái viễn cảnh bị trục xuất và bị giết chỉ vì nó là người Do thái. May mắn là cha tôi đã chuẩn bị sẵn cho trải nghiệm còn-lâu-mới-ở-mức-cân-bằngnày. Ông đã từng sống qua thời Cách mạng Nga ở Siberia, và đó là trải nghiệm đã hình thành nên cuộc đời ông. Trước đó, ông là một thanh niên đầy tham vọng. Khi Thế chiến I bùng nổ, ông tình nguyện phục vụ trong quân đội Áo-Hung. Ông bị quân Nga bắt và trở thành tù binh chiến tranh ở Siberia. Là một người tham vọng, ông trở thành chủ bút tờ báo của tù nhân. Tờ báo có tên The Plank (Tấm Ván) do những bài báo viết tay được dán trên một tấm ván và các tác giả nấp sau tấm ván để lắng nghe những lời bình luận của người đọc. Cha tôi trở nên được ưa thích đến nỗi người ta đã bầu ông làm đại diện cho tù nhân. Khi ở trại tù bên cạnh có vài người lính trốn thoát, người đại diện tù nhân ở trại ấy đã bị bắn để trả thù. Thay vì đợi một việc tương tự xảy ra trong trại của mình, cha tôi tổ chức một nhóm và cầm đầu vụ vượt ngục. Kế hoạch của ông là kết một cái bè và thả trôi ra đại dương, nhưng ông lại thiếu kiến thức về địa lý; ông đã không biết rằng mọi con sông Siberia đều chảy vào Bắc băng dương. Họ đã trôi dạt mất nhiều tuần rồi mới nhận ra mình đang hướng về Bắc cực, và sau đó lại mất thêm nhiều tháng để quay về với nền văn minh bên kia rừng taiga. Cùng lúc đó, Cách mạng Nga nổ ra và họ bị kẹt trong đó. Phải trải qua nhiều cuộc mạo hiểm nữa cha tôi mới tìm được đường quay về Hung. Nếu cứ ở lại trong trại thì có lẽ cha tôi còn về đến nhà sớm hơn.


Trở về, cha tôi là một con người đã thay đổi. Những trải nghiệm trong suốt thời kỳ Cách mạng Nga đã ảnh hưởng tới ông sâu sắc. Ông đánh mất tham vọng và không muốn gì hơn ở cuộc đời ngoài việc tận hưởng nó. Ông truyền đạt cho đám con mình những giá trị rất khác với những giá trị của cái môi trường mà lúc đó chúng tôi sống. Ông không muốn cóp nhặt làm giầu hay trở thành người có địa vị trong xã hội. Trái lại, ông chỉ làm việc vừa đủ để không bị thiếu thốn. Tôi còn nhớ từng được cha sai đến khách hàng ruột của ông để vay ít tiền trước khi bọn tôi đi nghỉ trượt tuyết; suốt mấy tuần sau đó cha tôi cáu kỉnh vì ông phải làm trả nợ. Mặc dầu khá phong lưu, chúng tôi không thuộc kiểu gia đình tư sản điển hình, và chúng tôi tự hào vì mình khác người.


Khi Đức chiếm đóng Hungary vào ngày 19 tháng Ba năm 1944, cha tôi biết rằng đây sẽ một giai đoạn không bình thường và những quy luật bình thường sẽ không áp dụng được nữa. Ông thu xếp căn cước giả cho gia đình tôi và cho một số người khác. Khách hàng thì phải trả tiền, những người khác thì ông giúp không. Hầu hết họ đều sống sót. Đó là lúc đẹp nhất của đời ông.


Sống với một căn cước giả hóa ra lại là một trải nghiệm hứng thú đối với tôi. Chúng tôi đối diện với mối nguy hiểm chết chóc, quanh chúng tôi người người bỏ mạng, nhưng chúng tôi đã xoay sở để không những còn sống mà còn vươn lên trong chiến thắng, bởi vì chúng tôi đã giúp được rất nhiều người. Chúng tôi thuộc phe các thiên thần và chúng tôi đã chiến thắng dù cửa thua vô cùng lớn. Tôi ý thức được các hiểm nguy nhưng tôi nghĩ chúng không thể chạm được vào mình. Đó là trò mạo hiểm nhất hạng, giống như sống trong phim Raiders of the Lost Ark. Một đứa bé mười bốn tuổi liệu còn có thể mong gì hơn thế?


Sau những cuộc phiêu lưu nguy hiểm trong thời khủng bố Phát xít, tình hình trở nên xấu đi trong thời người Nga chiếm đóng. Thoạt tiên, những cuộc phiêu lưu ấy vẫn tiếp tục và chúng tôi vẫn có thể khéo léo vượt qua những tình huống hiểm nguy. Lãnh sự quán Thụy Sĩ dùng cha tôi làm sĩ quan liên lạc với lực lượng chiếm đóng của Nga. Lúc đó Thụy Sĩ đang trông coi quyền lợi cho quân đồng minh nên vị trí của cha tôi là một vị trí quan trọng. Khi các lực lượng Đồng minh lập được văn phòng đại diện của riêng họ thì cha tôi cũng nghỉ hưu, ông cho rằng nếu lại làm tiếp cho quân Đồng minh thì sẽ quá nguy hiểm. Đó là một quyết định khôn ngoan giúp ông tránh khỏi bị ngược đãi về sau đó. Nhưng hoàn cảnh trở nên ngày càng ngột ngạt và u ám đối với một người trẻ tuổi đã bắt đầu quen với những cuộc phiêu lưu. Tôi cũng nghĩ rằng không lành mạnh chút nào nếu một thiếu niên mười lăm tuổi lại suy nghĩ hệt như ông bố năm mươi tuổi của nó. Tôi nói với cha rằng tôi muốn đi xa. “Con muốn đi đâu?” Ông hỏi. “Đến Moscow, để tìm hiểu về Chủ nghĩa Cộng sản hoặc đến London vì có đài BBC,” tôi đáp. “Cha biết Liên Xô quá tường tận và cha có thể kể cho con mọi thứ về nó,” cha tôi nói. Như thế là chỉ còn lựa chọn London. Không dễ gì mà đến đó được, nhưng tôi đã đến vào tháng 9 năm 1947.


Sống ở London lúc ấy là một bước đi xuống. Tôi không có tiền hay bạn. Sau một cuộc đời đầy phiêu lưu tôi đã trở nên tự mãn, nhưng ở London chẳng ai thèm để tâm. Tôi là một người đứng ngoài nhìn vào và tôi chỉ tìm thấy sự cô đơn. Có một lần tôi hết sạch tiền. Tôi đang ăn một chút đồ nhẹ ở Lyons Corner House và sau khi trả tiền đồ ăn thì không còn đồng nào cả. “Mình đã chạm tới đáy,” tôi tự nhủ, “và chắc mình phải đứng dậy thôi. Đây sẽ là một trải nghiệm đáng giá.”


Tôi đọc và nghĩ rất nhiều thời làm việc trực hồ bơi ở Brentfort trong khi chờ được nhận vào trường Kinh tế London (LSE). Một trong những cuốn sách tôi đọc lúc ấy là Xã hội mở và những Kẻ thù của nó của Karl Popper. Cuốn sách đó điểm trúng tôi với sức mạnh của mặc khải. Popper lập luận rằng những hệ tư tưởng toàn trị có một điểm chung là chúng đều tuyên bố sở hữu chân lý tuyệt đối. Do chân lý tuyệt đối nằm ngoài tầm với của con người, những hệ tư tưởng ấy đều phải dựa trên một cách biện giải thực tại méo mó và thiên kiến; hậu quả là chúng chỉ có thể được áp đặt lên xã hội nhờ những phương cách cưỡng bức. Ông đưa ra một nguyên lý khác về tổ chức xã hội có nền tảng là nhận thức rằng chân lý tuyệt đối nằm ngoài tầm với của chúng ta, và chúng ta cần những thể chế cho phép những người có quan điểm và quan tâm khác có thể chung sống hòa bình. Popper gọi nguyên tắc này là xã hội mở. Đã từng sống qua thời Đức và Liên Xô chiếm đóng, tôi càng thiết tha hơn với lý tưởng về một xã hội mở.


Tôi cũng đã đào sâu hơn triết học của Popper. Popper, trên tất thảy, là một triết gia khoa học. Ông luôn cho rằng các học

thuyết khoa học là không thể được kiểm chứng; chúng chỉ nên được coi là những giả thiết phải chịu sự kiểm sai; chừng nào còn chưa được kiểm sai, chừng đó chúng chỉ có thể được coi là tạm thời đúng. Sự bất tương xứng giữa kiểm chứng với kiểm sai mang lại một giải pháp cho vấn đề hóc búa khác về quy nạp: làm sao mà một số lượng quan sát rời rạc bất kỳ nào có thể được dùng để chứng minh một lý thuyết tự xưng là đúng mọi nơi? Thay kiểm chứng bằng kiểm sai sẽ loại đi đòi hỏi phải dùng đến phép quy nạp logic. Tôi coi đây là đóng góp lớn nhất của Popper vào triết học của khoa học.


Tôi bị ảnh hưởng rất lớn từ triết học của Popper, nhưng dĩ nhiên tôi cũng đọc nhiều sách khác và tôi không chấp nhận mọi luận điểm của Popper mà không có phê bình. Đặc biệt, tôi không tán thành với cái mà ông gọi là học thuyết về thống nhất phương pháp; học thuyết đó cho rằng có thể áp dụng cùng các phương pháp và tiêu chuẩn cho cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên. Tôi vẫn cho rằng có một sự khác biệt căn bản giữa hai khoa học này, cụ thể là ở chỗ khoa học xã hội có đối tượng là các sự kiện với những người tham dự biết suy nghĩ. Những người tham dự này ra quyết định dựa trên hiểu biết không hoàn hảo của họ. Tính có thể sai của họ đặt ra một khó khăn cho việc hiểu được những hoàn cảnh xã hội, khó khăn đó không có trong trường hợp nghiên cứu những hiện tượng tự nhiên. Vì lý do đó, khoa học xã hội cần dùng những phương pháp và chuẩn mực ít nhiều phải khác với khoa học tự nhiên. Có lẽ không thể kẻ một đường ranh cứng nhắc giữa hai loại khoa học này, thí dụ môn tâm lý học tiến hóa hay y học thì thuộc về loại khoa học nào? Tuy nhiên, như tôi đã giải thích ở chương trước, sự khác nhau giữa các hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội đóng một vai trò chủ chốt trong thế giới quan của tôi.


Qua năm tháng, triết học của tôi cũng đã “tiến hóa” nhiều, nhưng tôi đã bắt đầu hình thành nó từ khi còn là sinh viên của trường LSE. Tôi đã học kinh tế học. Tôi không giỏi toán lắm, và điều đó khiến tôi đặt nghi vấn các giả định mà các nhà kinh tế học dùng làm cơ sở cho các mô hình toán học. Thuyết cạnh tranh hoàn hảo giả định rằng có tri thức hoàn hảo, và giả định này mâu thuẫn trực tiếp với luận điểm của Popper rằng hiểu biết của chúng ta vốn là không hoàn hảo. Trong quá trình phát triển của mình, học thuyết kinh tế đã buộc phải từ bỏ giả định về tri thức hoàn hảo, nhưng nó thay thế giả định đó bằng những giả định khác cho phép học thuyết kinh tế tạo ra những khái quát hóa mang giá trị phổ quát kiểu như những khái quát hóa trong vật lý học của Isaac Newton. Các giả thiết càng lúc càng trở nên rối rắm và từ đó cho ra đời một thế giới tưởng tượng chỉ phản ánh được vài khía cạnh nào đó của thực tại. Đó từng là thế giới của những mô hình toán học miêu tả một trạng thái cân bằng giả định của thị trường. Tôi vốn quan tâm tới thế giới thực hơn là những mô hình toán học, đó là điều đã dẫn tôi tới việc phát triển khái niệm về tính phản hồi.


Thuyết phản hồi không tạo ra những kết quả xác định như vật lý học của Newton; nhưng nó chỉ ra một yếu tố bất định vốn đã có sẵn trong những hoàn cảnh có những người tham dự vận hành trên cơ sở một hiểu biết không hoàn hảo. Thay cho một khuynh hướng phổ quát hướng tới trạng thái cân bằng, các thị trường tài chính lại đi theo một tiến trình một chiều đặc thù. Có thể một số dạng mẫu có khuynh hướng lặp đi lặp lại, nhưng tiến trình đó thực sự là một tiến trình bất định và đặc thù. Do đó, thuyết phản hồi cũng là một thuyết về lịch sử. Tuy nhiên, rõ ràng là thuyết này không được coi là khoa học vì nó không có được những lời giải thích và tiên đoán xác định. Nó chỉ đơn thuần là một khung khái niệm để hiểu được những sự kiện có người tham dự. Tuy thế, nó đã giúp tôi rất nhiều về sau này khi đã trở thành một thành viên thị trường. Về sau nữa, khi thành công trên thị trường tài chính đã cho phép tôi thiết lập một quỹ thì học thuyết về lịch sử lại dẫn lối tôi trong những việc làm từ thiện của tôi.


Những khám phá triết học của tôi đã không giúp tôi nhiều thời sinh viên. Tôi thi cử chỉ đỗ suýt soát. Đúng ra tôi muốn ở lại hơn trong những bức tường an toàn của giới hàn lâm – thậm chí tôi còn có triển vọng kiếm được một chân trợ lý giảng dạy tại Đại học Michigan ở Kalamazoo, nhưng do điểm số không đủ cao, tôi đã bị buộc phải bước vào thế giới thực. Sau vài khởi đầu thất bại, tôi đậu lại ở công việc của một người giao dịch chênh lệch, ban đầu ở London và sau là New York.[9]Lúc đầu tôi phải quên đi tất cả những gì đã học khi còn là sinh viên để có thể giữ được việc, nhưng rồi thì kiến thức từ trường học bắt đầu trở nên có ích. Đặc biệt, tôi có thể áp dụng thuyết phản hồi của mình vào việc thiết lập một kịch bản mất cân bằng (hay mô hình bùng-vỡ) cho các thị trường tài chính. Và phần thưởng đã đến khi các thị trường bước vào cái mà tôi gọi là lãnh địa còn-lâu-mới-cân-bằng, bởi đó chính là khi những mô hình cân bằng vẫn được chấp nhận rộng rãi sụp đổ. Tôi chuyên về việc phát hiện và lợi dụng những hoàn cảnh dạng tình huống còn-lâu-mới-cân-bằng này và có được kết quả tốt. Điều này dẫn tôi tới việc xuất bản cuốn sách đầu tiên, Giả kim thuật Tài chính (1987), trong đó tôi đã nói kỹ về cách tiếp cận của mình. Tôi gọi đó là thuật giả kim để nhấn mạnh việc lý thuyết của mình không đáp ứng được những yêu cầu phổ biến lúc đó về phương pháp khoa học.


Bao nhiêu phần thành công tài chính của tôi có được nhờ triết học của tôi là một câu hỏi khó trả lời, vì đặc điểm nổi bật của thuyết này là nó không đưa ra bất kỳ tiên đoán chắc chắn nào. Điều hành một quỹ đầu tư có nghĩa là thường xuyên giải bài tập phán đoán trong một môi trường rủi ro, và việc đó có thể gây căng thẳng vô cùng. Tôi thường phải chịu những cơn đau lưng và những cơn mệt óc, và từ những cơn đau lưng tôi đã nhận được nhiều tín hiệu có ích cũng ngang với từ học thuyết của mình. Tuy nhiên, tôi coi triết lý của mình, đặc biệt thuyết phản hồi, là vô cùng quan trọng. Quả thực, tôi coi nó quan trọng và quý giá tới mức cảm thấy khó có thể chia tay với nó qua việc viết nó xuống để xuất bản. Không hình thức văn từ nào đủ tốt để làm việc ấy.


Diễn đạt ý tưởng bằng vài câu, như tôi đang làm, sẽ là việc báng bổ. Nó phải là một cuốn sách. Trong khi tôi vật vã với các quan điểm thì lập luận của tôi trở nên phức tạp tới mức mà tôi không hiểu được điều tôi mới viết ra đêm trước. Như tôi vẫn thường kể lại, đó là khi tôi bỏ rơi những khám phá triết học của mình để trở về với đời thực và bắt đầu kiếm tiền nghiêm chỉnh. Nhưng cả điều đó cũng có mặt không hay của nó. Khi tôi bắt đầu lại những nghiên cứu triết học và xuất bản các kết quả trong Giả kim thuật Tài chính, phần triết học đã bị nhiều nhà phê bình hạ thấp, coi đó chỉ như một trò rửng mỡ của một kẻ đầu cơ thành công. Đó là lý do vì sao tôi đi đến chỗ tự coi mình là một triết gia bất thành. Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục thử. Một lần tôi đi nói chuyện ở trường đại học Vienna với chủ đề, “Triết gia bất thành thử sức lần nữa.” Tôi thấy mình ở trong một giảng đường, từ một chỗ ngồi cao vọi bên trên thính phòng nhìn xuống cử tọa. Cách bố trí này khiến tôi cảm thấy có hứng để đưa ra những lời phát biểu từ ngai tòa”, và trong một phút cao hứng tôi đã tuyên bố về học thuyết tính có thể sai. Đó là phần hay nhất trong bài nói của tôi.


Một số khó khăn trong việc hình thành những ý tưởng của tôi nằm ngay bên trong các khái niệm về tính phản hồi và tính có thể sai; những khó khăn khác là do tôi tự gây ra cho mình. Giờ nhớ lại tôi thấy rõ ràng là mình đã không đủ khúc chiết trong việc trình bày ý tưởng và có khuynh hướng cường điệu hóa lý lẽ của mình. Kết quả là giới chuyên môn, mà vị trí của họ bị tôi thách thức, có thể đã loại bỏ hay không đếm xỉa tới những lập luận của tôi, chỉ đơn thuần về phương diện kỹ thuật

mà không cần bỏ thời gian cân nhắc những lập luận ấy một chút nào. Nhưng cùng lúc đó, nhiều độc giả lại có thể nhìn xuyên qua cách trình bày sai lệch của tôi để hiểu đúng những ý tưởng đằng sau. Điều này đặc biệt đúng với những người tham gia vào thị trường tài chính, nơi những thành công đã được chứng minh của tôi khiến họ phải tìm kiếm lý do đằng sau, và sự tăm tối trong việc trình bày của tôi càng khiến họ say mê. Nhà xuất bản thấy trước điều đó và cố “nhịn” không biên tập bản thảo của tôi. Họ muốn quyển sách phải trở thành vật thờ cho một nhóm những người tôn sùng. Ngày hôm nay Giả kim thuật Tài chính đã được các thành viên thị trường tìm đọc, được dạy trong các trường kinh doanh, nhưng bị các khoa kinh tế lờ đi hoàn toàn.


Rủi thay, ý tưởng rằng tôi là một triết gia bất thành đã được những người viết về tôi tán thành, trong đó có cả Michael Kaufman, người viết tiểu sử về tôi. Ông trích lời con trai tôi, Robert:


“Cha tôi thể nào cũng ngồi xuống và đưa ra những lý thuyết để giải thích vì sao ông làm thế này hay thế kia. Nhưng tôi nhớ lại lúc mình còn là đứa trẻ và nghĩ, Chúa ơi, quá nửa những gì ông già nói là đồ bỏ. Ý tôi là, bạn biết thừa lý do khiến ông đổi vị thế kinh doanh trên thị trường hay gì gì đó chỉ vì cái lưng của ông bắt đầu làm khổ ông. Chẳng có dính gì đến lý tính cả. Ông bắt đầu có những cơn đau vật vã, theo đúng nghĩa đen, và đó là dấu hiệu báo động sớm.


Nếu ở gần ông một thời gian dài, bạn sẽ nhận ra chính tính khí của ông thúc đẩy ông phần lớn. Nhưng ông luôn cố gắng để lý tính hóa những thứ thực ra là xúc cảm của ông. Và ông thường xuyên sống trong một tình trạng, không hoàn toàn là chối bỏ, nhưng là lý tính hóa tình trạng cảm xúc của mình. Và điều đó thật tức cười.”[10]


Tôi ngấm ngầm có những nghi ngờ u ám về bản thân. Mặc dầu rất coi trọng triết học của mình nhưng tôi hoàn toàn không chắc là những điều mình nói ra có đáng để người khác coi trọng không. Tôi biết triết học đó về mặt chủ quan thật có ý nghĩa đối với tôi nhưng tôi không chắc về giá trị khách quan của nó đối với người khác. Lý thuyết tính phản hồi tiếp cận một vấn đề là mối quan hệ giữa tư duy và thực tại, một điều mà các triết gia cả bao đời nay vẫn bàn luận. Liệu có thể nói điều gì mới và độc đáo về đề tài này không? Suy cho cùng thì cả chức năng nhận thức lẫn chức năng tham gia đều có thể thấy được trong đời thực; còn cái gì có thể độc đáo được nữa trong khái niệm tính phản hồi? Chắc là nó phải đang tồn tại dưới một cái tên nào đó khác thôi. Việc không được giỏi cho lắm trong văn chương đã khiến cho tôi càng khó đạt được một kết luận chắc nịch. Thế nhưng tôi vẫn mong muốn tha thiết được người ta coi trọng với tư cách một triết gia, và chính tham vọng ấy đã biến thành trở ngại lớn nhất của tôi. Tôi cảm thấy mình bị bắt buộc cứ phải giải thích mãi cái triết thuyết của mình chỉ vì cảm thấy nó chưa được hiểu đúng. Tất cả mấy cuốn sách của tôi đều theo cùng một khuôn mẫu. Chúng kể lại lý thuyết về lịch sử của tôi, thường là ở cuối sách để không làm nản chí độc giả, và áp dụng lý thuyết đó vào khoảnh khắc hiện tại của lịch sử. Dần dà, tôi đã thắng được nỗi ngại ngần khi phải chia sẻ với người khác khái niệm tính phản hồi, và những phiên bản tóm lược triết học của tôi ngày càng ngắn, và tôi cũng hy vọng là ngày càng rõ ràng hơn. Trong cuốn sách gần đây nhất, Thời đại của Tính có thể sai, tôi đã đặt phần triết lên đầu. Tôi quyết tâm lần trình bày đó là lần cuối, bất luận tốt xấu, nhưng tôi vẫn không chắc liệu triết học của mình có đáng để người khác xem xét nghiêm túc không.


Thế rồi một việc xảy ra khiến tôi đổi ý. Lúc đó tôi đang thử trả lời câu hỏi là làm cách nào mà những công cụ tuyên truyền được Orwell mô tả trong tác phẩm 1984 lại thành công đến thế trong nước Mỹ đương đại? Xét cho cùng, trong 1984, “Anh Cả” vẫn để mắt canh chừng bạn; có một Bộ Chân lý và một bộ máy đàn áp chuyên “săn sóc” những kẻ chống đối. Ở nước Mỹ đương đại có tự do tư tưởng và truyền thông đa nguyên, ấy vậy mà bằng cách nào đó chính quyền Bush vẫn làm dân Mỹ lạc lối được bằng cái thứ ngôn ngữ Newspeak trong truyện của Orwell. Đột nhiên tôi nảy ra ý nghĩ rằng khái niệm tính phản hồi có thể rọi một ánh sáng mới lên câu hỏi kia. Trước đó tôi vẫn mặc nhiên coi ngôn ngữ Newspeak của Orwell chỉ chiếm ưu thế ở những xã hội đóng như trong 1984. Khi nghĩ thế, tôi đang chăm chăm đi theo lập luận của Karl Popper ủng hộ cho một xã hội mở, cụ thể là cái lập luận cho rằng tự do tư tưởng và tự do diễn đạt có thể sẽ dẫn tới một sự hiểu biết thực tại tốt hơn. Lập luận của ông xoay quanh một giả định bất thành văn rằng diễn ngôn chính trị nhắm tới một sự hiểu biết thực tại tốt hơn. Nhưng khái niệm tính phản hồi lại cho rằng có một thứ được gọi là chức năng thao túng (trước gọi là chức năng tham dự) và diễn ngôn chính trị có thể được dùng một cách thành công để thao túng thực tại. Vậy thì tại sao các chính trị gia lại phải đặt chức năng nhận thức lên trên chức năng thao túng? Điều đó chỉ thích hợp với một nhà khoa học xã hội theo đuổi mục đích thâu nhận tri thức chứ không thích hợp với một chính trị gia có mục đích tối cao là được bầu lên và được nắm quyền mãi.


Hiểu biết này buộc tôi phải cân nhắc khái niệm về xã hội mở mà tôi đã tiếp thu từ Karl Popper gần như là không có phê bình. Nhưng hiểu biết mới này cũng đã làm được một việc khác. Nó thuyết phục tôi rằng khung khái niệm của tôi có một giá trị khách quan vượt lên hẳn sự yêu thích của cá nhân tôi. Các khái niệm tính phản hồi và tính có thể sai đã có một đóng góp quan trọng vào hiểu biết của chúng ta, không phải vì bản thân chúng là thứ gì đó mới mẻ hay độc đáo, mà bởi vì chúng có thể được dùng để nhận biết và phản bác những ngộ nhận rộng khắp và có ảnh hưởng. Một trong những ngộ nhận ấy là cái mà tôi gọi là ngụy biện Khai sáng, cho rằng mục đích của lý tính là để làm ra tri thức. Tôi gọi đó là một ngụy biện vì nó đã bỏ qua chức năng thao túng. Để biết truyền thống Khai sáng đã bắt rễ sâu đến mức nào, có thể xem xét chính kinh nghiệm của tôi. Bằng việc đi theo khái niệm xã hội mở, tôi cũng làm theo ngụy biện Khai sáng, mặc dù khi phát triển khái niệm tính phản hồi tôi cũng đã nêu bật tầm quan trọng của chức năng thao túng.


Kết luận này loại bỏ những nghi ngờ mà tôi vẫn ngấm ngầm có về giá trị khách quan trong triết học của tôi. Thế rồi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính tàn phá cả hệ thống tài chính và đe dọa nhận chìm nền kinh tế. Đây đúng là một minh họa sống động cho việc một ngộ nhận có thể gây ra thiệt hại đến mức nào. Thuyết phản hồi đưa ra một giải pháp thay thế thực sự cho mô thức đang chiếm ưu thế hiện nay. Nếu thuyết phản hồi là đúng thì niềm tin rằng thị trường tài chính có khuynh hướng tự đạt tới trạng thái cân bằng sẽ là sai, và ngược lại.


Tôi giờ đã sẵn sàng mang khung khái niệm của mình ra cho công chúng xem xét, với niềm tin vững chắc rằng thuyết ấy xứng đáng được để ý. Tôi nhận thức được những thiếu sót trong những lần trình bày trước của mình mà tôi hy vọng lần này không còn mắc nữa, và tôi tin rằng độc giả sẽ có lợi khi bỏ ra chút công sức cần thiết để hiểu được lý thuyết của tôi. Khỏi phải nói điều này sẽ làm tôi vui thế nào. Tôi đã may mắn kiếm được rất nhiều tiền và tiêu nó đúng cách. Nhưng tôi vẫn luôn luôn muốn trở thành một triết gia và cuối cùng có lẽ tôi đã thành công. Tôi còn đòi hỏi gì hơn nữa ở cuộc đời đây?

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com