“Thỏa thuận góp vốn mới mới này sẽ đại diện cho toàn bộ hoạt động đầu tư của tôi vào chứng khoán khả mại(35), sao cho kết quả đầu tư của tôi sẽ trực tiếp tỷ lệ thuận với kết quả của mọi người, tùy thuộc vào lợi thế tôi đạt được nếu chúng ta làm tốt hơn 6%.”
− NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 1961
Động cơ thúc đẩy hành vi. Dù chúng ta đang nhắc tới các nhà quản lý đầu tư, các nhà lãnh đạo kinh doanh, hay các chính trị gia, đa phần mọi người sẽ thường hành xử theo những gì họ được trả công.
Thông qua việc hiểu bằng cách nào và tại sao một nhà quản lý đầu tư được trả tiền, bạn có thể đối chiếu hành vi được kỳ vọng từ họ với lợi ích tốt nhất của riêng bạn. Trong khi hầu hết mọi người đều nghĩ bạn đạt được những gì bạn trả tiền, thì mức ảnh hưởng to lớn của siêu sức mạnh này thường bị đánh giá thấp. Như Charlie Munger đã nói, “Tôi nghĩ rằng trong phần lớn quãng đời trưởng thành của mình, tôi luôn thuộc 5% nhóm người cùng tuổi hiểu được sức mạnh của động cơ, tuy vậy tôi lại luôn đánh giá thấp sức mạnh đó. Chẳng có năm nào trôi qua mà tôi không thấy thêm bất ngờ khi nhận thức được sức mạnh của động cơ.”
Ví dụ về FedEx là một trong những trường hợp yêu thích của ông về vấn đề này. Ông giải thích rằng tính toàn vẹn của hệ thống FedEx dựa chủ yếu vào khả năng bốc dỡ rồi nhanh chóng chất lại các gói hàng tại một địa điểm trung tâm trong một khoảng thời gian quy định. Nhiều năm trước, công ty này đã gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc để công nhân của mình bốc dỡ toàn bộ kiện hàng xuống và sau đó chất lại lên máy bay kịp lúc. Họ đã thử rất nhiều giải pháp nhưng không thành công, cho tới khi một người nảy ra ý tưởng tuyệt vời là trả lương công nhân theo ca làm việc thay vì giờ làm việc. Chà, thế là vấn đề được giải quyết.
Hệ thống trả lương theo giờ trước đây của FedEx khen thưởng những người mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc. Họ được khuyến khích làm lâu hơn. Bằng cách chuyển sang trả lương theo ca làm việc, các công nhân có động lực để làm việc nhanh hơn mà không có sai sót để họ có thể về nhà sớm hơn, mà vẫn nhận được mức lương cho cả ca làm việc đó. Bằng việc thống nhất lợi ích của doanh nghiệp với động cơ của công nhân, FedEx đạt được kết quả mà cả công ty và công nhân đều mong muốn.
Hoạt động quản lý đầu tư cũng không khác là mấy. “Nếu bạn muốn dụ lũ kiến, hãy rắc đường lên sàn nhà.” Nếu bạn muốn nhà quản lý đầu tư của mình nghĩ tới việc hành xử vì lợi ích tốt nhất của bạn, bạn phải đảm bảo lợi ích của mình được thống nhất với động cơ của họ. Buffett rất giỏi thống nhất lợi ích của ông với các nhà đầu tư.
Những điều cơ bản về Công ty Hợp danh Buffett
Công ty Hợp danh Buffett được phỏng theo mô hình của Newman-Graham, một trong những quỹ phòng hộ đầu tiên trong cả nước. Graham đã đi tiên phong trong cấu trúc cơ bản này. Nó gồm một thành viên hợp danh, như Buffett, người chịu trách nhiệm quản lý và nhận một phần lợi nhuận. Các thành viên góp vốn, như dì Alice, góp vốn nhưng không có tiếng nói trong cách sử dụng quỹ.
Dưới đây là mô tả của Buffett về cách thỏa thuận góp vốn đầu tiên này được thành lập lúc ông trở về Omaha sau khi rời Graham-Newman ở tuổi 25:
Tôi không có kế hoạch thành lập một thỏa thuận góp vốn, hay thậm chí kiếm một công việc. Tôi cũng chẳng thấy lo lắng miễn là tôi có thể tự mình hoạt động. Tôi chắc chắn không muốn quay lại công việc bán chứng khoán cho người khác nữa. Nhưng thật tình cờ, bảy người, trong đó có vài người thân của tôi, nói với tôi rằng, “Cháu từng bán chứng khoán, và chúng ta muốn cháu nói cho chúng ta cách làm gì với tiền của mình.” Tôi trả lời, “Cháu không làm điều đó nữa, nhưng cháu sẽ thành lập một thỏa thuận góp vốn như chú Ben và Jerrry từng làm, và nếu mọi người muốn tham gia, cứ tự nhiên ạ.” Cha vợ tôi, bạn cùng phòng thời đại học, mẹ của anh ta, dì Alice, chị tôi, anh rể và cả luật sư của tôi đều đăng ký tham gia. Tôi cũng có hàng trăm đô la. Nó bắt đầu thế đấy – thật tình cờ.
Thỏa thuận góp vốn đầu tiên được bắt đầu với những người mà ông quan tâm sâu sắc. Rõ ràng những cảm xúc này ảnh hướng tới cách ông xây dựng các chi tiết cụ thể từng cấu trúc chi phí của thỏa thuận góp vốn. Từ năm 1956 đến năm 1961, có thêm 10 thỏa thuận góp vốn riêng biệt được lập ra. Khi các thỏa thuận góp vốn được thêm vào, Buffett đưa ra các điều khoản khác nhau tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhóm mới. Ông biết hầu hết từng thành viên góp vốn. Nhiều người sống ở Omaha.
Trong mỗi trường hợp, Buffett lấy phần trăm tiền lãi nhiều hơn một ngưỡng lợi suất nhất định, đươc gọi là “mức dự phòng lãi.” Nhìn chung, khi nhận nhiều rủi ro về mình hơn, thì ông lấy phần trăm tiền lãi lớn hơn. Trong 11 thỏa thuận góp vốn, mức dự phòng lãi nằm trong khoảng từ 0% tới 6%, sau khoản này sẽ tính khoản dư cho thành viên hợp danh. Thỏa thuận góp vốn đầu tiên có mức dự phòng chia sẻ lỗ mà trong đó Buffett đồng ý chịu một phần trong bất kỳ khoản lỗ nào. Ông luôn công bằng và điều tiết theo nhu cầu và mức chịu rủi ro của các thành viên góp vốn khác nhau. Những ai sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn sẽ mất ít phí hơn. Khi nhận thêm rủi ro, Buffett tính thêm phí.
Một BPL
Bắt đầu với 105.100 đô la và một thỏa thuận góp vốn duy nhất, tính tới năm 1960, tài sản đã tăng lên đến 1.900.000 đô la với 7 thỏa thuận góp vốn riêng biệt và ngày càng trở nên cồng kềnh hơn. Ông đã thể hiện mong muốn hợp nhất các thỏa thuận góp vốn lần đầu tiên, khi nhận thấy vấn đề có kết quả khác nhau giữa các thỏa thuận góp vốn:
Gia đình ngày càng đông. Chẳng có thỏa thuận góp vốn nào mà thành tích luôn tốt hơn hay thấp hơn trung bình nhóm của chúng ta, nhưng có một số khác biệt mỗi năm mặc dù tôi luôn cố gắng đầu tư tất cả các thỏa thuận góp vốn này vào cùng các loại chứng khoán và với tỷ lệ gần như bằng nhau. Tất nhiên, khác biệt này có thể loại bỏ bằng cách
kết hợp các thỏa thuận góp vốn hiện tại thành một thỏa thuận lớn. Giải pháp đó cũng sẽ loại bỏ nhiều chi tiết và mức chi phí đáng kể. Thành thật mà nói, tôi hy vọng làm được điều gì đó như vậy trong vài năm tới. Chỉ có vấn đề là các thành viên góp vốn khác nhau lại thích đa dạng các bố trí thỏa thuận góp vốn hơn. Không điều gì có thể thực hiện nếu thiếu sự nhất trí của các thành viên góp vốn.
Việc hợp nhất thành một thực thể vào năm 1962, Công ty Hợp danh Trách nhiệm Hữu hạn Buffett (BPL), đã loại bỏ mọi nguy cơ dẫn tới khác biệt kết quả đầu tư giữa các thành viên góp vốn. Giải pháp này thật đúng lúc bởi tổng tài sản của các thỏa thuận góp vốn đã tăng gấp 3 lần chỉ trong một năm, lên tới 7.178.500 đô la. Cổ phần cá nhân của Buffett chiếm 14,3% và khi lợi ích chung của các thành viên gia đình ông được thêm vào, gia đình Buffett chiếm tới hơn 25%. Tỷ lệ này khá cao, giống công ty gia đình hơn là một quỹ phòng hộ hay hợp danh. Buffett giờ không chỉ là thành viên hợp danh được hưởng phí từ các thành viên góp vốn; mà ông cùng gia đình mình cũng gặp nhiều rủi ro tài chính hơn bất kỳ thành viên góp vốn nào khác.
Điều khoản của BPL
Khi tất cả các thỏa thuận góp vốn được hợp nhất thành BPL, tất cả các thành viên góp vốn được yêu cầu chuyển sang cùng điều khoản thống nhất chung. Mức dự phòng lãi được đặt ở mức 6% cho mọi người, mà trên mức đó Buffett sẽ nhận 25% tiền lãi. Khi ông thấy thị trường đang đi lên trung bình 5-7% mỗi năm, mức dự phòng lãi đã đẩy tới mức mà nếu không đánh bại thị trường thì ông chẳng nhận được gì. Ông đang găp “mốc nước dâng cao” – bất kỳ khoản thiếu hụt dồn tích nào dưới 6% lãi mỗi năm sẽ phải được tự bù vào thì ông mới có thể tiếp tục nhận khoản phí của mình.
Một số thành viên góp vốn sống dựa vào thu nhập từ Công ty Hợp danh và muốn thu tiền trên khoản dự phòng lãi của họ. Những người khác lại muốn tối đa hóa khoản vốn đầu tư. Để “dỗ dành” cả hai nhóm nay, mức dự phòng lãi 6% sẽ được phân phối, ½% mỗi tháng, cho ai muốn nhận nó ngay. Những người muốn khoản quỹ của mình được đầu tư đầy đủ có thể chọn bỏ qua các khoản thanh toán này, để chúng được tái đầu tư vào trong Hợp danh vào thời điểm cuối năm.
Giờ hãy xem tại sao cách cấu trúc của Buffett ở Công ty Hợp danh lại là một ví dụ tuyệt vời về việc thống nhất động cơ của nhà quản lý đầu tư và mục tiêu của nhà đầu tư. Khả năng thiết kế các cấu trúc động cơ đơn giản, dễ hiểu là nguồn gốc chủ chốt trong thành công của Buffett trong suốt những năm tháng của Công ty Hợp danh này và thực sự trong suốt sự nghiệp của ông.
Bằng cách nào nhà quản lý được trả công trong khi nhà đầu tư lại không
Các quỹ phòng hộ và quỹ tương hỗ ngày nay thường tính một mức phí quản lý dưới dạng một phần trăm cố định trong tổng tài sản của nhà đầu tư được quản lý. Khoản này có thể từ 0,25% tới 2% trở lên, mỗi năm, và khoản phí này không bị ảnh hưởng bởi hiệu quả đầu tư.
Do hoạt động quản lý tài sản có khả năng mở rộng cao – tài sản tăng thường không khiến chi phí tăng lên nhiều – nên khoản quỹ được quản lý càng nhiều thì lợi nhuận của nhà quản lý tài sản càng cao. Trong khi hiệu quả chắc chắn là thành phần chủ chốt trong khả năng tăng trưởng của một quỹ đầu tư, thì một chiến lược tiếp thị tuyệt vời lại có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và có khả năng thúc đẩy tăng trưởng tài sản thậm chí còn nhanh hơn. Hầu hết các nhà quản lý tài sản – đặc biệt các công ty quỹ tương hỗ – kiếm được các khoản tiền phí và nhờ đó có động cơ tối đa hóa quy mô tổng tài sản của họ.
Các khoản phí dựa trên phần trăm cố định của tài sản được quản lý khiến các nhà quản lý tài sản thật khó từ chối dòng vốn gia tăng từ các nhà đầu tư, thậm chí khi rõ ràng nó sẽ có tác động xấu đến hiệu quả đầu tư. Khi lợi ích chính (phần trăm lãi hàng năm) của nhà đầu tư “bước sai nhịp” với lợi ích của nhà quản lý tài sản (nhiều tài sản hơn, nhiều phí hơn), thì tồn tại một xung đột lợi ích tiềm tàng. Buffett không thu phí quản lý tài sản. Ông chỉ được trả công dựa trên hiệu quả đầu tư. Hệ thống của ông tốt hơn bởi nó loại bỏ nguồn gốc xung đột tiềm ẩn giữa lợi ích của ông và của các thành viên góp vốn.
Chi phí kém hiệu quả
Ngoài việc không thu phí quản lý, Buffett còn nghĩ rằng ông chỉ nên được trả công cho mức hiệu quả lớn hơn mức một nhà đầu tư “không làm gì” có thể đạt được; ông chỉ thu phí vượt quá ngưỡng 6% lợi suất, mức giữa của lợi suất kỳ vọng trung bình 5-7% cho thị trường của ông. Bằng cách này, ông càng thống nhất với lợi ích của các thành viên góp vốn hơn nữa.
Ngày nay, các quỹ phòng hộ thường thu mức phí được gọi là “2 và 20”; 2% là phí quản lý, và sau đó tính thêm 20% cho toàn bộ lợi nhuận, mà không có lợi suất ở ngưỡng tối thiểu. Các nhà quản lý tài sản có thể thu được các khoản phí lớn thậm chí dù họ chỉ đưa ra được lợi nhuận dương về mặt danh nghĩa trong khi không thể làm tốt hơn thị trường. Đây là một trạng thái không thỏa đáng kể từ cuối đợt khủng hoảng tài chính, khi mà ngành công nghiệp quỹ phòng hộ nhìn chung không thể vượt qua chỉ số của thị trường vào mỗi năm (2008-2014). Giống như con vịt của Buffett, các quỹ này không thể “tự mình vỗ cánh” nhưng các nhà đầu tư vào các quỹ này vẫn buộc phải trả 20% “lãi” của họ dưới dạng các khoản phí. Cấu trúc “trả công theo hiệu quả” của Buffett đã làm đúng ý tưởng của ông về việc đối xử với mọi người theo cách ông muốn được đối xử nếu vị trí của họ được đảo ngược.
Ngửa họ thắng, Sấp ta thua
Trong nhiều trường hợp, tiền góp vốn của cá nhân các nhà quản lý quỹ chiếm tỷ lệ không đáng kể trong số tài sản được quản lý hay giá trị tài sản ròng(36) cá nhân của họ. Điều này có thể dẫn tới một quan hệ “ngửa họ thắng, sấp ta thua” trong đó nhà quản lý quỹ được trả công hậu hĩnh, nhưng khi kết quả của họ kém cỏi, thì kết quả của chúng ta cũng kém cỏi, nhưng họ chỉ cần đóng quỹ của mình là xong. Một nhà quản lý quỹ có một năm hiệu suất đi xuống 30% nhưng giá trị tài sản ròng của họ không có tỷ trọng lớn trong quỹ chắc chắn sẽ không thu được phí theo hiệu quả, nhưng phải chịu tổn thất ít hơn so với nhà đầu tư của họ. Nếu quỹ bị đóng, các nhà đầu tư không chỉ mất 30% vốn của mình; họ còn mất luôn giá trị của “mốc nước lên cao,” thứ cho họ khả năng để tự bù đắp khoản lỗ của mình trước khi lại phải trả các khoản phí theo hiệu quả lần nữa.
Buffett và gia đình ông là thành viên góp vốn lớn nhất của Công ty Hợp danh BPL. Với mức vốn cao nhất có thể gặp rủi ro, ông đã thống nhất lợi ích của mình với tất cả các thành viên góp vốn trong việc tối đa hóa hiệu quả. Ông phải tập trung
vào rủi ro, để bảo vệ số vốn của chính mình, và phần thưởng, vừa để tăng số vốn ông có trong Công ty Hợp danh vừa để tạo ra các khoản phí. Buffett giống nhiều quỹ phòng hộ hiện nay ở điểm ông chắc chắn sẽ hưởng lợi nhiều nếu kết quả của ông tuyệt vời, nhưng điểm độc đáo là ông cũng quy định rõ rằng nếu kết quả của Hợp danh yếu kém, thì lợi ích của ông cũng sẽ “khốn cùng” không kém đâu.
Dự phòng thanh khoản
Buffett quy định rõ rằng các khoản góp vốn thêm và hoàn trả chỉ được thực hiện mỗi năm một lần, điều này buộc các nhà đầu tư phải quan sát hiệu quả của họ về mặt dài hạn. Tuy nhiên, các thành viên góp vốn có thể vay đến 20% số vốn của họ hay các khoản góp vốn thêm cuối năm để cấp vốn trước. Đối với đặc quyền này, Buffett thu phí hay trả 6% lãi suất mỗi năm tương ứng, cho phép các thành viên góp vốn được quyền tiếp cận quỹ trong trường hợp họ thực sự cần và bù đắp công bằng cho những ai muốn góp thêm vốn vào khoản đầu tư hiện tại của mình.
Dưới đây là phần giải thích của ông về đặc tính vay/cho vay ở mức 6% “không theo phong cách của Buffett” này.
Tại sao lại sẵn sàng trả 6% cho khoản tiền thanh toán trước trong khi chúng ta có thể vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất thấp hơn nhiều? Chẳng hạn, trong 6 tháng đầu tiên, chúng ta đạt được một khoản vay ngân hàng tương đối lớn với kỳ hạn 6 tháng ở mức lãi suất 4%. Câu trả lời là chúng ta kỳ vọng nhận được hơn 6% về dài hạn (mức phân bổ của thành viên hợp danh là 0 nếu chúng ta không làm được như thế mặc dù việc chúng ta có đạt được con số 6% kia trong thời gian ngắn hay không chủ yếu phụ thuộc vào may mắn). Hơn nữa, tôi có thể áp dụng một thái độ mới vào việc đầu tư các khoản tiền mà được kỳ vọng sớm thành một phần trong vốn chủ sở hữu của chúng ta thay vì tôi dựa vào các khoản vay ngắn hạn. Các khoản thanh toán trước có lợi thế cho chúng ta khi giúp dàn trải khoản đầu tư khoản tiền mới trong năm, thay vì chỉ đầu tư một lần duy nhất vào tháng Một. Mặt khác, lãi suất 6% lớn hơn lợi suất các thành viên góp vốn của chúng ta có thể đạt được trong các khoản đầu tư đảm bảo bằng đồng đô la, nên tôi nghĩ hai bên sẽ cùng có lợi.
Qua phần bình luận và mô tả cấu trúc của Công ty Hợp danh, Buffett dạy các nhà đầu tư nhiều bài học quan trọng về cách để thống nhất động cơ của một nhà quản lý đầu tư với mục tiêu của các nhà đầu tư. Chúng ta có thể nhìn vào khoản phí quản lý, phí theo hiệu quả, xem chúng tham gia bao nhiêu vào trò chơi này, cũng như các khoản dự phòng thanh khoản để chúng ta tự đánh giá mình và lựa chọn nhà quản lý đầu tư có thể thống nhất với mục tiêu của chúng ta nhất.
Hơn nữa, quan sát thế giới qua lăng kính của động cơ là một công cụ có giá trị bất cứ khi nào bạn định cố gắng dự đoán bất kỳ kết quả nào liên quan tới con người. Các động cơ làm thế giới này quay tròn. Sẽ rất hữu ích khi suy nghĩ thấu đáo điều này và tìm kiếm các cách những người khác sẽ làm tốt còn bạn thì không, một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng.
Nếu đang nghĩ tới việc đầu tư qua một nhà quản lý đầu tư chủ động, bạn có thể chắc chắn rằng hầu hết những người bán hàng sẽ không chỉ rõ những điều này cho bạn – bạn sẽ phải tự mình tìm hiểu. Một lần nữa, chúng ta thấy được sức mạnh của “siêu sức mạnh động cơ” của Munger và khó khăn trong việc “thuê người khác nghĩ thay bạn.” Như Buffett từng nói, trong phần lớn trường hợp kết quả sẽ rất tệ hại. Tuy nhiên, tất cả những gì bạn có thể làm là tốt nhất rồi và nếu bạn định thuê một nhà quản lý đầu tư bên ngoài, hãy bắt đầu bằng việc so sánh với cấu trúc Công ty Hợp danh của Buffett và thành kiến động cơ nó dựa vào để tránh.
Thư gửi thành viên góp vốn: Nguyên văn bức thư năm 1960 về cấu trúc của BPL
NGÀY 22 THÁNG 7 NĂM 1961
Thân gửi các thành viên góp vốn của tôi:
Trước đây, các thành viên góp vốn đã nhận xét rằng bức thư mỗi năm một lần giống như “quãng thời gian dài giữa 2 ly rượu,” và sẽ tốt hơn nếu nửa năm có 1 bức thư. Tìm được điều gì để nói 2 lần một năm cũng đâu khó khăn gì, nhưng ít nhất không phải năm nay. Vì vậy, bức thư này sẽ được tiếp tục trong các năm tới.
Trong nửa đầu năm 1961, mức tăng chung của Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones là khoảng 13% tính cả cổ tức. Mặc dù đây là kiểu giai đoạn chúng ta sẽ gặp khó khăn nhất trong việc vượt qua tiêu chuẩn này, nhưng tất cả các thỏa thuận góp vốn hoạt động trong suốt 6 tháng qua đều đạt kết quả nhỉnh hơn Chỉ số Trung bình. Các thỏa thuận góp vốn được lập trong năm 1961 đạt kết quả bằng, không thì tốt hơn kết quả của Chỉ số Trung bình từ khi được hình thành, tùy thuộc chủ yếu vào thời gian chúng hoạt động.
Tuy nhiên, hãy để tôi nhấn mạnh hai điểm này. Đầu tiên, một năm là khoảng thời gian quá ngắn để đưa ra bất kỳ bình luận gì về hiệu quả đầu tư, và các kết quả đo lường dựa trên thời kỳ 6 tháng này thậm chí còn thiếu tin cậy hơn. Một yếu tố khiến tôi thấy miễn cưỡng khi phải viết thư nửa năm 1 lần là sợ rằng các thành viên góp vốn có thể bắt đầu nghĩ về hiệu quả đầu tư ngắn hạn – thứ mà dễ đánh lừa nhất. Tôi nghĩ thời kỳ 5 năm sẽ tốt hơn nhiều, tốt nhất là với các phép thử kết quả tương đối trong cả thị trường mạnh và yếu.
Điểm thứ hai tôi muốn mọi người hiểu là nếu chúng ta tiếp tục đầu tư trong thị trường tăng trưởng ở mức như nửa đầu năm 1961, tôi không chỉ nghi ngờ rằng chúng ta sẽ không thể vượt qua kết quả của Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones, mà có thể hiệu quả của chúng ta sẽ kém Chỉ số Trung bình.
Các cổ phần của chúng ta, mà tôi luôn tin là thận trọng hơn các danh mục đầu tư chung, sẽ tăng trưởng thận trọng hơn so với mức tăng chung của thị trường. Tôi luôn cố gắng đặt một phần danh mục của chúng ta vào các chứng khoán ít tách biệt khỏi hành vi của thị trường nhất, và phần này sẽ tăng theo mức tăng của thị trường. Dù kết quả có cực kỳ ngon lành với ngay cả một đầu bếp nghiệp dư (và có lẽ đặc biệt là kẻ nghiệp dư) thì chúng ta thấy rằng phần nhiều danh mục đầu tư của ta còn chưa đặt lên bếp.
Chúng ta cũng bắt đầu đạt được một giao ước lớn tiềm năng trên thị trường mở, thứ mà tôi, tất nhiên, hy vọng sẽ không hành xử theo chiều quay của thị trường trong ít nhất một năm tới. Giao ước như vậy có thể gây trở ngại cho hiệu quả ngắn hạn, nhưng nó sẽ hứa hẹn các kết quả vượt trội trong giai đoạn nhiều năm cùng với đặc tính phòng thủ đáng kể.
Tôi cũng đang nỗ lực để có thể hợp nhất toàn bộ các thành viên góp vốn vào cuối năm nay. Tôi đã nói chuyện với tất cả các thành viên góp vốn tham gia trong năm trước về mục tiêu này, và tôi cũng đã trình bày kế hoạch này với đại diện của các thành viên góp vốn đầu tiên.
Một số điều khoản sẽ như thế này:
A. Hợp nhất tất cả các thỏa thuận góp vốn, dựa trên giá trị thị trường vào cuối năm, cùng các khoản dự phòng để phân bổ hợp lý giữa các thành viên góp vốn về nghĩa vụ thuế trong tương lai phát sinh do khoản lợi nhuận chưa thực hiện vào cuối năm. Bản thân việc hợp nhất sẽ được miễn thuế, và sẽ không làm tăng tốc việc ghi nhận lợi nhuận;
B. Phân chia lợi nhuận giữa các thành viên góp vốn và thành viên hợp danh, với mức lợi suất đầu tiên 6% mỗi năm cho các thành viên góp vốn dựa trên giá trị thị trường của số vốn đầu kỳ, phần lãi còn lại, nếu có, được chia làm 4 phần, 1 phần cho thành viên hợp danh và 3 phần cho tất cả các thành viên góp vốn tùy theo tỷ lệ số vốn của họ. Bất kỳ khoản thiếu hụt trong lợi nhuận bên dưới mức 6% này sẽ được chuyển vào lợi nhuận trong tương lai, chứ không phải chuyển lùi lại. Hiện tại, có 3 thỏa thuận phân chia lợi nhuận mà các thành viên góp vốn sắp tới có thể lựa chọn:
C. Trong trường hợp có lợi nhuận, thỏa thuận phân chia lợi nhuận mới rõ ràng có lợi cho các thành viên góp vốn hơn hai thỏa thuận đầu tiên. Về thỏa thuận thứ ba này, nó sẽ cao hơn cho đến khi lợi suất lên tới 18% mỗi năm; nhưng trên mức này, các thành viên góp vốn sẽ hưởng lợi nhiều hơn với thỏa thuận hiện tại. Khoảng 80% tổng tài sản từ thỏa thuận góp vốn đã lựa chọn hai thỏa thuận phân chia lợi nhuận đầu tiên, và tôi hy vọng, nếu mức trung bình của chúng ta cao hơn 18% mỗi năm, các thành viên góp vốn chọn thỏa thuận thứ ba này sẽ không cảm thấy bị đối xử thiếu công bằng trong thỏa thuận mới này.
D. Trong trường hợp thua lỗ, sẽ không có kết chuyển lỗ ngược đối với khoản tiền mà trước đó tôi được hưởng với tư cách thành viên hợp danh. Mặc dù sẽ có kết chuyển lỗ xuôi đối với các khoản lợi nhuận dư sau này. Tuy nhiên, tôi và vợ mình sẽ có khoản đầu tư lớn nhất trong thỏa thuận góp vốn mới này, có thể khoảng 1/6 tổng giá trị tài sản từ các thỏa thuận góp vốn, và do đó có rủi ro thua lỗ nhiều hơn bất kỳ thành viên góp vốn nào khác hay các nhóm gia đình, tôi sẽ đưa thêm một điều khoản vào thỏa thuận góp vốn này mà sẽ ngăn tôi hay gia đình tôi mua bất kỳ chứng khoán khả mại nào. Nói cách khác, thỏa thuận góp vốn mới này sẽ đại diện cho toàn bộ hoạt động đầu tư của tôi vào chứng khoán khả mại, sao cho kết quả đầu tư của tôi sẽ trực tiếp tỷ lệ thuận với kết quả của mọi người, tùy thuộc vào lợi thế tôi đạt được nếu chúng ta làm tốt hơn 6%;
E. Điều khoản đối với các khoản thanh toán hàng tháng ở mức 6% mỗi năm, dựa trên giá trị thị trường của số vốn đầu năm. Các thành viên góp vốn không muốn rút khoản tiền hiện tại có thể để chúng được tự động ghi thành khoản thanh toán trước, tính lãi 6%, để mua thêm cổ phần trong thỏa thuận góp vốn vào cuối năm. Điều này sẽ giải quyết được trở ngại đã tồn tại trong con đường hợp nhất từ trước đến giờ, vì nhiều thành viên góp vốn thường xuyên rút tiền lãi còn những người khác lại muốn tái đầu tư chúng;
F. Quyền vay trong năm lên tới 20% giá trị lợi ích trong thỏa thuận góp vốn, ở mức 6%, khoản nợ đó sẽ được thanh lý vào cuối năm hay sớm hơn. Điều này sẽ làm tăng tính thanh khoản(37) cho một khoản đầu tư mà chỉ có thể được rút vốn vào cuối năm. Mục đích của điều này không phải là để tất cả mọi thứ, trừ các khoản quỹ tương đối dài hạn, đều được đầu tư trong công ty hợp danh này, và chúng ta không muốn biến nó thành một ngân hàng. Thay vào đó, tôi hy vọng điều khoản này sẽ tương đối ít được sử dụng, và chỉ có tác dụng đề phòng khi có điều gì bất ngờ xuất hiện mà khiến cho việc phải đợi tới tận cuối năm mới thanh lý một phần trong toàn bộ lợi ích trong thỏa thuận góp vốn sẽ khiến mọi người khốn khổ;
G. Thỏa thuận phân chia lợi nhuận, theo đó bất kỳ khoản điều chỉnh thuế tương đối nhỏ nào, được thực hiện trong các năm sau đối với lợi nhuận từ thỏa thuận góp vốn sẽ được tính trực tiếp cho tôi. Bằng cách này, chúng ta sẽ không phải đối mặt với rắc rối khi phải bảo 80 người, hay nhiều hơn, điều chỉnh lại lợi nhuận trước đó với khoản tương đối nhỏ. Một sự thay đổi nhỏ, như quyết định rằng cổ tức nhận được qua thỏa thuận góp vốn sẽ chiếm 63% lãi vốn thay vì 68%, có thể gây ra vô số công việc giấy tờ. Để ngăn chặn điều này, bất kỳ thay đổi về thuế nào ít hơn 1.000 đô la sẽ được tính trực tiếp cho tôi.
Chúng ta đã đệ trình thỏa thuận kiến nghị này lên Washington để phán quyết rằng việc hợp nhất được miễn thuế, và công ty hợp danh này sẽ được đối xử như một một công ty hợp danh theo luật thuế. Trong khi toàn bộ việc này tốn rất nhiều công sức, nhưng nó sẽ khiến mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều trong tương lai. Mọi người có thể lưu bức thư này làm tài liệu tham khảo để đọc cùng với thỏa thuận mà các anh sẽ được nhận sau trong năm nay.
Mức đầu tư tối thiểu cho các thành viên góp vốn mới hiện là 25.000 đô la, nhưng, tất nhiên, điều này sẽ không áp dụng với các thành viên góp vốn hiện tại. Phương pháp hoạt động của chúng ta sẽ cho phép các thành viên góp vốn bổ sung hay rút bất kỳ khoản nào (bội số của 100 đô la) vào cuối năm. Tổng tài sản ước tính của công ty hợp danh này sẽ là gần 4 triệu đô la, điều này cho phép chúng ta cân nhắc các khoản đầu tư như khoản được nhắc tới trong phần trước của bức thư này, điều mà đáng ra chúng ta phải thông qua từ nhiều năm trước.
Hóa ra những điều này nghe giống như một quá trình sản xuất hơn là bức thư hàng năm của tôi. Nếu mọi người còn câu hỏi nào, đặc biệt về những điều chưa rõ trong trình bày của tôi về thỏa thuận góp vốn mới này, hãy cho tôi biết. Nếu có quá nhiều câu hỏi, tôi sẽ viết một bức thư bổ sung cho tất cả các thành viên góp vốn nêu rõ câu hỏi được đưa ra và trả lời chúng.
Tóm lược
Một khi bạn bắt đầu nhìn thế giới qua lăng kính về động cơ, nhiều quyết định khó khăn sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều. Khi chúng ta biết điều gì thúc đẩy mọi người, chúng ta sẽ biết khá nhiều về cách họ hành xử. Từ đó, các bài học từ cấu trúc Công ty Hợp danh này sẽ còn hơn cả việc dạy bạn cách tránh mắc sai lầm trong việc lựa chọn nhà quản lý đầu tư của mình, mặc dù chúng cũng làm quyết định đó đơn giản hơn.
Thời điểm chúng ta thực sự thấy động cơ trong công việc sẽ là khi chúng ta bắt đầu đánh giá doanh nghiệp và đặc biệt các nhà quản lý doanh nghiệp. Khi là các chủ sở hữu doanh nghiệp (cổ đông), chúng ta muốn biết động lực thúc đẩy những người sẽ quản lý tài sản của chúng ta. Ở đây, chúng ta đang nói về việc phân tích và lựa chọn cổ phiếu. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu ba phương pháp lựa chọn cổ phiếu chính mà Buffett đã thực hiện cho Công ty Hợp danh. Ông gọi ba phương pháp này là Tổng quát, Tính toán và Kiểm soát.