menu
Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 4 ĐO LƯỜNG: CHIẾN LƯỢC “KHÔNG LÀM GÌ” SO VỚI CHIẾN LƯỢC “CÓ LÀM GÌ”

Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 4 ĐO LƯỜNG: CHIẾN LƯỢC “KHÔNG LÀM GÌ” SO VỚI CHIẾN LƯỢC “CÓ LÀM GÌ”

News Trading

News Trading
Like
874 View

“Nếu kết quả của chúng ta giảm tới mức mà các anh có thể đạt được bằng cách tự mình trôi theo dòng chảy, thì chúng ta sẽ gói ghém quần áo.”

− NGÀY 9 THÁNG 7 NĂM 1965

Việc đo lường thích hợp kết quả của đầu tư chủ động quan trọng với Buffett tới mức ông dành hẳn hai trong tám Nguyên tắc cơ bản ban đầu để nói về nó. Theo Buffett, việc đo lường không hiệu quả là một tội lỗi đầu tư nguy hiểm. Ông đặt ra hai nguyên tắc cơ bản để (a) thiết lập cách đo lường, dựa trên một phép thử tương đối so với thị trường, và sau đó (b) thiết lập thời gian đo lường, đặt ra khoảng thời gian tối thiểu mà một hoạt động đầu tư có thể được đánh giá.

Điều rất quan trọng khi tôi lựa chọn thành viên góp vốn, cũng như xây dựng các mối quan hệ với họ sau đó, là xác định xem chúng tôi có sử dụng cùng thước đo không.

Nếu kết quả đầu tư của tôi kém cỏi, tôi hy vọng các thành viên góp vốn sẽ rút lui, và quả thật, tôi nên tìm một nguồn vốn đầu tư mới cho các quỹ của riêng mình. Nếu kết quả tốt, tôi an tâm là mình đã làm rất tốt, một trạng thái mà tôi chắc mình có thể điều chỉnh.

Như chúng ta đã hiểu ở phần trước, sức mạnh của lãi kép có nghĩa là mỗi phần làm tốt hơn dù rất nhỏ cũng có thể tạo ra khoản gia tăng khổng lồ trong lợi nhuận cuối cùng của bạn theo thời gian. Tuy nhiên, nếu chiến thuật đầu tư của bạn hoạt động kém hơn thị trường chung trong khoảng 3-5 năm, thì tốt hơn nên dừng lại và nghiêm túc nghĩ tới việc “thừa nhận thất bại” (theo cách nói của Buffett) và mua một quỹ chỉ số. Khi là một nhà đầu tư, cách duy nhất để biết bạn làm có tốt không là phát triển và áp dụng một phép thử được tạo thành theo đúng cách. Buffett đưa chúng ta công cụ để thực hiện được điều đó:

  1. Nguyên tắc cơ bản #4: “Kết quả hoạt động tốt hay kém của chúng ta sẽ không đo lường qua mức tăng trưởng dương hay âm trong năm. Thay vào đó, nó sẽ được đánh giá dựa trên tình hình chung trên thị trường chứng khoán với thước đo là chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow-Jones, các công ty đầu tư hàng đầu, v.v. Nếu kết quả của chúng ta tốt hơn so với những thước đo này, chúng ta sẽ coi đó là một năm hiệu quả, dù con số là âm hay dương. Nếu kết quả kém hơn, chúng ta xứng đáng bị ăn trứng thối.”

  2. Nguyên tắc cơ bản #5: “Mặc dù tôi thích thử nghiệm 5 năm hơn, nhưng tôi cho rằng ba năm là khoảng thời gian tối thiểu hoàn hảo để đánh giá hiệu quả hoạt động. Chắc chắn chúng ta sẽ gặp những năm hiệu quả hoạt động của công ty kém hơn, thậm chí kém hơn hẳn, so với chỉ số Dow. Nếu kết quả hoạt động trong thời gian ba năm hoặc dài hơn là yếu kém, tất cả chúng ta có lẽ đều nên tính đến chuyện bỏ tiền vào chỗ khác – ngoại trừ trường hợp ba năm đó diễn ra một vụ bùng nổ đầu cơ trong thị trường giá lên.”

Hai biện pháp đơn giản này vẫn rất hiệu quả đối với các nhà đầu tư hiện nay. Phép thử đầu tiên đo lường kết quả tương đối mỗi năm so với thành tích của thị trường – đơn giản là chúng ta không quan tâm lợi nhuận của mình tăng hay giảm trong năm đó. Thay vào đó, chúng ta tập trung vào xem liệu năm đó tốt hơn hay tệ hơn trung bình thị trường. Bởi xu hướng chung là lên, nếu bạn có thể giữ thành tích của mình thấp hơn một chút lúc thị trường đi xuống và cao hơn một chút lúc thị trường đi lên, thì thành tích của bạn là quá xuất sắc rồi. Đơn giản là các nhà đầu tư muốn đánh bại mức trung bình tương đối đó dần dần và càng nhiều càng tốt, cứ để các năm lãi lỗ thoải mái theo giá trị tuyệt đối.

Phép thử thứ hai Buffett đưa cho các nhà đầu tư xác định rằng thành tích tương đối cần được đo lường trong khoảng thời gian ít nhất ba năm và phép thử 5 năm thậm chí còn tốt hơn. Một lần nữa, những ai mà mãi không thể làm tốt hơn trong khoảng thời gian 3-5 năm vì bất kỳ lý do nào cần nghĩ tới việc tìm nơi nào khác để đầu tư. Xét cho cùng, sao cứ phải chật vật để có một kết quả tệ hại hơn chứ?

Buffett khẳng định rằng tất cả các thành viên góp vốn của ông đều thống nhất với phương pháp này; mọi người phải đồng ý với thước đo “tương đối so với thị trường” và phép thử ba năm của ông trước khi đồng đầu tiên được đặt vào đầu tư. Ông luôn cố gắng nhất quán trong việc hướng dẫn từng thành viên góp vốn mới về các tiêu chuẩn này, điều mà ông thường nhắc lại trong các bức thư của mình.

Không phải ông khăng khăng các tiêu chuẩn của mình là tốt nhất, hay các thứ khác không thể sánh được, nhưng đây là tiêu chuẩn của ông, và ông đã nói rõ ràng là chỉ những ai đồng ý với các tiêu chuẩn đó mới nên tham gia Công ty Hợp danh. Nếu ông đạt được các mục tiêu ông đặt ra, ông muốn nhận được một “lời ca tụng” thích đáng. Nếu không đạt được, ông hy vọng các thành viên góp vốn sẽ rút lui. Còn bài học cho chúng ta là hãy thiết lập và bảo đảm rằng các thước đo đã được sẵn sàng từ trước để tránh bất kỳ sự hiểu lầm nào về điều sẽ khích lệ bạn, bởi, theo cách nói của Buffett, bạn sẽ chẳng muốn nhận được trứng thối khi đang kỳ vọng những tiếng vỗ tay sôi nổi.

Nếu tất cả các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp đều tuân theo các tiêu chuẩn của ông, chúng ta sẽ chứng kiến một con số kỷ lục những người nghỉ hưu sớm trên Phố Wall. Tới tận bây giờ, Buffett vẫn giữ cho mình “thước đo” 5 năm cho các thành tích tương đối tại Công ty Berkshire Hathaway. Nó đã và sẽ còn tiếp tục là tiêu chuẩn rất cao. Tất cả các nhà đầu tư đều cần một thước đo. Nếu bạn có thể đưa ra một phép thử tốt hơn thì thật tuyệt vời nhưng hãy nhớ thiết lập nó từ trước.

Mục tiêu đầy tham vọng

Các mục tiêu thành tích của Buffett cho Công ty Hợp danh có thể không dễ dàng đạt được. Sau khi thiết lập những điều ông cần tránh (3-5 năm lăn lộn với thành tích kém một cách tương đối), ông đã đặt ra mục tiêu là đánh bại chỉ số Dow trung bình 10 điểm mỗi năm. Đây là mức lợi thế tối đa ông nghĩ một người có thể đạt được và mục tiêu của ông là đạt được nó. Vì vậy, nếu chỉ số Dow Jones là -5% trong năm, thì ông hy vọng sẽ đạt được +5%. Các nhà đầu tư có thể sẽ hỏi về nguồn gốc của con số 10% này, và thật lòng mà nói, tôi cũng không chắc nữa. Tuy nhiên, đó không phải câu hỏi tôi bận tâm suy nghĩ nhiều – chúng ta sẽ thấy hài lòng hơn nhiều nếu có thể làm tốt hơn thị trường theo thời gian dù chỉ nhỉnh hơn một chút. Băn khoăn về thành tích cao nhất mà chúng ta có thể đạt được chẳng khác nào “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Mặc dù ông không biết thị trường chung trong một năm bất kỳ sẽ thế nào, nhưng hãy nhớ lại rằng Buffett nói 5-7% sẽ là trung bình thị trường. Lợi thế 10% tăng thêm có nghĩa mục tiêu của ông là lợi suất trung bình hàng năm 15-17%. 100.000 đô la được tính lãi kép tại mức 15% trong 10 năm sẽ thành 405.000 đô la và sau 20 năm, sẽ lên tới 1,6 triệu đô la. Kết quả này quá tốt, ngoài sức tưởng tượng.

Hầu như mọi bình luận ông đưa ra liên quan tới thành tích đều trên cơ sở tương đối. Có lúc ông giải thích lối tư duy của mình như thể đang nói chuyện với một người bạn chơi golf:

Tôi sẽ coi năm mà chúng ta giảm 15% còn Chỉ số Trung bình giảm 30% là tốt hơn nhiều năm mà cả chúng ta và Chỉ số Trung bình đều tăng 20%. Trong một khoảng thời gian, sẽ có những năm tốt và những năm xấu; chẳng có ích gì khi tán dương hay chán nản về năm nào xảy ra trước hay xảy ra sau cả. Điều quan trọng là đánh bại Par(32); 4 gậy ở hố Par 3 sẽ không tốt bằng 5 gậy ở hố Par 5 và thật không thực tế khi cho rằng chúng ta sẽ không thể có phần trong cả Par 3 và Par 5.

Các nhà đầu tư được dạy nghĩ về thành tích theo một chiều: Nếu thị trường đang đi xuống còn bạn đi xuống ít hơn, thì bạn đã có một năm tốt lành rồi, và ngược lại. Miễn là thành tích của bạn vẫn nhỉnh hơn trung bình thị trường, dù thành tích vượt trội đó xuất hiện lúc thị trường đi lên hay xuống, thì kết quả đó là xuất sắc rồi.

Mặc dù Công ty Hợp danh chưa từng có năm nào đi xuống hay thậm chí năm hoạt động kém hơn thị trường, nhưng Buffett vẫn dạy các nhà đầu tư phải kỳ vọng cả hai.

Kỹ năng khi là một nhà đầu tư, lợi thế khi làm việc với các khoản tiền tương đối nhỏ, thị trường đúng với phong cách của ông, và may mắn là tất cả các yếu tố đã giúp Công ty Hợp danh luôn đạt được những thành tích xuất sắc như vậy, nhưng sau đó, Berkshire đã gặp vài năm hoạt động kém hiệu quả và vài năm đi xuống, mặc dù khá khiêm tốn thôi.

Phép thử tốt nhất là phép thử dài hạn

Các nhà đầu tư không nên trông đợi quá nhiều vào sự nhất quán trong bất kỳ phong cách đầu tư nào. Mọi thứ đều có mùa cả. Khi hiểu rằng kết quả tương đối của mình có thể sẽ thay đổi, Buffett đã cảnh báo rằng ông có thể sẽ đi sau thị trường tới 10% trong những năm tệ hại và nghĩ rằng ông có thể sẽ dẫn trước tới 25% khi “mọi thứ rõ như ban ngày.” Do biên độ kỳ vọng lớn giữa hai năm bất kỳ, ông cảm thấy rằng các nhà đầu tư cần đo lường kết quả của mình qua khoảng thời gian nhiều năm và nghĩ rằng 3 năm là mức tối thiểu, 5 năm sẽ tốt hơn nhiều. Phép thử tốt nhất sẽ được tiến hành trong thời kỳ thị trường yên ắng. Bằng cách đó, sẽ triệt tiêu được các thay đổi trong cơn sốt đầu cơ của thị trường chung. Ông dạy và nhắc nhở các nhà đầu tư rằng thành tích tương đối của mỗi năm phần lớn là do may mắn. Nó phụ thuộc vào bản chất “máy bầu cử” của các diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Khi bạn mở rộng thời gian đánh giá của mình, phép thử sẽ càng giống một “chiếc cân” hơn.

Buffett cũng dạy các nhà đầu tư rằng hãy cảnh giác với phép thử nhiều năm: Trong các giai đoạn cuối của thị trường giá lên có tính đầu cơ, khả năng hoạt động kém là rất cao. Đó là cảnh báo mà ông nhắc đi nhắc lại tới tận hôm nay.

Chúng ta đã thấy hiệu ứng này trong vài năm cuối cùng của Công ty Hợp danh, khi một vài các “quỹ hiệu quả” đã hạ gục BPL trong thời kỳ “sôi động” dẫn tới sự sụp đổ tai hại của thị trường vào đầu những năm 1970, và sau đó ở một lần gần đây hơn khi Buffett và Công ty Berkshire Hathaway được coi là “bước sai nhịp” chỉ ngay trước thời kỷ bùng nổ của Bong bóng Internet(33) vào những năm 2000. Trong hơi men đầu cơ, những “kẻ điên cuồng” trên thị trường đã khiến cổ phiếu thoát ly khỏi các nguyên tắc kinh doanh cơ bản. Nhưng kẻ coi thị trường như một chiếc “máy bầu cử” phát triển mạnh trong môi trường này, trong khi Buffett và các nhà đầu tư khác, tự cho mình là thành viên của trường phái “chiếc cân”, có vẻ đang bước sai nhịp.

Do bản chất thận trọng trong phong cách đầu tư hướng tới giá trị của mình, Buffett dạy chúng ta nhìn chung hãy kỳ vọng thành tích tương đối tốt hơn trong thị trường đi xuống. Một lần nữa, ông hoàn toàn ổn khi phải đi xuống trong những khoảng thời gian đó, nhưng ông kỳ vọng sẽ đi xuống ít hơn thị trường nói chung. Các nhà đầu tư hôm nay tuân theo các nguyên tắc này nên có cùng kỳ vọng như vậy. Bởi khi đã áp dụng phương pháp này và mua các loại cổ phiếu đó, thị trường đi xuống thường mang lại thành tích tốt nhất. Như Buffett nói với các thành viên góp vốn vào năm 1962,

chỉ số Dow giảm xuống sẽ cho chúng ta cơ hội tỏa sáng và tích lũy nhiều các phần trăm lợi thế mà, mặc dù chỉ đem lại thành tích ở mức trung bình trong lúc thị trường đi lên, sẽ cho chúng ta lợi nhuận dài hạn khá tốt. Mục tiêu của chúng ta là mức giảm khoảng ½% cho mỗi 1% giảm trong chỉ số Dow và nếu đạt được, có nghĩa là chúng ta sẽ có một phương án đầu tư vào cổ phiếu thận trọng hơn nhiều so với bất kỳ phương án nào khác.

Buffett nhắc các nhà đầu tư rằng các nguyên tắc, bao gồm cả các nguyên tắc đo lường kết quả, sẽ không thay đổi. Ông kiên quyết một phép thử tối thiểu 3 năm so với thị trường cho các nhà quản lý đầu tư chủ động khi ngành này thực sự chưa đo lường gì cả. Đến cuối những năm 1960, ngành này đã chuyển từ hoàn toàn không đo lường sang đo lường quá thường xuyên. Ông vẫn ủng hộ phép thử tối thiểu 3 năm khi lúc bấy giờ mấy gã này lại đo lường theo từng phút, điều này cũng tệ như không đo lường gì cả.

Chúng ta học được từ Buffett nghĩ tới việc đo lường kết quả theo cách nội tại nhất quán với các nguyên lý cốt lõi khác. Nếu chúng ta đặt ra nguyên tắc đầu tiên rằng thị trường chứng khoán không hiệu quả cho lắm, thì sẽ không nhất quán khi nghĩ rằng thành quả ngắn hạn của chúng ta là thứ gì đó cần chú ý. Chúng ta chỉ nên quan tâm tới việc bám theo các số liệu 3 năm (tối thiểu) bởi đó là ngưỡng nơi thị trường có thể được kỳ vọng hiệu quả. Thời gian 5 năm còn tốt hơn. Một chu kỳ thị trường(34) đầy đủ là khoảng thời gian tốt nhất để đánh giá một nhà quản lý đầu tư chủ động (từ thị trường thấp tới thị trường thấp, hay từ thị trường cao tới thị trường cao).


Thư gửi thành viên góp vốn: Đo lường


NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Vài lời về Par

Điều rất quan trọng khi tôi lựa chọn thành viên góp vốn, cũng như xây dựng các mối quan hệ với họ sau đó, là xác định xem chúng tôi có sử dụng cùng thước đo không. Nếu kết quả đầu tư của tôi kém cỏi, tôi hy vọng các thành viên góp vốn sẽ

rút lui, và quả thật, tôi nên tìm một nguồn vốn đầu tư mới cho các quỹ của riêng mình. Nếu kết quả tốt, tôi an tâm là mình đã làm rất tốt, một trạng thái mà tôi chắc mình có thể điều chỉnh.

Khi đó, chắc chắn là chúng ta đều có cùng ý tưởng về điều gì là tốt và điều gì là kém cỏi. Tôi tin rằng thiết lập các thước đo trước khi hành động sẽ tốt hơn nhiều; khi nhìn lại, hầu như bất cứ điều gì cũng có thể được làm cho có vẻ tốt so với thứ này hay thứ khác.

Tôi luôn sử dụng Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones làm thước đo của chúng ta. Tôi cảm thấy ba năm là thời gian tối thiểu cho phép thử thành quả, và phép thử tốt nhất bao gồm một khoảng thời gian dài tối thiểu mức này để tại đó mức cuối cùng của chỉ số Dow sẽ gần với mức đầu tiên.

Mặc dù chỉ số Dow không phải là một thước đo thành quả hoàn hảo (mọi thứ khác cũng vậy), lợi thế của nó là được phổ biến rộng rãi, có thời gian dài liên tục, và phản ánh khá chính xác trải nghiệm của nhà đầu tư nói chung với thị trường. Tôi không phản đối việc sử dụng bất kỳ phương pháp đo lường kết quả thị trường chung nào khác, như các chỉ số trung bình thị trường chứng khoán khác, các quỹ tương hỗ cổ phiếu đa dạng hóa hàng đầu, quỹ tín thác phổ thông của ngân hàng, v.v.


NGÀY 8 THÁNG 7 NĂM 1964

Chúng ta sẽ thường xuyên tuân theo chính sách này dù nó dẫn tới đâu đi nữa. Có lẽ đã quá rõ ràng khi nói rằng chính sách đo lường thành quả của chúng ta sẽ không đảm bảo các kết quả tốt – nó chỉ đảm bảo việc đánh giá khách quan. Tôi muốn nhấn mạnh các quan điểm được nhắc tới trong “Các nguyên tắc cơ bản” về việc áp dụng tiêu chuẩn này – cụ thể là nó sẽ được áp dụng trên cơ sở tối thiểu 3 năm do bản chất hoạt động của chúng ta và trong cơn sốt đầu cơ, chúng ta có thể tụt hậu so với thị trường. Tuy nhiên, một điều tôi có thể hứa với các anh. Chúng ta bắt đầu với thước đo nào thì sẽ giữ nó nguyên như vậy. Nếu không đo lường, chúng ta sẽ không thay thước khác. Tôi nghĩ toàn bộ ngành quản lý đầu tư, liên quan tới hàng trăm tỷ đô la, sẽ được tiến hành thỏa đáng hơn nếu mọi người đều có một thước tốt để đo lường khả năng và áp dụng nó một cách hợp lý. Hầu hết mọi người đều thường xuyên làm điều này lúc tiến hành hoạt động kinh doanh của mình trong khi đánh giá thị trường, con người, máy móc, phương pháp, v.v. và quản lý tiền bạc là hoạt động kinh doanh lớn nhất thế giới.


NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1966

Tôi hoàn toàn tin rằng các tiêu chuẩn tôi sử dụng (và muốn các thành viên góp vốn của mình sử dụng) để đo lường thành quả của tôi không phải là các tiêu chuẩn có thể áp dụng cho toàn bộ các nhà quản lý tiền bạc. Nhưng tôi hoàn toàn tin rằng bất kỳ ai tham gia ngành quản lý tiền bạc cần có một tiêu chuẩn đo lường, và cả người đó lẫn bên có tiền được quản lý cần hiểu rõ lý do tại sao đó là tiêu chuẩn phù hợp, khoảng thời gian nên được sử dụng, v.v.

Frank Block đã giải thích điều này rất hay trong số ra tháng 11-12 năm 1965 của Financial Analysts Journal. Nói về thước đo hiệu quả đầu tư, ông nói, “…Tuy nhiên, thực tế là đề tài này vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Nếu các tổ chức quản lý đầu tư luôn tìm kiếm hiệu quả tốt nhất thì chẳng có gì đặc biệt khi cẩn thận đo lường các kết quả đầu tư. Việc khách hàng không thể yêu cầu một buổi họp trang trọng để nghe thuyết minh các kết quả đó cũng đâu quan trọng. Riêng lòng tự trọng cũng đã đủ để yêu cầu rằng mỗi chúng ta đều phải khách quan xác định được chất lượng các đề xuất của khách hàng đó. Điều này sẽ chẳng thể thực hiện được nếu không có hiểu biết chính xác về thành quả. Một khi đã nắm trong tay những hiểu biết đó, sẽ có thể mở rộng phân tích tới mức mà từng điểm yếu và điểm mạnh tự chúng bộc lộ ra. Chúng ta phê bình một tổ chức quản lý khi không thể sử dụng công cụ tốt nhất để theo dõi sự tiến triển của một tổ chức công nghiệp phức tạp. Chúng ta không thể bào chữa việc không thể trang bị cho mình các công cụ tương đương để thể hiện tính hữu hiệu của các nỗ lực của chính chúng ta khi quản lý tiền bạc của người khác…Vì vậy, sẽ thật buồn thảm khi chúng ta báo cáo rằng các hệ thống đo lường tính hiệu quả không được tự động tích hợp trong chương trình xử lý dữ liệu của hầu hết các tổ chức quản lý đầu tư. Thực tế đáng buồn là một số dường như còn không muốn biết họ đang làm tốt hay tệ tới mức nào.


NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1966

Thành thật mà nói, tôi có vài lý do ích kỷ khi khăng khăng rằng chúng ta phải áp dụng một thước đo và rằng chúng ta đều phải sử dụng cùng một thước đo. Đương nhiên, tôi thích đánh bại Par. Quan trọng hơn, tôi đảm bảo rằng tôi sẽ không bị đổ lỗi vì lý do sai lầm (có nhiều năm thua lỗ) mà chỉ vì lý do đúng đắn (kém hơn chỉ số Dow). Biết được rằng các thành viên góp vốn sẽ chấm điểm tôi trên cơ sở đúng đắn giúp tôi làm việc tốt hơn. Cuối cùng, việc thiết lập các thước đo phù hợp trước khi thực hiện đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ đều rời bỏ hoạt động kinh doanh này nếu kết quả ở mức tầm thường (hay tệ hơn). Có nghĩa là các thành công trong quá khứ không thể che mờ việc đánh giá các kết quả hiện tại. Nó sẽ làm giảm cơ hội của những viện cớ khéo léo cho các kết quả tồi tệ. Mặc dù lối tiếp cận “khổ hạnh” này nghe không giống lợi thế cho lắm nhưng tôi dám chắc với mọi người là qua các quan sát của tôi về các đơn vị kinh doanh thì những đánh giá như vậy sẽ được thực hiện rất nhiều trong các tổ chức đầu tư và trong ngành.

Vậy nếu mọi người định đánh giá bên nào đó (hay chính mình!) trong lĩnh vực đầu tư này, hãy nghĩ tới một số tiêu chuẩn – áp dụng – diễn giải chúng. Nếu không cảm thấy tiêu chuẩn của chúng ta (phép thử tối thiểu 3 năm đối với chỉ số Dow) là có thể áp dụng, mọi người đừng nên tham gia vào Công ty Hợp danh. Còn nếu thấy có thể áp dụng nó, mọi người nên bình thản chấp nhận vài năm đi xuống ở chỗ này hay chỗ kia – miễn là chúng ta vượt qua được kết quả của chỉ số Dow.


NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Trong bất kỳ thời kỳ nào, tôi nghĩ rằng chỉ số Dow có thể tạo ra lợi suất khoảng 5-7% mỗi năm khi áp dụng lãi kép vào cổ tức và mức gia tăng của giá trị thị trường. Bất chấp những tín hiệu khả quan của những năm gần đây, bất kỳ ai kỳ vọng làm tốt hơn thị trường chung có thể sẽ thất vọng.

Công việc của chúng ta là tích góp các lợi thế hàng năm so với chỉ số Dow mà không lo nghĩ quá nhiều tới việc liệu kết quả tuyệt đối trong năm đó là tăng hay giảm. Tôi sẽ coi năm mà chúng ta giảm 15% còn Chỉ số Trung bình giảm 30% là tốt hơn nhiều năm mà cả chúng ta và Chỉ số Trung bình đều tăng 20%. Tôi đã nhấn mạnh điểm này trong khi nói chuyện với các thành viên góp vốn và thấy họ tán thành ở các mức hào hứng khác nhau. Một điều cực kỳ quan trọng với tôi là các anh phải thấu đáo lý luận của tôi về vấn đề này và đồng ý với tôi hoàn toàn.

Vì những lý lẽ nêu trong phương pháp hoạt động của tôi, năm tốt nhất của chúng ta so với chỉ số Dow có thể là lúc thị trường đi xuống hay không thay đổi. Vì vậy, lợi thế chúng ta tìm kiếm có thể từ các khoản biến động mạnh. Mặc dù chắc

chắn sẽ có những năm chúng ta đi sau chỉ số Dow, nhưng nếu trong thời kỳ dài, chúng ta có thể đạt cao hơn trung bình 10 điểm phần trăm mỗi năm thì tôi cảm thấy kết quả là thỏa mãn rồi.

Cụ thể, nếu thị trường đi xuống 35% hay 40% trong một năm (và tôi cảm thấy có xác suất cao điều này sẽ xảy ra trong mười năm tới – chẳng ai biết được năm nào), chúng ta chỉ phải đi xuống 15% hay 20% thôi. Còn nếu thị trường hầu như không đổi trong năm, chúng ta hy vọng sẽ tăng lên được khoảng 10 điểm phần trăm. Nếu thị trường đi lên ít nhất 20%, thì chúng ta phải cố đi lên bằng mức đấy. Kết quả của những thành tích như vậy qua nhiều năm sẽ có nghĩa là nếu chỉ số Dow Jones tạo ra lợi suất 5-7% mỗi năm khi tính lãi kép, thì tôi hy vọng kết quả của chúng ta sẽ là 15-17% mỗi năm.

Những kỳ vọng trên nghe có vẻ hơi hấp tấp, và rõ ràng chúng là như vậy khi nhìn vào năm 1965 hay 1970. Có vẻ tôi đã hoàn toàn sai. Tuy nhiên, tôi cảm thấy các thành viên góp vốn chắc chắn có quyền được biết điều tôi nghĩ về vấn đề này mặc dù bản chất của hoạt động kinh doanh này là đưa ra một xác suất cao về sai số trong những kỳ vọng đó. Trong một năm bất kỳ, những biến động có thể khá lớn. Điều này đã xảy ra vào năm 1961, nhưng thật may là những biến động đó lại là tích cực. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy đâu!


NGÀY 8 THÁNG 7 NĂM 1964

Khi nước (thị trường) lên, chú vịt cũng lên cao; khi nước rút, chú vịt phải xuống thấp… tôi nghĩ chú vịt chỉ nên được khen ngợi (hay bị đổ lỗi) cho hành động của chính mình. Nước hồ dâng lên và hạ xuống gần như đâu phải thứ để chú ta khoác lác được. Mực nước này rất quan trọng đối với kết quả của BPL… Tuy nhiên, chúng ta cũng thỉnh thoảng phải tự mình “vỗ cánh.”


NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1965

. . . Tôi muốn nhấn mạnh rằng điều trên chỉ là phỏng đoán, có lẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi tư lợi, cái tôi, v.v. Bất kỳ ai có cảm nhận về lịch sử tài chính đều biết rằng loại phỏng đoán này có sai số rất lớn. Tốt hơn nên để nó ra khỏi bức thư này, nhưng nó là một câu hỏi thường xuyên và hợp pháp của các thành viên góp vốn. Lợi nhuận kỳ vọng dài hạn là mối quan tâm chủ yếu cho tất cả chúng ta – những người trong BPL, và nếu giờ tôi lại ghi chép, chắc về sau thứ này sẽ khiến tôi trông thật ngu xuẩn. Quan điểm khắt khe của tôi là bất kỳ nhà quản lý đầu tư nào, dù là môi giới, nhà tư vấn đầu tư, bộ phận tín thác, công ty đầu tư, v.v. cần sẵn sàng nói rõ ràng những gì anh ta sẽ cố gắng thực hiện và cách anh ta đề xuất để đo lường mức độ hiệu quả trong công việc của mình.


Tóm lược

Dù những người khác trên thị trường đang thay đổi thước đo của mình – dù họ đo lường có quá thường xuyên hay không – Buffett vẫn dạy chúng ta đừng bao giờ thay đổi thước đo của mình. Chính thị trường mới thay đổi quanh suy nghĩ cố định của nhà đầu tư; thị trường chẳng bao giờ ảnh hưởng tới chúng ta cả.

Gạt các thị trường giá lên có tính đầu cơ sang một bên, Buffett nghĩ ông có thể đánh bại thị trường ở mức cách biệt lớn. Ông dạy chúng ta phải thiết lập các thước đo rõ ràng và thống nhất để có thể giám sát và đánh giá hiệu quả công bằng và chính xác. Ông nói ra trước chính xác điều chúng ta sẽ làm và khuyến khích chúng ta thường xuyên làm phép thử so sánh chính mình với thước đo đó.

Ngày nay, việc đo lường hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán đã bị làm lệch lạc và làm cho khó hiểu với các thuật ngữ như alpha, beta, hệ số Sharpe, hệ số Treynor, v.v. Không cần phải phức tạp hóa lên như vậy. Các nhà đầu tư quyết định theo con đường đầu tư chủ động đơn giản chỉ cần nghĩ kỹ thước đo của mình trước khi tiến hành và cam kết sẽ gắn bó với kế hoạch đo lường đó. Dù bạn tự mình đầu tư chủ động hay nhờ chuyên gia, hãy giám sát kết quả của mình trong thời gian 3 năm hay 5 năm và khi thấy kém hiệu quả trong thời gian dài, trừ thời kỳ thị trường giá lên có tính đầu cơ, thì hãy cân nhắc việc thay đổi. Hậu quả của việc kém hiệu quả trong thời gian dài chỉ là quá tốn kém.

Điều này khiến việc lựa chọn người quản lý đầu tư tiềm năng mới trở nên cực kỳ quan trọng và đòi hỏi am hiểu sức mạnh của các động cơ trong việc quản lý hành vi của người quản lý đầu tư. Qua nghiên cứu cách Buffett xây dựng Công ty Hợp danh trong phần tới, bạn sẽ thấy các vùng xung đột lợi ích tiềm tàng giữa một nhà đầu tư và nhà quản lý đầu tư, thứ mà cần được giảm thiểu tới mức tối đa có thể.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status