menu
Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 3 ĐẦU TƯ THEO CHỈ SỐ: LÝ DO ĐỂ “KHÔNG LÀM GÌ”

Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 3 ĐẦU TƯ THEO CHỈ SỐ: LÝ DO ĐỂ “KHÔNG LÀM GÌ”

News Trading

News Trading
Like
2487 View

“Khi là một đối thủ đầu tư thì chỉ số Dow không dễ xơi và phần lớn các quỹ đầu tư trong nước đều sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua, hay thậm chí là ngang bằng, hiệu quả của nó.”

− NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Buffett từng nói với các thành viên góp vốn rằng ông hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng ở mức 5-7% mỗi năm, về trung bình và trong thời gian dài (20-30 năm). Điều này có nghĩa ông rất hy vọng thị trường sẽ tăng trưởng gấp đôi trong mỗi khoảng 10 năm. Đó là sức mạnh của doanh nghiệp Mỹ và lãi kép. Ngày nay, nhà đầu tư có thể khai thác sức mạnh này bằng cách đơn giản là sở hữu toàn bộ thị trường qua quỹ chỉ số chi phí thấp. Đây là một trong những chiến lược tốt nhất. Đó là phương pháp “không làm gì.” Ngoài việc rất hiệu quả thì lợi ích chủ yếu của nó là chi phí thấp và bạn có thể dễ dàng tự mình thực hiện. Chắc chắn, bạn không cần trả ai đó khoản phí lớn chỉ để nói với bạn rằng hãy mua thị trường, ngồi thư giãn và trông cậy vào sức mạnh của lãi kép.

John Bogle đã thành lập Quỹ Chỉ số Vanguard 500(26) vào năm 1975 và tạo ra chứng khoán đầu tiên sở hữu một phần của tất cả các công ty trong chỉ số S&P 500. Tuy nhiên, đầu tư theo chỉ số vẫn chưa xuất hiện trong thời gian Công ty Hợp danh Trách nhiệm Hữu hạn Buffett (BPL) hoạt động. Nếu các thành viên góp vốn không đầu tư cùng Buffett, thì khả năng lớn là họ sẽ đầu tư vào một quỹ ủy thác hay tương hỗ nào đó. Vì lý do này, mỗi lá thư cuối năm của Buffett đều bao gồm một bảng so sánh thành tích của BPL, thành tích chung của thị trường và kết quả kinh doanh của một vài công ty đầu tư hàng đầu. Dưới đây là lý do ông đưa ra cho các thành viên góp vốn.

Tôi sơ lược kết quả kinh doanh của các công ty đầu tư không phải vì chúng ta hoạt động theo cách có thể so sánh với họ hay bởi các khoản đầu tư của chúng ta tương tự họ. Tôi làm vậy là bởi các quỹ này đại diện cho các đơn vị quản lý đầu tư chuyên nghiệp được trả hậu hĩnh trên thị trường đại chúng, thực hiện quản lý số chứng khoản có giá trị lên tới 20 triệu đô la. Tôi tin họ là điển hình cho các đơn vị quản lý quỹ có giá trị thậm trí còn lớn hơn. Vì đó là một phương án khác thay cho việc đầu tư vào thỏa thuận góp vốn này, tôi tin việc giả định rằng nhiều thành viên góp vốn cũng có khoản đầu tư được quản lý theo cách tương tự là hợp lý.

Buffett cẩn thận chỉ ra rằng mức trung bình của thị trường rộng có khả năng là các đối thủ khó chơi hơn và phần lớn các quỹ đầu tư được quản lý chủ động sẽ có xu hướng hoạt động kém hơn chỉ số Dow.

Tiêu chuẩn cao hơn đối với các quỹ tương hỗ ngày nay

Khi chưa có phương án thay thế nào, chẳng có gì ngạc nhiên khi Buffett lại xin lỗi về thành tích kém cỏi này tại thời điểm đó:

Thành tích chung của các môi trường đầu tư như vậy nhất thiết phải gắn với thành tích của các doanh nghiệp Mỹ. Thành tích của họ, ngoại trừ trường hợp bất thường, không đến từ những kết quả hoạt động vượt trội hay khả năng chống lại việc giảm giá tốt hơn. Thay vào đó, tôi cảm thấy họ kiếm tiền nuôi mình bằng tính dễ xử lý, sự tự do khi ra quyết định, sự đa dạng hóa tự động mà họ cung cấp, thêm nữa, có lẽ quan trọng nhất, là sự tách biệt khỏi cám dỗ về việc áp dụng các kỹ thuật rõ ràng thấp kém – thứ “quyến rũ” rất nhiều nhà đầu tư tương lai.

Sư thật đơn giản là John Bogle, thông qua sự ra đời của quỹ chỉ số chi phí thấp, đã nâng cao tiêu chuẩn đáng kể cho các quỹ tương hỗ và toàn bộ các sản phẩm đầu tư khác mà trước giờ tồn tại chỉ để cung cấp cho nhà đầu tư “tính dễ xử lý” và “sự đa dạng hóa rộng lớn.” Các quỹ chỉ số còn làm điều đó tốt hơn nhiều. Ngày nay, tất cả các nhà đầu tư tích cực, cả chuyên nghiệp và cá nhân, phải làm tốt hơn để biện minh cho hành động của mình. Nhưng phần lớn lại không. Nhiều quỹ, đặc biệt các quỹ đầu tư vào hàng trăm cổ phiếu cùng lúc (Buffett gọi họ là phong cách đầu tư Tàu Noah(27) – “nồi lẩu thập cẩm”), có vẻ đang bám vào một mô hình kinh doanh mà nguy cơ biến mất là gần như không thể tránh khỏi. Vanguard và các sản phẩm quỹ chỉ số khác tương tự đã dần lấy đi thị phần khỏi tay của các nhà quản lý chủ động từ khi chúng xuất hiện vào 40 năm trước.

Vậy quỹ tương hỗ thất thế ra sao trước sự xuất hiện của đối thủ mới này? Đó là câu hỏi ngày càng rõ ràng trong những năm gần đây khi mà phần lớn các quỹ tương hỗ không thể làm tốt hơn đối thủ chi phí thấp của mình. Ai lại muốn trả phí cao hơn để thu lợi ít hơn chứ?

Tất nhiên, bất kỳ nhà đầu tư chuyên nghiệp nào làm tốt hơn trong khoảng thời gian dài sẽ làm tăng thêm giá trị đáng kể và luôn được săn đón, dù họ có là quỹ tương hỗ, thỏa thuận góp vốn, quỹ phòng hộ(28), hay sở hữu bao nhiêu cổ phiếu đi nữa. Ngay cả các thành tích tốt hơn chút ít cũng tạo ra lợi thế tài chính to lớn khi được tính lãi kép theo thời gian. Tuy nhiên, phần lớn những người tự đầu tư hay thông qua các quỹ tương hỗ được quản lý chủ động đều đạt thành tích kém hơn thị trường. Cơ hội hưởng lợi nhiều hơn bằng cách đầu tư chủ động thay vì thụ động đi liền với một nguy cơ đáng kể là kết quả thực tế sẽ còn tệ hơn.

Di chúc và chúc thư cuối cùng của Buffett thể hiện quan điểm của ông về vấn đề này khá rõ, điều mà ông đã nói sơ qua trong bức thư cuối năm 2013 của mình.

. . . Cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều liên tục bị buộc phải chủ động bởi những người hưởng lợi từ việc tư vấn hay thực hiện giao dịch. Các chi phí “bôi trơn” liên quan có thể rất lớn và, đối với các nhà đầu tư nói chung, sẽ làm giảm lợi nhuận. Vậy hãy bỏ qua các cuộc nói chuyện, duy trì chi phí của các anh ở mức tối thiểu, và nếu có thể hãy đầu tư vào cổ phiếu như đầu tư vào một trang trại.

Tiền của tôi, tôi cần nói thêm, được xử lý đúng như lời tôi nói: Điều tôi muốn khuyên ở đây giống với những hướng dẫn tôi đã viết trong di chúc của mình. Khoản thừa kế sẽ đảm bảo tiền mặt được chuyển tới một người tín thác để vợ tôi hưởng lợi. (Tôi phải sử dụng tiền mặt cho từng khoản thừa kế, bởi toàn bộ cổ phần trong Berkshire của tôi sẽ được chuyển cho một số tổ chức từ thiện nhất định trong 10 năm sau khi chốt các tài sản của tôi.) Lời khuyên của tôi cho người tín thác không thể đơn giản hơn nữa: Hãy đầu tư 10% tiền mặt vào trái phiếu chính phủ ngắn hạn và 90% vào quỹ chỉ số chi phí rất thấp S&P 500. (Quỹ Vanguard là tốt nhất.) Tôi tin rằng với chính sách này, lợi nhuận dài hạn của khoản tín thác sẽ cao hơn lợi nhuận mà phần lớn các nhà đầu tư đạt được – dù họ có là quỹ hưu trí(29), nhà đầu tư tổ chức hay cá nhân – những người thuê các người quản lý có mức phí cao.

Buffett luôn dạy các nhà đầu tư rằng bạn không thể thu lợi nhiều hơn từ thị trường so với khoản bạn đầu tư vào. Nếu bạn không quan tâm, không thể hay không sẵn sàng dành thời gian và công sức cho khoản đầu tư của mình, bạn nên đầu tư vào quỹ chỉ số. Lý do duy nhất để chọn một chương trình đầu tư chủ động là niềm tin rằng bạn, hay nhà quản lý đầu tư mà bạn chọn, sẽ làm tốt hơn chiến lược “không làm gì” kia.

Hầu hết các quỹ không thể tự mình “vỗ cánh”

Kể cả khi chưa có các quỹ chỉ số vào những năm 1960, Buffett cũng đã hiểu ý tưởng này bằng trực giác. Ông coi chỉ số Dow là đối thủ chính của mình và làm tốt hơn nó là mục tiêu chính. Ông coi các kết quả tuyệt đối, phần trăm lãi hay lỗ mà quỹ đạt được trong một năm, phần lớn chỉ là may mắn ngẫu nhiên mà thôi. Đối với nhà đầu tư, kỹ năng được đo lường qua các kết quả tương đối – lợi nhuận của một người cao hơn (hay kém hơn) bao nhiêu so với thị trường. Đây là nguyên văn của ông:

Theo một cách nào đó, các kết quả của các công ty [đầu tư] này tương tự hoạt động của một chú vịt ngồi trên một cái ao. Khi nước (thị trường) lên, chú vịt cũng lên cao; khi nước rút, chú vịt phải xuống thấp…Tôi nghĩ chú vịt chỉ nên được khen ngợi (hay bị đổ lỗi) cho hành động của chính mình. Nước hồ dâng lên và hạ xuống gần như đâu phải thứ để chú ta khoác lác được. Mực nước này rất quan trọng đối với kết quả của BPL… tuy nhiên, chúng ta cũng thỉnh thoảng phải tự mình vỗ cánh.

Khi thuật ngữ quỹ chỉ số vẫn còn cả thập kỷ nữa mới ra đời, thì thuật ngữ tài chính hành vi(30) còn mất lâu hơn nữa mới được bổ sung vào vốn từ vụng. Đáng chú ý là Buffett đã dự đoán cả hai xu hướng đầu tư liên quan này: vai trò của chỉ số cố phiếu khi làm thước đo chính và các yếu tố tâm lý đóng vai trò trong việc gây ra tính kém hiệu quả của các nhà quản lý đầu tư chủ động.

Tai sao các nhà quản lý đầu tư thông minh, có đội ngũ nhân sự tốt, quan hệ tốt và đầy kinh nghiệm mãi không thể đánh bại một chỉ số chẳng ai quản lý vậy? Viết vào năm 1965, Buffett đã thể hiện quan điểm riêng của mình:

Cây hỏi này rất quan trọng, và bạn sẽ mong chờ nó trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà quản lý đầu tư và các nhà đầu tư lớn…Thật lạ kỳ là thực tế chẳng có tài liệu nào của Phố Wall nói về vấn đề này, và việc thảo luận về nó gần như vắng mặt trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, vv. của các nhà phân tích chứng khoản. Tôi nghĩ rằng công việc đầu tiên của bất kỳ tổ chức quản lý đầu tư nào là phân tích kỹ thuật và kết quả của riêng mình trước khi phán xét về năng lực quản lý và kết quả của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.

Trong phần lớn các trường hợp, việc kết quả không vượt qua hay thậm chỉ ngang bằng một chỉ số không được quản lý không phản ánh việc thiếu năng lực trí tuệ hay tính toàn vẹn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều là do: (1) các quyết định theo nhóm – ý kiến có vẻ hơi hằn học của tôi là việc quản lý đầu tư hiện tại gần như không thể tới từ một nhóm, dù ở quy mô nào đi nữa, mà tất cả các bên đều tham gia vào việc ra quyết định; (2) mong muốn tuân thủ các chính sách và (tới một mức độ nào đó) các danh mục đầu tư của những tổ chức được coi là lớn khác; (3) một cơ cấu tổ chức mà ở đó trung bình là “an toàn” và các phần thưởng cho hành động độc lập không tương xứng với rủi ro gắn liền với hành động đó; (4) việc tuân thủ các hoạt động đa dạng hóa bất hợp lý nhất định; và cuối cùng cũng rất quan trọng, (5) quán tính.

Học thuyết kinh tế cổ điển giả định các cá nhân luôn hành động có lý trí. Nhưng “Thuyết triển vọng(31),” ý tưởng bắt nguồn từ các tài liệu cơ sở của Daniel Kahneman and Amos Tversky, đã thể hiện mức độ bất hợp lý của các quyết định kinh tế dưới góc nhìn cổ điển (Kahneman được trao giải Nobel vào năm 2002). Nó đã mở ra kinh tế học hành vi và một cách tư duy mới khi được xuất bản vào năm 1979, nhưng hãy nhớ rằng đây đã là gần 15 năm sau khi bài phê bình của Buffett ra đời.

Lời khuyên cho các nhà đầu tư rất rõ ràng và dễ hiểu: Hãy nghiêm túc coi quỹ chỉ số chi phí thấp, thụ động là lựa chọn đầu tư tốt nhất của bạn. Mặc dù lợi nhuận từ việc áp dụng lãi kép ở mức lợi suất trên mức lợi suất thị trường đã quá rõ ràng, thì phần lớn các nhà đầu tư lại không thể làm vậy. Chọn lựa cổ phiếu không hề dễ dàng. Các nhà đầu tư mà quyết định theo chân Buffett bước xuống con đường đầu tư chủ động không thể nói rằng Giáo sư Buffett đã không cảnh báo trước họ nên chọn một con đường khác.


Thư gửi thành viên góp vốn:Tình huống đối với Đầu tư thụ động


CHÚ Ý: Bạn có thể tìm thấy Bảng kết quả được Buffett đặt trong mỗi lá thư cuối năm và được nhắc tới trong các trích đoạn dưới đây tại Phụ lục A.


NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Mọi người có thể cảm thấy rằng tôi đã đặt một thước đo quá ngắn và có lẽ việc vượt qua chỉ số chưa được quản lý của 30 cổ phiếu phổ thông hàng đầu là khá đơn giản. Trên thực tế, chỉ số này đã được chứng minh là một đối thủ khá khó chơi.


NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1962

Trong phạm vi các quỹ được đầu tư vào cổ phiếu phổ thông, dù đầu tư thông qua các công ty đầu tư, nhà tư vấn đầu tư, bộ phận tín thác ngân hàng, hay tự mình đầu tư, thì chúng ta tin rằng đại đa số sẽ đạt kết quả gần tương đương với chỉ số Dow. Chúng ta nghĩ rằng độ lệch so với chỉ số Dow phần nhiều là kém hơn chứ không phải vượt trội hơn.


NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Thành tích của tôi trong việc đầu tư những khoản tiền khổng lồ này, với các hạn chế về mức độ hoạt động mà tôi có thể đặt vào các công ty chúng ta đầu tư, sẽ không tốt hơn, nếu có tốt. Tôi trình bày các dữ liệu này để chỉ ra rằng khi là một đối thủ đầu tư thì chỉ số Dow không dễ xơi và phần lớn các quỹ đầu tư trong nước sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua, hay thậm chí là ngang bằng, hiệu quả của nó.

NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1964

Trong phạm vi cơ cấu tổ chức và liên quan tới việc xử lý hàng tỷ đô la, các kết quả này là thứ duy nhất có thể đạt được. Rất khó để hành động khác biệt trong phạm vi cơ cấu này. Vì vậy, thành tích chung của các môi trường đầu tư như vậy nhất thiết phải gắn với thành tích của các doanh nghiệp Mỹ. Thành tích của họ, ngoại trừ trường hợp bất thường, không đến từ những kết quả hoạt động vượt trội hay khả năng chống lại việc giảm giá tốt hơn. Thay vào đó, tôi cảm thấy họ kiếm tiền nuôi mình bằng tính dễ xử lý, sự tự do khi ra quyết định, sự đa dạng hóa tự động mà họ cung cấp, thêm nữa, có lẽ quan trọng nhất, là sự tách biệt khỏi cám dỗ về việc áp dụng các kỹ thuật rõ ràng thấp kém – thứ “quyến rũ” rất nhiều nhà đầu tư tương lai.


NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1965

Sự xuất hiện nhiều lần của các bảng số liệu này khiến các thành viên góp vốn đặt câu hỏi: “Thế quái nào điều này lại có thể xảy ra với những nhà quản lý cực kỳ thông minh có (1) các nhân viên năng động, sáng dạ, (2) nguồn lực gần như vô tận, (3) quan hệ kinh doanh quá rộng lớn, và (4) kinh nghiệm đầu tư được tổng hợp từ hàng thế kỷ?” (Tiêu chuẩn sau cùng có thể làm chúng ta nhớ đến mấy gã đi xin việc và nói mình có 20 năm kinh nghiệm – câu này được người chủ cũ sửa lại thành “kinh nghiệm một năm – 20 lần.”)

Cây hỏi này rất quan trọng, và bạn sẽ mong chờ nó trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà quản lý đầu tư và các nhà đầu tư lớn…Thật lạ kỳ là thực tế chẳng có tài liệu nào của Phố Wall nói về vấn đề này, và việc thảo luận về nó gần như vắn mặt trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, vv của các nhà phân tích chứng khoản. Tôi nghĩ rằng công việc đầu tiên của bất kỳ tổ chức quản lý đầu tư nào là phân tích kỹ thuật và kết quả của riêng mình trước khi phán xét về năng lực quản lý và kết quả của các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.

Trong phần lớn các trường hợp, việc kết quả không vượt qua hay thậm chỉ ngang bằng một chỉ số không được quản lý không phải ánh việc thiếu năng lực trí tuệ hay tính toàn vẹn. Tôi nghĩ rằng phần nhiều là do: (1) các quyết định theo nhóm – ý kiến có vẻ hơi hằn học của tôi là việc quản lý đầu tư hiện tại gần như không thể tới từ một nhóm, dù ở quy mô nào đi nữa, mà tất cả các bên đều tham gia vào việc ra quyết định; (2) mong muốn tuân thủ các chính sách và (tới một mức độ nào đó) các danh mục đầu tư của những tổ chức được coi là lớn khác; (3) một cơ cấu tổ chức mà ở đó trung bình là “an toàn” và các phần thưởng cho hành động độc lập không tương xứng với rủi ro gắn liền với hành động đó; (4) việc tuân thủ các hoạt động đa dạng hóa bất hợp lý nhất định; và cuối cùng cũng rất quan trọng, (5) quán tính.

Có lẽ các ý kiến trên là không công bằng. Có lẽ ngay cả các so sánh thống kê của chúng ta cũng không công bằng. Danh mục đầu tư và phương thức hoạt động của chúng ta khác xa các công ty đầu tư trong bảng số liệu này. Tuy nhiên, tôi tin rằng các thành viên góp vốn của chúng ta và các cổ đông của họ đều cảm thấy rằng các đơn vị quản lý của mình đều hướng tới cùng một mục tiêu – lợi suất trung bình dài hạn tối đa trên nguồn vốn có thể có được với mức rủi ro thua lỗ dài hạn ở mức tối thiểu phù hợp với một chương trình đầu tư liên tục vào cổ phiếu. Bởi chúng ta đều có các mục tiêu chung, và phần lớn các thành viên góp vốn, như một phương án thay thế việc đầu tư vào Công ty BPL, sẽ có thể để quỹ của mình được đầu tư trong môi trường tạo ra mức lợi nhuận tương đương với các công ty đầu tư này, tôi cảm thấy rằng thành tích hoạt động của họ là có ý nghĩa trong việc đánh giá kết quả của chính chúng ta.

Chẳng có nghi ngờ gì là các công ty đầu tư, nhà tư vấn đầu tư, các phòng tín thác, vv. cung cấp một dịch vụ quan trọng cho các nhà đầu tư. Dịch vụ này xoay quanh việc đạt được sự đa dạng hóa đầy đủ, duy trì được triển vọng dài hạn, dễ dàng xử lý các quyết định đầu tư và cơ chế, và quan trọng nhất, tránh xa các kỹ thuật đầu tư rõ ràng thấp kém mà dường như “quyến rũ” rất nhiều người. Đặc biệt, đa số các tổ chức không hứa hẹn khoản lợi nhuận đầu tư vượt trội mặc dù có vẻ không phải là bất hợp lý khi đại chúng suy luận ra điều này từ những quảng cáo nhấn mạnh vào tính quản lý chuyên nghiệp của họ.

Một điều tôi cam kết với mọi người khi làm thành viên góp vốn là – hiện tại tôi cho rằng việc so sánh kết quả mà tôi mới nhắc tới là có ý nghĩa, và những năm tháng sau này tôi sẽ vẫn vậy, dù có câu chuyện gì mở ra đi chăng nữa. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu mọi người, nếu không thấy tiêu chuẩn đó là phù hợp, hãy phản đối ngay và đề xuất các tiêu chuẩn khác để có thể áp dụng trong tương lai chứ không phải trong quá khứ.

Thêm một ý nữa – trong bảng số liệu của mình, tôi không nhắc tới nhà tư vấn đầu tư phổ biến nhất trên thế giới – Công ty quản lý Bell. Những người thường xuyên theo dõi cân nặng, điểm chơi golf, và hóa đơn xăng có vẻ thường lảng tránh việc đánh giá định lượng kỹ năng quản lý đầu tư của họ, dù công việc này liên quan tới khách hàng quan trọng nhất trên thế giới – bản thân họ. Trong khi việc đánh giá các thành tích quản lý của Quỹ Massachusetts Investors Trust hay tập đoàn Lehman có vẻ được quan tâm nhiều, thì việc khách quan đánh giá thành tích của mấy gã thực sự quản lý tiền bạc của mọi người mới đáng đồng tiền bát gạo hơn – thậm chí dù họ chính là bản thân mọi người.


NGÀY 9 THÁNG 7 NĂM 1965

Tất nhiên, nét đẹp của bối cảnh kinh tế Mỹ là các kết quả ngẫu nhiên lại là những kết quả tốt dù thật đáng bị nguyền rủa. Mực nước đang dâng lên. Chúng ta nghĩ rằng qua một thời gian dài, có thể nó sẽ tiếp tục tăng, mặc dù không thể tránh khỏi những điểm gián đoạn lớn. Tuy nhiên, chính sách của chúng ta là hãy cố gắng bơi giỏi hơn, dù là xuôi theo hay ngược chiều dòng chảy. Nếu kết quả của chúng ta giảm tới mức mà các anh có thể đạt được bằng cách tự mình trôi theo dòng chảy thì chúng ta sẽ gói ghém quần áo.


Tóm lược

Sự ra đời của quỹ chỉ số chi phí thấp đã thay đổi ngành công nghiệp quỹ tương hỗ bấy lâu nay. Vai trò chủ đạo của chúng trong việc cung cấp “tính dễ xử lý” và giúp lựa chọn cổ phiếu thay cho các cá nhân đầu tư đã được thay thế bởi một sản phẩm vượt trội mà chi phí lại thấp hơn. Đầu tư theo chỉ số, hay đầu tư thụ động, đang ngày càng phổ biến hơn và ở mức tăng liên tục từ khi sản phẩm này được giới thiệu vào cuối những năm 1970. Ngay cả Buffett, khi để lại tài sản cho vợ mình trong di chúc, cũng chọn quỹ chỉ số thay vì một quỹ đầu tư được quản lý chủ động. Chỉ riêng điều này thôi cũng đã khiến mọi nhà đầu tư phải tạm ngừng rồi.

Các khoản phí, thuế và tâm lý đều đang chống lại các nhà quản lý đầu tư chủ động, và lợi nhuận bạn sẽ có được khi là nhà đầu tư theo chỉ số có thể không cao lắm, nhưng bù lại bạn hầu như chẳng cần suy nghĩ hay nỗ lực. Bạn có thể dễ dàng

thiết kế một chương trình đầu tư sử dụng các quỹ chỉ số chi phí thấp trong chưa tới một giờ đồng hồ, rồi “thiết lập và quên nó” trong hàng thập kỷ.

Như đã nói ở trên, lợi ích tài chính thu được từ việc làm tốt hơn trong thời gian dài cũng không kém phần hấp dẫn nếu bạn có thể tìm được cách làm điều đó. Song rõ ràng, không phải ai cũng có thể đạt được lợi nhuận trên mức trung bình. Chấp nhận rủi ro, nếu bạn quyết định rằng con đường đầu tư chủ động là lối đi cho mình, bạn sẽ cần một hệ thống khách quan để kiểm tra kết quả của bạn, dù chúng có là của bạn hay là kết quả của một nhà quản lý chuyên nghiệp đi chăng nữa.

Đến tận bây giờ, các bài học của Buffett qua những bức thư vẫn luôn xoay quanh sáu ý tưởng chủ chốt đối với tất cả các nhà đầu tư: Hãy nghĩ cổ phiếu (1) là quyền sở hữu một phần doanh nghiệp, (2) có thể biến động bất thường trong ngắn hạn nhưng (3) hành xử phù hợp hơn với mức tăng của chúng trong giá trị nội tại của doanh nghiệp về dài hạn, mà khi (4) được nhìn qua lăng kính của một chương trình lãi kép dài hạn (5) sẽ tạo ra mức lợi nhuận tương đối tốt, và với (6) sản phẩm quỹ chỉ số, có thể thu được mức lợi nhuận này rất hiệu quả theo một cách dễ thực hiện mà tốn ít chi phí. Từ đây, chúng ta sẽ trở lại với Buffett với tư cách một nhà đầu tư chủ động, bắt đầu với những ý tưởng của ông về các mục tiêu ông đặt ra để vươn tới và cách ông sẽ đo lường chúng.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com