menu
Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG VIII: CHIẾN LƯỢC KINH DOANH FOREX TRONG NHIỀU KHUNG THỜI GIAN

Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG VIII: CHIẾN LƯỢC KINH DOANH FOREX TRONG NHIỀU KHUNG THỜI GIAN

News Trading

News Trading
Like
2151 View

Hãy nhớ những gì đã nói trong Chương 6 về xây dựng chiến lược kinh doanh: mọi chiến lược kinh doanh đều bắt đầu với một xu hướng. Một trong những yếu tố đáng tin cậy nhất trong thị trường Forex là xu thế tạo nên xu hướng trong nhiều khung thời gian khác nhau. Các xu hướng Forex có thể tiếp tục hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm và những nhà kinh doanh bám theo các xu hướng này có thể cải thiện được cơ hội thành công của họ. Hãy xem qua một số kỹ thuật tiêu biểu để áp dụng cho xu hướng thị trường Forex.

Khi chúng ta kinh doanh, chúng ta thường xuyên xem xét các biểu đồ giá của các cặp ngoại tệ và nhận được nhiều tín hiệu trái ngược nhau từ những chỉ báo khác nhau. Chúng ta phải theo những tín hiệu nào và bỏ qua những tín hiệu nào đây? Khi chúng ta ở trong trạng thái phân vân, thì việc chuyển sang một khung thời gian dài hơn để xem xét các chỉ số trên một toàn cảnh lớn hơn là việc rất hữu ích. Giả dụ chúng ta vào lệnh giao dịch trên biểu đồ của khung thời gian 1 giờ:

Trước hết, hãy xem biểu đồ ở khung thời gian lớn hơn, ví dụ khung thời gian 1 ngày, để xem cặp ngoại tệ có ở trong xu hướng hay không. Có nhiều cách để làm việc này; đơn giản là vẽ một đường xu hướng, hoặc sử dụng một chỉ số cho phép xác định xu hướng thị trường. Ví dụ, chỉ số ADX có thể sử dụng để xác định thị trường có đang trong xu hướng hay không. Hoặc chúng ta có thể xem xét các đường trung bình để xác định theo nguyên tắc thứ tự.

Xu hướng thường hiển thị mà không cần đến việc sử dụng bất cứ đường xu hướng hay chỉ báo nào. Những xu hướng tốt là những xu hướng hiển thị, vì mọi nhà kinh doanh khác đều nhìn thấy xu hướng và hành xử theo xu hướng đó để tạo ra “Phép tiên tri tự làm nên”.

Nếu cặp ngoại tệ có xu hướng tăng, hãy chỉ giao dịch với các lệnh đánh lên; nếu cặp ngoại tệ có xu hướng giảm, hãy chỉ giao dịch với các lệnh đánh xuống. Nếu không có một xu hướng rõ ràng nào thì đừng vào lệnh giao dịch theo phương thức sử dụng kỹ thuật kinh doanh theo xu hướng vì kỹ thuật này chỉ dùng cho thị trường xu hướng mà thôi.

Trước hết cần xác định hướng giao dịch từ biểu đồ giá có khung thời gian dài; sau đó chúng ta sẽ xem xét biểu đồ giá có khung thời gian ngắn hơn để vào lệnh giao dịch, lệnh dừng lỗ và lệnh thoát.

Nếu chúng ta xác định rằng chúng ta đang ở trong xu hướng tăng ở khung thời gian 1 ngày, chúng ta có thể đánh lên khi giá rớt về mức hỗ trợ trong biểu đồ khung 1 giờ. Hoặc ta có thể đánh lên nếu một chỉ số giao động nào đó, ví dụ như Chỉ số cường độ tương đối RSI chỉ báo rằng cặp ngoại tệ đang ở trạng thái bán quá trên biểu đồ 1 giờ. Hãy vào lệnh đánh lên với mức dừng lỗ phía dưới mức hỗ trợ.

Trong trường hợp xu hướng giảm trong biểu đồ 1 ngày, chúng ta sẽ bán xuống tại mức kháng cự trên biểu đồ 1 giờ, hoặc khi chỉ số giao động chỉ báo rằng cặp ngoại tệ đang ở trong trạng thái mua quá trên biểu đồ 1 giờ.

Nên nhớ rằng, nếu biểu đồ 1 ngày đang trong xu hướng tăng, chúng ta chỉ nên đánh lên. Nếu biểu đồ 1 ngày trong xu hướng giảm, ta chỉ nên đánh xuống. Nếu chúng ta không thể nói được thị trường đang có xu hướng hay không thì không nên sử dụng kỹ thuật giao dịch theo xu hướng như đang nói đến.

Như bạn sẽ thấy, có rất nhiều biến thể liên quan đến kỹ thuật này. Quan trọng nhất là phải sử dụng những gì có thể để tìm điểm vào lệnh tốt nhất đồng thời để lệnh giao dịch hài hòa với xu hướng của ngày.

TẠI SAO PHẢI DÙNG KỸ THUẬT NÀY?

Kỹ thuật này cho phép chúng ta giao dịch chỉ theo hướng của xu hướng toàn cục, đồng thời nó đòi hỏi các giao dịch chỉ có thể đặt sau khi tỷ giá đã phục hồi trở về đến một điểm vào lệnh có lợi. Nói cách khác, kỹ thuật này không cho phép nhà kinh doanh vào lệnh đánh lên tại các đỉnh hoặc đánh xuống tại các đáy.

Kỹ thuật này cũng có thể sử dụng trong các khung thời gian ngắn hơn. Ví dụ một nhà kinh doanh theo ngày có thể sử dụng biểu đồ 4 giờ như là khung thời gian dài và biểu đồ 15 phút như là khung thời gian ngắn trong giao dịch.

Hãy xem xét xu hướng kéo dài của cặp USD/CAD tại Biểu đồ 8.1. Như bạn thấy, tỷ giá hối đoái của cặp này giảm đều đặn qua hàng năm trời, từ 1,60 trong năm 2002 đến dưới 1,10 trong năm 2006.

Trong suốt những năm đó, giá các loại hàng hóa như vàng và dầu thô đã có mức tăng ngoạn mục. Canada, một nước sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm năng lượng và kim loại, được hưởng lợi từ nguồn ngoại tệ thu được nhờ xuất khẩu. Đấy là lý do vì sao đồng “Loonie” thường được nhắc đến như là “đồng tiền hàng hóa”.

Biểu đồ 8.1 Xu hướng giảm lâu dài của cặp USD/CAD

Nguồn thu tăng dần này đã làm đồng đôla Canada mạnh lên khi mà những nước nhập khẩu như Mỹ buộc phải chuyển nhiều hơn tiền bạc của mình cho Canada để đổi lấy các loại vật tư, nguyên liệu.

Xu hướng trở nên đặc biệt rõ ràng hơn trong mùa Xuân năm 2006, được hỗ trợ bởi sự tăng giá khủng khiếp của các kim loại như vàng, bạc và đồng. Đợt tăng giá này đã đẩy đồng đôla Canada lêm mức cao nhất trong vòng 27 năm so với đồng đôla Mỹ, đồng thời tỷ giá của cặp ngoại tệ này cũng chạm những đáy mới vào đầu tháng Năm (xem Biểu đồ 8.2).

Kế đến, vào cuối tháng Năm, sau một thời gian tăng ngoạn mục, mặt hàng vàng, được kích thêm bởi các đợt mua vào của các quỹ hỗ trợ, đạt mức đỉnh 730 USD/ounce. Gần như cùng lúc đó, cặp USD/CAD chạm mức đáy. Khi trào lưu thu lãi nổi lên, vàng bắt đầu giảm giá và cặp USD/CAD bắt đầu nhích dần lên (xem Biểu đồ 8.3).

Biểu đồ 8.2 Sự tăng giá của hàng hóa đã đẩy tỷ giá cặp USD/CAD xuống mức thấp hơn

Biểu đồ 8.3 Sự phục hồi của giá vàng và các hàng hóa khác đã làm giảm áp lực lên tỷ giá cặp USD/CAD

Đã là những nhà kinh doanh theo xu hướng, mục tiêu của ta là sử dụng xu hướng này có lợi cho chúng ta. Vì cặp ngoại tệ ở trong xu hướng giảm, chúng ta chỉ xem xét các lệnh đánh xuống và bỏ qua các cơ hội đánh lên. Cũng do tỷ giá cặp ngoại tệ luôn có sự phục hồi, chúng ta cần tìm điểm vào lệnh và chúng ta cũng cần tìm một mức kháng cự chủ yếu cho chúng.

KẾT HỢP FIBONACCI VỚI XU HƯỚNG

Bất cứ khi nào một xu hướng chính của Forex bắt đầu chùng lại, các nhà kinh doanh đều dựa vào các mức hồi phục của Fibonacci để cố gắng xác định đâu là mức hồi phục của xu hướng. Trong trường hợp này, họ đang tìm kiếm một điểm kháng cự để có thể vào một lệnh giao dịch lý tưởng. Nếu chúng ta muốn bán xuống thì khi xu hướng lặp lại chính nó, chúng ta sẽ giao dịch theo xu hướng đó. Trong trường hợp này, hãy vẽ đường Fibonacci từ một đỉnh ở đầu tháng Tư xuống một đáy ở cuối tháng Năm (xem Biểu đồ 8.4).

Biểu đồ 8.4 Fibonacci được sử dụng để xác định các điểm vào lệnh cho các giao dịch ngắn hạn

Ta có thể thấy rằng mức hồi phục 38,2% của xu hướng giảm là điểm thích hợp để vào lệnh. Ngoài ra, mức Fibonacci này trùng với khu vực 1,1250, là mức kháng cự qua nhiều tuần trước đó. Chúng ta sẽ xem mức hồi phục Fibonacci 38,2% tại khu vực 1,1250 là khu vực 

kháng cự cho đến thời điểm này (xem Biểu đồ 8.5).

Biểu đồ 8.5 mức hồi phục Fibonacci 38,2% trùng với mức hỗ trợ trước đó

Sau đó vài ngày tỷ giá đạt đến mức Fibonacci và cặp ngoại tệ được giao dịch ở mức kháng cự. Liệu ta có nên tham gia thị trường vào lúc này không? Câu trả lời là chưa nên. Hãy cân nhắc xem liệu ta có thể cải thiện cơ hội thành công không đã. Các nhà kinh doanh thường xem xét biểu đồ 1 giờ để tìm mức kháng cự trước đó hoặc tìm dấu hiệu mua quá ở các chỉ số động, ví dụ như RSI hoặc các chỉ số thống kê chậm. Trong trường hợp này chúng ta có thể tham khảo thêm Biểu đồ 8.6, khi tỷ giá áp sát khu vực giá 1,1250 thì chỉ số RSI (tính theo chu kỳ 14 ngày) tăng vào khu vực mua quá.

Biểu đồ 8.6 Đường RSI trong khu vực mua quá trên biểu đồ 1 giờ

“Mua quá” không đồng nghĩa với lệnh “bán?

Có một sự khác biệt quan trọng cần làm rõ vì có rất nhiều nhà kinh doanh vào lệnh “bán” đơn giản chỉ vì cặp ngoại tệ đang ở trong vùng “mua quá”. Hãy cân nhắc một chút vì: khi một cặp ngoại tệ (hay một mã chứng khoán hoặc một món hàng hóa nào đó) đang ở trạng thái mua quá thì không có nghĩa là giá của nó sẽ không tiếp tục tăng cao hơn. Hãy xem lại những kỳ tăng giá bền lâu đã xuất hiện trên thị trường, ví dụ như thời kỳ tăng giá liên tục trên thị trường Nasdaq vào cuối Thế kỷ 20. Tôi tin rằng các chỉ số động và những chỉ số khác cũng đã cho thấy Nasdaq đã bị mua quá, tuy nhiên chúng có ngăn được Nasdaq tăng giá đâu? Rất nhiều người đã thua lỗ khi cố gắng chống lại xu hướng đó.

Nếu có câu nói nào đó làm tôi dị ứng thì là khi có ai đó nói rằng “giá sẽ không thể tăng cao hơn” hoặc “giá không thể xuống thấp hơn”. Giá cả hoặc tỷ giá luôn có thể tăng cao hơn nữa sau một đợt tăng nóng, hoặc có thể xuống thấp hơn nữa sau một kỳ giảm mạnh, và thị trường luôn luôn là như thế. Là những nhà kinh doanh, chúng ta buộc phải chấp nhận một thực tế là mọi điều đều có thể xảy ra sau khi ta đã tham gia vào thị trường.

Vậy làm thế nào để chúng ta biết chắc khi nào giá chạm đỉnh để chúng ta có thể bán xuống? Chúng ta sẽ không bao giờ biết chắc được cả và trong kinh doanh không có điều gì là chắc tuyệt đối! Kinh doanh là nghệ thuật sử dụng xác suất có lợi cho chúng ta nhất. May thay, chúng ta vẫn có cách để cải thiện xác suất thành công.

Tôi đề nghị bạn chờ cho đến khi chỉ số động chuyển từ vùng mua quá xuống vùng trung tính. Đây thường là chỉ báo sớm một sự đổi chiều để tạo một xu hướng ngược lại.

BẮT ĐỈNH VÀ ĐÁY

Rõ ràng là nếu chúng ta chờ chỉ số động chuyển hướng trước khi vào lệnh, chúng ta sẽ không thể vào lệnh tuyệt đối tại đỉnh hoặc đáy. Nhiều nhà kinh doanh quá quan tâm đến việc tham gia thị trường tại thời điểm cuối cùng, nói cách khác họ muốn bán xuống tại mức đỉnh và mua lên tại mức đáy. Có điều, việc bắt đỉnh và đáy là canh bạc nguy hiểm. Không ai có thể dự đoán chính xác đỉnh và đáy trong chứng khoán, trong mua bán giao sau hoặc trong Forex. Do đó người nào cố gắng làm điều này tức là cố tìm vận may, rủi. Nó tương tự như một người đánh bài pocker cố gắng rút một cặp trùng; có khi được, nhưng về lâu về dài, thất bại thường nhiều hơn.

Nếu chúng ta chờ cho một xu thế đổi chiều, chúng ta sẽ không có cơ hội bắt đúng đỉnh hoặc đáy, nhưng không sao. Những nhà kinh doanh kinh nghiệm sẵn sàng hy sinh một phần trong xu hướng để đổi lại xác suất thành công lớn hơn do sự nhẫn nại đưa đến.

TÍN HIỆU THAM GIA THỊ TRƯỜNG

Khi sự tăng tỷ giá chững lại và chỉ báo RSI chuyển từ vùng mua quá xuống vùng trung tính, hãy chuẩn bị vào lệnh đánh xuống. Khi tỷ giá bắt đầu giảm, ta vào lệnh đánh xuống tại khu vực giá 1,1225, tại thời điểm RSI rời khỏi vùng mua quá (xem Biểu đồ 8.7).

ĐẶT LỆNH DỪNG LỖ

Chúng ta phải đặt ngay một lệnh dừng lỗ để phòng trường hợp giá đổi chiều. Chúng ta có nhiều phương án để đặt lệnh này, và phương án đầu tiên là đặt mức dừng lỗ tại điểm giá cao nhất ngay trước đó, tại mức 1,1245.

Lý do của việc đặt dừng lỗ tại điểm giá này là gì? Hãy cân nhắc khả năng sau khi chúng ta vào lệnh đánh xuống thì giá lại tiếp tục đi lên. Liệu chúng ta có thực sự muốn cứ giữ lệnh đánh xuống khi tỷ giá tiếp tục tăng lên những mức cao mới?

Biểu đồ 8.7 RSI giảm từ vùng mua quá xuống vùng trung tính, tạo tín hiệu đánh xuống

Rõ ràng là không. Nếu cặp ngoại tệ được giao dịch trên mức 1,1245, chúng ta không muốn tiếp tục vì nó sẽ có thể tiếp tục đi lên. Do đó chúng ta đặt lệnh dừng lỗ tại điểm sẽ cho ta thoát khỏi thị trường.

Đừng quên là chúng ta còn có mức kháng cự Fibonacci tại điểm giá 1,1250. Do điểm giá này đưa thêm một yếu tố an toàn, chúng ta có thể đặt lệnh dừng lỗ ngay trên mức 1,1250. Điểm giá này cũng đáp ứng được yêu cầu là mức dừng lỗ phải nằm trên điểm giá cao nhất ngay gần đó, tại mức 1,1245. Nếu chúng ta đặt lệnh dừng lỗ tại 1,1260 thì điểm dừng lỗ sẽ nằm trên mức giá cao nhất gần đây và mức Fibonacci, tạo thêm cơ sở an toàn cho lệnh giao dịch (xem Biểu đồ 8.8).

Điểm giá vào lệnh 1,1225 cùng với điểm dừng lỗ 1,1260 tạo nên một mức rủi ro là 35 pip cho mỗi lot. Nếu đây là mức rủi ro không thể chấp nhận được thì chúng ta không vào lệnh tham gia thị trường.

LỆNH THOÁT KHỎI THỊ TRƯỜNG

Tiếp theo, chúng ta cần đặt các điểm thu lợi nhuận. Tôi thường không thoát tất cả lệnh cùng một lúc; thay vào đó, tôi thích thoát lện theo từng phần. Như vậy, nếu tôi vào lệnh với 2 lot, tôi sẽ đóng 50% lệnh ở mỗi lần thoát. Nếu tôi vào lệnh với 3 lot, tôi sẽ đóng 33% lệnh ở mỗi lần thoát, vv… Việc xác định số lượng các lot của mỗi lần vào lệnh thuộc phạm trù quản lý rủi ro mà chúng ta sẽ bàn đến trong phần sau. Trong giao dịch này, chúng ta vào lệnh với 3 lot, do đó chúng ta cần đặt 3 lệnh thoát để dừng giao dịch.

Biểu đồ 8.8 Điểm dừng lỗ được đặt trên mức giá cao nhất gần đây và mức hồi phục Fibonacci 38,2%

Chúng ta sẽ tạo điểm thoát đầu tiên bằng việc xác định mức rủi ro của lệnh giao dịch, tức là mức 35 pip/lot đã xác định ở trên. Nếu phiên giao dịch của chúng ta đạt đến điểm mà ở đó chúng ta thu được một mức lãi bằng mức rủi ro đã định cho mỗi lot, thì chúng ta có thể thoát một phần lệnh giao dịch. Chúng ta cần tỷ giá giảm xuống điểm 1,1190 để có thể tạo ra mức lãi 35 pip, do đó lệnh thoát đầu tiên được đặt tại điểm giá 1,1190 (xem Biểu đồ 8.9).

Tiếp theo, chúng ta tìm các vùng hỗ trợ hình thành trước đó (tức là các vùng mà trước đó tỷ giá cặp ngoại tệ đã gặp khó khăn trong việc xuyên phá do có nhiều người mua tham gia thị trường tại những vùng giá này). Nhìn lại, chúng ta nhận thấy rằng giá liên tục dội tại điểm giá số tròn 1,1100 (các điểm giá hỗ trợ hoặc kháng cự thường là các số tròn). Hãy sử dụng điểm giá 1,1100 làm điểm thoát thứ hai (xem Biểu đồ 8.10).

Biểu đồ 8.9 Điểm thoát đầu tiên tại 1,1190 tạo tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận là 1/1

Biểu đồ 8.10 Mức hỗ trợ tại điểm giá số tròn 1,1100 có thể sử dụng làm điểm thoát thứ hai

Tìm kiến xa hơn cho thấy giá cũng đã gặp khó khăn khi thử xuyên phá mức 1,0975 một số lần. Hãy dùng điểm giá này làm điểm thoát cuối cùng của lệnh giao dịch (xem Biểu đồ 8.11).

Biểu đồ 8.11 Mức hỗ trợ tại điểm giá 1,0975

CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI THẾ GIỚI THỰC

Hãy xem xét kỹ hơn hai điểm thoát sau cùng và nghĩ cách cải thiện chúng. Khi chúng ta kinh doanh trong thế giới thực, liệu tỷ giá có luôn giảm đến đúng mức hỗ trợ, hay thị trường ít nhiều có sự bất thường?

Nếu bạn đã từng kinh doanh trong thế giới thực, bạn sẽ biết rằng tỷ giá cũng như giá cả hiếm khi giảm nhiều lần xuống đúng một mức hỗ trợ nào đó hoặc tăng nhiều lần lên đúng một mức kháng cự nhất định. Đôi khi giá rơi xuống dưới mức dự kiến, nhưng đôi khi giá lại không xuống không hết mức hỗ trợ trước đó được thiết lập.

Đấy là lý do tại sao chúng ta gọi các mức hỗ trợ và kháng cự là các “vùng” mà không phải là các điểm giá, và vì vậy chúng ta cần sử dụng các “mục tiêu mềm” thay vì kỳ vọng thị trường sẽ đáp ứng những mục tiêu chính xác nào đó.

ĐIỀU CHỈNH LỆNH THOÁT

Khi chúng ta xem xét bản chất thật của kinh doanh và chấp nhận rằng có mức độ bất thường trong bất cứ giao dịch nào, thì việc điều chỉnh các lệnh thoát thị trường là cần thiết. Thay vì kỳ vọng tỷ giá sẽ “hợp tác” với chúng ta và giảm xuống chính xác đến “đáy” 1,1100 của vùng hỗ trợ, hãy điều chỉnh lệnh thoát này để cải thiện xác suất thành công của chúng ta.

Theo biểu đồ giá 1 ngày, vùng kháng cự được xác định tại 1,1250 dựa trên cơ sở mức phục hồi Fibonacci 38,2% đã bàn đến ở phần trước. Vì mức hỗ trợ được xác định tại điểm giá 1,1100, nó tạo nên một khoảng cách 150 pip từ mức hỗ trợ đến mức kháng cự (1,1250 – 1,1100 = 150).

Hãy tăng lệnh thoát lên với một mức tăng bằng 10% của khoảng cách 150 pip nói trên, tức là tăng 15 pip (10% của 150 pip). Lệnh này sẽ làm tăng điểm giá thoát lệnh từ 1,1100 lên 1,1115 (xem Biểu đồ 8.12).

Biểu đồ 8.12 Điển thoát thứ hai được nâng từ 1,1100 lên 1,1115

Động thái này có tác dụng đúp khi xác suất chạm điểm thoát tăng lên vì nó nằm trên “đáy” hỗ trợ tuyệt đối và nó cũng cho phép chúng ta thoát trước điểm hỗ trợ số tròn 1,1100. Các số tròn thường đóng vai trò là các mức hỗ trợ hoặc kháng cự tâm lý vì các lệnh có xu hướng tập trung ở các số tròn.

Vấn đề còn lại là lệnh thoát thứ ba, hiện được đặt ở mức 1,0975. Nếu chúng ta áp dụng kỹ thuật tương tự như trên, thì điều trước tiên cần làm là xác định khoảng cách từ mức hỗ trợ đến mức kháng cự, và khoảng cách này là 275 pip (1,1250 – 1,10975 = 275).

Mức tăng 10% của khoảng cách trên sẽ là 27,5 pip (chúng ta tính tròn là 28 pip). Như vậy, hãy nâng điểm thoát lệnh lên 28 pip, tức lên điểm giá 1,1003. Một lần nữa chúng ta đã nâng điểm thoát lên mức dễ chạm đến hơn vì nó đã nằm ở mức giã vùng hỗ trợ thay vì nằm ở điểm “đáy” hỗ trợ tuyệt đối. Điều này cũng làm tăng khả năng chạm điểm thoát trên mức hỗ trợ tâm lý cực lớn tại điểm giá số tròn 1,1100 (xem Biểu đồ 8.13).

Biểu đồ 8.13 Lệnh thoát thứ ba được nâng lên trên điểm giá số tròn 1.1100

Vì lệnh thoát thứ nhất tại điểm giá 1,1190 không dựa trên mức hỗ trợ và kháng cự, mà dựa vào mức độ rủi ro chúng ta chấp nhận cho lệnh giao dịch, do đó lệnh này vẫn được giữ nguyên.

THỰC THI KẾ HOẠCH

Nếu tỷ giá biến động theo hướng có lợi chúng ta và chạm điểm giá 1,1190, chúng ta sẽ thoát một phần lệnh giao dịch (trong trường hợp này là 1 lot, hoặc 1/3 lệnh giao dịch) và di chuyển điểm dừng lỗ về điểm vào lệnh. Nói cách khác, khi tỷ giá đạt đến điểm giá 1,1190, kế hoạch sẽ là thu lợi nhuận với 1 lot và chuyển điểm dừng lỗ cho 2 lot còn lại đến điểm giá 1,1225.

Động thái này có tác dụng kép là thu hoạch một phần lợi nhuận và loại trừ rủi ro còn lại đối với lệnh giao dịch. Nên nhớ rằng những người kinh doanh nghiệp dư quan tâm đến việc làm thế nào để thu lợi lớn, trong khi những nhà kinh doanh chuyên nghiệp quan tâm đến việc làm thế nào để bị lỗ ít. Hãy kinh doanh như những người chuyên nghiệp và ưu tiên quan tâm đến mức độ rủi ro.

Một khi điểm dừng lỗ được chuyển xuống điểm hòa vốn, trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là khoản lợi nhuận 35 pip của lot đầu tiên và hòa vốn của hai lot còn lại. Như vậy giời đây ta có thể có chắc một ít lợi nhuận, đồng thời loại trừ mọi rủi ro (xem Biểu đồ 8.14).

Biểu đồ 8.14 Khi lệnh thoát đầu tiên được chạm và có được một khoản lãi, hãy chuyển điểm dừng lỗ xuống điểm giá 1,1225

HIỆN TƯỢNG “NGHĨ LẠI”

Đến thời điểm này, sẽ chẳng có gì bất thường khi giá lại tăng, chạm điểm dừng lỗ và chỉ để lại cho ta một khoản lợi nhỏ từ lệnh thoát thứ nhất. Nếu điều này xảy ra, có phải đó là do có gì đó không ổn hay do lệnh giao dịch “không được tốt”?

Điều gì sẽ xảy ra nếu giá tăng lên, chạm điểm dừng lỗ sau đó lại bắt đầu đi xuống? liệu có gì trục trặc với kỹ thuật giao dịch chăng?

Những su nghĩ trên đây thuộc hiện tượng “nghĩ lại”, vốn dĩ rất bình thường khi mà mọi thứ không đi theo đúng theo kế hoạch. Khi gặp những suy nghĩ này, điều quan trọng là chúng ta phải học cách tin tưởng vào kế hoạch kinh doanh và kiềm chế dạng hành vi này.

Chúng ta không thể kiểm soát kết quả của bất cứ một phiên giao dịch nào, và thị trường không phải lúc nào cũng theo mong muốn của chúng ta. Vẫn có thể xảy ra trường hợp chúng ta thực hiện rất tốt một kế hoạch kinh doanh nhưng kết quả đưa lại vẫn là thua lỗ. Tuy nhiên, nếu chúng ta tạo ra các kế hoạch tốt và thực hiện chúng đúng cách và nhất quán, chúng ta sẽ vượt xa phần lớn các nhà kinh doanh khác.

THU HOẠCH

May thay, trong trường hợp này, một xu hướng giảm mạnh được hình thành đưa lại một đợt giảm sâu. Tỷ giá chạm điểm thoát lệnh thứ hai và chúng ta có thêm thu hoạch tại điểm giá 1.1115. Chúng ta sẽ “ăn mừng” bằng cách chuyển điểm dừng lỗ hiện tại là 1.1225 xuống tiếp đến điểm thoát của lot thứ nhất, tức diểm giá 1.1190 (xem Biểu đồ 8.15).

Biểu đồ 8.15 Khi chạm lệnh thoát thứ hai, điểm dừng lỗ của lot thứ ba được giảm xuống điểm giá thoát lệnh của lot thứ nhất, tức 1,1190

Vì chúng ta quan tâm đến các mức lỗ nhiều hơn là các mức lãi, một lần nữa chúng ta lại xem lại khả năng xấu nhất có thể xảy ra. Hiện thời chúng ta đáng có mức lãi 35 pip của lot thứ nhất và 110 pip của lot thứ hai. Trong trường hợp xấu nhất, khi mà tỷ giá tăng trở lại chạm điểm dừng lỗ 1,1190, thì chúng ta cũng có thêm 35 điểm lợi nhuận của lot thứ ba. Kịch bản này cũng không đến nỗi nào!

Sau khi xoay quanh một lúc, các đấng quyền năng của thị trường lại đã mỉm cười với chúng ta khi mà tỷ giá cuối cùng cũng đã giảm đến điểm thoát của lệnh cuối cùng tại điểm giá 1,1003 (xem Biểu đồ 1.16). Lệnh giao dịch kết thúc với 35 pip lợi nhuận của lệnh thứ nhất, 110 pip của lệnh thứ hai và 222 pip của lệnh thứ ba. Điều tốt đẹp đã xảy ra khi chúng ta kinh doanh với xu hướng!

Biểu đồ 1.16 Tỷ giá cặp USD/CAD giảm xuống điểm thoát lệnh thứ ba

HIỆN TƯỢNG “CHỐNG ĐỐI”

Tuy nhiên hãy chờ xem, ta có thể nghe một giọng mè nheo của sự chống đối, nói rằng “Đáng ra ta không nên tăng các điểm thoát lệnh! Nếu ta cứ để nguyên mức ban đầu ở các điểm giá 1,1100 và 1,0975 thì các điểm thoát này cũng đã được chạm đến và đáng lẽ ta có thể thu được số pip lợi nhuận lớn hơn”!

Trong trường hợp này, đúng là các điểm thoát lệnh ban đầu đã được chạm đến. Nhưng có phải vì thế mà cho rằng quyết định nâng các điểm thoát lệnh là sai? Chúng ta có cần thay đổi chiến lược để lần giao dịch tiếp theo sẽ không điều chỉnh các điểm thoát lệnh nữa?

Hoàn toàn không! Kết quả của bất cứ một phiên giao dịch đơn lẻ nào đều không quan trọng; điều quan trọng là kết quả của một số lượng tổng thể các phiên giao dịch. Nếu chúng ta luôn luôn thay đổi cách tiếp cận thì mọi sự sẽ khôgn đi theo kế hoạch của chúng ta, và chúng ta sẽ ở trong trạng thái luôn luôn điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình.

Thực tế là, chúng ta cũng không hoàn toàn theo mỗi một chiến lược giao dịch. Thay vì thế, chúng ta tồn tại trong một trạng thái suy đoán không ngừng. Để tránh số phận này, tất cả những gì chúng ta có thể làm là lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện kế hoạch đó. Nếu chúng ta tuân theo một kế hoạch tốt, chúng ta sẽ có niềm vui với kết quả tổng thể, cho dù kết quả của từng phiên giao dịch có như thế nào đi nữa.

Như chúng ta thấy ở Biểu đồ 8.17, cặp ngoại tệ trong phiên giao dịch giảm xuống đáy của mức hỗ trợ, và sau đó lại bắt đầu tăng lên.

Biểu đồ 8.17 Cặp USD/CAD tăng từ 1,0975 lên vùng hỗ trợ chủ yếu

THỜI ĐIỂM KHÔNG NÊN THAM GIA THỊ TRƯỜNG

Vì cặp ngoại tệ tăng lên từ đáy, ta có cần phải vào một lệnh đánh lên để kiếm lợi nhuận từ sự tăng giá trở lại? Câu trả lời là không. Nếu bạn nhớ lại, kế hoạch ban đầu của chúng ta là chỉ kinh doanh theo xu hướng và tránh các giao dịch ngược với xu hướng đã định.

Có phải điều này có nghĩa là các giao dịch ngược xu hướng thì sẽ không bao giờ có lãi? Không, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra trong từng giao dịch đơn lẻ. Trong trường hợp ta đang bàn đến, có thể thấy rằng một nhà kinh doanh giao dịch ngược với xu hướng đi xuống của cặp USD/CAD vẫn có thể có lãi, nhưng đó là chỉ trong một lần giao dịch này. Một người kinh doanh thường xuyên chống lại xu hướng sẽ khó mà thành công.

Khi một nhà kinh doanh sử dụng hợp lý chiến lược này thấy rằng tỷ giá đi lên, người này sẽ không mạo hiểm đánh lên và đánh cược với may rủi. Cách ứng xử hợp lý nhất trong kinh doanh lúc này là để cho tỷ giá tăng lên và chờ nó hình thành cơ hội có thể đánh xuống. Như chúng ta thấy, đó chính xác là điều đã xảy ra: tỷ giá một lần nữa tăng lên đến mức Fibonacci ở điểm giá 1,1250.

TIẾP TỤC THAM GIA THỊ TRƯỜNG

Khi tỷ giá tăng ngược trở lại điểm giá 1,1250, chỉ báo RSI xoay về các mức mua quá. Sau đó RSI giảm về khu vực trung tính, tạo nên cơ hội cho một lệnh giao dịch mới theo xu hướng giảm (xem Biểu đồ 8.18).

Bây giờ chúng ta lại có thêm cơ hội để tận dụng xu hướng giảm. Trong trường hợp cụ thể đang xét đến, mọi tính toán trước đó được sử dụng để tham gia thị trường vẫn còn nguyên giá trị (mức hỗ trợ và kháng cự không thay đổi), do đó chúng ta có thể các điểm vào lệnh, dừng lỗ và các lệnh thoát tương tự như trước đó đã thực hiện (xem Biểu đồ 8.19).

Sau khi lệnh giao dịch đã được khớp, tỷ giá dao động ngang trong vài tiếng và điểm dừng lỗ đã gần như bị chạm một vài lần. Cuối cùng, điểm giá 1,1190 cũng được khớp và đưa lại cho ta một phần lợi nhuận (xem Biểu đồ 8.20).

Biểu đồ 8.18 RSI vào vùng mua quá khi cặp USD/CAD gặp lại điểm kháng cự

Biểu đồ 8.19 Trong trường hợp này, các mức hỗ trợ của lệnh giao dịch trước đó vẫn còn áp dụng được

Biểu đồ 8.20 Khoản lợi nhuận thứ nhất được thu hoạch sau khi lệnh thoát thứ nhất được khớp

Ngay sau khi thu được khoản lãi 35 pip, chúng ta lại sẽ hạ điểm dừng lỗ từ 1,1260 về đến điểm vào lệnh 1,1225 và loại trừ mọi rủi ro cho phiên giao dịch. Bây giờ thì kịch bản xấu nhất sẽ là 35 pip lợi nhuận của lot thứ nhất với mức hòa vốn của lot thứ hai và thứ ba. Bạn thấy quen chưa? (hãy xem Biểu đồ 8.21).

Biểu đồ 8.21 Điểm dừng lỗ được hạ về điểm vào lệnh, loại trừ mọi rủi roc ho lệnh giao dịch

Điều gì sẽ xẩy ra tiếp theo? Cặp ngoại tệ bắt đầu tăng và cuối cùng chạm các điểm dừng lỗ đã được hạ xuống trước đó (xem Biểu đồ 8.22).

Biểu đồ 8.22 Điểm dừng lỗ bị khớp tại điểm vào lệnh 1,1225

SỰ ĐỐI LẬP GIỮA TƯỞNG TƯỢNG VÀ THỰC TẾ

Thường thì đây là lúc đầu óc ta bắt đầu có sự hoài nghi và “nghĩ lại”. Ví dụ như “Nếu ta cứ để nguyên điểm dừng lỗ ban đầu tại 1,1260 thì đã sao?”. Cần nhắc lại một lần nữa rằng chúng ta không được có kiểu suy nghĩ như thế. Nhiều nhà kinh doanh cố kiếm tìm một kỹ thuật “thần kỳ” cho phép họ thành công trong mọi lệnh giao dịch. Hãy nhớ lại “Nguyên lý niềm vui”, ta luôn muốn thành công mọi lúc vì chiến thắng luôn đưa lại dư vị ngọt ngào.

Nhiều người thiếu đạo đức hiểu được điều này và sẽ cố dụ dỗ bạn bằng những chiến lược kinh doanh huyền thoại với 85%, 90% hoặc 95% thành công. Đáng tiếc là, bạn sẽ chẳng tìm đâu ra một chiến lược kinh doanh thầnh kỳ nào và nếu chúng ta càng sớm dừng việc tìm kiếm một chiến lược viễn vông thì chúng ta càng sớm trở thành một nhà kinh doanh thành công trong đời thực.

Phiên giao dịch thứ hai cũng hoàn toàn tốt như phiên thứ nhất, chỉ có kết quả là khác nhau. Chúng ta không thể kiểm soát kết quả của bất cứ một phiên giao dịch đơn lẻ nào; chung sta chỉ có thể kiểm soát kế hoạch của chúng ta và thực hiện nó tốt nhất. Nhờ quản lý rủi ro tốt, chúng ta đã đạt được một ít lợi nhuận từ phiên giao dịch thứ hai, và bây giờ chúng ta lại tập trung vào cơ hội tiếp theo.

TÍN HIỆU ẢO

Một lần nữa cặp ngoại tệ lại tăng theo hướng kháng cự Fibonacci 1,1250. Tuy nhiên, không những tỷ giá của chúng không chạm đến điểm kháng cự, mà đồng thời RSI cũng không tăng được lên vùng mua quá. Do đó, một tín hiệu bán xuống đã không được đưa ra. Một nhà kinh doanh thiếu kỷ luật có thể vào lệnh bán xuống theo một cách nào đó (xem Biểu đồ 8.23).

Biểu đồ 8.23 Tỷ giá không chạm được điểm kháng cự và RSI không tăng lên được vùng mua quá

Trong trường hợp này, nhà kinh doanh thiếu tính kỷ luật, người đã vào lệnh đánh xuống trong khi tín hiệu đánh xuống còn chưa thấy đâu kia đã thành công khi mà tỷ giá giảm từ vùng kháng cự trở lại vùng hỗ trợ (xem Biểu đồ 8.24).

Biểu đồ 8.24 Mặc dù thiếu một tín hiệu đầy đủ, tỷ giá vẫn đi xuống

THÀNH CÔNG VÀ THẤT BẠI TẠM THỜI

Có phải điều này có nghĩa là ta cần phải từ bỏ các nguyên tắc của chúng ta không? Tất nhiên là không. Nhà kinh doanh thiếu tính kỷ luật nọ có thể thắng trong phiên giao dịch này, nhưng sự thiếu kỷ luật cuối cùng sẽ phải trả giá lớn hơn rất nhiều những gì hôm nay người này thắng được.

Sớm muộn gì người này cũng sẽ phá bỏ các nguyên tắc khác, và sau một thời gian, những người như thế sẽ chẳng theo một kế hoạch cụ thể nào. Hôm nay anh ta có thể vào một lệnh mà không cần đợi một tín hiệu cụ thể nào; ngày mai anh ta có thể bỏ qua lệnh dừng lỗ. Cuối cùng, sự thiếu kỷ luật sẽ được trả giá trên chính tài khoản của anh ta.

Thị trường có một cách kỳ quái tưởng thưởng tạm thời cho những sai lầm của chúng ta. Ta có thể vẫn chẳng sao sau khi làm những việc sai lầm trong một thời gian khá dài, đến nỗi ta có thể nghĩ là ta đang làm đúng. Do đó chúng ta cần luôn tự hỏi: Có nên đổi thành công tạm thời để gánh lấy những sai lầm lâu dài, hay thà chịu thất bại tạm thời để đổi lấy thành công trong dài hạn?

NỖI SỢ MẤT CƠ HỘI

Điều này không có ngụ ý rằng có một sai lầm nào đó ở nhà kinh doanh đề cao tính kỷ luật và đứng ngoài thị trường khi chưa có tín hiệu rõ ràng. Hãy luôn nhớ đừng bao giờ quan tâm đến những phiên giao dịch mà ta chưa tham gia.

Sự lo lắng về việc để vuột các cơ hội kinh doanh mang hàm ý các cơ hội kinh doanh là hữu hạn, một điều hoàn toàn không đúng. Vẫn còn đó các cơ hội kinh doanh khác, và nếu chúng ta bị phân tâm vào việc đáng lẽ phải thế này, thế kia, chúng ta có thể để mất cơ hội kinh doanh lớn hiện đang hình thành.

HIỆN TƯỢNG VƯỢT NGƯỠNG DỪNG LỖ

Quay lại với cặp USD/CAD, cho đến nay chúng ta đã thấy tỷ giá của chúng đã dội trở lại nhiều lần ở ngưỡng kháng cự Fibonacci 1,1250. Rõ ràng là những người bán thường vào thị trường tại mức giá này và sử dụng mức giá làm điểm giá vào lệnh bán với dự đoán là giá sẽ đi xuống từ đây (xem Biểu đồ 8.25).

Biểu đồ 8.25 Những người bán USD/CAD liên tục tham gia thị trường tại mức giá 1,1250

Như vậy, cho đến nay mức kháng cự đã trở nên khá rõ ràng và chúng ta có thể cho rằng có nhiều nhà kinh doanh, cả cá nhân lẫn tổ chức, bán xuống tại vùng giá 1,1250. Chúng ta phải tự hỏi rằng vậy những nhà kinh doanh này đặt dừng lỗ của họ ở đâu? Điều chắc chắn nhất là họ sẽ đặt đừng lỗ ở phía trên mức kháng cự. Nếu đây là vùng có nhiều người bán, thì theo logic sẽ có nhiều lệnh dừng lỗ ở trên khu vực 1,1250.

Để nghiền ngẫm về những gì có thể ảnh hưởng đến các giao dịch tiếp theo, điều quan trọng ta cần hiểu là một tập hợp lớn các lệnh dừng lỗ và những lệnh khác có thể kích thích đến tỷ giá và đẩy nó lên cao hơn, làm cho những lệnh dừng lỗ và những lệnh khác này bị/được khớp. Tại sao lại như vậy?

Hãy nhớ rằng các ngân hàng đóng một vai trò lớn trong thị trường Forex do đại đa số khối lượng giao dịch Forex được thông quan hệ thống liên ngân hàng, một liên kết lỏng lẻo giữa các ngân hàng lớn nhất Thế giới. Các khách hàng của những ngân hàng này tham gia nhiều loại giao dịch khác nhau, và trong nhiều trường hợp ngân hàng được hưởng một khoản hoa hồng khi các lệnh giao dịch này được thực hiện.

Vì lý do này mà một tập hợp lớn các lệnh giao dịch tập trung ở một khu vực nào đó dễ trở thành mục tiêu hấp dẫn. Nếu các ngân hàng có thể điều chỉnh được tỷ giá nhằm khớp các lệnh này, họ sẽ được hưởng hoa hồng. Trong trường hợp ta đang xem xét, một tập hợp lớn các lệnh ở trên vùng giá 1,1250 khuyến khích các ngân hàng đẩy tỷ giá USD/CAD lên cao hơn.

Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện nó không hề đơn giản. Thị trường Forex quá lớn và do đó sẽ là quá tốn kém nếu muốn cố gắng điều khiển tỷ giá theo một cách công khai. Ngân hàng không thể kiểm soát các tỷ giá theo cách các chuyên gia kiểm soát một loại cổ phiếu đăng ký tại Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Tuy nhiên, nếu tỷ giá ở gần “mục tiêu” (tức là vùng tập trung một lượng lớn các lệnh giao dịch), một hoặc một số tổ chức ngân hàng có thể có động cơ để có một số “thúc đẩy” nào đó nhằm khớp một phần các lệnh giao dịch này.

Bằng việc tạo một sức ép mua vào đủ lớn ở một thời điểm thích hợp, một ngân hàng có thể có khả năng làm cho tỷ giá bị đẩy lên trên vùng kháng cự nơi các lệnh dừng lỗ được đặt. Điều này dễ xảy ra nhất khi lực mua trên thị trường trầm lắng và khi thanh khoản thấp.

Điều này có thể tạo nên một phản ứng dây chuyền. Hãy tưởng tượng có nhiều lệnh dừng lỗ ngay trên mức giá 1,1250 và các ngân hàng đã đẩy tỷ giá đến mức các lệnh này bắt đầu khớp. Như ta đã biết là ở vùng này cũng có rất nhiều lệnh bán tại mức giá 1,1250, do đó khi các lệnh dừng lỗ được khớp cũng có nghĩa là lúc các lệnh đánh xuống này bị đóng để “bù vào”.

Về bản chất, các lệnh dừng lỗ cho các giao dịch đánh xuống chính là các lệnh đánh lên (mua vào) vì chỉ có cách duy nhất “bù” vào lệnh đánh xuống là phải mua vào. Hãy giả định các lênh dừng lỗ được khớp tại điểm giá 1,1260. Trong trường hợp này, thực chất nó có nghĩa là các lệnh mua vào được khớp ở mức 1,1260. Sức ép của lực mua vào tại điểm giá 1,1260 có thể đẩy tỷ giá lên cao hớn mức 1,1270 là nơi có nhiều lệnh dừng lỗ hơn nữa được đặt. phản ứng dây chuyền này tiếp tục cho đến khi nhiều lệnh dừng lỗ đã bị loại trừ.

Khi giá tăng lên lên trên mức 1,1250, là vùng giá đã từng là vùng kháng cự khá vững chắc, những nhà kinh doanh theo chiến lược bùng nổ giá sẽ được khuyến khích vào cuộc với các lệnh giao dịch đánh lên. Tất nhiên, bạn và tôi sẽ không bị lôi cuốn vào việc đó, vì bùng nổ giá này không cùng chiều với xu hướng chính.

Toàn bộ các hình thái kinh doanh, kể cả Forex, thường dễ vướng vào các bùng nổ giá giả. Các bùng nổ giá ngược xu hướng chính có xác suất giả cao hơn. Mặc dù vậy, không phải tất cả mọi nhà kinh doanh đều quan tâm đến điều này, và bạn có thể đánh cược rằng một số nhà kinh doanh sẽ đánh lên khi tỷ giá vượt qua mốc 1,1250.

Như là số phận đã định, cặp USD/CAD đã xuyên phá qua ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 1,1250 (xem Biểu đồ 8.26). Tại thời điểm này có hai điều sẽ xảy ra: Bùng nổ giá sẽ là thật, hoặc là giả. Nếu bùng nổ giá là thật, với chúngta cũng chẳng sao vì chúng ta đã không – hoặc ít nhất là chưa – bán xuống. Chúng ta không lỗ và, như một nguyên tắc, chúng ta không việc gì phải lo nghĩ về phiên giao dịch mà chúng ta đã không tham gia. Nếu tỷ giá đi lên, thì nó sẽ đi lên mà không có sự tham gia của chúng ta.

Những sẽ là thế nào nếu sự bùng nổ giá là giả? Tôi có thể cho rằng nó là giả nếu tỷ giá rơi ngược xuống dưới điểm bùng nổ 1,1250. Khi điều này xảy ra, nó sẽ tạo nên một tình huống hấp dẫn, như có thể thấy tại Biểu đồ 8.27.

Biểu đồ 8.26 Một sự bùng nổ giá tiềm năng xuất hiện ngược với xu hướng chính

Biểu đồ 8.27 Bùng nổ giá là giả và xu hướng lại được phục hồi; RSI rời khỏi vùng mua quá

Bạn còn nhớ những nhà đầu tư đánh lên khi tỷ giá tăng lên trên mức 1,1250 chứ? Bây giờ họ sẽ cảm thấy thế nào khi giá giảm xuống dưới điểm vào lệnh của họ? Họ sẽ thấy tiếc và bất an, đồng thời nghĩ cách thoát khỏi thị trường. Có thể lệnh dừng lỗ của hộ cũng đã khớp khi tỷ giá đi xuống.

Cùng với việc nhóm các nhà kinh doanh trên đóng các lệnh lỗ của họ, họ đã cung cấp thêm năng lượng cần thiết để tỷ giá đi xuống nhanh hơn. Nói cách khác, vì những người này vào lệnh đánh lên trên mức giá 1,1250, họ phải bán để bù vào các lệnh lỗ và thoát khỏi thị trường.

Sức ép của lực bán xuống này giúp đẩy tỷ giá xuống thấp hơn, đồng thời cũng tạo cơ hội tham gia thị trường cho những người muốn bán xuống cặp USD/CAD. Người kinh doanh theo hướng đánh xuống có đầy đủ các ưu thế kinh doanh theo xu thế, với khoản lợi nhuận tăng thêm từ những người theo chiến lược bùng nổ giá và những người kinh doanh chống lại xu hướng thị trường khi họ phải đóng các lệnh giao dịch bị lỗ.

Ngoài ra, bạn còn nhớ về tập hợp các lệnh dừng lỗ và các lệnh đánh lên đã được đặt trên mức 1,1250 không? Các lệnh này đóng vai trò như một cục nam châm, kéo tỷ giá USD/CAD lên cao hơn khi các ngân hàng tìm cách khớp các lệnh để thu hoa hồng.

Có thể thấy một điều thú vị là sau khi vọt nhanh lên mức 1,1300, tỷ giá lại tụt xuống dưới mức 1,1250 trong vòng 2 tiếng. Một khi các lệnh đã khớp, chẳng có lý do gì để tỷ giá tiếp tục nằm trên mức 1,1250. Các ngân hàng đã thu được hoa hồng và do đó họ không còn mục tiêu gì để tiếp tục hỗ trợ giá đi lên.

Bây giờ thì chẳng còn lý do gì để các ngân hàng và các tổ chức tài chính kích giá lên cao thêm nữa. Khi bùng nổ giá trở nên bùng nổ giá giả, xu hướng giảm phục hồi và những nhà kinh doanh lại có thêm cơ hội để đánh xuống cặp USD/CAD (xem Biểu đồ 8.28).

Sau một vài giờ, tỷ giá đã xuống đưới mức 1,1190, khớp lệnh thoát thứ nhất (xem Biểu đồ 8.29). Theo như kế hoạch trước đó, chúng ta thoát lot đầu tiên của lệnh giao dịch. Mức giá mới cũng cho phép ta dịch điểm dừng lỗ về điểm hòa vốn 1,1225. Như vậy ta có thể chắc một phần lợi nhuận nhỏ và hy vọng sẽ tiếp thục thu thêm những khoản lớn hơn.

Biểu đồ 8.28 Sự kiên nhẫn được đền đáp khi cơ hội đánh xuống lại một lần nữa xuất hiện

Biểu đồ 8.29 Lệnh thoát thứ nhất được thực hiện tại 1,1190 và điểm dừng lỗ được chuyển về 1,1225

Lúc này, cặp ngoại tệ tăng trở lại và chạm vào mức dừng lỗ tại điểm giá 1,1225. Chúng ta kết thúc lệnh giao dịch với 35 pip lợi nhuận của lot thứ nhất và hòa vốn cho 2 lot thứ hai và thứ ba.

Trong một vài ngày tiếp theo, càng có thêm nhiều cơ hội đánh xuống hơn nữa cho cặp USD/CAD. Không cần xem xét riêng rẽ từng lệnh giao dịch ta cũng có thể nói rằng về tổng thể, các phiên giao dịch là thuận lợi với chỉ có một lệnh bị lỗ (35 pip trong 3 lot).

Chúng ta có một số phiên giao dịch chỉ có lãi nhẹ và có một phiên rất thành công. Điều này là rất đáng kể không phải bởi số lượng accs phiên thắng so với số các phiên thua, mà vì mức độ thắng so với mức độ thua như thế nào.

Biểu đồ 8.30 cho thấy đường Fibonacci ở trên biểu đồ giá 1 ngày, là mức được sử dụng làm mức kháng cự cho phiên giao dịch ban đầu. Lưu ý là chúng ta đã vào một loạt các lệnh giao dịch với đại đã số thành công, thếd nhưng tỷ giá của cặp USD/CAD đã không thay đổi mấy trên biểu đồ giá 1 ngày.

Biểu đồ 8.30 Nhiều cơ hội tham gia thị trường hình thành tại mức Fibonacci 1,1250

Nếu xem xét kỹ càng hơn ta sẽ thấy rằng các cây nến giá được hình thành ngay tại mức khắng cự Fibonacci, ngay trước phiên giảm từ khu vực giá 1,1250. Hai cây nến giá doji liên tiếp kề nhau cho ta biết rằng hai phe mua và bán đang ở thế cân bằng, và chỉ ra sự bất thành của phe mua lên trong việc giữ tỷ giá trên mức 1,1250 (xem Biểu đồ 8.31).

Biểu đồ 8.31 Các cây nến giá doji hồi phục xác nhận mức kháng cự Fibonacci

Bằng việc theo dõi một loạt phiên giao dịch này, chúng ta đã thấy chính xác loại hình chiến lược kinh doanh mà những nhà kinh doanh theo xu hướng dùng để kinh doanh sinh lợi nhuận. Không chỉ theo dõi một kỹ thuật kinh doanh cụ thể, chúng ta còn kiểm tra triết lý đằng sau loại hình kinh doanh này cùng với những diễn biến tư duy khác nhau đôi khi làm chệch hướng những giao dịch vốn đáng lẽ là thành công.

Hy vọng tôi đã cung cấp một thí dụ thật với đầy đủ xấu, tốt để cho thấy rằng sự việc đôi khi không đi theo y như kế hoạch của ta, vì trong cuộc sống thực đơn giản là nó không thể như thế. Có thể có những người cố bán cho bạn những ý tưởng rằng bạn có thể “thắng” mọi lúc, nhưng trong thực tế, thị trường không phải lúc nào cũng chiều theo ý bạn.

Đấy là lý do tại sao việc kèm theo một kế hoạch quản lý rủi ro lại quan trọng đến vậy. Phương pháp dịch chuyển điểm dừng lỗ được dùng để bảo vệ tài khoản của bạn khi thị trường không theo ý bạn. Nó cũng cho phép nhà kinh doanh hiện thực hóa những khoản lợi nhuận lớn hơn khi các điều kiện thị trường thuận lợi.

Trong khi không phải mọi thứ đều tuân theo kế hoạch, chúng ta cũng đã học cách không lo lắng về những gì chúng ta không kiểm soát được, ví như điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta tham gia thị trường. Thay vì lo lắng, chúng ta tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát được, ví như thiết lập một kế hoạch kinh doanh tốt và thực hiện nó theo cách tốt nhất có thể. Nếu chúng ta có thể thực hiện điều này một cách nhất quán, cơ hội thành công trong dài hạn của chúng ta sẽ tăng lên rất nhiều.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com