Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG IV: PHÂN TÍCH KỸ THUẬT VÀ THỊ TRƯỜNG FOREX
Tại sao có rất nhiều người đã từng kinh doanh trên thị trường chứng khoán và thị trường giao sau lại chuyển sang kinh doanh trên thị trường ngoại hối? Nhiều người đã nhận ra rằng phân tích kỹ thuật đưa đến hiệu quả rất cao trong thị trường Forex, cho phép họ tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường toàn cầu. Nhưng tại sao phân tích kỹ thuật lại hiệu quả đến vậy trong thị trường Forex? Phân tích kỹ thuật đơn giản là phân tích các biến động giá trong quá khứ nhằm giúp dự đoán các biến động giá trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, một nhà kinh doanh sử dụng phân tích kỹ thuật chỉ đơn giản là tìm kiếm sự lặp lại của những biến động trong quá khứ.
Chương này sẽ giải thích việc các nhà kinh doanh sử dụngh kỹ thuật này ra sao để hướng đến hiệu quả tối ưu trên các thị trường ngoại hối.
LÝ THUYẾT CỦA PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Các biến động dài hạn trên thị trường ngoại hối thường đi kèm với các chu kỳ kinh tế. Những chu kỳ kinh tế này có xu hướng lặp lại chính chúng và do đó ta có thể dự đoán trước được chúng với một mức độ chính xác khá cao. Sự lặp lại chính là chìa khóa, bởi toàn bộ công việc của phân tích kỹ thuật chính là sử dụng các biến động giá trong lịch sử để dự đoán những biến động giá trong tương lai.
Trong thị trường chứng khoán, các chỉ số cơ bản của một công ty nào đó có thể biến động rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Điều này làm cho việc dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai dựa trên giá cả cổ phiếu trong quá khứ trở nên không thích hợp. Không có một chu kỳ kinh tế nào trong vòng đời của một công ty hoặc một cổ phiếu. Do đó phân tích kỹ thuật trong thị trường chứng khoán trở nên không chăc chắn.
Trong thị trường Forex, chúng ta kinh doanh các nền kinh tế của toàn cầu. Các chỉ số cơ bản của các nước thay đổi rất chậm dẫn đến dấu hiệu bùng nổ hoặc suy thoái của chu kỳ kinh tế có thể dễ dàng dự đoán hơn.
ĐIỀU TRA THỐNG KÊ
Giữa số liệu điều tra 5 người và số liệu điều tra 5000 người thì theo bạn con số nào chính xác hơn? Nếu cuộc điều tra được tiến hành một cách sòng phẳng và minh bạch, số mẫu điều tra càng lớn thì càng kết quả đưa ra càng chính xác.
Quy mô và độ thanh khoản rất lớn của thị trường Forex đưa đến cho phân tích kỹ thuật một lượng thông tin mẫu rất lớn để cân nhắc. So với bất cứ thị trường chứng khoán hay thị trường giao sau nào, thị trường Forex có nhiều hơn nhiều các giao dịch diễn ra với số lượng tiền chu chuyển cũng lớn hơn rất nhiều. Thị trường ngoại hối chứa đựng nhiều dữ liệu tạo điều kiện cho việc lấy mẫu phân tích kỹ thuật chính xác hơn.
Đồng thời, độ thanh khoản cực cao trên thị trường ngoại hối còn hạn chế tối đa việc các nhà kinh doanh nhỏ có thể lũng đoạn thị trường, bóp méo các chỉ số kỹ thuật vốn là hiện tượng khá phổ biến trong những thị trường có độ thanh khoản thấp. Một nhà kinh doanh chứng khoán có thể dễ dàng can thiệp vào giá của một cổ phiếu có độ thanh khoản thấp, tuy nhiên việc can thiệp vào các tỷ giá sẽ khó hơn và với chi phí cao hơn rất nhiều. Ví dụ, hãy giả định một loại cổ phiếu được giao dịch với lượng giao dịch bình quân hàng ngày chỉ là 20.000 cố phiếu. Nếu một nhà đầu tư nào đó vào một lệnh mua 10.000 cổ phiếu đó, bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Vì lệnh mua bằng 50% lượng giao dịch trung bình hàng ngày, giá của cổ phiếu sẽ tăng đột biến khi lệnh mua được thực hiện. Theo một nghĩa hoàn toàn thực tế là một nhà đầu tư với một tác động duy nhất có thể thay đổi thị trường của loại cổ phiếu đó.
Trong khi kịch bản này là khá phổ biến trên thị trường chứng khoán, thì điều tương tự không xảy ra với thị trường ngoại hối. Quy mô cực lớn của thị trường Forex làm cho hiện tượng này gần như không thể xảy ra. Trong thực tế từng có nhiều lần các quốc gia và các ngân hàng trung ương đã thử áp đặt ảnh hưởng của họ lên các mức tỷ giá nhưng đều thất bại.
NỖI SỢ HÃI NHỮNG ĐIỀU KHÔNG BIẾT
Một lẽ hoàn toàn tự nhiên là ta sợ hãi trước những gì ta không thể biết và đó là hành vi bình thường của con người. Tôi nhớ lần đầu khi quyết định tham gia thị trường Forex, có bao nhiêu là lo lắng trĩu nặng trong đầu tôi. Biểu đồ là cái gì? Tôi có cần từ bỏ cách kinh doanh hiện tại để học những phương thức kinh doanh bí hiểm mới hay không?…
Đây cũng là mối quan tâm chung của các nhà kinh doanh muốn trải nghiệm những đặc tính ưu việt của Forex nhưng lại không muốn rời bỏ môi trường “quen thuộc” của mình. Khi ta nhìn qua các biểu đồ của tỷ giá Forex, điều đầu tiên có thể thấy là chúng không khác mấy so với các biểu đồ của các phương tiện kinh doanh khác, ví như kinh doanh chứng khoán hoặc kinh doanh hàng hóa.
KINH DOANH DỰA TRÊN CÁC MÔ HÌNH VÀ CÁC CHỈ BÁO KỸ THUẬT
Điều thuận lợi đối với những nhà kinh doanh chứng khoán và thị trường giao sau có kinh nghiệm là gần như toàn bộ những gì họ biết về phân tích kỹ thuật ở hai loại thị trường trên đều có thể áp dụng cho thị trường Forex. Các biểu đồ Forex cũng bao gồm những mô hình quen thuộc như “đầu và vai”, “hai đỉnh”, “hai đáy”, “tam giác đều và tam giác không đều”…
Các nhà kinh doanh Forex sử dụng các trung bình động, các giải Bollinger, trung bình đông hội tụ và phân kỳ (MACD)… tất cả các chỉ báo mà các nhà kinh doanh chứng khoán và thị trường giao sau sử dụng, kể cả các hiện trượng như phá xu thế, hồi phục, tích lũy, các dải giá và các xu thế,… Ví dụ, biểu đồ 4.1 cho thấy một mô hình rất quen thuộc đối với những nhà kinh doanh sử dụng phân tích kỹ thuật: mô hình hai đỉnh của cặp ngoại tệ Euro/USD.
Biểu đồ 4.1 Mô hình hai đỉnh của cặp ngoại tệ Euro/USD
Những nhà kinh doanh hàng hóa và chứng khoán sẽ còn thấy rất nhiều các mô hình quen thuộc khác trong các biểu đồ tỷ giá các cặp ngoại tệ. Ví dụ, hãy xem xét mô hình “đầu và vai” được thiết lập trong một khoảng thời gian 3 năm của cặp ngoại tệ USD/JPY (đôla Mỹ/yên Nhật) tại biểu đồ 4.2.
Biểu đồ 4.2 Mô hình “đầu và vai” của cặp ngoại tệ USD/JPY
Các nhà kinh doanh thị trường Forex sử dụng các mức hỗ trợ và kháng cự để xác định điểm vào lệnh và điểm dừng lỗ tốt nhất, đúng theo cách các nhà kinh doanh chứng khoán và thị trường giao sau vẫn làm. Tại Biểu đồ 4.3, cặp ngoại tệ USD/CAD (đôla Mỹ/đôla Canada) liên tiếp gặp hỗ trợ tại mức giá 1,2000. Những nhà kinh doanh quen với các mô hình của biểu đồ cây nến sẽ nhận ra một loạt những dạng thức khác nhau như “búa”, “Doji”, “đầu cù” và các nến đảo ngược khác tại mức hỗ trợ này.
Biểu đồ 4.3 Cặp USD/CAD liên tục chạm ngưỡng hỗ trợ tại ku vực giá 1.2000
Các chiến lược giao dịch sử dụng các đường xu thế, kênh xu thế cũng rất phổ biến trong thị trường Forex. Ví dụ, tại biểu đồ tính theo ngày của cặp ngoại tệ USD/CHF (đôla Mỹ /frăng Thụy sỹ) chúng ta có thể thấy hai kênh xu thế tách biệt nhau và rất rõ ràng: một kênh chuyển động ngày càng cao hơn, kênh còn lại chuyển động ngày càng thấp hơn. Lưu ý rằng khi kênh thứ nhất kết thúc, xu hướng tăng giá chuyển thành một mô hình hai đỉnh trước khi tiếp nối bằng xu hướng giảm (xem Biểu đồ 4.4).
Biểu đồ 4.4 Hai kênh xu thế giá được tạo ra bởi cặp USD/CHF
YẾU TỐ TÂM LÝ ẨN SAU SAU THỊ TRƯỜNG
Một trong những lợi thế lớn của phân tích kỹ thuật là nó cho phép ta quan sát nếp suy nghĩ của những người tham gia thị trường này. Khi chúng ta thấy một mô hình nhất định nào đó được hình thành trên biểu đồ giá, chúng ta hiểu rằng đó là hiện thân của yếu tố tâm lý ẩn sau thị trường. Nguyên nhân của điều này là cho dù người tham gia kinh doanh có thể thay đổi, bản chất con người là bất biến. Tâm lý con người tạo nên các mô hình kỹ thuật trong các biểu đồ giá chứng khoán và hàng hóa giao sau cũng biểu hiện tương tự như trong thị trường Forex, do đó mà mô hình biến động giá tương tự được hình thành.
Ví dụ, các nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đến mô hình chén và quai cũng sẽ tìm thấy mô hình này trong thị trường Forex. Biểu đồ 4.5 cho chúng ta thấy một mô hình chén và quai lớn trước khi có sự bùng nổ giá của cặp AUD/USD (đôla Úc/đôla Mỹ).
Biểu đồ 4.5 mô hình ấm và quai lớn của cặp AUD/USD
CÁC YẾU TỐ BÊN NGOÀI PHÂN TÍCH KỸ THUẬT
Điều quan trong cần ghi nhớ là các yếu tố cơ bản là tác nhân tạo nên bức tranh kỹ thuật mà chúng ta nhìn thấy trên biểu đồ giá. Khi chúng ta kinh doanh ngoại hối, chúng ta không kinh doanh các công ty (như kinh doanh chứng khoán – ND) mà chúng ta kinh doanh các nền kinh tế. Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế của một quốc gia cụ thể nào đó thường thay đổi chậm hơn rất nhiều so với sự thay đổi của một công ty.
Nếu cổ phiếu của một công ty nào đó yếu, sẽ có nhiều phản ứng có khả năng xảy ra. Ví dụ như công ty đó có thể thay đổi giám đốc, tái cơ cấu lại công ty, bổ sung các thành viên mới cho hội đồng quản trị, vv… để nhanh chóng cải thiện năng lực của công ty.
Việc cải thiện tình hình kinh tế một đất nước là một quá trình phức tạp và tốn thời gian hơn nhiều. Vì lý do này, hiện tượng lặp lại của các mô hình kỹ thuật mà chúng ta tìm kiếm thường dễ xảy ra trên biểu đồ giá các cặp ngoại tệ hơn là trên biểu đồ chứng khoán. Đây cũng là lý do tại sao các xu hướng giá lại có xu thế kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trên thị trường Forex.
XU HƯỚNG GIÁ
Các cặp ngoại tệ có xu thế tạo ra các các xu hướng mạnh và bền vững. Thị trường Forex nổi tiếng bởi các xu hướng này và chính chúng là lý do chính hấp dẫn những nhà kinh doanh theo xu hướng. Ví dụ, đồng euro có xu hướng vững chắc là luôn cao hơn đồng đôla Mỹ trong một khoảng thời gian 3 năm. Xu hướng tăng này xuất hiện trong thời kỳ suy yếu của nền kinh tế Mỹ (xem Biểu đồ 4.6).
Biểu đồ 4.6 Xu hướng tăng dài hạn ở cặp ngoại tệ EUR/USD
QUY TẮC THỨ TỰ
Có một cách để xác định xem một cặp ngoại tệ có đang ở xu thế hay không bằng cách sử dụng các trung bình động và thông qua một khái niệm được gọi là quy tắc thứ tự của các trung bình động. Hãy thử xác định quy tắc thứ tự cho một xu hướng tăng như sau: đường trung bình động đơn giản (SMA) 10 kỳ nằm trên đường SMA 20 kỳ, đường SMA 20 kỳ nằm trên đường SMA 50 kỳ, còn đường SMA 50 kỳ nằm trên đường SMA 200 kỳ.
10 à 20 à 50 à 200
Thứ tự sẽ ngược lại trong trường hợp có xu hướng giảm:
200 à 50 à 20 à 10
Một lần nữa, chúng ta lại xem xét biểu đồ ngày của giá cặp EUR/USD (Biểu đồ 4.7). Ở phía trái, các đường trung bình động gần như nằm ngang và đan xen với một thứ tự không rõ ràng; trong khi ở phía phải của Biểu đồ, các đường trung bình động đã sắp xếp theo thứ tự đúng của một xu hướng tăng. Lưu ý rằng các đường trung bình động có chu kỳ ngắn (10 ngày và 20 ngày) đi theo đường dốc hơn ở phía phải Biểu đồ.
Biểu đồ 4.7 Các đường trung bình động của cặp EUR/USD được sắp xếp theo quy tắc thứ tự trong một xu hướng tăng
Sự chồng chéo ở phía trái Biểu đồ chỉ ra rằng cặp ngoại tệ đang ở trong thời kỳ ít biến động, do đó chỉ có thể sử dụng các kỹ thuật phù hợp cho thời kỳ này. Khi các đường trung bình động sắp xếp theo quy tắc thứ tự, đường trung bình động có kỳ ngắn hơn sẽ bắt đầu chuyển động theo đường chéo thay vì đi ngang, lúc này, cặp ngoại tệ đã có hướng định hướng. Nhà kinh doanh sẽ phải chuyển từ chiến lược kinh doanh theo giá ổn định sang chiến lược kinh doanh theo giá xu hướng.
Ở phía trái (phía thị trường ổn định) của Biểu đồ, có thể chấp nhận đánh lên tại mức hỗ trợ và đánh xuống tại mức kháng cự. Nhưng đó không phải là cách tốt ở phía phải của Biểu đồ. Khi cặp ngoại tệ đã chọn một hướng, người kinh doanh chỉ nên kinh doanh theo hướng đó mà thôi, tức là chỉ chấp nhận các giao dịch đánh lên và tránh các giao dịch đánh xuống. Như vậy, người kinh doanh phải đảm bảo giao dịch theo xu hướng và tránh những giao dịch đi ngược lại xu hướng. Việc kinh doanh chống lại xu hướng là việc làm dại dột và không được khuyến khích ở bất cứ thị trường nào, đặc biệt là thị trường thường hình thành những xu hướng mạnh như thị trường Forex.
Các kỹ thuật sử dụng Fibonacci
Việc đánh giá phân tích kỹ thuật sẽ không hoàn thiện nếu không bàn đến các kỹ thuật sử dụng Fibonacci. Có thể bạn cũng đã biết, Fibonacci là một nhà toán học nổi tiếng người Ý, gắn liền với nhiều phát minh trong đó có việc phát hiện ra một dãy số có thể tìm thấy ở bất cứ sự vật nào của tự nhiên. Các tỷ lệ Fibonacci có thể tìm thấy bất cứ đâu, từ kiến trúc, âm nhạc đến hình học. Dãy tỷ lệ này có thể tìm thấy trong số lượng cánh hoa của một bông hoa, hay trong cách thức các khóm lá nảy sinh trên một thân cây nào đó bất kỳ.
Tỷ lệ Fibonacci 61,8 % cùng với tỷ lệ nghịch đảo của nó là 38,2% (100 – 61,8 = 38,2) và tỷ lệ giữa 61,8% và 38,2% (tức là 50%) được xem là các mức hỗ trợ hoặc kháng cự quan trọng. Những nhà kinh doanh sử dụng Fibonacci tin rằng sau khi khi có một biến động mạnh theo xu hướng, tỷ giá sẽ phục hồi lại một mức tương đương một tỷ lệ Finbonacci, thông thường là 38,2% hoặc 50% hoặc 61,8%.
Trong khi kỹ thuật này không được thông dụng lắm trong kinh doanh chứng khoán hay hàng hóa giao sau, nó lại là một phần của văn hóa Forex và được sử dụng rộng rãi bởi các ngân hàng, các nhà kinh doanh có tổ chức và các quỹ hỗ trợ cũng như các nhà kinh doanh đơn lẻ. Do mức độ được chấp nhận rộng rãi của nó trong kinh doanh Forex, các kỹ thuật sử dụng Fibonacci tạo nên một dạng dự báo mang tính ước nguyện.
Ở Biểu đồ 4.8, cặp ngoại tệ USD/CAD bị khóa chặt trong xu hướng giảm. Giá của cặp này sau đó đi cho đến khi chạm vào đường kháng cự tại điểm hồi phục 38,2% của xu hướng giảm.
Có phải đây chỉ là tình cờ? Bạn hãy tin rằng bản thân tôi vốn bản chất cũng là một người hay nghi ngờ. Tuy nhiên có một thực tế là từ khi tôi bắt đầu kinh doanh Forex và sử dụng Fibonacci, tôi đã nhận ra rằng nó có độ chính xác đến huyền bí trong việc dự đoán các mức hỗ trợ và kháng cự của các cặp ngoại tệ.
Hãy đưa ra một ví dụ khác: Tỷ giá cặp ngoại tệ GBP/USD (bảng Anh/đôla Mỹ) đã tưng 2.000 pip trước khi đạt đỉnh. Cặp này sau đó phục hồi về đúng 38,2% gặp đường hỗ trợ trước khi tăng trở lại 400 pip trong 3 kỳ giao dịch tiếp theo (xem Biểu đồ 4.9).
Biểu đồ 4.8 Tỷ giá cặp USD/CAD hồi phục đến mức 38,2% của mức kháng cự Fibonacci và sau đó tiếp tục đi xuống
Biểu đồ 4.9 Xu hướng tăng của cặp GBP/USD phục hồi 38,2% về hỗ trợ Fibonacci sau đó tăng trở lại