Điều đầu tiên trước khi bạn đọc bất cứ những gì sau đây, rất có thể sẽ có nhiều bạn phản đối những gì tôi sẽ nói. Có thể bạn không thích quan điểm này của tôi. Bởi những gì tôi chia sẻ với bạn ở đây có lẽ nó hơi khác rất nhiều nơi khác đã và đang ngày ngày nhồi vào đầu óc bạn. Tôi là ai để dám nói nên những điều này? Không, tôi không là gì trong thế giới giao dịch đầy biến động này, và sẽ luôn không là ai để bạn cần để đem ra để so sánh với bất cứ ai, bất cứ một dẫn chứng nào. Đơn giản, những điều tôi nói ở đây là tôi được học, được trải nghiệm và bản thân tôi thấy nó thấm thía và tôi tin rằng nó sẽ giúp ích được cho ai đo đang bị mộng du giữa biển kiến thức mịt mù ngoài kia.
Nào, bạn hãy thử nhớ lại xem bạn đã bắt đầu sự nghiệp trader của mình như thế nào nhỉ? Người thầy đầu tiên của bạn là ai? Cuốn sách đầu tiên bạn đọc là cuốn nào? Group hay cộng đồng nào bạn đã học hỏi những điều cơ bản nhất từ đó! Hừm, nó quan trọng lắm đấy, những điều đầu tiên bạn được biết tới thường sẽ đi vào tiềm thức và theo bạn đến suốt cả cuộc đời! Nếu ai may mắn họ sẽ không sớm thì muộn tìm tới đích! Bằng không, xin chia buồn với bạn, càng đi xa bạn càng lún sâu hơn vào những thất bại! Và bạn sẽ mất hết mọi thứ! Mất tiền, mất thời gian và tệ hơn là mất luôn niềm tin vào thị trường này. Để tôi thử đoán nhé, bạn xem mình có phải là một trong số đó không nhé!
Ngay khi biết tới thị trường này, việc đầu tiên mà các bạn làm đó là:
- Tìm một phương pháp phân tích để có thể “dự đoán” đúng đường đi của giá.
- Tìm một hoặc một bộ chỉ báo indicators có thể giúp bạn dễ dàng nhận biết điểm vào lệnh chắc thắng.
- Tìm một kênh cho tín hiệu mà theo giới thiệu là tỉ lệ thắng cao ngất.
- Tìm một con bot EA trên mql5 hay đâu đó mà có cả đống người đang follow và đổ vốn vào.
- …
- Và có người còn mải miết nhiều năm ròng đi tìm cái mà người ta gọi là “chén thánh” có thể giúp bạn trở nên giàu có một cách chóng vánh.
Suy cho cùng thì dù bạn có là ai ở trên, thì điều tối thượng mà bạn quan tâm, bạn tìm kiếm mọi lúc mọi nơi đều được gọi là “điểm vào lệnh“. Bạn hình thành niềm tin rằng, bạn sẽ thắng trong thị trường này nếu bạn nâng cao khả năng dự đoán đường đi của giá. Và bạn cũng tin rằng những trader thành công là những kẻ có khả năng phân tích và dự báo bách phát bách trúng!
Có một điều hài hước là nhiều khi bạn mất luôn niềm tin vào việc dự báo, và bạn thường nói về thị trường này, về những người đang làm việc trong lĩnh vực này rằng: “nếu nó mà phân tích tốt vậy, nó cắm nhà, bảo cả họ nhà nó đánh rồi đâu tới lượt bạn!”. Nhưng sự thực là như vậy đấy! Không có điều gì là chắc chắn trong thị trường này, và bản thân tôi không cho rằng những người đang đi bán, hoặc ban phát tín hiệu là cách đi đúng! Hoặc chí ít từ góc độ một trader, tôi cho rằng bạn đi chờ đợi những tín hiệu của ai đó thì bạn đã lầm đường! Bởi đơn giản là nó chưa đủ để bạn có một đường đi dài hạn và thành công trong thị trường này.
Vậy bạn cần những gì để có thể giao dịch thành công?
Tôi xin được liệt kê ra 3 yếu tố quyết định tới việc thành bại khi giao dịch. Nó không hề lý thuyết suông, mà đây là cách mà những trader chuyên nghiệp đang ứng dụng từng ngày từng giờ và họ đang thành công! Dưới đây tôi cũng xin chỉ ra rằng thứ tự tôi liệt kê theo mức độ quan trọng giảm dần của từng yếu tố.
- Quản lý vốn
- Tâm lý giao dịch
- Điểm vào lệnh
Ngạc nhiên không?! Điều mà bạn đang tìm kiếm bấy lâu nay hóa ra lại chỉ xếp vị trị cuối cùng quyết định chuyện bạn có thể kiếm được lợi nhuận trong thị trường này hay không. Có thể bạn không đồng ý, nhưng tôi sẽ vẫn giải thích tại sao tôi lại xếp thứ tự như trên.
Quản lý vốn
Bạn là một trader, và bạn tham gia thị trường này để làm gì? Kiếm tiền! Vâng bạn tham gia để kiếm tiền chứ không phải để xây dựng hình ảnh một trader ngầu, chất lừ kiểu như mấy cái hình hoạt họa nó vẽ bạn ngồi trước cả đống màn hình giao dịch trông nguy hiểm như mấy ông siêu anh hùng! Và kiếm tiền thì không thể thiếu được bạn phải có kĩ năng quản lý tiền. Vì sao? Vì bạn không thể và luôn luôn không thể biết trước điều gì sẽ xảy đến! Có hàng trăm yếu tố quyết định việc biểu đồ giá sẽ đi về đâu, và thay vì cố kiểm soát nó, bạn hãy có kế hoạch đề phòng rủi ro có thể xảy đến.
Nói tới quản lý vốn, tôi cá là rất rất nhiều trader còn chưa biết cụ thể là bạn sẽ phải làm gì với cái khái niệm “quản lý vốn”, mặc dù có thể bạn cũng ra rả nói mình cần biết quản lý vốn! Ờ vậy thì bạn cần làm gì với quản lý vốn? Bạn hãy thử Google trước đi nhé, vì tôi sẽ có bài nói riêng chỉ về cái cách quản lý vốn này thôi! Và bạn đừng lo lắng, nó đơn giản như chuyện bạn học nhân chia trong vi 100 hồi học cấp 1 mà thôi!
Nhưng trước hết tôi sẽ nêu ra những điểm chính chúng ta cần làm với quản lý vốn:
- Mức rủi ro bạn có thể chập nhận nếu dự đoán của bạn bị sai?
- Điểm dừng lỗ (Stop-loss) thế nào là hợp lý?
- Từ hai ý trên bạn sẽ tìm ra được khối lượng vào lệnh hợp lý.
- Tỉ lệ Risk/Reward thế nào là hợp lý để đảm bảo bạn sẽ thắng một cuộc chơi dài hạn?
Với quản lý vốn, bạn luôn luôn biết chắc rằng mình sẽ mất bao nhiêu % số vốn nếu bạn dự đoán sai. Không cảm tính, không ước lượng, không chần chừ gồng lỗ khi giao dịch của bạn bị sai. Mọi thứ cần phải được lên kế hoạch rõ ràng trước khi vào lệnh. Và việc còn lại là để thị trường quyết định thay bạn!
Trong thị trường này, bạn chỉ có thể thắng nếu biết áp dụng quản lý vốn. Bằng không bạn đang đơn thuần là tham gia một canh bạc mà thôi! Không sớm thì muộn rồi bạn cũng lại rơi vào tình trạng: “kiếm củi ba năm đốt một giờ”. Nhớ nhé, giữa đánh bạc và đầu tư giao dịch nó chỉ cách nhau một sợi chỉ này thôi!
Tâm lý giao dịch
Gốc của cụm từ này trong Tiếng Anh là “Trading Psychology” mà nếu dịch đầy đủ là “Tâm lý học trong giao dịch”. Khi được dịch sang Tiếng Việt nó thường được rút ngắn gọn thành “tâm lý giao dịch” thường làm người ta lầm tưởng nó chỉ đơn thuần là việc bạn cảm thấy thế nào, tâm trạng ra sao khi giao dịch. Điều này làm mất đi giá trị thực của “tâm lý học trong giao dịch” bởi nó bao hàm rất nhiều các yếu tốt mà trader cần đạt được. Về vấn đề này tôi xin được tách ra trong một bài viết khác chi tiết hơn. Tuy nhiên, bạn có thể có một cái nhìn tổng quản về tâm lý giao dịch như trong biểu đồ mindmap dưới đây:
Tâm lý giao dịch quyết định rất lớn tới việc bạn giao dịch. Nói về vấn đề này, có một câu nói rất nổi tiếng: “Bạn không thể kiểm soát được thị trường, thứ duy nhất bạn có thể làm đó là tự kiểm soát chính bản thân mình!”. Và việc kiểm soát bản thân ở đây, chính là làm chủ tâm lý giao dịch.
Điểm vào lệnh
Bạn không ngờ rằng thứ bạn đi tìm kiếm bấy lâu nay, dành toàn bộ tâm sức đi tầm sư học đạo cuối cùng lại chỉ là thứ ít quan trọng nhất.
Nói như vậy không có nghĩa là nó không quan trọng, thật ra nó vẫn là yếu tố then chốt quyết định việc bạn có lợi nhuận nhiều hay ít khi tham gia thị trường này. Tuy nhiên, suy cho cùng thì dù bạn có dùng bất cứ phương pháp nào, có cao siêu đến đâu thì cuối cùng nó vẫn chỉ là “trò chơi của xác suất“. Và đã là xác suất thì bạn hãy nhớ cho tôi nó có hai đặc điểm:
- Xác suất bạn dự đoán chính xác luôn nhỏ hơn 100%.
- Và nếu xác suất dự đoán của bạn cao (>80%) thì nó vẫn chỉ có thể đúng khi xét trên một tập số lớn, tức là bạn phải chơi một cuộc chơi dài hạn. Nếu bạn chỉ chơi vài lệnh thì rủi thay bạn vẫn có thể thua toàn bộ những lệnh đó.
Trong kinh doanh, khi nói về quản trị rủi ro người ta có một câu rất nổi tiếng đại ý là: “Nếu bạn nghĩ rằng rủi ro có thể xảy đến, thì chắc chắn nó sẽ đến”. Vậy nên người ta không bao giờ tìm cách để rủi ro không xảy ra, người ta chỉ lên kế hoạch để giảm thiểu rủi ro mà thôi. Và trong lĩnh vực giao dịch này cũng không có ngoại lệ. Bạn luôn phải có kế hoạch giảm thiểu rủi ro, dù cho bạn đã có trong tay một chiến lược giao dịch có xác suất lên tới gần 100%.
Kết luận
Tôi không có ý cho rằng quan điểm của mình ở đây nhất định mới là đúng đắn và bạn phải nghe theo những gì tôi nói. Nhưng tôi muốn chia sẻ để bạn nhìn thấy một cách tiếp cận có thể bạn chưa từng nghe trước đó, và việc của bạn là tự đánh giá nó. Nếu bạn thấy nó đúng đắn, hãy áp dụng cho bản thân và tiếp tục kiểm chứng. Bằng không bạn hãy bỏ qua coi như chưa đọc bài viết này, bởi có hàng trăm con đường để đi và lựa chọn con đường nào đó là quyền của bạn.
Trong các bài viết sau, tôi sẽ dần lật mở từng phần quan trọng mà tôi đã nêu ra trong bài viết này để bạn có cái nhìn rõ ràng hơn. Nhớ theo dõi FX+ để cập nhật các bài viết mới nhé!
Bạn có thể theo dõi bài viết này từ liên kêt gốc trên FX+ tại đỉa chỉ: https://fxplus.biz/2019/06/15/trader-ban-da-sai-ngay-tu-dau/