Giá cà phê trên thị trường tương lai lên cao nhất 10 năm khi các doanh nghiệp và thương nhân đổ xô tích trữ hàng trong bối cảnh tắc nghẽn vận chuyển và nhu cầu tăng mạnh vào cuối năm. Thương nhân chuyển sang thị trường tương lai vì họ sợ có thể không có đủ dự trữ trên thị trường vật chất.
Trong khi đó, tồn kho cà phê trên Sở giao dịch Intercontinental Exchange, một trong những nơi giao dịch cà phê tương lai quan trọng, lại đang cạn kiệt, khiến giá gần đây liên tục tăng. Việc tồn kho giảm là một tín hiệu cho thấy thị trường sẽ tiếp tục khan hiếm cà phê trong ngắn hạn, Ilya Byzov tại Sucafina cho hay.
Giá arabica tương lai đang được rao bán với giá 2,5 USD/pound, gần gấp đôi đầu năm 2021.
Giá cà phê arabica lên cao nhất 10 năm. Ảnh: FT. |
Còn theo Hội đồng các nhà xuất khẩu cà phê của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, thương nhân đang gặp nhiều khó khăn trong việc đặt thuê container và tàu chở hàng, do đó họ thường xuyên bị hoãn bốc hàng. Cơ quan này cho biết khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 10 giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cước vận tải bằng container vẫn ở mức cao cùng tâm lý lo ngại về tình trạng tắc nghẽn hàng hóa đã thúc đẩy làn sóng mua đề phòng, ông Carlos Mera, chuyên gia phân tích tại Rabobank, nói. “Trong bối cảnh ngày càng nhiều lô hàng cà phê bị kẹt trong quá trình vận chuyển, bạn cần phải có thêm nhiều nguồn hàng trong tay thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu”.
Giá tăng mạnh cũng dẫn đến tình trạng nông dân găm hàng, khiến dòng chảy xuất khẩu bị hạn chế và gây thêm áp lực lên giá. Theo các quan chức thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, một số công ty bị vỡ hợp đồng vì không vận chuyển được hàng ra thị trường vật chất theo như hợp đồng đã thỏa thuận trước.
“Ba quốc gia sản xuất arabica lớn nhất, gồm Brazil, Colombia và Ethiopia, đều ghi nhận tỷ lệ vỡ nợ tăng lên”, Bộ Nông nghiệp Mỹ thông tin trong báo cáo mới nhất về cà phê.
Chưa kể, những lo ngại xoay quanh một đợt hạn hán khác ở Brazil cũng gây áp lực lên giá cà phê. Nông dân trồng cà phê ở quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các đợt băng giá nghiêm trọng hồi tháng 7. Mặc dù kiểu thời tiết này không tác động đến vụ thu hoạch năm nay, song thiệt hại về cây cối làm dấy lên lo ngại về sức khỏe của cây cũng như chất lượng của hạt cà phê trong vụ mùa tới.
Sự xuất hiện của La Nina, hiện tượng thời tiết thường gây khô hạn ở khu vực phía nam của Nam Mỹ, trong năm thứ hai liên tiếp khiến thị trường càng thêm lo ngại.
Một mối lo ngại khác là sự xuất hiện của biến chủng coronavirus Omicron có thể khiến hàng đi từ Việt Nam gặp khó, nên giá robusta cũng bị đẩy lên. Jack Scoville tại công ty môi giới hàng hóa Price Futures cảnh báo: “Covid-19 đã quay trở lại Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới. Đây có thể là một yếu tố khác khiến hàng hóa bị gián đoạn”.