Giá dầu phiên cuối tuần tiếp tục đà giảm. Kết thúc phiên 16/11, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,35 USD tương đương 2,9% xuống 78,89 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30/9; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,91 USD tương đương 3,6% xuống 76,01 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 1/10; dầu WTI kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,65 USD tương đương 3,4% xuống 75,78 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu WTI giảm 5,8%, trong khi giá dầu Brent giảm 4%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cả hai loại dầu này giảm xuống, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.
Cả hai loại dầu đều có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá dầu Brent tăng gần 60%, do các nền kinh tế hồi phục trở lại từ đại dịch và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ chỉ tăng dần sản lượng.
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần do phản ứng tiêu cực với lệnh phong tỏa mới ở Áo, và số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu. Tình hình này có thể làm giảm nhu cầu dầu nếu nhiều nước hơn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Áo ngày 19/11 thông báo nước này bước vào thời kỳ phong tỏa toàn quốc kéo dài 10 ngày vào tuần tới. Đầu tuần này, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, song số ca mắc COVID-19 mới vẫn liên tục tăng thậm chí vượt mức đỉnh cách đây một năm, khi nước này thực thi biện pháp phong tỏa. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết có khả năng Đức phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một buổi họp báo ngày 19/11. Chính phủ nước này cũng đã ban hành các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy) cho biết thị trường hiện dường như ít lo ngại hơn về vấn đề khan hiếm nguồn cung, vì đa phần đều nhận định tình trạng này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo khả năng sớm xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu phủ bóng liên triển vọng phục hồi của nhu cầu. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei mới đây đã đánh giá có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu sẽ thặng dư trong quý I/2022. Còn Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.
OPEC mới đây đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS (Nga), tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.