menu
Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 2: SỰ CÁM DỖ (VÀ SỰ NGUY HIỂM) CỦA TRADING

Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 2: SỰ CÁM DỖ (VÀ SỰ NGUY HIỂM) CỦA TRADING

News Trading

News Trading
Like
1776 View

Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 2: SỰ CÁM DỖ (VÀ SỰ NGUY HIỂM) CỦA TRADING

Tháng 1/1994, tôi được mời đến dự một buổi họp về trading tại Chicago được tài trợ bởi tạp chí Futures. Trưa hôm ấy, tôi được sắp xếp ngồi cùng một tác giả đã từng xuất bản nhiều đầu sách về trading. Chúng tôi đã trò chuyện rất sôi nổi về vấn đề tại sao có quá nhiều người không thể thành công với việc trading, kể cả những người thật sự giỏi. Lúc đó, tác giả mới hỏi tôi liệu có phải người ta bắt đầu trading với một lý do sai lầm?

SỰ CÁM DỖ 

Tôi đã phải dừng lại hồi lâu để suy nghĩ về điều này, đồng ý là có rất nhiều người có một động lực rất lớn khi đến với trading – mạo hiểm, hưng phấn, ham muốn trở thành người hùng, quá chú tâm vào những điều này sẽ giúp anh ta chiến thắng, hoặc khiến anh ta chìm đắm trong những mất mát – tất cả những điều này tạo nên những chướng ngại ngăn chặn trader đạt đến thành công. Nhưng sự thật đằng sau vẻ hào nhoáng cám dỗ đó thì bản chất của trading chân thật và đơn giản hơn nhiều. Trading cho ta cơ hội được tự do không giới hạn. Nhưng hầu hết chúng ta đều chối bỏ sự tự do ấy. Đương nhiên là tác giả đó không hiểu lắm ý kiến của tôi. Tôi mới giải thích thế này. Trong môi trường trading, hầu hết các quy tắc là do chúng ta tạo ra. Có nghĩa là có rất ít rào cản vì thế chúng ta có thể tự do thể hiện bản thân. Đương nhiên là cũng có một số thủ tục cơ bản để có thể tham gia vào sàn chứng khoán, hoặc đáp ứng một số yêu cầu tối thiểu để mở một tài khoản trading nếu bạn không giao dịch tại sàn. Nhưng nói gì đi nữa, khi bạn đã bắt đầu trading thì những thủ tục này cũng ít đi dần và không còn tồn tại nữa. Tôi tiếp tục kể cho anh ấy nghe về một buổi hội nghị mà tôi đã tham gia vài năm trước đó. Người ta tính toán rằng, nếu bạn kết hợp các loại trái phiếu ( kỳ hạn, tiền mặt, tương lai,…) ta sẽ có hơn 8 tỉ kết hợp khác nhau, tùy chọn vào các khung giờ khác nhau và những cách chơi khác nhau chúng ta sẽ có được một môi trường trading hầu như không giới hạn. Anh bạn kia mới hỏi tôi “ Vậy tại sao truy cập vào một môi trường không giới hạn như thế lại tạo ra những thất bại hiển nhiên?”. Tôi đáp rằng “Vì sự vô hạn của những khả năng có thể xảy ra kết hợp với sự tự do để người ta tìm kiếm lợi nhuận từ những khả năng đó tạo nên những thách thức tâm lý mang tính cá biệt, độc nhất, những thách thức mà không phải ai cũng được trang bị đầy đủ để đối mặt, hoặc chí ít là nhận thức được vấn đề đó, và chắc chắn rằng người ta không thể tập trung hết sức lực để vượt qua một điều gì đó khi họ thậm chí không nhận thức được họ đang gặp vấn đề gì. Tự do là một điều rất tuyệt. Bản chất con người ai cũng muốn được tự do, phấn đấu cho nó, thậm chí là khao khát nó. Nhưng điều đó không có nghĩa là tâm lý chúng ta đã được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng để sống sót trong một môi trường mà ở đó không có hoặc có rất ít rào cản nhưng lại có vô số những cái bẫy nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa đến cuộc sống của chúng ta. Hầu như ai cũng phải điều chỉnh một chút về tâm lý của mình, bất kể họ đến từ đâu, được hưởng nền giáo dục như thế nào, họ thông minh ra sao và đã thành công trong lĩnh vực khác đi chăng nữa, thì điều đó là bắt buộc. Sự điều chỉnh mà tôi đang nói tới đó là việc phải tạo ra một hệ thống tâm lý bên trong để cung cấp cho các trader một sự cân bằng hoàn hảo giữa sự tự do để làm bất cứ việc gì và khả năng tồn tại để để trải nghiệm những thiệt hại về tài chính và tâm lý, có thể kết quả trực tiếp từ sự tự do đó. Tạo ra được hệ thống tâm lý này không hề dễ, và càng khó hơn nữa khi những gì bạn muốn truyền đạt ra bên ngoài trái ngược lại với niềm tin của bạn. Nhưng đối với những người muốn trở thành trader như chúng ta, khó khăn nhất là hệ thống tâm lý này lúc nào cũng bị lẫn lộn với những tâm lý đối kháng mà chúng ta đã có từ lúc mới sinh ra. Tất cả chúng ta đều sinh ra trong một loại hình xã hội nào đó, cho dù là một gia đình, một thành phố, một tiểu bang hay một quốc gia, tất cả đều được cấu thành từ một hệ thống. Cấu trúc xã hội bao gồm các quy tắc, hạn chế, ranh giới, và một tập hợp các niềm tin đó trở thành một giới hạn về hành vi làm hạn chế những cách thức mà các cá nhân trong cơ cấu xã hội có thể hoặc không thể hiện khả năng của mình. Hơn nữa, hầu hết những hạn chế của cơ cấu xã hội đã được hình thành trước khi chúng ta được sinh ra. Nói cách khác, vào thời điểm bất kỳ khi chúng ta tồn tại ở đây, thì hầu hết các cấu trúc xã hội chi phối biểu hiện cá nhân của chúng ta, nó đã được đặt ra và vẫn còn đó. Thật dễ để nhận ra hệ thống mà xã hội cần và hệ thống mà từng cá nhân cần có nhiều mâu thuẫn. Những ai muốn thuần thục nghệ thuật trading đều phải đối mặt với những mâu thuẫn cơ bản này. Tôi muốn các bạn hãy tự hỏi bản thân mình tính cách vốn có nào mà hầu hết những đứa trẻ đều có khi mới sinh ra, bất kể vùng miền, văn hóa, địa vị xã hội. Câu trả lời chính là sự tò mò. Bất kì đứa trẻ nào cũng có tính tò mò.Trẻ con luôn khát khao tìm tòi, khám phá. Chúng có thể được diễn tả như những cái máy học tập bé xíu. Hãy xem xét bản chất của sự tò mò. Ở cấp độ cơ bản nhất, tò mò là một loại năng lượng. Cụ thể hơn, đó là một sức mạnh bên trong, có nghĩa là trẻ con không cần một sự thúc ép nào để học hỏi. Hãy để trẻ ở một mình, chúng sẽ tự khám phá môi trường xung quanh. Hơn thế nữa, nội lực này dường như cũng có lập trình riêng của nó; nói cách khác, mặc dù tất cả các trẻ em đều tò mò, nhưng không phải tất cả các bé đều tò mò về những điều tương tự. Có một cái gì đó bên trong mỗi chúng ta luôn chỉ đạo nhận thức của chúng ta. Ngay cả trẻ sơ sinh dường như cũng biết những gì chúng muốn và không muốn. Khi người lớn gặp phải tình huống lạ này của một đứa trẻ, họ thường rất ngạc nhiên. Người lớn cho rằng trẻ có điều gì ở bên trong mà lại làm được những điều lạ như vậy. Vậy làm sao trẻ có thể có những phản ứng ra bên ngoài để báo hiệu cho chúng ta rằng chúng thích hay không thích điều gì đó? Tôi gọi sức mạnh kì diệu này là lực hấp dẫn tự nhiên. Hấp dẫn tự nhiên chỉ đơn giản là những điều mà chúng ta cảm thấy hứng thú một cách tự nhiên hoặc đam mê. Con người chúng ta là một thế giới rộng lớn và đa dạng, và nó cung cấp cho mỗi người trong chúng ta rất nhiều điều để học hỏi và trải nghiệm. Nhưng điều đó không có nghĩa là mỗi người chúng ta có một sự quan tâm tự nhiên hoặc đam mê trong việc học hoặc trải nghiệm tất cả mọi thứ. Có một số cơ chế bên trong con người chúng ta giúp chúng ta “chọn lọc một cách tự nhiên”.  Nếu bạn nghĩ về đam mê, tôi chắc chắn rằng bạn có thể liệt kê nhiều việc phải làm hoặc phải làm nhưng bạn hoàn toàn không hứng thú. Tôi biết tôi có thể. Bạn cũng có thể thực hiện một danh sách những thứ bạn chỉ quan tâm chút xíu. Và bạn cũng có thể liệt kê tất cả mọi thứ bạn thực sự quan tâm nhất. Tất nhiên, danh sách sẽ nhỏ dần theo sự mức độ ham muốn. Đam mê đến từ đâu? quan điểm cá nhân của tôi là nó xuất phát từ mức độ sâu xa nhất từ bản tính của chúng ta-ở mức độ con người thực sự của chúng ta. Nó xuất phát từ một phần của chúng ta, nằm ngoài các đặc điểm và tính cách mà chúng ta có được từ kết quả của giáo dục xã hội.

SỰ NGUY HIỂM 

Những đam mê thầm kín này chính là yếu tố tiềm ẩn gây ra những xung đột. Xã hội mà chúng ta được sinh ra sẽ không đủ nhạy cảm để thấu hiểu những đam mê này. Ví dụ, bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống là những vận động viên cừ khôi, nhưng bạn lại cảm thấy mình có một niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật hoặc âm nhạc. Bạn có khả năng thiên bẩm của vận động viên, nhưng lại không thật sự thích thú khi tham gia vào các sự kiện thể thao. Bạn đã thấy dấu hiệu của một sự xung đột tiềm ẩn chưa? Như ta thường thấy trong trường hợp này, mọi thành viên sẽ tạo nên áp lực vô hình cho bạn, bạn phải đi theo con đường của ba, mẹ, anh, chị trước đó. Họ sẽ dạy bạn những gì họ nghĩ là tốt nhất theo cách riêng của mình để bạn có được khả năng thể thao giỏi nhất, họ ngăn cản bạn làm tất cả những sở thích khác. Bạn làm theo những gì họ muốn, bởi vì bạn không muốn bị tách biệt, không muốn họ thất vọng, nhưng cũng cùng lúc đó, bạn thấy cuộc sống mình có gì đó không đúng, thấy như bạn không được là chính mình. Những cuộc xung đột đó là kết quả của những gì chúng ta được dạy về những người mà chúng ta muốn trở thành nó ngược với con người thực sự mà chúng ta muốn trở thành. Tôi muốn nói rằng phần lớn mọi người lớn lên trong một gia đình và môi trường văn hóa thường hay bị phản đối hay phán xét đến những cách mà chúng ta muốn thể hiện bản thân. Sự thiếu sự hỗ trợ không đơn giản chỉ là sự thiếu khích lệ. Mà thậm chí còn là sự từ chối thẳng thừng từ gia đình về những cách độc đáo mà chúng ta muốn thể hiện. Ví dụ, chúng ta hãy xem một tình huống rất phổ biến: Một em bé, lần đầu tiên trong đời, chú ý vào “đồ vật”, mà chúng ta gọi là một chiếc bình, ở trên bàn cà phê. Khi bé tò mò, có nghĩa là có một nội lực bên trong thuyết phục bé trải nghiệm đồ vật này. Có nghĩa là, có một năng lượng tạo ra một khoảng trống trong tâm trí của bé và đã được lấp đầy với các đối tượng mà bé quan tâm. Vì vậy, bé tập trung vào chiếc bình với mục đích cố ý trườn qua căn phòng rộng lớn để tới cái bàn cà phê. Khi tới cái bàn, bé bám vào mép bàn để đứng lên. Với một tay chắc bám lên bàn để duy trì sự cân bằng, còn tay kia vươn ra chạm vào bình mà bé chưa bao giờ được chạm vào. Đúng lúc đó, bé nghe thấy một tiếng hét lớn, “KHÔNG! ĐỪNG CÓ ĐỘNG VÀO CÁI ĐÓ!” Giật mình, đứa trẻ lập tức ngồi bệt xuống và khóc ré lên, rõ ràng đó là một trường hợp bình thường rất hay xảy ra trong các gia đình. Trẻ con không nhận thức được chúng sẽ bị tổn thương như thế nào cũng không thể biết được giá trị một số thứ ( giống như chiếc bình) là bao nhiêu. Trong thực tế, việc biết được như thế nào là an toàn và học được giá trị vật chất của một số thứ là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, một động lực tâm lý cực kì quan trọng trong trường hợp này có tác động trực tiếp đến khả năng tạo ra những luật lệ và những thứ cần thiết cho việc trading hiệu quả sau này. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta từ bỏ cơ hội để thể hiện bản thân theo cách riêng của mình? Hoặc sẽ như thế nào nếu chúng ta bắt buộc phải thể hiện theo chiều hướng ngược lại với sự chọn lọc tự nhiên đã có sẵn từ khi ta sinh ra. Trải nghiệm tạo ra sự bất ngờ. Mà “bất ngờ” ngụ ý một sự mất cân bằng. Nhưng chính xác cái gì mất cân bằng? Cái gì đó mà bị mất cân bằng, có nghĩa là trước đó nó đã cân bằng . Có một mối quan hệ tương đối giữa những tiếng nói bên trong với tư tưởng và môi trường bên ngoài, nói cách khác, những tham muốn và khát vọng của chúng ta được hình thành bên trong tư tưởng và nó được hoàn thiện bằng sự tác động của các yếu tố bên ngoài. Nếu hai môi trường này tương ứng với nhau, chúng ta sẽ cảm thấy niềm vui, thỏa mãn và vui vẻ. Nhưng khi chúng không tương thích được với nhau thì cùng lúc đó ta sẽ trải qua cảm giác bất mãn, giận dữ và thất vọng, thường được gọi là nỗi đau tinh thần. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét tại sao việc không nhận được những gì chúng ta muốn hay bị từ chối quyền được thể hiện theo cách riêng của mình lại làm cho chúng ta phải trải qua nỗi đau tinh thần. Theo định nghĩa của tôi, thì những nhu cầu và khát vọng của chúng ta tạo ra những khoảng trống tinh thần. Vũ trụ mà chúng ta đang sống không chấp nhận được những khoảng trống, một khi khoảng trống nào đó được sinh ra, vũ trụ lập tức có chiều hướng lấp đầy những khoảng trống ấy. ( theo quan sát của các nhà triết học Spinoza hàng thế kỉ trước thì “Tự nhiên căm ghét những khoảng trống”) Như khi bạn hút không khí ra khỏi một cái chai, miệng và lưỡi của bạn sẽ dính vào miệng chai, để lấp đầy khoảng trống tạo nên sự mất cân bằng vừa xảy ra. Bạn nghĩ ngụ ý đằng sau câu nói “Nhu cầu tạo nên tất cả các phát minh”? Điều đó chứng minh cho việc một ham muốn sẽ tạo nên khoảng trống tinh thần và rồi vũ trụ sẽ lấp đầy khoảng trống ấy bằng những suy nghĩ truyền cảm hứng ( nếu ý thức của bạn tiếp thu). Những suy nghĩ này sẽ lần lượt tạo nên những thay đổi trong hành động, thể hiện bên ngoài vốn là kết quả của việc lấp đầy nhu cầu ban đầu. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ bộ não của chúng ta cũng giống như vũ trụ thu nhỏ. Khi chúng ta xác định được nhu cầu hay một khao khát gì đó, chúng ta sẽ hành động để lấp đầy khoảng trống đó bằng cách tương tác với môi trường bên ngoài. Khi chúng ta chối bỏ cơ hội để theo đuổi các đối tượng để thỏa mãn những nhu cầu hoặc khao khát này, ta sẽ cảm thấy mất mát chút gì đó hoặc thậm chí nhiều hơn. Từ đó ta rơi vào vùng cảm giác mất thăng bằng và rồi nỗi đau tinh thần sẽ tự nhiên đến. ( Như vậy liệu rằng tâm trí của chúng ta cũng ghét những khoảng trống?) Đột ngột lấy đi món đồ chơi khi một đứa bé đang thích thú với chúng ( bất kể lý do bạn lấy đi là đúng hay sai), đó có thể coi là một dạng của nỗi đau tinh thần. Khi chúng ta 18 tuổi, đồng nghĩa với việc ta đã sống trên thế giới này 6570 ngày. Vậy trung bình mỗi ngày một đứa bé đã phải nghe bao nhiêu lần những mệnh lệnh đại loại như: “Không, con không được làm thế!”  “Con không thể làm vậy được. Phải làm thế này mới đúng” “Không phải bây giờ, để lúc khác đi” “Rồi mẹ sẽ nói con biết” “Con không làm xong nó được đâu” “Sao con lại nghĩ là con có thể làm được điều đó” “Con phải làm điều này. Không còn lựa chọn nào nữa đâu!” Trên đây chỉ là những câu nói tương đối tốt đẹp để ngăn chặn chúng ta thể hiện bản chất của mình trong quá trình lớn lên. Cho dù chúng ta chỉ nghe những lời nói như thế này một hoặc hai lần mỗi ngày, nhưng nó cũng đủ để tạo ra vài ngàn lần từ chối cho đến tuổi trưởng thành. Tôi gọi vùng trải nghiệm này là “từ chối động lực” để trải nghiệm, những động lực được hình thành từ nhu cầu bản năng nhất, có nguồn gốc từ tiếng nói bên trong sâu hơn cả những phẩm chất, tính cách của con người, từ những chọn lọc tự nhiên sơ khai nhất. Chuyện gì xảy ra với những động lực bị từ chối và không được lấp đầy? chúng biến mất bằng cách nào? Chúng sẽ biến mất khi có một sự xoa dịu theo cách nào đó: như khi ta hoặc ai đó làm một số hành động để đẩy tinh thần chúng ta trở về trạng thái cân bằng. Cách tự nhiên nhất, đặc biệt dành cho trẻ con, đơn giản chính là khóc. Khóc là một cơ chế tự nhiên để xoa dịu những lần bị từ chối, những động lực không được lấp đầy.Các nhà khoa học đã tìm thấy trong nước mắt có các ion âm. Khi chúng ta thấy mất cân bằng, khóc sẽ giải phóng những năng lượng âm trong tâm trí chúng ta và đưa ta về trạng thái cân bằng, cho dù nguồn động lực ban đầu vẫn chưa được lấp đầy. Vấn đề ở chỗ, rất hiếm khi chúng ta có thể sử dụng cách tự nhiên ấy và đương nhiên những động lực vẫn mãi không được lấp đầy (khi chúng ta không còn là những đứa trẻ). Thường thì chúng ta không thích con cái mình khóc (đặc biệt là bé trai) vì rất nhiều lý do và chúng ta làm mọi cách để ngăn con mình làm điều đó. Và cũng bằng ấy lý do khiến chúng ta cảm thấy phiền phức và không muốn giải thích những việc mà con cái bắt buộc phải làm theo. Vậy điều gì sẽ đến? Chúng tích lũy dần dần và cấu thành một loại biểu hiện như bệnh tâm lý (thường thể hiện dưới dạng như những cơn nghiện). Dựa theo kinh nghiệm, ta sẽ thấy được: Bất cứ cái gì bị tước đi thời thơ bé sẽ trở thành một cơn nghiện ở tuổi trưởng thành. Ví dụ, có rất nhiều người nghiện gây ra sự chú ý, tôi đang ám chỉ đến những người có thể làm bất cứ điều gì để được mọi người chú ý đến. Lý do đơn giản nhất để giải thích chính là trong thời niên thiếu họ không nhận được nhiều sự chú ý hoặc ít nhất là họ không có được nó khi họ cần nhất. Trong mọi trường hợp, sự mất mát do bị cướp đi ấy làm mất cân bằng cảm xúc và nó khiến họ cư xử theo cách giúp họ thỏa mãn được cơn nghiện. Mỗi người chúng ta đều có một động lực như thế, vì thế việc tìm hiểu về chúng cũng như là những ảnh hưởng của chúng đến sự tập trung và kỷ luật của chúng ta vào trading là cực kì quan trọng.

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN 

Để hoạt động hiệu quả trong môi trường trading, cần có những luật lệ và ranh giới để định hướng cho những hành vi của chúng ta. Có một thực tế rất đơn giản rằng,  trading có rất nhiều hiểm họa rình rập ta, thậm chí có những mất mát nằm ngoài khả năng tưởng tượng. Có rất nhiều loại trade mà mất mát là không giới hạn. Để ngăn chặn mình khỏi phải phơi mình giữa chiến trường, chúng ta cần xây dựng một cơ chế tâm lý bên trong thật vững chắc, để tâm lý này dẫn đường cho ta đến những hành động hướng đến điều tốt đẹp nhất cho bản thân. Hệ thống tâm lý này phải được hình thành từ bên trong, bởi vì không giống như xã hội, thị trường không cung cấp cho ta những điều này. Thị trường cho ta hệ thống những dấu hiệu để chỉ ra cơ hội sắp đến, và chỉ có thế mà thôi, tùy thuộc vào từng quan điểm của mỗi cá nhân, chúng ta không có bất kì một quy định chính thức nào để áp dụng phổ thông được. Nó không có khởi đầu, phần giữa và kết thúc như hầu hết các hoạt động chúng ta từng tham gia. Sự khác biệt này là cực kì quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến những tác động tâm lý. Thị trường là một dòng chảy luôn luôn chuyển động, nó không bắt đầu, không dừng lại và không chờ đợi bất kì ai. Ngay cả khi thị trường đóng cửa thì giá vẫn đang chuyển động. Không hề có quy luật rằng giá mở cửa ngày hôm nay phải là giá đóng cửa hôm qua, không có bất kì quy tắc nào của xã hội có thể trang bị cho chúng ta một cách đầy đủ khi đứng trước môi trường “không rào cản” như thị trường trading. Ngay cả cờ bạc cũng có một cấu trúc hoàn toàn khác với trading, như khi bạn chơi trò blackjack, đầu tiên bạn phải xác định mức độ rủi ro mà bạn chấp nhận được ( tức là số tiền mà bạn chịu mất đi) nếu không xác định được con số này bạn không được tham gia trò chơi. Trong trading, không có bất cứ ai ( trừ bạn) được phép quyết định mức độ rủi ro mà bạn phải gánh chịu. Thực tế, chúng ta đang ở trong một môi trường không giới hạn, nơi mà mọi chuyện đều có thể xảy ra trong bất kì khoảng thời gian nào, vì thế chỉ những người kiên định bậc nhất mới có thể quyết định chính xác được mức độ rủi ro trước khi tham gia vào trade. Với những người còn lại, việc xác định trước rủi ro sẽ ép bạn nhìn vào thực tế rằng đó là những gì chúng ta sẽ mất đi, rằng trade này có khả năng thua. Hầu như những trader không kiên định đều không thể chấp nhận được rằng, dù trade đó đẹp đến thế nào thì cũng có nguy cơ thất bại. Nếu không có sự hiện diện của những cấu trúc bên ngoài nhằm tạo áp lực cho trader phải suy xét cẩn thận hơn khi ra quyết định, thì anh ta sẽ dễ bị những luận cứ, duy lí và những logic méo mó ảnh hưởng khiến anh ấy đặt lệnh trade và tin rằng nó không bao giờ thua, và tin như thế nên việc xác định rủi ro phải gánh chịu trở thành không cần thiết. Các trò chơi cờ bạc đều có các giai đoạn cụ thể, chúng ta có thể xác định được thu nhập chính xác dựa trên một chuỗi các sự kiện. Khi bạn quyết định chơi, thì bạn không thể thay đổi được nữa, bạn bắt buộc phải tiếp tục cho đến cuối cùng. Nhưng trading thì không giống như thế, giá trong phiên giao dịch liên tục chuyển động, sẽ không có gì xảy ra cho đến khi bạn quyết định bắt đầu, và cứ tiếp tục kéo dài và chỉ kết thúc khi bạn muốn nó dừng lại. Bất kể những kế hoạch và những điều bạn muốn từ ban đầu, những yếu tố tâm lý sẽ dần xuất hiện và tham gia vào cuộc chơi, chúng khiến bạn trở nên rối trí, thay đổi tâm trạng của bạn, khiến bạn trở nên tự phụ hoặc quá sợ hãi. Tóm lại là làm bạn trở nên thất thường và có những hành động không lường trước được. Bởi vì đánh bạc có một kết thúc rõ ràng, chính thức, nó giúp bạn xác định mình là kẻ thua cuộc. Nếu bạn đã thua liên tục, bạn sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc có nên chơi tiếp hay không. Kết thúc của lượt chơi này là khởi đầu của  lượt chơi tiếp theo, và bạn được chủ động quyết định tài sản sẽ thêm rủi ro hay không bằng cách móc ví ra hoặc đẩy lên giữa bàn cờ bạc những thẻ chip. Trading thì không có một kết thúc rõ ràng nào hết. Thị trường sẽ không bao giờ đẩy bạn ra khỏi trade. Nếu bạn không kết thúc đúng thời điểm có lợi cho mình, bạn có khả năng sẽ trở thành một người thua cuộc một cách bị động. Điều đó có nghĩa là, khi bạn đã ở một trade bất lợi, bạn sẽ tiếp tục thua cho dù có cố gắng hi vọng hay cầu nguyện, cho dù bạn có căng mắt ra để phân tích những điều kiện có thể đảo ngược tình hình đi chăng nữa thì những gì bạn có thể làm đến cuối cùng là lờ đi sự thật rằng lúc này thị trường đã lấy đi tất cả những gì bạn có và nhiều hơn thế nữa. Một trong những mâu thuẫn của trading nằm ở chỗ nó trao cho bạn một món quà và một lời nguyền cùng lúc. Món quà nó mang lại chính là cảm giác ( có thể lần đầu tiên trong đời của bạn) được điều khiển mọi thứ theo ý mình. Và lời nguyền đi kèm với nó chính là bạn không hề có bất cứ quy tắc hay ranh giới nào để cảnh báo những hành động có thể gây ra tai họa. Đặc điểm vô hạn của môi trường trading đòi hỏi chúng ta hành động với những mức tự kiềm chế và kiểm soát đa dạng, trong trường hợp bạn muốn tạo ra những luật lệ để tạo nên chiến thắng liên tục. Mà những luật lệ này lại phải tạo ra từ bên trong chúng ta, như một hành động co y thư c cu a sư tư do. Va đa y cu ng la nguo n gó c cu a ha ng loa t ván đe .

VẤN ĐỀ: SỰ SẴN LÒNG ĐỂ TẠO RA NHỮNG QUY TẮC 

Tôi chưa từng gặp ai làm nghề trader lại có hứng thú với việc tạo ra tập hợp các quy tắc trong trading. Tuy rằng ai cũng chống lại những quy tắc, nhưng điều này luôn diễn ra âm thầm, không bao giờ công khai. Một mặt chúng ta chấp nhận các quy tắc là có lý, một mặt ta lại chẳng bao giờ làm theo chúng. Sự đối chọi này có thể rất mạnh mẽ, và có thể giải thích được. Hầu hết những định kiến trong tâm trí ta là kết quả của quá trình lớn lên, nhận được sự nuôi dạy của xã hội. Và một phần cũng dựa vào quyết định của những người xung quanh ta. Nói cụ thể hơn, nó ăn sâu vào tâm trí chúng ta, nhưng lại không bắt nguồn từ tâm trí. Điểm phân biệt này rất quan trọng. Trong quá trình tiếp thu các tư tưởng bên ngoài, những động lực tự nhiên của ta dùng để hành động, thể hiện, tìm hiểu bản chất sự tồn tại của bản thân bằng việc tự trải nghiệm luôn luôn bị từ chối.Có rất nhiều động lực trong số này không bao giờ được dung hòa mà vẫn cứ tồn tại bên trong chúng ta dưới dạng thất vọng, chán nản, tức tối, cảm giác tội lỗi và thậm chí là hận thù. Sự tích tụ của những cảm xúc tiêu cực này đóng vai trò như một sức mạnh bên trong chúng ta khiến ta chống lại bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì ngăn cản sự tự do của bản thân để làm bất cứ cái gì và chúng ta muốn và khi chúng ta muốn. Vậy thì lý do thật khiến ta bị thu hút bởi trading ngay cái nhìn đầu tiên chính là chúng ta có được quyền tự do sáng tạo để thỏa mãn những động lực chưa được lấp đầy, và cũng cùng lúc đó, những tư tưởng đã ăn sâu vào tâm trí ta cũng thúc giục phải tìm ra những quy tắc, ranh giới để ngăn chặn những rủi ro tiềm ẩn. Bạn có thể tưởng tượng nó như việc bạn vừa tìm thấy một vương quốc tự do hoàn toàn, thì có một người vỗ nhẹ vai bạn và thì thầm vào tai “ Này, ngươi phải tạo ra các quy tắc và hơn thế nữa còn phải kỷ luật để tuyệt đối chấp hành những quy tắc ấy” Những quy tắc có thể tạo cho chúng ta cảm giác an toàn tuyệt đối, nhưng thực sự rất khó để tìm ra một động lực để tạo ra chúng khi mà ta đã đấu tranh mỗi ngày chỉ để phá bỏ nhưng luật lệ trong suốt cuộc đời mình. Thường thì chúng ta phải trải qua rất nhiều mất mát và đau khổ để từ bỏ được những chướng ngại giúp tư tưởng ta chấp hành theo những quy tắc, nhất quán và từ đó quản lí tiền tốt hơn theo những chỉ dẫn. Trong cuốn sách này, tôi không ngụ ý rằng bạn phải dung hòa tất cả những nỗi thất vọng hay khó khăn trong quá khứ để trở thành một trader chuyên nghiệp, vì điều đó không thật sự cần thiết. Và bạn cũng không cần phải gánh chịu bất cứ điều gì hết. Tôi đã làm việc với rất nhiều trader, và những người này đều đạt được mục tiêu thành công mà không cần phải dung hòa những động lực vốn bị từ chối đã tồn đọng trước đây. Nhưng tôi muốn bạn tin rằng không phải bạn cứ dồn hết cố gắng và tập trung vào việc xây dựng các cấu trúc tinh thần để lấp đầy những động lực tiêu cực thì bạn sẽ trở thành một trader chuyên nghiệp.

VẤN ĐỀ ĐẶT RA: TRỐN TRÁNH TRÁCH NHIỆM 

Trading có thể được diễn tả như một lựa chọn cá nhân một cách nguyên sơ và không bị ràng buộc với bất kì kết quả tức thời nào. Nó cứ kéo dài mãi mãi cho đến lúc bạn quyết định dừng lại. Tất cả những giai đoạn như mở đầu và kết thúc đều dựa trên hiểu biết, phân tích và cách hành động của ta dựa trên những thông tin có sẵn. Ngay bây giờ, ai cũng muốn được tự do lựa chọn nhưng không có nghĩa là ai cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm với kết quả. Những trader chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm với kết quả nhận được từ những phân tích và hành động của mình trước đó sẽ rất dễ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Làm gì có chuyện bạn tham gia vào một hoạt động nào đó, bạn được tự do lựa chọn và sau đó không cần phải chịu bất cứ trách nhiệm nào khi lựa chọn đó không như bạn mong đợi. Thực tế khó chấp nhận của trading chính là, nếu bạn muốn tạo ra sự nhất quán, bạn phải tự chấp nhận từ ban đầu rằng cho dù kết quả có như thế nào thì bạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với nó. Có không ít người mơ ước có được tâm lý này trước khi trở thành trader. Cách để trốn tránh trách nhiệm là chấp nhận một phong cách trading tùy hứng với mọi thứ không quan tâm tới ý nghĩa và mục đích nào hết. Tôi xác định những trade tùy hứng là những trade mà bạn không hề có kế hoạch gì trước cho nó. Đó là cách tiếp cận vô tổ chức chỉ quan tâm đến những giá trị luôn thay đổi không giới hạn của thị trường và bỏ qua những thông tin khác. Tùy hứng là sự tự do không cấu trúc không ràng buộc và không phải chịu trách nhiệm. Khi trade tùy hứng không theo kế hoạch và dựa vào những giá trị luôn thay đổi, ta sẽ dễ dàng tin tưởng vào những trade nhìn có vẻ “đẹp” ( dựa vào một số phương pháp nào đó) và cùng lúc đó ta cũng không cần chịu trách nhiệm gì với những trade thua ( bởi vì luôn có những thứ có thể thay đổi trong trade, nên chúng ta cũng chẳng lưu tâm đến chúng quá sớm, và kết quả trade này thua). Nếu những phản ứng của thị trường là ngẫu nhiên thì rất khó để chúng ta tạo nên những quy luật mang tính nhất quán. Và nếu tính nhất quán không thể tồn tại thì chúng ra cũng chẳng cần phải chịu trách nhiệm gì. Vấn đề nằm ở chỗ thị trường mà chúng ta đã từng trải qua lại không giống vậy. Những mô hình thị trường cứ lặp đi lặp lại. Mặc dù kết quả của từng mô hình là ngẫu nhiên nhưng ngược lại kết quả của một chuỗi các mô hình lại có tính nhất quán ( đã được chứng minh bằng phương pháp thống kê). Đó là một nghịch lý, nhưng nó rất dễ giải quyết bằng một số kỷ luật và cách tiếp cận phù hợp.

Tôi đã thấy vô số trader tập trung phân tích số liệu thị trường hàng giờ liền và lên sẵn kế hoạch cho những trade sắp tới. Nhưng sau đó, thay vì đặt lệnh theo kế hoạch thì họ lại đặt theo kiểu khác, thường là theo lời khuyên của bạn cùng chơi hay các broker. Có lẽ tôi cũng không cần nói thì bạn cũng biết rằng những trade đã được lên kế hoạch mà lại bị bỏ lỡ như trên thường là những trade thắng lớn nhất trong ngày. Đó là ví dụ điển hình cho việc trading tùy hứng, bất quy tắc vì muốn trốn tránh trách nhiệm. Khi chúng ta hành động theo những ý tưởng riêng của mình, ta nhận được ngay lập tức những phản hồi ngược lại để biết ý tưởng của ta đã hoạt động như thế nào. Cho nên thường rất khó khăn để chấp nhận những sai sót từ ý tưởng đó. Ngược lại, khi chúng ta tham gia vào trading một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, ta sẽ dễ dàng chuyển trách nhiệm cho người khác bằng cách đỗ lỗi cho người bạn chơi chung hay broker vì họ đã đưa ra những ý kiến tồi. Vẫn tồn tại một số điều liên quan đến bản chất của trading giúp ta tránh được trách nhiệm bằng các quy tắc thay vì trading tùy hứng: sự thật là bất kì trade nào cũng có thể chiến thắng, thậm chí là thắng lớn. Bạn hoàn toàn có thể thắng lớn theo cách của bạn cho dù bạn là một nhà phân tích tầm cỡ hay một người mới vào nghề. Bạn sẽ cần phải nỗ lực để có được phương pháp tiếp cận một cách có kỷ luật, thứ rất cần thiết để trở thành một trader thành công ( một cách đều đặn). Nhưng như bạn thấy đó, nếu trade ngẫu nhiên, tùy hứng thì bạn chẳng cần nỗ lực và không phải chịu trách nhiệm gì. Đó mới là vấn đề!

VẤN ĐỀ ĐẶT RA: CƠN NGHIỆN NHỮNG MÓN QUÀ NGẪU NHIÊN 

Một vài nghiên cứu đã được thực nghiệm về phản ứng tâm lý của loài khỉ khi đột nhiên được nhận quà. Thí nghiệm như sau, sau khi một chú khỉ làm được một việc gì đó, bạn cho nó một phần thưởng, dần dần con khỉ sẽ liên kết được công việc với phần thưởng cụ thể cho từng công việc, Nếu bạn không còn thưởng cho nó nữa, chỉ sau một thời gian ngắn nó cũng sẽ dừng không làm công việc đó nữa. Nó sẽ không lãng phí năng lượng để làm cái việc mà nó không được nhận lại bất cứ gì. Tuy nhiên, phản ứng của chú khỉ khi bị cắt quà thưởng sẽ khác đi rất nhiều nếu bạn bắt đầu việc tặng quà một cách ngẫu nhiên, và không theo một thời gian biểu nào hết, thì khi bạn dừng việc tặng quà lại, chú khỉ không thể nào biết được là nó sẽ mãi mãi không được nhận quà cho nhiệm vụ đó nữa vì mỗi lần nó nhận được quà trước đó, món quà đều đến rất ngẫu nhiên. Và kết quả là chú khỉ sẽ nghĩ rằng không có lý do gì để dừng công việc đang làm hết. Và chú khỉ ấy vẫn sẽ tiếp tục làm công việc được giao dù không nhận được bất kì món quà nào. Tôi không tìm hiểu được lý do chắc chắn cho việc chúng ta dễ bị nghiện những phần thưởng ngẫu nhiên như thế. Nếu cho tôi đưa ra một lời dự đoán, tôi sẽ nghĩ đó là do một chất kích thích nào đó được sản sinh ra trong não chúng ta khi được trải qua những cảm giác hài lòng, vui vẻ khi nhận được một món quà bất ngờ. Ta sẽ không biết được khi nào lại nhận được món quà đó, nên cảm giác phấn khích thôi thúc ta dễ dàng bỏ ra công sức, thời gian để đợi chờ niềm vui đó đến một lần nữa. Nó kỳ thực có thể gây nghiện. Mặt khác, ta rất dễ bị thất vọng khi trông chờ một kết quả tốt, nhưng nó lại không đến. Và nếu nó cứ xảy ra nhiều lần, thì tự nhiên ta sẽ nghĩ không có lý do gì để tiếp tục làm cái việc khiến mình trở nên buồn bã và thất vọng như thế. Vấn đề chung của những cơn nghiện là chúng ta rơi vào tình thế “không còn sự lựa chọn nào khác”. Càng nghiện nặng bao nhiêu, ta càng phải nỗ lực nhiều bấy nhiêu để  tìm kiếm những thứ có thể làm thỏa mãn cơn nghiện, và ta hoàn toàn để ngoài tai những nhu cầu khác ( ví dụ như phải tin tưởng vào bản thân hoặc phải chủ động hạn chế việc đặt cược tài sản của mình vào những rủi ro). Ta cảm thấy bất lực với mọi thứ trừ việc phải thỏa mãn cơn nghiện. Căn bệnh nghiện phần thưởng ngẫu nhiên này cũng gây ra không ít rắc rối cho các trader, bởi vì nó ngăn cản họ tạo ra các loại cấu trúc tinh thần để rèn luyện tính kiên định.

VẤN ĐỀ ĐẶT RA: NỘI KIỂM SOÁT VÀ NGOẠI KIỂM SOÁT

Xã hội đã lập trình cho chúng ta cách cư xử đối với mọi thứ xung quanh. Có nghĩa là ta đã có liên kết được những gì chúng ta ước muốn và khao khát với các tương tác xã hội để hoàn thành ước muốn đó. Chúng ta không chỉ cần có nhau để hoàn thành những ước muốn đó, mà hơn thế nữa ta còn cần một xã hội với những quy tắc ứng xử để chắc chắn rằng những người khác cũng hành động theo cùng một thứ mà mình hướng tới. Thị trường có vẻ giống như một cấu trúc xã hội thu nhỏ, vì ở đây cũng có rất nhiều người tham gia, nhưng thật ra không phải vậy. Nếu như trong xã hội hiện nay, ta học được cần phải hỗ trợ lẫn nhau để có thể đáp ứng những nhu cầu cơ bản thì thị trường lại là một nơi độc lập về tâm lý, ở đó chỉ có cá nhân mà thôi. Chúng ta vừa không thể phụ thuộc vào ý nghĩ rằng thị trường sẽ làm mọi thứ cho mình cũng như không thể điều khiển được hành vi của thị trường. Nhưng phải làm sao khi ta đang là một trader mà thị trường lại chẳng biết, chẳng quan tâm và cũng không thèm đáp ứng những thứ chúng ta coi là quan trọng, chúng ta chẳng còn gì cả? Có thể bạn đã đúng, nhưng theo kiểu diễn giải của những người đi thuyền ra sông mà làm rơi mái chèo. Một trong những lí do chính khiến nhiều người giỏi lại thất bại trong trading chính là họ quá ỷ lại vào khả năng điều khiển và kiểm soát của mình ngoài xã hội và áp dụng vào trading, đòi hỏi thị trường đáp ứng những gì họ muốn. Ở một mức độ nào đó, ta đã học được cách điều chỉnh môi trường bên ngoài cho phù hợp với những gì bên trong ta muốn. Nhưng quan trọng ở chỗ, ta chẳng thể áp dụng được phương pháp nào trong số đó lên thị trường. Thị trường sẽ không phản hồi lại những mệnh lệnh của bạn ( trừ khi bạn là một trader cực kì quyền lực). Tuy nhiên chúng ta có thể kiểm soát được nhận thức cũng như giải thích được những thông tin mà thị trường cung cấp. Thay vì kiểm soát môi trường xung quanh cho phù hợp với những gì ta muốn thì ta học cách kiểm soát bản thân. Từ đó ta có thể nhìn nhận thông tin từ góc nhìn khách quan nhất có thể, và điều khiển tâm trí ta hành động theo hướng có lợi nhất cho bản thân.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com