menu
Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 10 TÁC ĐỘNG CỦA NIỀM TIN TRONG TRADING

Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 10 TÁC ĐỘNG CỦA NIỀM TIN TRONG TRADING

News Trading

News Trading
Like
742 View

Trading In The Zone – Mark Doughlas – CHƯƠNG 10 TÁC ĐỘNG CỦA NIỀM TIN TRONG TRADING

Nếu môi trường bên ngoài thể hiện vô số các kết hợp khác nhau giữa nhiều yếu tố thì tương tự cũng có vô vàn những niềm tin tồn tại. Đó là cách rõ ràng nhất để nói rằng ngoài kia có rất nhiều thứ để chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu. Trước khi tạo ra một cái nhìn tổng quát nhất về bản chất của nhân loại, tôi phải nói rằng chúng ta không hề sống trong một xã hội mà mọi thứ đều đồng nhất cho tất cả. Nếu thật sự tất cả chân lý đều đúng với mọi trường hợp thì tại sao chúng ta vẫn cứ tranh cãi và đấu tranh với nhau. Tại sao chúng ta không thể sống giống y như những gì ta đã được học và tin tưởng? Phải có gì đó ẩn giấu đằng sau việc ta nỗ lực không ngừng để chứng minh niềm tin của mình là đúng và đánh bại niềm tin của những kẻ khác. Xét lại những cuộc cãi vả từ nhỏ nhặt đến nghiêm trọng, bất kể là giữa cá nhân, nền văn hóa, xã hội hay các quốc gia đều bắt nguồn từ những mâu thuẫn trong niềm tin. Vậy niềm tin có yếu tố gì làm cho chúng ta trở nên bảo thủ và cố chấp như vậy? Trong một vài trường hợp, chúng ta thậm chí sẵn sàng giết chết đối phương để bảo vệ niềm tin của mình. Theo lý thuyết của bản thân, tôi nghĩ niềm tin không đơn giản chỉ là một loại năng lượng được cấu thành do yếu tố bên ngoài, mà nó còn là một loại năng lực thuộc về ý thức, ít nhất là đạt đến một mức độ nhận thức nào đó. Nếu không, sao ta lại giải thích được việc mình có khả năng diễn đạt ra bên ngoài những điều vốn ở bên trong tâm trí?. Làm sao ta biết được mong ước của chúng ta đã được thỏa mãn? Làm sao ta có thể biết mình đang đối mặt với những thông tin hoặc hệ thống đối lập với những gì ta tin tưởng? Cách giải thích duy nhất chính là niềm tin cá nhân có năng lực nhận biết hoặc tự nhận biết để có thể tạo ra những hành động như ta đã thấy. Ý kiến trên có thể hơi khó chấp nhận. Nhưng chúng ta có thể xét qua một số trường hợp của tập thể hoặc cá nhân để hỗ trợ cho việc phân tích khả năng này. Đầu tiên, mọi người đều muốn mình được tin tưởng, bất kể niềm tin đó là gì. Cảm giác được tin tưởng rất tuyệt vời. Tôi nghĩ cảm giác tích cực này là phổ biến, nên nó đúng cho mọi người. Ngược lại, không ai thích mình bị nghi ngờ, cảm giác đó thật sự không thoải mái. Giả sử tôi nói “Tôi không tin anh”, cảm giác tiêu cực sẽ dâng tràn lên trong cơ thể và tâm trí bạn, điều này cũng là bình thường. Tương tự như vậy, không ai trong số chúng ta thích bị phản đối. Sự phản đối đó giống như một đòn tấn công vậy. Mọi người gần như đều cư xử như nhau khi gặp tình huống trên, phản ứng điển hình là tranh cãi, bào chữa để bảo vệ bản thân ( hoặc niềm tin), và tùy tình huống, chúng ta thậm chí có thể tấn công lại. Khi chúng ta đang nói về bản thân mình, ta đều muốn được lắng nghe. Nếu bạn phát hiện ra ai đó đang xao nhãng, cảm giác sẽ như thế nào? Cực kì tồi tệ. Và tôi khẳng định lại lần nữa, ai cũng có cùng cảm giác như thế. Ngược lại, tại sao lại quá khó để trở thành một người biết lắng nghe? Bởi vì ta thật sự phải-lắng-nghe và không được nói về bản thân ngay cả khi ta hoàn toàn có thể ngắt ngang câu chuyện để làm điều đó. Điều bí ẩn nào ẩn giấu đằng sau việc ta không đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác? Phải chăng nói chuyện với ai đó cùng có một niềm tin thì sẽ thoải mái và an toàn hơn? Và ngược lại phải chia sẻ với những người không cùng chí hướng hoặc có niềm tin trái ngược với mình sẽ làm ta cảm thấy khó Tr.110 | chịu, thậm chí là bị đe dọa? Ngụ ý cốt yếu ở đây chính là, khi bạn chấp nhận một niềm tin và để nó trở thành chân lý sống của bạn thì mãi sau này bạn sẽ bị thu hút với những niềm tin gần như thế và đương nhiên sẽ khước từ tất cả những niềm tin trái ngược với nó. Hãy tính đến con số khổng lồ của các niềm tin khác nhau đang tồn tại, nếu tất cả cảm giác thoải mái, bị thu hút, hay chống lại và đe dọa đều là như nhau cho tất cả mọi người thì ta có thể nói mỗi niềm tin đều có khả năng tự nhận thức về sự tồn tại của chính nó, và nhận thức này sẽ hành động theo một cách riêng và tạo ra ảnh hưởng chung cho tất cả chúng ta.

ĐẶC TÍNH CƠ BẢN CỦA NIỀM TIN 

Có tất cả ba đặc tính cơ bản mà bạn phải hiểu được để lĩnh hội được một cách hiệu quả năm chân lý cốt lõi trong trading: 1. Niềm tin dường như có sinh mệnh riêng của nó, cho nên nó kiên quyết chống lại tất cả những thế lực muốn sửa chữa hay thay thế nó. 2. Mọi niềm tin đều cần được thể hiện. 3. Niềm tin vẫn cứ tiếp tục hoạt động bất kể tâm trí ta có nhận ra sự hiện diện của nó hay không. Điều thứ 1: Niềm tin chống lại tất cả các thế lực muốn sửa chữa hay thay thế nó. Ta sẽ không thể hiểu được động lực nào giúp cho niềm tin có thể duy trì cấu trúc toàn vẹn của nó. Nhưng ta thấy chúng hoàn toàn có thể làm được điều đó cho dù phải đối mặt với một thế lực vô cùng mạnh mẽ khác. Xuyên suốt lịch sử loài người, có rất nhiều tấm gương về những người có niềm tin mãnh liệt vào một điều gì đó đến nỗi họ có thể chịu đựng sự sỉ nhục, tra tấn và thậm chí là cái chết chứ không bao giờ chịu thỏa hiệp với những thứ trái niềm tin của họ. Đây chắc chắn là lời giải thích cho sức mạnh to lớn của niềm tin và mức độ mà niềm tin kháng cự lại bất cứ cái gì cố gắng thay thế nó dù là nhỏ nhất. Niềm tin có vẻ được tạo thành từ một loại năng lượng hay sức mạnh vốn chống lại bất kì điều gì manh nha khiến nó thay đổi. Điều đó có nghĩa là niềm tin sẽ không bao giờ thay đổi? Không hề! Chỉ cần bạn biết cách mà thôi! Niềm tin có thể được thay thế, nhưng không phải theo cách mà mọi người vẫn nghĩ, tôi tin rằng một khi niềm tin đã được định hình, sẽ rất khó để hủy hoại nó. Nói cách khác, chúng ta không thể làm bất kì điều gì khiến cho niềm tin có thể biến mất hay bốc hơi như nó chưa từng tồn tại cả. Khái niệm này được cấu thành từ một định luật vật lý khá cơ bản. Theo Albert Einstein và hội các nhà khoa học thì năng lượng không thể tự sinh ra hay tự mất đi, nó chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác mà thôi. Nếu niềm tin cũng có cấu trúc như năng lượng, loại năng lượng ý thức có thể tự nhận biết được sự tồn tại của nó, vậy thì định luật trên hoàn toàn có thể áp dụng cho trường hợp của niềm tin, nghĩa là, chuyện ta cố gắng xóa sổ hay tiêu diệt nó là bất khả. Liệu rằng khi biết được ai đó đang âm mưu giết chết bạn, bạn sẽ đáp lại như thế nào? Tôi đoán bạn sẽ tự vệ, sau đó là chống trả và thậm chí là trở nên mạnh mẽ hơn cả bạn có thể tượng tưởng để đối mặt với mối đe dọa đó. Niềm tin của mỗi cá nhân là Tr.111 | linh kiện để tạo nên cả một con người, nên hoàn toàn hợp lý để ta có thể tin rằng khi bị uy hiếp, niềm tin sẽ có cách để đáp trả lại hoàn toàn đồng nhất với điều mà cả con người ta muốn. Một ngày nọ, bạn thức dậy và chợt nhận ra mọi người xung quanh đều thờ ơ với bạn như thể bạn chưa từng tồn tại. Thì bạn sẽ phản ứng thế nào? Đương nhiên bạn sẽ ngay lập tức lao vào ai đó, đặt tay bạn lên mặt họ và ép buộc họ bằng mọi giá phải nhận ra bạn là ai. Lại nói về niềm tin, nếu bị lờ đi một cách có chủ đích, nó sẽ hành động theo cách y như chúng ta sẽ làm. Nó sẽ tìm cách để khắc sâu vào ý thức ta sự tồn tại của nó. Cách đơn giản và hiệu quả nhất để khắc chế được niềm tin chính là nhẹ nhàng đáp trả nó một cách thụ động và hời hợt và từ từ rút hết năng lượng ra khỏi niềm tin đó. Tôi gọi tiến trình này là khởi động lại, sau khi kết thúc, niềm tin sẽ trở lại cấu trúc nguyên vẹn ban đầu của nó, về mặt kỹ thuật thì nó không hề thay đổi. Điều thay đổi duy nhất là niềm tin bây giờ không còn chút năng lượng nào hết. Và khi không còn năng lượng, thì nó cũng không còn tiềm ẩn khả năng áp đặt lên nhận thức hay thái độ của chúng ta. Sau đây là một minh họa cụ thể: Như mọi đứa trẻ khác, tôi được dạy để tin tưởng vào ông già Noel và bà Tiên răng. Trong tâm trí tôi bây giờ, cả hai người này hay nói cách khác cả hai niềm tin này đều trở nên trừu tượng và mờ nhạt đi. Cho dù đã phai nhạt qua năm tháng, nhưng hai niềm tin này vẫn tồn tại trong tâm trí tôi, chỉ là không còn năng lượng trong đó mà thôi. Nhớ lại chương trước, tôi đã xác định niềm tin là kết hợp của những trải nghiệm giác quan và năng lượng. Năng lượng có thể bị rút ra nhưng niềm tin thì vẫn như cũ, như nguyên bản vốn có của nó, chỉ là nó không còn chi phối được tâm trí bạn như ban đầu nữa. Như bây giờ, khi tôi đang ngồi trước màn hình vi tính và gõ những dòng này, nếu ai đó nói với tôi rằng ông già Noel đang đứng trước cửa, thì bạn nghĩ tôi sẽ phản ứng thế nào? Đương nhiên là làm lơ nó hoặc coi như đó là một câu chuyện đùa. Nhưng mà, nếu tôi đang là một cậu nhóc năm tuổi, và Mẹ tôi bảo tôi rằng ông già Noel đang đứng ngoài cửa chờ tôi, từng câu nói của mẹ sẽ ngay lập tức khơi lên trong lòng tôi một nguồn năng lượng tràn đầy, nó khiến tôi sẽ nhảy cẫng lên và chạy ra cửa nhanh nhất có thể. Không có gì có thể cản đường tôi cả. Tôi có thể vượt qua mọi chướng ngại trên con đường của mình. Cũng đến lúc cha mẹ tôi nói rằng ông già Noel là không có thật. Đương nhiên, phản ứng đầu tiên của tôi là kiên quyết không tin đó là thật. Là tôi không tin họ hay là tôi không muốn tin? Và cuối cùng, họ cố gắng giải thích và thuyết phục tôi. Tuy rằng quá trình ấy không phá hủy niềm tin của tôi vào ông già Noel, nhưng nó lấy đi năng lượng ra khỏi niềm tin ấy. Và niềm tin này chuyển hóa thành một loại khái niệm mơ hồ và mờ nhạt đi theo năm tháng. Tôi không rõ những năng lượng ấy chạy đi đâu, nhưng tôi nghĩ một số ít chuyển thành một loại niềm tin mới chính là ông già Noel không có thật. Và bây giờ thì tôi có cả hai khái niệm mâu thuẫn nhau, một là ông già Noel có thật, hai là không. Chúng khác nhau ở số năng lượng mà chúng có. Niềm tin thứ nhất gần như không còn chút năng lượng nào hết và niềm tin thứ hai thì có một ít. Cho nên hoàn toàn có thể đoán được rằng lúc này sẽ không còn mâu thuẫn nữa. Tôi giả sử rằng, nếu chúng ta có thể vô hiệu hóa niềm tin thì tất cả niềm tin đều có thể nhạt nhòa dần đi cho dù niềm tin thực sự phản ứng lại với những nhân tố muốn thay thế nó. Cách hiệu quả nhất để thay đổi niềm tin chính là hiểu được và cuối cùng tin rằng những niềm tin đó chưa bao giờ mất đi.Chúng ta chỉ chuyển nó sang dạng tốt nhất có thể nhằm đạt được kết quả và mục tiêu mình hướng đến Tr.112 | Điều thứ 2. Những niềm tin chủ động đều khát khao được thể hiện. Có thể chia niềm tin thành hai loại là chủ động và bị động. Niềm tin chủ động thì có năng lượng, nó chi phối được tâm trí và cách ứng xử của chúng ta. Và điều đó ngược lại với niềm tin bị động. Khi tôi nói, những niềm tin chủ động đều khát khao được thể hiện không có nghĩa là chúng sẽ thể hiện cùng một lúc. Ví dụ, tôi hỏi bạn điều gì là sai trong thế giới hiện tại, Từ “sai” sẽ dẫn dắt bạn nghĩ đến những hành vi của xã hội phản ánh những điều bạn tin là rắc rối hay phiền phức. Trừ phi bạn cho là không có gì trên thế giới này là sai cả. Vấn đề mấu chốt ở đây là, khi bạn cho rằng một điều gì đó là sai, bạn sẽ không cần suy nghĩ về nó trước khi tôi đặt ra câu hỏi. Nhưng giây phút bạn nghe câu hỏi đó, những niềm tin về vấn đề này sẽ lập tức chuyển ngay đến vị trí đầu tiên trong ý thức của bạn. Thực chất, nó khao khát được mọi người lắng nghe. Tôi dùng từ “khao khát” để diễn tả vì khi có một điều gì đó làm bạn liên kết trực tiếp đến niềm tin của mình thì nó như thể rằng bạn không bao giờ cản được dòng chảy năng lượng mạnh mẽ được phóng thích. Điều này đặc biệt đúng đối với những vấn đề nhạy cảm hay có liên quan đến điều mà bạn đam mê. Bạn có thể sẽ hỏi tôi “Vậy tại sao đôi lúc tôi lại muốn kiềm hãm việc thể hiện niềm tin của mình?”, có một vài lời giải thích cho điều này. Giả sử bạn phải nói ra một điều gì đó mà bản thân bạn cũng không tin và cảm thấy nó hoàn toàn vô lý. Bạn sẽ nói ra hay kiềm hãm nó lại? Điều đó còn tùy vào hoàn cảnh. Nếu bạn tin rằng điều đó là không tiện để nói ra và niềm tin này có nhiều năng lượng hơn so với cái còn lại ( niềm tin rằng phải nói ra), thì tự nhiên bạn sẽ kiềm chế nó lại và không tranh cãi một cách công khai. Bạn có thể hướng về người đang nói ( có thể là sếp của bạn) và gật đầu ra chiều đồng ý. Nhưng có thật là bạn đồng ý không? Đi sâu hơn vào vấn đề, có phải lúc này tâm trí bạn cũng im lặng? Hoàn toàn không! Bản thân bạn lúc này đang chống lại từng câu chữ mà người kia nói. Nói cách khác, niềm tin của bạn vẫn khát khao được thể hiện, nhưng nó không được biểu lộ ra bên ngoài. Bởi vì những niềm tin mâu thuẫn khác đang tạo áp lực cho nó. Tuy vậy, nó vẫn sẽ tìm cách để được thể hiện ra ngoài? Ngay khi bạn kết thúc cuộc họp, chắc hẳn bạn sẽ tìm được cách để xóa bỏ hết những gì vừa được nghe hay thậm chí là nói ra hết những ý kiến của riêng bạn. Bạn sẽ trải lòng mình ra, kể những chịu đựng bực bội lúc nãy cho người mà bạn tin rằng có khả năng thấu hiểu chúng. Đó là ví dụ chứng minh cách mà niềm tin của chúng ta khao khát được thể hiện khi chúng bị chèn ép bởi các niềm tin khác. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một trong những niềm tin của ta xung đột với chủ ý, mục tiêu, mơ ước, nhu cầu hay tham vọng của chính bản thân mình. Có một sự kết nối sâu sắc giữa điều này với việc trading của chúng ta sau này. Như chúng ta đã biết, niềm tin biểu hiện như thế nào còn tùy thuộc vào môi trường bên ngoài. Sự phân biệt này được định nghĩa như những ranh giới. Mặt khác, ý thức con người có vẻ lại lớn hơn tập hợp những niềm tin mà họ được dạy là đúng. Và phần lớn hơn đó cho phép ta chọn hướng đến niềm tin mà ta mong muốn, bất kì là nó có nằm trong ranh giới của niềm tin cũ hay không. Và thường thì những suy nghĩ nằm ngoài ranh giới ấy được coi là sự sáng tạo. Khi ta chủ động đặt câu hỏi cho niềm tin của mình thì cũng chính là lúc ta cần một câu trả lời khiến cho ta đạt được những thứ như “một ý nghĩ đột phá”, “một ý nghĩ truyền cảm hứng”, hoặc “giải pháp” cho vấn đề sắp tới. Tr.113 | Sự sáng tạo đem đến một sự tiến bộ mà ta không ngờ tới nằm ngoài tất cả những thứ thuộc về ranh giới vốn đã tồn tại trong lý trí, niềm tin và trí nhớ. Như tôi được biết, thì không hề có một sự đồng thuận nào giữa các nghệ sĩ, nhà phát minh, tôn giáo hay hội khoa học, những lĩnh vực mà sự sáng tạo được tôn thờ. Và tôi cũng thừa biết rằng sáng tạo là không giới hạn. Nếu có bất kì giới hạn nào nằm trong tầm hiểu biết của chúng ta, thì ta chưa bao giờ thật sự tìm ra chúng. Xét lại những bước tiến vượt bậc trong công nghệ mà nhân loại đã trải qua trong hơn 50 năm qua, tất cả những phát minh thần kì đó đều có nguồn gốc từ những con người sẵn sàng vượt khỏi rào cản, ranh giới đã được áp đặt từ những gì họ được học. Nếu tất cả chúng ta đều có tố chất sáng tạo ( và tôi tin rằng điều đó là sự thật), thì chúng ta đều có cơ hội chạm mặt với những điều mà tôi gọi là “trải nghiệm sáng tạo”. Tôi định nghĩa rằng sáng tạo là những trải nghiệm mới nằm ngoài ranh giới niềm tin của chúng ta. Nó có thể là một nhãn quan mới mẽ – thứ giúp ta thấy được những điều mà ta chưa từng thấy trước đây, cho dù nó vẫn tồn tại rõ ràng như thế. Hoặc nói đơn giản hơn như việc ta nếm thử những âm thanh, mùi, vị, hay sờ được một thứ gì đó mới. Những trải nghiệm này cũng giống như những suy nghĩ sáng tạo, linh cảm, hay tiến bộ vượt bậc, chúng có thể xảy ra bất ngờ hoặc đi theo chỉ dẫn của tâm trí ta. Trong bất kì trường hợp nào, khi ta trải qua cảm giác mới lạ, ta thường phải đương đầu với tâm lý phân vân. Khi điều đó xảy ra, cho dù là trong suy nghĩ hay trong hành động, đều có khả năng làm cho ta bị hấp dẫn hoặc khao khát điều gì đó nằm ngoài ranh giới của niềm tin. Để minh họa cho quan điểm này, hãy xem lại ví dụ về cậu nhóc và chú chó. Hãy xem như cậu nhóc có một vài kí ức không mấy tốt đẹp với chó. Lần đầu tiên ấy là do môi trường, nhưng các lần sau đó là do quá trình xử lý thông tin trong đầu cậu ấy ( dựa vào cấu trúc của những bộ máy và cơ cấu chống lại sự đau đớn trong não). Và kết quả là cậu ấy đều sợ hãi mỗi khi đối diện với những con chó, giả sử cậu bé ấy phải trải qua cảm giác sợ hãi lần đầu tiên khi chỉ mới biết đi. Và cậu bé dần lớn lên, khi hiểu được nỗi sợ là gì và kết hợp với những điều cậu đã trải qua trong quá khứ, cậu ta sẽ dần hình thành một niềm tin về bản năng của loài chó. Thật dễ đoán được rằng những ý nghĩ của cậu ta sẽ tương tự như “Tất cả các con chó đều rất nguy hiểm”, chính từ “tất cả” đã cấu thành một niềm tin trong đầu cậu, khiến cậu chắc chắn rằng mình phải tránh xa loài chó. Cậu bé không hề nghi ngờ về niềm tin đó, bởi vì những trải nghiệm đã qua đều khẳng định và củng cố giá trị của nó. Tuy vậy, cậu bé ( hay bất kì ai trên hành tinh này) đều bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ sáng tạo. Như bình thường, thì cậu bé sẽ tìm mọi cách để mình không phải đối mặt với chó. Nhưng không có gì là tuyệt đối cả. Giả sử cậu bé đang đi chung với bố mẹ, và cảm thấy mình vô cùng an toàn, nhưng họ lại đi vào một vùng khá khuất, và họ không thể thấy được những gì trước mắt. Và đột nhiên, họ thấy trước mắt khung cảnh những đứa trẻ bằng tuổi với cậu bé đang chơi đùa cùng với những con chó và ra chiều rất vui vẻ. Đây là chính là trải nghiệm mới lạ. Cậu bé đối mặt với một sự thật không thể bàn cãi là những gì cậu ấy đã tin trước đây về loài chó là sai. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Đầu tiên, phải nói rằng trải nghiệm này không hề theo định hướng trong ý thức của cậu bé. Cậu ấy đương nhiên không sẵn lòng tiếp nhận những thông tin trái ngược với niềm tin của cậu bấy lâu nay. Ta có thể gọi đây là trải nghiệm mới không chủ động, bởi vì những tác động bên ngoài ép cậu Tr.114 | bé phải đối mặt với những điều mà cậu vốn tin là không hề tồn tại. Thứ hai, việc trông thấy những đứa trẻ chơi đùa mà không hề bị bất kì sự tấn công nào từ những chú chó làm cậu bé trở nên phân vân và bối rối. Chỉ khi nào sự bối rối mất đi, thì cậu ấy mới chấp nhận được việc không phải tất cả chó đều nguy hiểm. Một vài kịch bản có thể xảy ra như sau. Việc nhìn thấy những đứa trẻ cùng tuổi với mình ( cảm giác gần gũi và rõ ràng) có thể chơi thật vui với những con chó thôi thúc cậu bé được giống như bạn mình . Trong trường hợp này, cậu bé đã bị hấp dẫn bởi những điều mới lạ nằm ngoài phạm vi niềm tin của mình ( chính là việc chơi đùa với chó). Đó là một điều vô lý mà cậu vốn chưa từng nghĩ đến. Còn bây giờ, không những là nghĩ đến mà cậu còn khao khát nó. Vậy thì cậu có làm theo khát khao đó hay không? Câu trả lời nằm trong việc năng lượng của niềm tin đó có đủ lớn hay không. Trong đầu cậu bé bây giờ có hai suy nghĩ hoàn toàn mâu thuẫn nhau, thứ nhất là “ Loài chó rất nguy hiểm” và thứ hai là “ chúng ta có thể chơi đùa thoải mái với chúng”. Vậy thì phản ứng của cậu bé trong lần tiếp theo đối diện với chó sẽ quyết định cho việc cái nào có nhiều năng lượng hơn: niềm tin hay khát khao của cậu. Ví dụ như cho vào niềm tin nhiều năng lượng hơn, ta có thể dễ dàng nhận ra lần tiếp theo khi cậu bé gặp chó, cậu sẽ có cảm giác bất lực. Cho dù cậu rất muốn chạm vào chúng thì cậu cũng mãi mãi không dám làm điều đó. Từ “tất cả” trong niềm tin của cậu ấy đã ngăn cậu thõa mãn khao khát của mình. Cậu biết rõ rằng việc vuốt ve nó không hề nguy hiểm cũng như là chó sẽ không tự nhiên tấn công cậu. Tuy nhiên cậu sẽ không thể làm được điều đó cho đến khi khao khát của cậu đạt được mức năng lượng cao hơn. Nếu cậu nhóc thật lòng muốn tiếp xúc với chó, cậu phải vượt qua nỗi sợ của mình. Có nghĩa là cậu phải lờ đi việc tất cả con chó đều nguy hiểm, chỉ có như vậy tâm trí cậu mới có chỗ cho niềm tin mới nhất quán với khát khao của mình. Chúng ta đều biết rằng, chó có đủ kiểu phản ứng lại con người, có thể đôi lúc đáng yêu, trung thành nhưng cũng có lúc nguy hiểm và đáng sợ. Nhưng rất ít khi chúng trở nên giận dữ nếu không chịu tác động tiêu cực từ bên ngoài. Niềm tin tốt đẹp mà cậu bé sẽ chấp nhận sẽ tương tự như “Hầu hết chó đều dễ thương và hiền lành, nhưng cũng có một số ít rất hung dữ và đáng sợ”. Niềm tin mới này sẽ khiến cậu tìm hiểu xem những biểu hiện nào để nói lên rằng chó nào là chó ngoan có thể chơi cùng và con nào là chó dữ để tránh xa. Nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là, làm thế nào để cậu bé có thể phớt lờ đi từ “tất cả” trong niềm tin “Tất cả các con chó đều rất nguy hiểm”. Hãy nhớ rằng niềm tin có bản năng chống lại tất cả các thế lực có nguy cơ muốn thay thế nó, như tôi đã chỉ ra ở trên thì phương pháp thích hợp nhất không phải là thay thế, mà là rút hết năng lượng ra khỏi niềm tin ấy và chuyển hóa nó thành một dạng niềm tin khác phù hợp với mục tiêu của chúng ta. Để loại bỏ từ “tất cả”, cậu nhóc cần có những trải nghiệm tích cực với những con chó khác và việc đầu tiên cậu bé cần làm chính là bước qua nỗi sợ của mình và chạm vào một con chó nào đó. Để làm được điều đó cậu thật sự cần một có khoảng thời gian dài và một sự nỗ lực đáng kể. Ở giai đoạn đầu của quá trình này, khát khao thay đổi chỉ đủ mạnh để giúp cậu nhóc có thể đối mặt với con chó, từ một khoảng cách vừa phải và mà không cần bỏ chạy. Tuy rằng chưa trực tiếp chạm vào con chó, nhưng ngày qua ngày việc trông thấy nó ở một khoảng cách nhất định mà không bị một tổn Tr.115 | thương nào hết sẽ giúp cậu bé dần dần rút năng lượng ra khỏi niềm tin rằng “Tất cả các con chó đều nguy hiểm”. Cuối cùng, những cảm giác tích cực này sẽ dần xóa nhòa đi khoảng cách giữa cậu và con chó, từng chút từng chút một, chờ đến một ngày khoảng cách nhỏ đến mức độ không còn tồn tại nữa. Và năng lượng dành cho khát khao chạm chú chó ấy cứ thôi thúc cậu, đến một ngày khi năng lượng này đạt đến mức độ cao hơn so với niềm tin cũ. Giây phút cậu ấy chạm được vào con chó và vuốt ve nó, chính là lúc nỗ lực xóa nhòa đi từ “tất cả” đã đạt được hiệu quả mong muốn, niềm tin cũ đã được chuyển sang một dạng mới phù hợp với khát khao và mục tiêu của cậu bé. Rất ít người có đủ động lực để buột mình trải qua quá trình tương tự như cậu bé trên. Tuy nhiên họ lại không nhận ra được động lực nội tại. Những người phải trải qua thời thơ ấu đầy nỗi sợ hãi, họ sẽ tránh xa nỗi sợ ấy một cách vô thức ngày này qua tháng nọ mà chẳng hiểu tại sao lại như thế ( trừ khi họ tìm kiếm thông tin về nỗi sợ ấy và yêu cầu sự giúp đỡ của chuyên gia). Và khi đã lớn, khi họ phải đối diện với một điều gì đó đã từng là nỗi sợ của mình trong quá khứ ( ví dụ như thấy cảnh một đứa trẻ kinh hãi khi thấy chó), họ sẽ lại nói về cách vượt qua nỗi sợ ấy khá đơn giản nhưng lại rất mơ hồ như kiểu “ Ngày xưa tôi sợ chó lắm, nhưng bây giờ thì hết rồi”. Kết quả cuối cùng có thể xảy ra theo hai trường hợp. trường hợp thứ nhất, cậu bé đã vượt qua được nỗi sợ của mình bằng cách xóa nhòa đi ranh giới của niềm tin cũ về loài chó. Điều đó giúp cậu cảm thấy hài lòng và vui vẻ cho dù cậu đã từng nghĩ điều đó không bao giờ xảy ra. Trường hợp thứ hai chính là cậu không hề cảm thấy hứng thú với việc cùng những con chó chơi đùa vui vẻ. Hay nói cách khác, cậu chỉ hơi quan tâm đến việc sẽ được giống như những đứa trẻ khác cũng như việc tiếp xúc với chó. Trong trường hợp thứ hai, cả hai niềm tin mới và cũ sẽ trở thành hai khái niệm mâu thuẫn trong đầu cậu. Đây chính là ví dụ tôi cần nói để minh chứng cho khái niệm mâu thuẫn chủ động, chính là lúc mà hai niềm tin mạnh mẽ lại mâu thuẫn trực tiếp với nhau và đều muốn được thể hiện ra ngoài. Lúc này niềm tin cũ nằm ở trung tâm ý thức của cậu bé với một nguồn năng lượng dồi dào, còn niềm tin mới nằm ở vị trí không quan trọng và có rất ít năng lượng. Những động lực trong trường hợp này rất thú vị để tìm hiều, và cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta đã thừa nhận rằng niềm tin chi phối khả năng tiếp thu và xử lý thông tin của ta. Trong điều kiện thông thường, ta dễ nhận thấy cậu nhóc sẽ hoàn toàn bị tách khỏi ý nghĩ muốn tiếp xúc với chó, nhưng việc nhìn thấy cảnh tượng kia khiến cậu hình thành một năng lượng tích cực về việc không phải con chó nào cũng nguy hiểm mà có thể một vài con sẽ hiền lành và ngoan ngoãn. Tuy nhiên cậu bé vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ chữ “tất cả” trong niềm tin của mình và theo hiểu biết của tôi thì niềm tin không thể tự vô hiệu hóa nó được. Và kết quả là, niềm tin tồn tại từ khi ta sinh ra và chỉ mất đi khi ta nằm xuống. Trừ khi ta không chủ động vô hiệu hóa nó. Trong trường hợp này, cậu nhóc không hề có khát khao muốn thay đổi và đương nhiên cậu sẽ không có động lực để vượt qua nỗi sợ của mình. Vì vậy, cậu nhóc bị đặt vào một mâu thuẫn chủ động, nơi mà niềm tin tích cực nhỏ bé thuyết phục cậu rằng không phải con chó nào cũng nguy hiểm và thôi thúc cậu tiếp xúc với chúng, nhưng cùng lúc đó, niềm tin đầy quyền lực nói với cậu rằng tất cả các con chó đều rất nguy hiểm và nó ngăn cậu tiếp xúc với bất kì con chó nào ( cho dù lúc này nó đã bị chi phối một chút bởi niềm tin mới). Chúng ta đều hiểu rõ rằng việc “nhìn” và phân tích được rằng tình huống đó không hề nguy hiểm trong khi ta đang run lên vì sợ là việc vô cùng khó khăn, nhưng tôi Tr.116 | khám phá ra rằng suy nghĩ sáng tạo hoặc những trải nghiệm vô tình thật sự không cần quá nhiều năng lượng. Nói cách khác, nhận thức mới vẫn hoàn toàn có thể ảnh hưởng đáng kể đến ý thức của chúng ta, bằng cách khiến ta chấp nhận vài thứ một cách vô thức. Nhưng nó lại không đủ sức ảnh hưởng đến thái độ của ta. Khi đưa ra lời tuyên bố này, tôi có một phán đoán rằng chúng ta sẽ mất nhiều năng lượng hơn để hành động thay về chỉ quan sát. Mặt khác, những khám phá mới mẽ này sẽ ngay lập tức trở thành một thế lực khá mạnh nếu chúng không gặp bất kì điều gì trong tâm trí ta cản trở. Nhưng nếu ta có những niềm tin trái ngược với khám phá mới đó mà lại không hề sẵn lòng làm vô hiệu hóa niềm tin đó, đặc biệt khi nó lại là một niềm tin tiêu cực thì nhẹ nhàng nhất khám phá mới cũng phải trải qua một cuộc đối đầu với niềm tin cũ và sẽ bị đánh bại khi đã quá sức chịu đựng. Những gì tôi vừa trình bày là trạng thái tâm lý “bối rối” mà hầu như trader nào cũng gặp phải. Giả sử như bạn nắm rõ được tất cả các khả năng có thể xảy ra và bạn cũng biết rằng trade tiếp theo đơn giản chỉ là một giao dịch nằm trong chuỗi những giao dịch chắc chắn mang đến cho bạn kết quả tốt. Vậy mà bạn vẫn cảm thấy sợ hãi và hoặc còn ám ảnh bởi một số trade sai lầm mà chúng ta đã thảo luận ở chương trước. Hãy nhớ rằng nguyên nhân thực sự đằng sau nỗi sợ chính là thứ khiến chúng ta nhận thông tin sai lệch từ thị trường. Vậy nguồn cơn nào lại làm cho ta nhận thông tin sai lệch như thế? Chính là lòng tham. Khi mà thị trường có những biểu hiện trái với mong muốn của ta, sự lên xuống của thị trường, từng nhịp từng nhịp khiến ta thấy áp lực và bị đe dọa ( bắt đầu trở nên tiêu cực). Cuối cùng chúng ta trở nên sợ hãi, căng thẳng và tuyệt vọng. Vậy cái gì ẩn sau lòng tham của ta? Không gì khác ngoài niềm tin, dựa trên những gì chúng ta đã biết về niềm tin, có thể kết luận nếu bạn vẫn tiếp tục giữ tâm lý tiêu cực trong khi trade thì trong đầu bạn sẽ diễn ra một cuộc đấu tranh giữa những gì bạn “biết” về lợi nhuận sau trade này và những niềm tin vào những điều khác. Luôn nghĩ rằng những niềm tin chủ động đều khát khao được thể hiện, cho dù ta không muốn đi chăng nữa. Bạn phải tin rằng mỗi thời khắc trong thị trường đều là duy nhất, mỗi điểm chênh lệch đều có một khoảng lợi nhuận riêng biệt ( lúc này bạn sẽ không gặp phải bất kì mâu thuẫn nội tâm nào nữa) và hoàn toàn tĩnh tại trong trading, không còn còn giác lo lắng, sợ hãi hay căng thẳng nữa. Đó là cách duy nhất có hiệu quả. Một lợi nhuận đặc thù không phải là thứ chúng ta có thể thử qua nhiều lần, cho nên ta không thể hiểu rõ nó được. Nếu nó xảy ra nhiều lần thì ta không gọi chúng là đặc thù. Khi bạn tin rằng bạn không thể biết điều gì xảy ra tiếp theo, thì bạn sẽ mong đợi gì từ thị trường? Nếu câu trả lời là “Tôi không biết”, thì bạn hoàn toàn đúng. Nếu bạn tin rằng sẽ có gì đó xảy ra và không cần thiết phải biết chính xác cái gì sẽ mang đến tiền thì đương nhiên cũng không có bất kì thông tin sai lệch nào từ thị trường ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Sau đây là một ví dụ khác để chứng minh cho việc những niềm tin chủ động đều khát khao được thể hiện. Hãy xét trường hợp lần đầu tiên cậu nhóc gặp con chó là một trải nghiệm vui vẻ. Và đương nhiên cậu nhóc này không hề gặp bất kì vấn đề nào khi tiếp xúc với chó. Bởi vì cậu chưa hề gặp con chó hung dữ nào cả. Vì thế, cậu ấy cũng không có khái niệm (niềm tin có năng lượng) rằng một con chó có thể gây tổn thương hay đau đớn. Và như thế trong trí nhớ cậu luôn có một niềm tin vững chắc rằng “ chó là loài vật thân thiện và tất cả chúng đều mang lại niềm vui”, đối Tr.117 | với cậu bé này nếu có ai đó bị một con chó tấn công thì lý do duy nhất là do cậu bé ấy không ngoan hoặc ngỗ nghịch. Nếu bạn cố thuyết phục rằng có một ngày cậu bé sẽ bị chó cắn nếu không tập tính thận trọng thì ngay lập tức niềm tin trong đầu cậu ấy sẽ khiến cậu xao nhãng hoặc hoàn toàn lờ đi lời cảnh báo của bạn. Nếu bạn chờ đợi một phản ứng từ cậu bé, thì chỉ có thể là những lời nói tương tự như “Không đời nào!”, “Chuyện đó sẽ không xảy ra với con đâu!”. Giả định rằng một hôm nọ, cậu nhóc gặp một con chó lạ và nó không thích người khác làm phiền. Nó gầm gừ, nhưng sự đe dọa đó không được chú ý đến và thế là nó cắn thằng bé. Khác với những gì cậu vẫn tin từ trước đến giờ, đây là lại một cảnh tượng lạ lẫm, chuyện gì sẽ xảy ra với niềm tin của cậu ấy? Nó có thay đổi không? Liệu cậu bé này có trở nên sợ hãi tất cả các con chó như cậu bé ở ví dụ đầu tiên? Thật không may là câu trả lời lại không rõ ràng, vì không có một niềm tin cụ thể nào trong đầu cậu bé chỉ dẫn cậu cách phải đối xử với con chó trong trường hợp này như thế nào. Ví dụ, nếu cậu nhóc này cực kì ác cảm với việc bị phản bội ( có thể cậu bé đã trải qua một kỉ niệm buồn trong quá khứ do bị phản bội bởi một người nào đó và cậu bị cảm giác thất vọng cũng như đau buồn ám ảnh). Nếu cậu kết luận rằng việc con chó cắn cậu là chứng tỏ cho sự “phản bội” ttheo niềm tin tiêu cực ấy, thì đương nhiên kết quả là cậu sẽ sợ chó. Những năng lượng tích cực của niềm tin vốn có ( chó rất thân thiện) sẽ lập tức chuyển hóa thành năng lượng tiêu cực và hình thành niềm tin mới ( chó rất hung dữ). Và cậu sẽ quả quyết rằng “Khi một con chó đã phản bội cậu thì bất kì con chó nào khác cũng sẽ làm vậy”. Nhưng tôi thật sự tin rằng trường hợp cực đoan này rất hiếm khi xảy ra. Điều dễ xảy ra hơn chính là từ “tất cả” trong niềm tin ban đầu của cậu ( tất cả các con chó đều hiền lành) sẽ bị vô hiệu để chuyển hóa thành một loại niềm tin khác phản ánh đúng hơn về bản chất của loài chó. Trải nghiệm này tạo nên một sự thay đổi trong tư tưởng cậu, khiến cậu bắt đầu suy nghĩ về những mặt khác của chó, những mặt mà cậu vốn từ chối tìm hiểu hoặc lờ đi lúc ban đầu. Ký ức của cậu về những con chó thân thiện vẫn còn y nguyên, cậu sẽ vẫn vui vẻ chơi đùa với chúng, chỉ khác ở chỗ cậu sẽ cẩn trọng quan sát những biểu hiện của chúng để phân biệt lúc nào chúng thân thiện và lúc nào chúng trở nên hung dữ. Tôi nghĩ rằng chân lý cốt lõi của từng khoảnh khắc chúng ta tham gia vào thị trường cũng như trong cuộc sống thường nhật, đều được cấu thành từ những yếu tố chúng ta đã biết ( mang tính phổ thông) và những thứ chúng ta chưa biết do chưa được trải nghiệm. Vì thế nếu ta không tích cực rèn luyện khả năng chấp nhận sự cá biệt trong từng khoảnh khắc của thị trường, thì ta mãi chỉ dậm chân tại chỗ. Khi đó, những khả năng có thể xảy ra ( nằm ngoài những gì bạn mong đợi) sẽ trôi qua trước mắt bạn. Đó là một tin tốt nếu bạn thực sự “thuần khiết” và không hề nghĩ đến những thông tin mang tính đe dọa hay không hề bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài. Còn nếu bạn không đạt được trạng thái này do bạn có tham vọng lớn hơn thì cách tốt nhất chính là bạn phải rèn luyện cho tâm trí mình biết chấp nhận sự khác biệt trong từng khoảnh khắc của thị trường, và vô hiệu hóa hết thảy những niềm tin trái ngược với nó, quá trình này không khác nhiều so với quá trình của cậu nhóc trong tình huống đầu tiên chúng ta phân tích, một khi cậu khát khao được tiếp xúc với chó thì điều cậu cần phải làm chính là tạo được một niềm tin mới và vô hiệu hóa những điều suy nghĩ Tr.118 | trái ngược với niềm tin mới đó. Điều này cũng chính là bí quyết để thành công dành cho trader. 3.Niềm tin vẫn cứ tiếp tục hoạt động bất kể tâm trí ta có nhận ra sự hiện diện của nó hay không. Nghĩa là ta không cần phải cố gắng ghi nhớ bất kì niềm tin nào. Tôi biết là thật khó tin khi nói rằng có một thứ vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống của ta cho dù ta thậm chí còn chẳng ghi nhớ và nhận ra nó. Nhưng thử nghĩ kỹ lại xem, hầu hết những gì chúng ta trải qua trong suốt cuộc đời đều được lưu trữ ở những nơi thuộc về vô thức hoặc tiềm thức. Nếu tôi yêu cầu bạn trình bày lại những bước cụ thể mà bạn đã được học để lái xe thuần thục như ngày nay, tôi cá rằng bạn sẽ không nhớ hết được tất cả những thứ bạn phải tập trung trong cả quá trình học ấy. Lần đầu tiên khi tôi có cơ hội dạy cho một cậu thiếu niên cách lái xe, tôi hoàn toàn bị bất ngờ bởi có quá nhiều thứ cần phải học, tôi không thể ước chừng được quá trình đó phải mất bao lâu và nó vượt khỏi nhận thức của chúng ta. Có lẽ cách hợp lí nhất để minh họa cho chi tiết này chính là lúc ai đó lái xe trong tình trạng say xỉn. Ta có thể thấy trong rất nhiều trường hợp, những người say không thể nhớ nổi làm cách nào họ có thể lái xe từ điểm A đến điểm B một cách thần kì như thế. Thật khó giải thích được tại sao, trừ khi ta cho rằng khả năng lái xe của anh ấy và niềm tin được vận hành một cách tự động và nó nằm ở một cấp độ cao hơn sự tỉnh táo. Đương nhiên là cũng có một tỉ lệ nào đó những người say xỉn gặp tai nạn khi lái xe. Nhưng nếu so sánh số người gặp tai nạn với con số chính xác toàn bộ những người lái xe khi đang say xỉn thì tỉ lệ này rất thấp. Thực tế thì, những người say khi lái xe chỉ gây tai nạn khi họ ngủ gục hoặc gặp phải những tình huống đòi hỏi sự phản xạ ngay lập tức, vì những điều này nằm ngoài khả năng vận hành của tiềm thức.

TỰ ĐÁNH GIÁ VÀ TRADING 

Làm sao để áp dụng những lý thuyết này vào trading đòi hỏi phải có một quá trình tìm hiểu lâu dài. Môi trường trading cung cấp cho ta một nơi không giới hạn để tích lũy của cải. Tuy rằng tiền trên thị trường luôn sẵn sàng và ta biết rằng mình có triển vọng lấy được, nhưng điều đó không có nghĩa là ta không giới hạn những gì mình có thể lấy. Nói cách khác, có một khoảng cách khổng lồ giữa số tiền ta khao khát có, số tiền ta có thể có và số tiền ta tin là ta đáng được nhận. Mỗi người có một ước lượng khác nhau, cách tốt nhất để miêu tả ước lượng này chính là liệt kê tất cả các niềm tin chủ động ( bao gồm cả ý thức và tiềm thức) có dấu hiệu cản trở ta tích lũy của cải và trở nên vĩ đại. Sau đó nối những niềm tin tích cực với những niềm tin tiêu cực, nếu năng lượng và động lực của niềm tin tích cực nhiều hơn năng lượng của niềm tin tiêu cực thì bạn đã có được sự tự đánh giá có chiều hướng lạc quan, còn ngược lại sự tự đánh giá của bạn sẽ mang chiều hướng bi quan. Động lực để hai niềm tin này kết nối với nhau không chỉ đơn giản như tôi vừa nói, thực ra nó phức tạp đến độ có thể tôi phải mất đến cả năm nghiên cứu một cách nghiêm túc mới có thể sắp xếp và phân loại được chúng. Những gì bạn cần biết chính là chuyện bạn sinh ra trong một xã hội mà không gặp bất kì điều gì tạo nên niềm tin tiêu cực là không thể xảy ra, luôn luôn có những suy nghĩ ngăn cản bạn kiếm được thật nhiều tiền. Hầu hết những lý do dẫn đến niềm tin đó đều đã bị quên lãng hoặc nằm ẩn sâu trong tiềm thức, nhưng không có nghĩa là chúng đã bị vô hiệu hóa. Việc ta chấp nhận những niềm tin tiêu cực này là khó hay dễ? Thật không may câu trả lời lại là thật sự rất dễ dàng. Dễ thấy nhất là khi một đứa trẻ tham gia vào một hoạt động mà người lớn ngăn cản vì cho rằng nó có tính chất nguy hiểm, và tình cờ đứa trẻ ấy bị tổn thương thật. Rất nhiều bậc phụ huynh, để áp đặt con cái suy nghĩ của chính họ, họ đã phản ứng lại với tình huống này theo những kiểu như “Chuyện này sẽ không xảy ra nếu con không cứng đầu như thế” hay “Con đã không nghe lời, và nhìn xem chuyện gì đã xảy ra, Trời phạt con đấy!”, khi nghe những lời tuyên bố như thế này những đứa trẻ sẽ có khuynh hướng nhìn mọi tai nạn hay tổn thương trong tương lai theo hướng bi quan và tạo thành một niềm tin rằng bản thân là một người vô dụng, không xứng đáng để có được sự thành công, hạnh phúc hay tình yêu. Bất kể việc gì làm ta thấy có lỗi đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự tự đánh giá bản thân. Thường thì tội lỗi luôn gắn liền với người xấu, và hầu như ai cũng tin rằng người xấu thì đáng bị trừng phạt. Một số tôn giáo dạy rằng có quá nhiều của cải thì không phải là người lương thiện. Một số người cũng tin rằng việc làm ra quá nhiều tiền là xấu xa, cho dù công việc đó không hề phạm luật hoặc trái với lẽ thường. Bạn có thể không nhớ hoặc không thể tập hợp được những lí do khiến bạn có những niềm tin tiêu cực, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không còn tồn tại. Chúng thường ảnh hưởng đến việc trading của chúng ta dưới hình thức những sai sót trong quá trình tập trung ra quyết định. Ví dụ như đặt lệnh mua thay vì bán và ngược lại, hay chúng khiến bạn suy nghĩ vẫn vơ và rời mắt khỏi màn hình và bạn chỉ nhận ra điều đó khi giật mình nhìn lại và thấy mình đã bỏ lỡ một cơ hội lớn trong ngày. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều trader, mỗi người đều đạt được mức thành công nhất định, nhưng đều thấy rằng mình bị kẹt lại ở mức đó, không thể kiếm nhiều hơn nữa. Họ khám phá ra được những chướng ngại vô hình giống như những trở ngại ngầm mà phụ nữ phải đối mặt khi ở vị trí cao trong công ty hay tập đoàn. Cứ mỗi khi họ chạm đến ngưỡng này, họ sẽ lập tức bị dội ngược lại mặc dù điều kiện thị trường có thuận lợi đến đâu. Tuy nhiên khi hỏi họ tại sao lại như vậy, đa phần họ sẽ đổ lỗi cho vận rủi hoặc do sự thay đổi thất thường của thị trường. Điều thú vị là, những trader này đều đã từng thắng đều đặn trong một khoảng thời gian với một khoảng lợi nhuận gần như cố định, rồi sau đó đột ngột bị tuột giảm khi đang chạm đúng ngưỡng lợi nhuận đó. Tôi gọi hiện tượng tâm lý này là “vùng tiêu cực”. Tiền có thể chảy vào tài khoản của trader một cách thần kì khi họ “ở trong dòng chảy”, và cũng có thể chảy ra khỏi tài khoản khi trader rơi vào “vùng tiêu cực” nơi mà những đánh giá cá nhân tiêu cực chưa được giải quyết và hiển nhiên gây ảnh hưởng xấu đến khả năng phân tích thông tin thị trường và thái độ của trader. Tôi không ngụ ý rằng mọi người phải vô hiệu hóa tất cả những niềm tin gây cảm giác tiêu cực, không cần phải thế. Nhưng bạn phải nhận ra được sự hiện diện của những niềm tin tiêu cực này để kịp có những động thái chuẩn bị trong kế hoạch trading khi chúng bắt đầu thể hiện ra ngoài.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com