Khi bạn lái xe, có phải lúc nào bạn cũng lái theo một cách nhất định? Có phải bạn không hề thay đổi cách lái cho dù bạn đi trong thành phố đông người hay đi trên xa lộ với sáu làn xe trống vắng?
Tất nhiên là không. Bạn sẽ lái xe theo các phong cách lái khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Nếu bạn lái xe trong thành phố theo cách bạn đi trên xa lộ thì thật khủng khiếp! Khi ta thay đổi cách lái xe tức là bạn đã thừa nhận rằng có những cách lái phù hợp cho từng hoàn cảnh, nhưng sẽ không có một cách lái nào phù hợp cho mọi lúc, mọi nơi. Chúng ta phải sử dụng cách lái đúng nhất cho từng hoàn cảnh cụ thể.
Kinh doanh cũng tương tự ở chỗ không có một cách thức kinh doanh nào có thể thành công ở mọi lúc, mọi nơi. Cũng giống như lái xe, bạn phải thay đổi cách thức kinh doanh bằng cách sử dụng các kỹ thuật kinh doanh thích hợp cho từng hoàn cảnh thích hợp.
CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ KINH DOANH NGOẠI HỐI THEO XU HƯỚNG VÀ XU THẾ
Có 3 điều kiện cơ bản sau đây cho kinh doanh ngoại hối:
1. Xu hướng: Tỷ giá của cặp ngoại tệ phải có một hướng nhất định (xem Biểu đồ 6.1);
2. Ổn định: Tỷ giá cặp ngoại tệ giao động giữa mức hỗ trợ và mức kháng cự (xem Biểu đồ 6.2);
3. Tích lũy: Tỷ giá cặp ngoại tệ bị kẹp giữa một khu vực giao động hẹp dần (xem Biểu đồ 6.3).
Các nhà kinh doanh cần tiếp cận mỗi hoàn cảnh bằng một kỹ thuật kinh doanh phù hợp. Các kỹ thuật kinh doanh thị trường xu hướng sẽ không phù hợp khi thị trường đang trong thời kỳ ổn định hoặc đang ở thời kỳ tích lũy; ngược lại các kỹ thuật cho thị trường ổn định sẽ không hiệu quả trong thị trường xu hướng hoặc thị trường đang tích lũy.
Biểu đồ 6.1 Cặp EUR/USD trong xu hướng giảm của biểu đồ ngày
Biểu đồ 6.2 Cặp AUD/CAD bị kẹp giữa một dải giá trong biểu đồ ngày
Biểu đồ 6.3 cặp USD/JPY tích lũy theo một tam giác hướng lên trong biểu đồ ngày
Có một điều bạn cần nhận thức rõ, đó là sự thay đổi của thị trường. Một cặp ngoại tệ hiện đang ở giai đoạn xu hướng rồi sẽ đến lúc đi vào giai đoạn ổn định hoặc tích lũy. Các nhà kinh doanh cần nhanh chóng nhận ra điều này và chuyển hướng kinh doanh bằng việc áp dụng kỹ thuật kinh doanh phù hợp cho từng giai đoạn.
SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC GIỮ SỰ KHÁCH QUAN
Khi bạn lần đầu sử dụng một kỹ thuật kinh doanh mới, bạn có thể gặp may và thành công ngay từ khi bắt đầu. Có thể bạn đã tình cờ sử dụng đúng kỹ thuật kinh doanh vào đúng thời điểm thích hợp nên có được thành công đó. Tuy nhiên, một số người mới vào nghề lại trở nên phởn chí vì họ cảm tưởng rằng họ đã “thuần phục được thị trường”.
Mặt trái của những thành công ban đầu là nhà kinh doanh có thể tiếp tục sử dụng kỹ thuật tương tự ngay cả khi thị trường đã có những thay đổi rõ ràng và kỹ thuật đó không còn phù hợp nữa. Các nhà kinh doanh gọi hiện tượng này là “phải lòng” một lối kinh doanh, dẫn đến những hậu quả vô cùng tai hại.
Nếu hiện tượng này xảy ra với bạn, tôi khuyên bạn nên cố gắng giữ thái độ khách quan và nên xác định rằng những thành công trong ngắn hạn không phải là mục tiêu cuối cùng của việc kinh doanh ngoại hối. Bất cứ ai đều có thể gặp may, tuy nhiên may mắn không ở mãi với bất cứ ai.
Để ví dụ, trong khoảng thời gian 2002-2003, đồng đôla Mỹ mất giá trầm trọng so với phần lớn các ngoại tệ chủ chốt khác. Điều này đã tạo nên một môi trường kinh doanh tương đối dễ dàng vì các kỹ thuật kinh doanh theo xu hướng phát huy rất tốt hiệu quả trong khoảng thời gian này (xem Biểu đồ 6.4).
Biểu đồ 6.4 Cặp USD/CHF trong xu hướng giảm giai đoạn 2002-2003
Rất nhiều học trò của tôi trong giai đoạn này là những người mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm với các kỹ thuật kinh doanh theo xu hướng. Nhưng nhiều người trong số những tay mơ này tự nhiên kiếm được bộn tiền bằng cách sử dụng các kỹ thuật kinh doanh theo xu hướng trong giai đoạn lý tưởng này. Trong khi tôi vừa mừng cho học trò kiếm được tiền, tôi lại vừa lo họ sẽ vướng vào một sự kỳ vọng phi thực tế về thị trường Forex và về kinh doanh nói chung. “không phải lúc nào cũng thuận lợi”, tôi nói với họ, “hãy học thêm các kỹ thuật kinh doanh khác nữa để khi thị trường thay đổi, các bạn đã sẵn sàng”. Một số đã nghe tôi, một số khác thì không.
Quả thật, đầu năm 2004, đồng đôla Mỹ bắt đầu tăng giá và xu hướng thị trường bắt đầu thay đổi (xem Biểu đồ 6.5). Những nhà kinh doanh nhận thức được rằng xu hướng thị trường không bao giờ là bất tận đã có sự chuẩn bị cho thay đổi này để điều chỉnh chiến thuật kinh doanh của họ. Điều không may với những người đã “phải lòng” với kỹ thuật theo xu hướng là tiếp tục sử dụng các kỹ thuật này kể cả khi thị trường đã thay đổi. Họ đã lãnh đủ vì sự thay đổi của thị trường.
Biểu đồ 6.5 Trong năm 2004, cặp USD/CHF kết thúc xu hướng và đi vào thời kỳ tích lũy: Lưu ý tam giác tích lũy ở phía phải của biểu đồ
Là một nhà kinh doanh, bạn đừng bao giờ xa xỉ để “phải lòng” một lối kinh doanh, một chỉ số kỹ thuật hay một cặp ngoại tệ nào. Hãy hiểu rằng thị trường không bao giờ tĩnh tại và việc thay đổi theo các thay đổi của thị trường là tùy thuộc vào nhà kinh doanh.
HÃY BẮT ĐẦU VỚI XU THẾ
Gần như mọi chiến lược kinh doanh tốt để xoay quanh xu thế của thị trường. Nếu chúng ta quan sát thị trường đủ lâu, chúng ta sẽ nhận thấy các xu thế này. Ví dụ, thị trường Forex có xu thế tạo nên những xu hướng mạnh mẽ và dài lâu. Một ví dụ nữa, đó là thị trường này thường có xu thế chạm mức hỗ trợ và kháng cự ở những số tròn, một xu thế tâm lý chung ở bất cứ thị trường giao dịch nào khác (xem Biểu đồ 6.6). Thêm một ví dụ nữa, đó là xu thế đột biến giá rất mạnh ngay sau thời kỳ tích lũy (xem Biểu đồ 6.7). Bất cứ xu thế nào trong số này cũng đều có thể là yếu tố cơ bản để xây dựng một chiến lược kinh doanh.
Biểu đồ 6.6 Tỷ giá cặp EUR/USD chạm mức hỗ trợ liên tiếp ở con số tròn 1,2700
Biểu đồ 6.7 Tỷ giá của cặp GBP/USD tăng vọt sau thời gian tích lũy hẹp trong mùa Xuân 2006
Mọi xu thế thường được hỗ trợ bởi một lý do nào đó. Ví dụ, các mức hỗ trợ và kháng cự thường có xu thế là số tròn vì người ta thường đặt các mức giá vào lệnh, giá dừng lỗ và giá thoát khỏi thị trường là những số tròn.
Vậy tại sao người ta lại có xu thế hành vi này? Có một thực tế là không phải nhà kinh doanh nào cũng nghiên cứu biểu đồ giá trước khi đặt lệnh giao dịch. Có nhiều nhà kinh doanh có sự hiểu biết rất chung chung về các thời điểm đặt lệnh giao dịch. Những nhà kinh doanh này thường đặt các lệnh giao dịch, lệnh dừng lỗ, lệnh thoát ở những mức giá là số tròn, và những lệnh này của họ tập hợp lại thành các mức giá nói trên. Ví lý do này, các con số tròn thường trùng với các mức kháng cự và hỗ trợ chủ yếu trong các thị trường chứng khoán, thị trường giao sau và thị trường Forex.
Đối lập với hiện tượng trên là xu thế giả hoặc xu thế yếu, thường là kết quả của một sự quan sát hời hợt. Những nhận định kiểu như “Đồng Euro thường mạnh vào ngày Thứ Năm”, hoặc “Đồng đôla Canada thường giao động vào kỳ trăng tròn” là những ví dụ về xu thế giả. Những nhận xét như vậy thường chỉ tồn tại một thời gian ngắn vì không có một cơ sở logic nào cho chúng cả. Thực ra bản thân tôi hoàn toàn không xem đây là những xu thế, mà chỉ xếp chúng vào dạng những trùng hợp tình cờ. Xác suất thành công khi chúng ta kinh doanh dựa vào những xu thế giả hoặc xu thế yếu cũng giống như xác suất tung đồng xu (thậm chí còn tệ hơn nếu chúng ta tính cả mức chênh lệch giá mua và bán).
SỬ DỤNG XU HƯỚNG VÀO KINH DOANH
Hãy phân tích một ví dụ về cách thức nhà kinh doanh sử dụng các xu hướng vào việc sinh lợi. Giả dụ khi một thị trường đang ở trong xu hướng đi lên, nó sẽ có một hướng rõ ràng. Ta cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục vì quá khứ đã chỉ cho ta biết rằng trong thị trường Forex, xu hướng có thể kéo dài hàng năm. Nếu chúng ta “vào thế” hợp với xu hướng (đánh lên trong xu hướng tăng và đánh xuống trong xu hướng giảm), ta có thể có cơ hội hưởng lợi lớn.
Có thể bạn đã nghe thành ngữ “Hãy để cho những lệnh thắng của bạn tiếp tục cuộc chơi”. Đây cũng chính là lời khuyên tốt vì nhiều người trong chúng ta có xu thế thoát khỏi lệnh đang thắng quá sớm, đồng thời giữ lại lệnh đang thua quá lâu.
Trong một thị trường xu hướng tăng, việc giữ lại các lệnh đang thắng dễ dàng hơn rất nhiều (và cũng sinh lợi hơn rất nhiều) vì tỷ giá các cặp ngoại tệ có hướng rõ ràng. Chừng nào tỷ giá các cặp ngoại tệ còn dịch chuyển theo hướng cũ, thì các lệnh dừng lỗ càng ít bị chạm đến hơn.
Giờ ta hãy so sánh thị trường xu hướng với thị trường ổn định hoặc thị trường “đi ngang”. Do các cặp ngoại tệ không có hướng rõ ràng, tỷ giá có xu thế quay trở lại điểm ban đầu. Điều này làm cho các nhà đầu tư khó khăn hơn trong việc giữ lại các lệnh giao dịch của họ; buộc họ phải xử lý nhanh việc thoát ra khỏi thị trường. Thị trường đi ngang vẫn có thể giao dịch được, nhưng phải dùng đến những kỹ thuật khác so với thị trường xu hướng.
PHÉP TIÊN TRI TỰ LÀM NÊN
Mỗi xu hướng có một kiểu hình thành khác nhau. Xu hướng tốt nhất là những xu hướng đi thẳng về các góc phía phải của biểu đồ, chỉ cần thoáng qua ta có thể nhận thấy ngay.
Cũng giống như nhiều khía cạnh khác của phân tích kỹ thuật, các xu hướng rõ ràng thường cho hiệu quả cao hơn vì nhiều nhà kinh doanh có thể nhận thấy và xác định được chúng. Nếu có đủ số lượng các nhà đầu tư đặt lệnh trên cơ sở niềm tin rằng cặp ngoại tệ đang đi và xu hướng, thì đó chính là năng lượng tăng thêm cho xu hướng hình thành.
Đó cũng chính là một ví dụ về “phép tiên tri tự làm nên”, dự đoán về một thứ đang hình thành cuối cùng trở thành hiện thực nhờ vào chính bản thân những dự đoán về nó. Nói theo cách khác, nếu các nhà kinh doanh tin rằng một cặp ngoại tệ nào đó đang ở xu hướng tăng, nhiều người trong số họ sẽ đánh lên để đón đầu cơ hội do xu hướng này đưa lại. Lực mua này sẽ đẩy tỷ giá cặp ngoại tệ lên cao hơn, dẫn đến việc hình thành xu hướng mạnh hơn. Phép tiên tri tự làm nên là hiện tượng lặp đi lặp lại trong phân tích kỹ thuật và trong thị trường Forex.
HÃY CHO TÔI ĐẾN VỚI DÒNG SÔNG
Tôi thích so sánh một xu hướng với dòng chảy của một con sông. Nếu bạn đã từng tham gia môn thể thao vượt thác, bạn sẽ biết rằng phần lớn các con sông được xếp hạng dựa trên độ dốc của chúng. Tại điểm cuối sông, dòng chảy chậm và ít có điểm nào để bạn có thể thả bè vượt thác. Nhưng nếu bạn đi dần lên thượng nguồn, tức là phía trên dốc, dòng chảy sẽ mạnh hơn nhiều và bạn tha hồ chọn điểm thả bè.
Giống như người vượt thác, nhà đầu tư nào cũng muốn đạt được mục tiêu của mình. Sử dụng một xu hướng yếu để kinh doanh tất sẽ dẫn đến một kết quả yếu do tỷ giá của cặp ngoại tệ không theo một hướng nào cụ thể. Một xu hướng mạnh thưởng đi kèm một cơ hội lớn và sẽ đưa những nhà kinh doanh đến đích nhanh hơn, xa hơn.
Một vấn đề không kém phần quan trọng đó là nhà kinh doanh nào đi ngược lại xu hướng thì sẽ sớm nhận ra rằng chiếc bè của mình “phơi bụng giữa dòng sông” vì đã chống lại dòng chảy của nó. Đi ngược lại xu hướng là lý do phổ biến của những thất bại của các nhà kinh doanh dài hạn. Do đó bạn phải quyết tâm chỉ giao dịch theo xu hướng và không bao giờ đi ngược lại nó.
Liệu có xu hướng nào là quá mạnh? Một biến động tăng giá mạnh của cổ phiếu, hàng hóa hay ngoại hối thường ẩn chứa tiềm năng dẫn đến một biến động điều chỉnh đột ngột. Hãy cẩn thận với những thời điểm khi mà thị trường đã tích lũy được một lượng lợi nhuận lớn. Tuy nhiên nếu nhà kinh doanh có một chiến lược quản lý rủi ro tốt, đang sử dụng lệnh dừng lỗ một cách hữu hiệu và đang kinh doanh trong một môi trường có độ thanh khoản cao như thị trường Forex thì mức độ rủi ro trong mọi trường hợp đều có thể giảm thiểu và kiểm soát được.
Dòng chảy của con sông có thể quá mạnh. Nếu bạn có dịp thấy chiếc bè bị dòng chảy của thác dữ kéo căng ra như kéo một sợi cao su, bạn có thể thấy hiệu ứng đàn hồi có thể hất người ngồi ra khỏi bè hoặc tung họ lên không như quả bóng. Bạn tự hỏi tại sao tôi lại học được điều này? Đó là vì những người đi bè vượt thác cũng như những nhà kinh doanh đều phải sử dụng tất cả những sự chuẩn bị tự vệ cần thiết cho chuyến đi của mình.
CÁCH THỨC ĐỂ XÁC ĐỊNH THỊ TRƯỜNG ĐANG Ở TRONG XU HƯỚNG
Có một số kỹ thuật chung dùng để xác định xu hướng. Một trong những phương pháp thông dụng nhất là sử dụng các đường trung bình động, thường được nhắc đến dưới cái tên Quy tắc thứ tự của các đường trung bình động, như đã nói đến ở phần trên.
Một cách khác để xác định một cặp ngoại tệ có đang ở trong xu hướng hay không bằng cách sử dụng Chỉ số hướng giá trung bình (ADX). Chỉ số ADX, do J. Welles Wilder đưa ra, cho biết cường độ của một xu hướng mà không tính đến hướng (tăng hay giảm) của xu hướng đó. Các chỉ số ADX cao sẽ cho ta biết các xu hướng mạnh. Ví dụ chỉ số ADX trên 35 là dấu hiệu chỉ báo thị trường đang có xu hướng mạnh (xem Biểu đồ 6.8).
Biểu đồ 6.8 Chỉ số ADX trên 35 và tiếp tục tăng đưa ra chỉ báo về thị trường xu hướng mạnh
Còn một cách khác để xác định thị trường có đang trong xu hướng hay không, đó là sử dụng các đường xu hướng. Một đường xu hướng đơn giản là đường được vẽ ở dưới một xu hướng tăng, hoặc ở trên một xu hướng giảm, đồng thời chỉ báo hướng chung của một cặp ngoại tệ (xem Biểu đồ 6.9).
Chúng ta cần cẩn thận khi sử dụng các đường xu hướng để xác định các điểm chính xác cho các mức hỗ trợ và kháng cự, vì những đường này mang tính chủ quan. Nếu bạn đề nghị mười nhà đầu tư khác nhau vẽ đường xu hướng, bạn sẽ nhận được 10 đường xu hướng khác nhau. Do chúng ta vẽ đường xu hướng có đôi chút khác nhau, chúng ta có những điểm vào lệnh giao dịch và thoát lệnh giao dịch khác nhau. Khái niệm về một “mục tiêu mềm” được sử dụng cho các đường xu hướng cũng như các dạng khác của mức hỗ trợ và kháng cự.
Biểu đồ 6.9 Đường xu hướng cho thấy cặp EUR/JPY đang trong một xu hướng tăng liên tục, mùa Hè 2006