menu
Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG II: TOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG FOREX

Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG II: TOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG FOREX

News Trading

News Trading
Like
2648 View

CHƯƠNG II: TOÀN CẢNH THỊ TRƯỜNG FOREX

Nếu bạn đã từng đi du lịch ra ngoài đất nước của mình thì đấy chính là dịp tốt để bạn thực hiện một vụ giao dịch ngoại hối. Trong phần lớn trường hợp, du khách cần phải đổi đồng tiền “bản địa” để lấy đồng tiền của đất nước mà họ viếng thăm. Cần lưu ý rằng ở đây có hai loại tiền tệ tham gia vào giao dịch, nhưng chỉ có một tỷ giá hối đoái mà thôi.

Ví dụ, khi một du khách người Mỹ vượt qua biên giới để đến Canada, người này phải đổi đồng đôla Mỹ để lấy đồng đôla Canada. Về bản chất, người này đã bán đồng đôla Mỹ và mua đồng đôla Canada.

ĐỒNG ĐÔLA CANADA VÀ ĐỒNG ĐÔLA MỸ

Vào năm 2002, du khách nói trên có thể nhận được khoảng 1,6 đôla Canada cho mỗi đồng đôla Mỹ. Ta có thể nói rằng tỷ giá hối đoái tại thời điểm đó của đôla Mỹ/đôla Canada là khoảng 1,6 đôla Canada trên một đôla Mỹ. Nếu muốn chính xác hơn, chúng ta có thể thêm vào vài số thập phân và thể hiện tỷ giá bằng con số 1,6000.

Trong những năm tiếp theo, tỷ giá trên đã thay đổi một cách mạnh mẽ và giảm xuống còn 1,10 vào năm 2006. Điều này có nghĩa là du khách từ Mỹ sang Canada trong năm 2006 sẽ chỉ nhận được 1,1 đôla Canada cho mỗi đôla Mỹ mà họ chuyển đổi.

Nếu muốn đo những thay đổi nhỏ hơn trong tỷ giá hối đoái, chúng ta có thể thể hiện tỷ giá hối đoái này bằng con số 1,1000. Chúng ta có thể nói chắc rằng đồng đôla Mỹ đã bị hạ giá mạnh so với đồng đôla Canada trong những năm đầu của Thế kỷ 21 (xem Biểu đồ 2.1).

Điều này ảnh hưởng như thế nào đến nhà du lịch của chúng ta? Khi mà tỷ giá đôla Mỹ/đôla Canada giảm thì đồng đô Mỹ sẽ mua được ít hơn hàng hóa và dịch vụ ở Canada so với trước.

Một công dân Mỹ khi hạ cánh xuống Toronto trước đó thường thích nhận một cọc tiền mặt lớn ở quầy thu đổi ngoại tệ tại sân bay. Họ có thể chi tiêu thoải mái vì hàng hóa và dịch vụ ở đây được xem là rẻ hơn khi so sánh với giá cả ở nhà của họ.

Biểu đồ 2.1 Tỷ giá đôla Mỹ/đôla Canada giảm trong giai đoạn 2002 – 2006

Nhưng khi đồng đôla Canada mạnh lên so với đồng đôla Mỹ, tất cả những điều trên đã thay đổi. Cuối cùng thì đồng đôla Canada đã đạt đến sự cân bằng so với đồng đôla Mỹ.

Trong khi điều này có tác động tiêu cực đến những du khách đến từ Mỹ thì ở chiều ngược lại, những du khách đến Mỹ từ Canada vui mừng nhận thấy hàng hóa và dịch vụ ở Mỹ bây giờ đã tương đối rẻ hơn. Khi đồng đôla Mỹ yếu đi, sức mua so sánh của đồng đôla Canada tăng lên.

Du khách Mỹ giờ đây sẽ ít đi du lịch đến Canada hơn. Nếu có đi, họ sẽ chi tiêu ít hơn so với trước đó khi mà tỷ giá hối đoái còn thuận lợi. Du khách Canada thì ngược lại, sẽ đi du lịch Mỹ nhiều hơn vì đồng đôla Canada có thể mua được nhiều hơn hàng hóa và dịch vụ Mỹ so với trước.

ĐỒNG EURO VÀ ĐỒNG ĐÔLA MỸ

Sự mạnh lên của đồng Euro cũng đã tạo nên một hoàn cảnh tương tự. Đồng Euro đã tăng mạnh so với đồng đôla Mỹ trong các năm 2002, 2003 và 2004 từ US$0,85 cents lên đến US$1,35 (xem Biểu đồ 2.2).

Biểu đồ 2.2 tỷ giá Euro/US đôla tăng từ năm 2002 đến năm 2005

Do có sự thay đổi này trong tỷ giá hối đoái, du khách Mỹ thấy rằng kỳ nghỉ ở Châu Âu trở nên đắt đỏ hơn, trong khi những người từ Châu Âu đến Mỹ nhận thấy sức mua của họ đã tăng lên đáng kể.

Điều này đã tạo nên một làn sóng lớn của những người mua sắm từ Châu Âu tràn sang Mỹ, đặc biệt vào dịp kỳ nghỉ lễ Noel. Một nhà kinh doanh Châu Âu giải thích với tôi rằng đối với ông ta việc bay sang New York, ở khách sạn, mua sắm và trở về nhà tính ra còn rẻ hơn là ở nhà để mua sắm.

Bên cạnh sự thật hiển nhiên về việc của cải được và mất trong những sự chuyển động lớn lao kể trên, chúng ta sẽ còn thấy ngay cả những thay đổi nhỏ trong tỷ giá hối đoái cũng có cách tạo ra những được, mất đáng kể. Đấy chính là cách mà các nhà kinh doanh Forex kiếm tiền.

THUẬT NGỮ KINH DOANH FOREX

Các nhà kinh doanh có ngôn ngữ riêng của họ. Họ sử dụng những từ có thể làm cho người ngoài cuộc hoặc người mới nhập cuộc bối rối. Ngôn ngữ kinh doanh gần như là một cái bắt tay ngầm cho phép những nhà kinh doanh khác nhận ra bạn là một thành viên trong cộng đồng của họ.

Đó là phương pháp dành cho sự điên đầu của thuật ngữ kinh doanh. Rất nhiều thuật ngữ cho phép một nhà kinh doanh thể hiện chính xác suy nghĩ của mình thông qua một hai từ nhanh gọn. Trong bất cứ cuộc tranh luận nào về kinh doanh, bạn sẽ thường được nghe những khái niệm như long, short và flat. Trong thực tế, mọi nhà kinh doanh đều luôn ở trạng thái long, short hoặc flat. Vậy những thuật ngữ này có nghĩa là gì?

Đánh lên (going long): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang đánh lên, đó là lúc anh ta vào một lệnh giao dịch mà lệnh đó sẽ chỉ có lãi nếu tỷ giá hối đoái tăng lên.

Đánh xuống (going short): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang bán xuống, đó là lúc anh ta vào một lệnh giao dịch mà lệnh đó chỉ có lãi nếu tỷ giá hối đoái giảm xuống.

Chờ (flat): Khi một nhà kinh doanh nói rằng anh ta đang chờ, đó là lúc anh ta không đánh lên, cũng không đánh xuống. Tại thời điểm đó nhà kinh doanh này không ở trong trạng thái của một lệnh giao dịch nào trên thị trường.

Vậy tại sao các nhà kinh doanh sử dụng các thuật ngữ này? Tại sao họ không dùng từ mua thay từ đánh lên, hoặc dùng từ bán thay từ đánh xuống?

Câu trả lời sẽ rất đơn giản khi ta biết rằng các nhà kinh doanh Forex có thể kiếm tiền kể cả khi tỷ giá lên hoặc xuống. Ví dụ, giả sử bạn bước vào phòng làm việc của tôi và hỏi tôi sẽ kinh doanh như thế nào trong ngày hôm nay và câu trả lời của tôi là “hôm nay tôi sẽ bán”. Có đúng là từ “bán” có thể có hai nghĩa không? Có thể tôi sẽ bán cặp ngoại tệ mà tôi đã mua tuần trước nhằm thu một ít lợi nhuận; hoặc cũng có thể tôi sẽ vào một lệnh bán một cặp ngoại tệ mới trong ngày hôm nay với kỳ vọng sẽ có lãi do tỷ giá hối đoái của chúng sẽ đi xuống.

Tuy nhiên, nếu bạn hỏi tôi cùng một câu như trên và câu trả lời của tôi là “tôi sẽ đánh xuống” thì sẽ không có sự nhầm lẫn nào như đã nói ở trên. Nếu tôi “đánh xuống”, có nghĩa chắc chắn là tôi sẽ có lãi nếu tỷ giá đi xuống và chắc chắn tôi sẽ lỗ nếu tỷ giá đi lên. Sẽ không có sự nhầm lẫn nào hết.

Giả sử bạn hỏi tôi rằng tôi định làm gì trong ngày hôm nay và câu trả lời của tôi dành cho bạn là tôi định “mua” thì từ “mua” ở đây cũng hàm chứa hai nghĩa. Có thể tôi sẽ mua vì tôi ngĩ rằng tỷ giá sẽ đi lên; cũng có thể tôi đã từng vào một lệnh bán vào tuần trước và tỷ giá từ đó đến nay đã đi xuống. Để thu lợi nhuận và đóng lệnh mua cũ, tôi cần mua trả lại cặp ngoại tệ tôi đã bán tuần trước. Giao dịch này được gọi là “hoàn lệnh đánh xuống”.

Nếu tôi hoàn một lệnh nào đó và không còn lệnh mở nào trên thị trường, thì tức là tôi đang ở trạng thái “chờ”.

Nếu tôi trả lời bạn là “tôi sẽ đánh lên trong ngày hôm nay” thì câu này chỉ có một nghĩa duy nhất. Nó có nghĩa là nếu tỷ giá hối đoái đi lên, tôi sẽ có lãi; nếu trỷ giá hối đoái đi xuống, tôi sẽ bị lỗ. Việc sử dụng các thuật ngữ này sẽ loại bỏ sự không rõ ràng nhờ chúng mô tả chính xác hoạt động kinh doanh.

PIP là gì?

PIP là mức thay đổi giá nhỏ nhất trên thị trường Forex. Đây là từ viết tắt của cụm từ “điểm phần trăm” (percentage in point). Bạn có thể trở lại ví dụ trước: tỷ giá hối đoái giữa cặp ngoại tệ US đôla/Canada đôla là 1,10 và chúng ta đã thêm các số thập phân thành 1,1000 là để nhằm tính toán chính xác hơn.

Lý do làm cho tỷ giá chính xác hơn ở chỗ nó cho phép chúng ta thể hiện sự thay đổi nhỏ nhất có thể trong tỷ giá hối đoái. Ví dụ, giả sử tỷ giá tăng từ 1,1000 lên 1,1001. Chúng ta nói rằng tỷ giá đã tăng lên 1 pip, là mức tăng nhỏ nhất có thể.

Những loại ngoai tệ chủ yếu

Dưới đây là danh mục một số loại ngoai tệ được kinh doanh sôi động nhất kèm theo các chữ viết tắt (code) của mỗi loại ngoai tệ đó. Lưu ý rằng đây chỉ là một phần của bảng danh mục vì ngày nay trên thị trường thế giới có rất nhiều loại ngoai tệ được đưa vào kinh doanh.

EUR = Euro

GBP = Bảng Anh

USD = Đôla Mỹ

JPY = Yên Nhật

CHF = Frăng Thụy Sỹ

CAD = Đôla Canada

AUD = Đôla Úc

NZD = Đôla New Zealand

Những tên lóng

Nhiều loại ngoại hối mang những tên long khác nhau. Các nhà kinh doanh thích dùng tiếng lóng, do vậy bạn cần biết những tên lóng này để hiểu họ muốn nói gì. Sau đây là một số ví dụ.

Đôla Mỹ: “Greenback” hoặc “Buck”

Bảng Anh: “Cable” hoặc “Sterling”

Euro: “Single Currency”

Frăng Thụy Sỹ: “Swissy”

Đôla Canada: “Loonie”

Đôla Úc: “Aussie”

Đôla New Zealand: “Kiwi”

Nguồn gốc của những tên lóng này cũng là chủ đề tranh luận thú vị. Ví dụ, Euro được gọi là “Single currency” vì nó là loại một tiền được nhiều nước sử dụng. Còn “Kiwi” là loài chim ăn đêm, không bay được, và là biểu tượng quốc gia của New Zealand.

Trước đây đã lâu đồng Bảng Anh từng được xem là đồng tiền chủ chốt và nó được chuyển qua lại liên tục giữa Châu Âu và Bắc Mỹ thông qua điện tín (cable). Nhiều năm sau, cái tên lóng “cable” vẫn tồn tại. Xét về nguồn gốc, đồng Bảng vốn ngang giá với một pound2 Bạc nguyên chất (sterling silver), do đó nó được gọi là “Pound Sterling” hoặc đơn giản là “Sterling”.

“Loonie” là tên gọi không chính thức nhưng rất thông dụng đồng xu 1 đôla màu vàng, có khảm bạc của Canada. Tên lóng xuất phát từ bức hình con chim lặn gavia (Loon), là một loài chim hiếm, trên một mặt của đồng xu.

Các ngân hành trung ương

Mọi nước (trong trường hợp Châu Âu là một nhóm nước) đều có một mức lãi suất tín dụng tương ứng và mức lãi suất này được ngân hàng trung ương (Central Bank) xác định. Những người kinh doanh Forex theo dõi rất cẩn thận các mức lãi suất này vì chúng có tác động rất lớn đến tỷ suất hối đoái. Sau đây là một số ngân hàng trung ương của một số nước và nhóm nước:

Liên minh Châu Âu : European Central Bank (ECB)

Vương quốc Anh : Bank of England (BoE)

Mỹ : Federal Reserve (Fed)

Nhật : Bank of Japan (BoJ)

Thụy Sỹ : National Bank (SNB)

Canada : Bank of Canada (BoC)

Úc : Reserve Bank of Australia (RBA)

New Zealand : Reserve Bank of New Zealand (RBNZ)

Những ngân hàng trung ương này thường nâng mức lãi suất để chống lạm phát, hạ mức lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoạt động của chúng tạo ra các biến động trong tỷ giá hối đoái và đó là những công cụ hỗ trợ cho nhiều chiến lược kinh doanh Forex khác nhau.

Những cặp ngoại tệ thông dụng

Sau đây là những cặp ngoại tệ thông dụng nhất:

EUR/USD Euro- đôla Mỹ

USD/JPY Đôla Mỹ – Yên Nhật

GBP/USD Bảng Anh – đôla Mỹ

USD/CHF Đôla Mỹ – Frăng Thụy sỹ

AUD/USD Đôla Úc – đôla Mỹ

USD/CAD Đôla Mỹ – đôla Canada

NZD/USD Đôla New Zealand – đôla Mỹ

EUR/JPY Euro – Yên Nhật

EUR/GBP Euro – Bảng Anh

GBP/CHF Bảng Anh – Frăng Thụy sỹ

EUR/AUD Euro – đôla Úc

Loại ngoại tệ đứng đầu trong một cặp ngoại tệ được gọi là ngoại tệ cơ sở, ngoại tệ đứng sau trong cặp ngoại tệ được gọi là ngoại tệ đối ứng hoặc ngoại tệ đặt giá. Ví dụ trong trường hợp cặp ngoại tệ Euro/đôla Mỹ (Eur/USD), đồng euro được gọi là đồng tiền cơ sở của cặp ngoại tệ này, còn đồng đôla Mỹ được gọi là đồng tiền đối ứng.

Vậy ai là người quy định loại ngoại tệ nào là đồng tiền cơ sở và loại ngoại tệ nào là đồng tiền đối ứng hoặc đồng tiền đặt giá? Nhiệm vụ này là của Tổ chức Định chuẩn Quốc tế (International Organization for Standardization –ISO). ISO là người xác định các cụm từ viết tắt tên các ngoại tệ và thứ tự của các loại ngoại tệ trong từng cặp ngoại tệ.

Bất cứ khi nào một cặp ngoại tệ trong biểu đồ biến động tăng, điều đó có nghĩa là đồng ngoại tệ cơ sở mạnh lên so với đồng ngoại tệ đối ứng. Điều này đúng với tất cả các cặp ngoại tệ (xem Biểu đồ 2.3).

Biểu đồ 2.3 Đồng ngoại tệ cơ sở mạnh lên so với đồng ngoại tệ đối ứng

Điều này cũng đúng với hướng ngược lại: nếu đồng ngoại tệ cơ sở có mức tăng trưởng yếu hơn so với đồng ngoại tệ đối ứng, biểu đồ sẽ cho thấy tỷ giá hối đoái của cặp ngoại tệ đó đi xuống (xem Biểu đồ 2.4).

Lot là gì?

Trong thị trường chứng khoán, các nhà kinh doanh mua và bán các cổ phiếu. Trong thị trường tương lai (thị trường giao sau) các nhà kinh doanh mua và bán các hợp đồng. Còn trong thị trường Forex, các nhà kinh doanh mua và bán các lot. Một lot là khối lượng giao dịch nhỏ nhất để các nhà kinh doanh có thể vào lệnh giao dịch.

Mỗi một lot bao gồm 100.000 đơn vị ngoại tệ. Nếu bạn đánh lên một lot của cặp Eur/USD tức là trên thực tế bạn đã đánh lên 100.000 đơn vị ngoại tệ cơ sở và đồng thời đánh xuống 100.000 đơn vị ngoại tệ đối ứng. Như vậy, một nhà kinh doanh đánh lên một lot của cặp Eur/USD thì cũng có nghĩa là anh ta đánh lên 10.000 Euro, đồng thời anh ta cũng đánh xuống một số lượng tương ứng đôla Mỹ.

Vào lệnh (Entry)

Vào lệnh hoặc điểm vào lệnh là thời điểm lệnh đánh lên hoặc đánh xuống được mở. Đây là lúc giao dịch bắt đầu.

Biểu đồ 2.4 Đồng ngoại tệ cơ sở yếu đi so với đồng ngoại tệ đối ứng

Lệnh dừng hoặc lệnh dừng lỗ (Stop hoặc Protective Stop)

Một lệnh dừng là lệnh được đặt để thoát ra khỏi giao dịch khi tỷ giá hối đoái biến động theo hướng bất lợi cho nhà kinh doanh. Lệnh này được đặt nhằm kiểm soát lỗ ở mức tối thiểu và có thể kiểm soát được.

Mục tiêu (Target)

Mục tiêu được đặt nhằm thoát ra khỏi giao dịch trong trường hợp tỷ giá đang biến đổi theo hướng có lợi cho nhà kinh doanh. Lệnh mục tiêu còn được gọi là lệnh thu lợi (take-profit order).

Thị trường giao ngay hoặc thị trường tiền mặt (Spot Market hoặc Cash Market)

Giá giao ngay là giá trị của một vật, hay một mặt hàng ngay tại thời điểm hiện tại. Giá này khác với hợp đồng tương lai, khi giá trị của một vật hay mặt hàng được tính trong tương lai.

Giả dụ bạn muốn mua một chai nước. Bạn đang khát và bạn muốn có ngay chai nước. Người bán hàng tính 1 đôla cho chai nước bạn mua. Như vậy, 1 đôla là giá giao ngay của chai nước tại cửa hiệu đó; nói cách khác đó là giá được trả ngay tại thời điểm đó.

Ở một khía cạnh khác, giả sử bạn muốn trả giá chai nước mà bạn muốn trong tương lai. Bạn thỏa thuận với chủ hiệu, có tính đến lạm phát, quan hệ cung cầu và yếu tố bất định của tương lai. Bạn đồng ý mua chai nước với giá 1,05 đôla. Như thế, bạn đã thỏa thuận một hợp đồng tương lai cho chai nước.

Khi bạn thấy nhắc đến thị trường “spot” hoặc thị trường “cash” thì đấy là để phân biệt giữa thị trường giao ngay và thị trường giao sau.

Thanh khoản (liquid)

Một thị trường có tính thanh khoản, hay một thị trường “dày” là thị trường mà trong đó mọi hoạt động mua và bán đều diễn ra dễ dàng. Thị trường Forex có được điều này vì ở đó có nhiều hơn người mua và nhiều hơn người bán. Một thị trường ít người mua và bán được gọi là thị trường kém thanh khoản (Illiquid market).

Đòn bẩy (Leverage)

Đòn bẩy là khả năng kiểm soát một lượng vốn kinh doanh lớn bởi một lượng vốn đầu tư ban đầu tương đối nhỏ.

Ví dụ, một lot của một cặp ngoại tệ có giá trị 100.000 đơn vị tiền tệ, tức là 100.000 euro hoặc 100.000 đôla Mỹ chẳng hạn. Vậy liệu bạn có cần phải có số vốn đặt trong tài khoản ít nhất là 100.000 euro hoặc 100.000 đôla Mỹ để có thể giao dịch 1 lot của cặp ngoại tệ EUR/USD không?

Không cần, bạn có thể kiểm soát một lot với một số vốn trong tài khoản thậm chí chỉ bằng 1/200 giá trị của lot giao dịch. Ta nói rằng nhà kinh doanh giao dịch 1 lot theo cách trên đang sử dụng đòn bẩy 1 ăn 200. Số lần của đòn bẩy được các nhà kinh doanh sử dụng dựa trên nhu cầu cá nhân của họ, cũng như “vùng an toàn” do họ xác định.

Hỗ trợ (Support)

Hỗ trợ là một vùng ở trên biểu đồ giá nơi mà xu hướng giảm giá ngừng lại. Điểm hỗ trợ không không phải là một điểm giá chính xác nào, mà nó là một vùng. Hãy nghĩ rằng điểm hỗ trợ là sàn nhà dưới chân bạn (xem Biểu đồ 2.5).

Biểu đồ 2.5 Tỷ giá cặp ngoại tệ EUR/USD được hỗ trợ liên tục ở mức 1.2700

Kháng cự (Resistance)

Kháng cự là một vùng ở trên biểu đồ giá nơi mà xu hướng tăng giá dừng lại. Giống như điểm hỗ trợ, điểm kháng cự là một vùng giá chứ không phải là một mức giá chính xác nào đó. Hãy nghĩ rằng điểm kháng cự như là trần nhà trên đầu bạn (xem Biểu đồ 2.6).

Phá xu thế (Breakout)

Phá xu thế xuất hiện khi giá của cặp ngoại tệ vượt xuống dưới điểm hỗ trợ hoặc vượt lên trên điểm kháng cự (xem Biểu đồ 2.7).

Xu hướng (Trend)

Một xu hướng xuất hiện khi tỷ giá hối đoái giao động cố định theo một hướng, hoặc thấp dần, hoặc cao dần (xem Biểu đồ 2.8).

Biểu đồ 2.6 Tỷ giá cặp ngoại tệ USD/JPY gặp điểm kháng cự tại 119.00

Biểu đồ 2.7 Phá xu thế ở cặp ngoại tệ USD/CAD

Biều đồ 2.8 Một xu thế được hình thành ở cặp ngoại tệ AUD/USD

Dải giá (Range)

Dải giá xuất hiện khi tỷ giá hối đoái không có một hướng rõ ràng nào, đồng thời được giới hạn trong một khoảng hỗ trợ và kháng cự tương đối rõ ràng nào đó (xem Biểu đồ 2.9).

Tích lũy (Consolidation)

Hiện tương tích lũy xảy ra khi tỷ giá hối đoái bị giới hạn giữa mức hỗ trợ và kháng cự hẹp dần. Hiện tượng tích lũy thường dẫn đến hiện tượng phá xu thế (Breakout) (xem Biểu đồ 2.10).

Tính biến động (Volatility)

Tính biến động là mức độ giao động tỷ giá kỳ vọng của một cặp ngoại tệ trong một khoảng thời gian định trước. Một cặp ngoại tệ có tính biến động cao có xu hướng tạo những thay đổi nhanh và mạnh, trong khi một cặp ngoại tệ có tính biến động thấp thường được giao dịch trong một khoảng giá dễ dự đoán hơn.

Cách để hiểu về tỷ giá hối đoái một cách dễ dàng hơn

Tỷ giá sẽ dễ hiểu hơn nếu bạn cho rằng đồng ngoại tệ cơ sở là ứng với số “một”. Giả dụ tỷ giá hối đoái của cặp EUR/USD là 1,2904. Đồng ngoại tệ cơ bản là đồng Euro vì nó nằm ở vị trí đầu tiên của cặp ngoại tệ. Hãy xem đồng Euro ứng với số 1 theo cách nghĩ “một Euro bằng 1,2904 đôla Mỹ”. Điều này có nghĩa là 1 Euro có giá trị bằng 1,2904 đôla Mỹ.

Biểu đồ 2.9 Cặp USD/JPY giao động giữa mức hỗ trợ và kháng cự

Biểu đồ 2.10 Cặp ngoại tệ GBP/USD tích lũy trước khi phá xu thế

Hãy thử cách này với bất cứ cặp ngoại tệ nào. Nếu cặp GBP/USD có tỷ giá là 1,9012 thì ta có thể nói rằng một Bảng Anh bằng 1,9012 đôla Mỹ. Nếu cặp USD/JPY có tỷ giá là 115,00 thì ta có thể nói một đôla Mỹ bằng đúng 115 Yên Nhật.

Vậy làm thế nào để chuyển tải những giao động tỷ giá này thành kiến thức cơ bản của nhà kinh doanh Forex?

Khi giao dịch cặp EUR/USD, nhà kinh doanh ở Mỹ sẽ lưu ý rằng cặp này có một mức giá cố định là 10 đôla cho mỗi pip. Trên thực tế, điều này đúng với tất cả các cặp ngoại tệ mà trong đó đồng đôla Mỹ giữ vai trò đồng ngoại tệ đối ứng. GBP/USD, AUD/USD và NZD/USD cũng đều có mức giá cố định là 10 đôla Mỹ trên 1 pip. Do đó, trong bất cứ cặp ngoại tệ nào có đôla Mỹ với tư cách là đồng đối ứng, nếu tỷ giá chuyển động cứ 10 pip theo hướng có lợi thì có nghĩa là 100 đôla đã được tạo ra, ngược lại nếu tỷ giá chuyển động cứ 10 pip theo hướng bất lợi thì có nghĩa là nó tạo ra một khoản lỗ 100 đôla Mỹ. Do cặp EUR/USD dao động trung bình khoảng 100 pip mỗi ngày, việc lỗ hoặc lãi 10 pip có thể dễ dàng xảy ra.

Nếu kịch bản này tạo nên mức rủi ro lớn hơn mong muốn của một nhà kinh doanh Forex, anh ta có thể mở một tài khoản “mini”. Trong một tài khoản mini, cặp EUR/USD có giá trị pip cố định là 1 đôla Mỹ. Trong trường hợp này, một sự chuyển động 10 pip theo hướng có lợi sẽ tạo ra lợi nhuận 10 đôla Mỹ, một sự chuyển động 10 pip theo hướng bất lợi sẽ tạo khoản lỗ 10 đôla Mỹ.

Đến đây thì bạn đã học được kha khá về Forex, Tuy nhiên, có lẽ bạn sẽ có một vài câu hỏi….

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com