Harami – Mô hình nến mẹ bồng con là một mô hình rất dễ dàng nhận diện khi xuất hiện trên biểu đồ giá, nó được xem là tín hiệu báo hiệu sự đảo chiều của thị trường. Tuy nhiên, mô hình này lại thuộc vào nhóm những mô hình nến dễ khiến nhà đầu tư “chết tức tưởi”. Bởi tín hiệu của nó có xác suất đảo chiều không chắc chắn, đôi khi nến mẹ bồng con xuất hiện nhưng sau đó thì chẳng có sự đảo chiều nào. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về mô hình nến này để tránh đưa ra các quyết định sai lầm bạn nhé!
Mô hình nến mẹ bồng con – Harami
Mô hình nến mẹ bồng con được xem là sự báo hiệu đảo chiều xu hướng của thị trường khi nó xuất hiện trên biểu đồ giá. Mô hình này gồm một cụm 2 nến, nến đứng trước là một cây nến dài và sau nó là một cây nến ngắn có phần thân nằm gói gọn bên trong cây nến dài đầu tiên. Mặc dù, Harami được xem là mô hình nến đảo chiều, nhưng nó không phải là đại diện tiêu biểu cho nhóm mô hình này.
Mô hình này có thể áp dụng cho mọi khung thời gian và tất cả các cặp tiền. Khi Harami xuất hiện có nghĩa là xu hướng hình thành trước đó đã suy yếu dần đi và sắp có sự đảo chiều xảy ra, nhiều nhà đầu tư sẽ thực hiện vào lệnh call ngay lập tức khi thấy mô hình nến Harami xuất hiện trên biểu đồ giá.
Lưu ý:
Thế nhưng, bạn cần cẩn thận khi sử dụng tín hiệu từ mô hình này, bởi vì sẽ có nhiều mô hình nến phát ra những tính hiệu bị nhiễu, không có xác suất xảy ra cao và Harami là một trong số đó. Hãy chờ đợi một tín hiệu xác nhận chính xác hơn sau khi mô hình này xuất hiện để có thể đưa ra quyết định đúng đắn bạn nhé!.
Đặc điểm nhận dạng mô hình nến mẹ bồng con
- Đây là mô hình có kết cấu gồm 2 cây nến.
- Cây nến đầu là một nến dài, có thể là nến tăng hoặc nến giảm đều được.
- Cây nến thứ 2 là một cây nến có thân ngắn và được bao trọn bởi cây nến dài đứng trước nó
- Mô hình này được chia thành 2 loại là Bearish Harami và Bullish Harami đại diện cho 2 tình huống đảo chiều xu hướng tăng và đảo chiều xu hướng giảm.
Mô hình nến Bearish Harami
Đây là mô hình đại diện cho sự đảo chiều giảm, khi thị trường đang trong một xu hướng tăng giá thì trên biểu đồ giá hình thành một cây nến tăng dài có thể tạo ra đỉnh xu hướng mới. Nó cho thấy rằng phe mua đang nắm quyền điều khiển thị trường trong tay.
Thế nhưng đến ngày kế tiếp, xu hướng giá bắt đầu giảm đi và có những giao động lên xuống nhẹ và đến cuối ngày khi đóng cửa thì giá trở về mức giá bằng với giá mở cửa. Nếu phe mua vẫn còn nắm quyền kiểm soát thì ngày kế tiếp mức giá sẽ vọt lên cao, hình thành một đỉnh xu hướng mới cho một xu hướng tăng. Dù vậy, nó lại không xảy ra, xu hướng thị trường đi xuống và giá đóng cửa thấp hơn mức giá của ngày trước đó.
Điều này cho thấy rằng, mô hình Bearish Harami cho thấy khả năng thị trường có thể đảo chiều đi xuống hoặc ở trạng thái sideway trong một khoảng ngắn hạn, nguyên nhân là do lực mua đã giảm đi.
Một số điểm nhận biết giúp tăng hiệu quả của mô hình nến Bearish Harami
- Vị trí của cây nến thứ 2 càng ở giữa phần thân của cây nến thứ nhất thì xác suất xu hướng sẽ đảo chiều cao hơn. Lưu ý rằng, nếu sau một xu hướng tăng cây nến thứ 2 nằm ở vị trí phần trên của thân nến cây nến thứ nhất, thì khả năng thị trường sau đó sẽ rơi vào trạng thái sideway sẽ cao hơn là đảo chiều xuống.
- Các mức giá mở cửa, đóng cửa, giá đỉnh và giá đáy nằm trong thân nến thứ 1 càng nhiều thì khả năng đảo chiều sau đó càng lớn.
- Nếu cây nến thứ 2 càng giống nến Doji với bóng nến và thân nến nhỏ thì xác suất đảo chiều xu hướng sau đó sẽ càng được khẳng định.
Trường hợp mô hình nến Bearish Harami tạo vùng tích lũy trong xu hướng tăng giá và kháng cự
Thường thì, bạn sẽ thấy mô hình này xuất hiện sau một xu hướng tăng mạnh mẽ với giá được đẩy lên cao một cách nhanh chóng. Quan sát biểu đồ có thể nhận thấy 2 khoảng giá tăng vọt tăng lên và sau đó hình thành một cây nến dài.
Thế nhưng ở ngày kế tiếp giá lại đi xuống và đến khi đóng cửa mức giá còn thấp hơn cả giá mở cửa. Cây nến thứ 2 trong mô hình là nến giảm, thể hiện một sự thiếu chắc chắn. Giá của thị trường trong suốt khoảng thời gian này chưa có mức nào vượt qua được giá đóng cửa của nến đầu tiên. Đến khi đường kháng cự được xác nhận thì giá mới thật sự đảo chiều. Xu hướng chính xác của hình ví dụ này là thị trường sideway và sau đó giảm dần.
Trường hợp mô hình nến Bearish Harami với nến thứ 2 gần giống nến Doji
Trên biểu đồ giá, trong mô hình nến Bearish Harami cây nến thứ 2 có hình dáng giống như một nến Doji (hình chữ thập). Khi giá thị trường tăng lên thêm 10% và nến thứ nhất là một nến tăng tạo ra đỉnh xu hướng tăng, cây nến thứ 2 có hình chữ thập xuất hiện. Nó thể hiện cho trạng thái lưỡng lự của thị trường, mức giá đóng và mở cửa của nến này nhỏ hơn mức giá đóng cửa của cây nến thứ 1. Điều này sẽ làm phe mua e ngại vì xu hướng thay đổi đảo chiều giảm xuống.
Mô hình nến Bullish Harami
Ngược lại với mô hình nến Bearish Harami, mô hình nến này là tín hiệu của sự đảo chiều tăng của xu hướng giá. Khi thị trường đang tồn tại một xu hướng giảm giá thì trên biểu đồ hình thành thêm một cây nến giảm dài, khẳng định rằng phe bán vẫn đang kiểm soát thị trường.
Nhưng đến ngày thứ 2, giá lại hình thành 1 khoảng gap tăng, thị trường giao động nhẹ thể hiện sự cân bằng giữa phe mua và phe bán. Tình trạng thiếu quyết đoán của thị trường báo hiệu sau đó có thể sẽ là trạng thái sideway hoặc đảo chiều tăng giá do phe bán đã suy giảm sức ảnh hưởng.
Một số điểm nhận biết giúp tăng hiệu quả của mô hình nến Bullish Harami
- Vị trí của cây nến thứ 2 càng ở giữa phần thân của cây nến thứ nhất thì xác suất xu hướng sẽ đảo chiều cao hơn. Thế nhưng bạn cần lưu ý, nếu sau một xu hướng giảm cây nến thứ 2 nằm ở vị trí phần dưới của thân nến cây nến thứ nhất, thì khả năng thị trường sau đó sẽ rơi vào trạng thái sideway sẽ cao hơn là đảo chiều đi lên.
- Các mức giá mở cửa, đóng cửa, giá đỉnh và giá đáy nằm trong thân nến thứ 1 càng nhiều thì khả năng đảo chiều tăng giá sau đó càng lớn.
- Nếu cây nến thứ 2 càng giống nến Doji với bóng nến và thân nến nhỏ thì xác suất đảo chiều xu hướng tăng sau đó sẽ càng được khẳng định mạnh mẽ hơn.
Trường hợp mô hình nến Bullish Harami tạo nên sự tích lũy và vùng hỗ trợ trong xu hướng tăng giá
Sau thời gian một vài tuần giá di chuyển theo hướng giảm dần, biểu đồ xuất hiện 2 cây nến có xu hướng giảm mạnh khiến mức giá thị trường xuống rất thấp, tạo nên một đáy mới cho xu hướng giảm giá. Phe bán dồn lực đẩy giá thị trường đi xuống rất sâu, đến ngày thứ 2 cây nến thứ 2 xuất hiện hình thành một khoảng gap tăng. Cây nến thứ 2 báo hiệu rằng xu hướng thị trường đang dần có sự thay đổi. Ngay phía sau cây nến thứ 2 là một cây nến tăng hình thành cho thấy xu hướng đang dần đi lên. Ở cây nến thứ 7 và thứ 9 trên biểu đồ giá đã được test và có được sự hỗ trợ từ đường hỗ trợ hình thành bởi giá đáy của cây nến đầu tiên.
Trường hợp mô hình nến Bullish Harami với nến thứ 2 gần giống nến Doji
Quan sát ảnh minh họa, ta có thể thấy biểu đồ giá cón đến 4 cây nến giảm giá liên tiếp nhau, và cây nến thứ 4 là cây nến đầu tiên trong mô hình Bullish Harami có xu hướng giảm mạnh nhất với phần thân dài. Cây nến kế tiếp xuất hiện hình thành một khoảng gap giá tăng, cây nến này có hình dáng của 1 nến Doji và có vị trí nằm tại giữa thân cây nến dài đầu tiên trong mô hình thể hiện rằng phe bán đang nắm quyền kiểm soát và đồn lực đẩy xuống vô cùng thấp. Đến ngày tiếp theo nến Doji xuất hiện cho thấy giá đã có sự điều chỉnh. Cây nến giảm thứ 1 đã tạo ra vùng hỗ trợ tại mức giá đóng cửa và được khẳng định ở các tuần sau đó.