menu
Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG XX: NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG BIẾT CÓ THỂ HẠI BẠN

Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG XX: NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG BIẾT CÓ THỂ HẠI BẠN

News Trading

News Trading
Like
819 View

Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG XX: NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG BIẾT CÓ THỂ HẠI BẠN

Nội dung ngắn sau đây của cuốn sách có thể sẽ tạo ra một vài đảo lộn nho nhỏ. Nếu bạn đã từng nghe về việc thỉnh thoảng tôi lại biến mất vì những lý do bí ẩn nào đó, thì đó có lẽ cũng bởi những gì sẽ được trình bày trong chương này.

Mấy trang tiếp đây không phải là để dọa bạn, mà là để đưa đến cho bạn một vài thực tế của nghề kinh doanh. Tôi muốn bạn biết về những cạm bẫy luôn rình rập những kẻ chủ quan và thiếu hiểu biết. Nếu tôi có thể giúp bạn đi đúng đường và bảo vệ bạn khỏi bị kéo vào những cạm bẫy này, cơ hội thắng lợi của bạn sẽ tăng lên rất nhiều. Được cảnh báo trước cũng có nghĩa là tự bảo vệ trước.

Bạn vẫn thường nghe về những khoản lãi lớn. Bạn cũng sẽ nghe những người môi giới khoác lác về tỷ lệ giao dịch thắng lợi tới 90% hay 95% và vân vân. Bạn sẽ nghe rằng bạn có thể thắng nhiều phiên giao dịch liên tục và đều đặn.

Vậy có gì xấu với các giao dịch thắng lợi? Chúng ta cảm thấy thú vị khi chiến thắng, có đúng thế không? Đúng vậy, bằng nổ lực thuyết phục bạn mua một sản phẩm hoặc một dịch vụ với hứa hẹn thành công cao như vậy (thậm chí đôi khi họ còn hứa cả số các phiên giao dịch thắng liên tục nữa!), người môi giới thực ra đang tính toán trên mong ước chiến thắng của bạn nhằm gài ý tưởng của họ vào dòng suy xét của bạn.

Vẫn có thể tạo được 90% các phiên chiến thắng mà vẫn bị mất tiền. Ngược lại, có rất nhiều nhà kinh doanh thành đạt lại có các phiên giao dịch thua lỗ nhiều hơn con số các phiên thành công. Tỷ lệ các phiên giao dịch thành công không liên quan gì đến kết quả cuối cùng của một nhà kinh doanh Forex. Phần lớn các viện dẫn về tỷ lệ các phiên giao dịch thắng lợi chẳng qua chỉ là các mánh để bán hàng, nhắm vào ước muốn “thắng” của nhà kinh doanh.

BẪY HỚ

Bạn có muốn biết làm cách nào để tạo nên tỷ lệ cao các phiên giao dịch có lãi không? Thế thì hãy thử giao dịch không đặt lệnh dừng lỗ (tức là vi phạm mọi nguyên tắc quản lý rủi ro và chắc chắn sẽ dẫn đến thua lỗ) đồng thời thu lãi nhanh khi có phát sinh. Theo cách này, chúng ta sẽ giữ lại mọi lệnh giao dịch cho đến khi hoặc lệnh giao dịch có lãi, hoặc tài khoản của bạn bị cháy.

Nếu bạn thấy điều này buồn cười thì bởi nó đúng là như thế. Tuy nhiên cần làm rõ tại sao. Tôi lấy làm buồn khi nói với các bạn rằng đây là cách rất nhiều người đanh giao dịch Forex. Họ có thể gặp may trong một thời gian và ban đầu có thể có được một số phiên giao dịch với lợi nhuận kha khá, nhưng sau đó họ sẽ cháy túi chỉ với một khoản lỗ lớn vào một thời điểm nào đó. Tỷ lệ các phiên thắng so với các phiên thua của họ vẫn rất ấn tượng, nhưng tài khoản của họ thì không còn.

Trên thực tế, người ta còn dạy cả cái gọi là kỹ thuật kinh doanh với hứa hẹn bao nhiêu phiên giao dịch liên tiếp thắng. Tôi đã từng nghe những hứa hẹn 20 phiên liên tiếp thắng, 50 phiên liên tiếp thắng, và nhiều hơn nữa.

Điều này cũng giống như ta tung đồng xu 50 lần với mong muốn rằng đồng xu sẽ luôn luôn sấp. Người kinh doanh theo cách này không chỉ mất tiền về lâu về dài, họ còn đau hơn khi phải trả tiền cho ai đó để học một kỹ thuật kinh doanh chắc chắn đem lại thua lỗ.

HÃY BIẾT KHI NÀO THÌ NÊN RÚT LUI

Việc định ra tỷ lệ phiên thắng so với phiên thua cũng giống như một căn bệnh, và tôi đã quyết tâm chữa trị căn bệnh lan tràn này càng sớm càng tốt.

Tôi muốn bạn xem mình như là một viên tướng trong cuộc chiến. Tài sản lớn nhất của bạn là những người lính. Bạn muốn sử dụng những người lính này một cách hợp lý nhất. Khi thời cơ tấn công đến, bạn đưa họ ra trận để chiến đấu, những nếu bạn thua trong trận chiến này, bạn cần rút quân về. Nếu không, bạn sẽ hy sinh những người lính còn lại của mình một cách không cần thiết, đồng thời làm yếu đi tổng thể lực lượng của mình. Mục tiêu của bạn không phải là thắng trong mọi trận chiến, mà là thắng cả cuộc chiến tranh.

Kinh doanh cũng rất giống như thế. Để thắng cả cuộc chiến tranh, bạn phải chấp nhận thua một số trận chiến. Hoặc, chính xác hơn, bạn cần phải chấp nhận những thất bại nhỏ để bảo vệ mục tiêu giành chiến thắng lớn.

Phần lớn những khoản thua lỗ lớn trong kinh doanh đều có một điểm chung là sự không sẵn sàng chấp nhận thua lỗ. Từ vụ phá hoại của Nick Leeson5 ở Ngân hàng Barings đến thất bại của Quỹ bảo trợ LTCM6 đều từ lý do này. Còn rất nhiều các ví dụ khác về những thảm họa tài chính được bắt đầu bởi thiếu sự chấp nhận một khoản thua lỗ chiến lược.

CHIẾN LƯỢC “95% PHIÊN GIAO DỊCH THẮNG”

Để chứng minh cho luận điểm của mình, tôi đã mở một tài khoản demo và tiến hành đặt các lệnh giao dịch theo “chiến lược” giữ lệnh cho thua lỗ để chờ khi lệnh giao dịch trở lại có lãi, và khi đó sẽ chốt một khoản lãi nhỏ nào đó (xem Biểu đồ 20.1).

Biểu đồ 20.1 Nhiều nhà kinh doanh đề cao quá mức tỷ lệ giứa phiên thắng và thua. Trong trường hợp này, mặc dù có 19 phiên giao dịch thắng và một phiên giao dịch thua, với tỷ lệ 95% phiên thắng, kết quả cuối cùng vẫn là thua lỗ.

Tôi đã vào 20 lệnh giao dịch, với 19 lệnh thắng và 1 lệnh thua, với kết quả 95% số lệnh là thắng. Người ta có thể nghĩ rằng với 95% số lệnh có lãi, chắc chắn tôi phải có được một khoản thu lợi lớn. Tuy nhiên như bạn thấy, không nhất thiết là như vậy.

Vì nhà kinh doanh chốt lãi quá sớm và giữ lại các lệnh lỗ quá lâu, cái gọi là “chiến lược” này dẫn đến kết quả lỗ, mặc dù phần lớn các lệnh giao dịch đều có lãi ít nhiều. Thật không may là kịch bản này xảy ra khá phổ biến.

Hy vọng rằng ví dụ nhỏ này sẽ sửa chữa một lần và mãi mãi thói quen của chúng ta bị các chiêu quảng cáo mê hoặc về tỷ lệ không bình thường giữa các phiên giao dịch thắng và thua. Nếu chúng ta để cho những tay môi giới che mắt bằng những giấc mơ viễn vông, không thực tế, thì nó chỉ làm chậm lại mục tiêu cuối cùng của chúng ta là kinh doanh thành công trong thế giới thực mà thôi.

HÃY CẨN THẬN VỚI CHIÊU “THỬ LẠI”

Bản thân việc thử lại các chiến lược cũ chẳng có gì là xấu; thực ra, việc thử lại này có thể trở thành một công cụ hữu ích trong việc xây dựnh chiến lược kinh doanh nếu chúng ta sử dụng nó đúng cách. Tuy nhiên, một số nhà điều hành sàn giao dịch không đứng đắn lại biến công cụ này thành vũ khí hãm hại những nhà kinh doanh thiếu cảnh giác.

“Thử lại” là một quá trình tối ưu hoá chiến lược kinh doanh thông qua việc sử dụng các số liệu lịch sử. Các nhà kinh doanh thử lại các chiến lược đã sử dụng trong quá khứ để xác định mức độ ưu việt của các chiến lược đó, với giả định rằng những gì đã tốt trong quá khứ cũng sẽ tốt trong tương lai.

Vì thị trường không phải là một môi trường tĩnh, mà nó liên tục phát triển và thay đổi, do đó phương pháp thử lại không phải là thần dược. Quá khứ không thể là tương lai. Khi thị trường thay đổi, những nhà kinh doanh giỏi thích nghi theo, và những nhà kinh doanh xuất sắc chính là những người thích nghi nhanh nhất.

Do chúng ta biết được những gì xảy ra trong quá khứ, nên đã dễ dàng tạo ra các chiến lược thành công trong quá khứ. Nhưng vì chúng ta không thể đảo ngược thời gian để kinh doanh trong quá khứ, những chiến lược này chỉ có giá trị nhất định mà thôi. Tuy vậy điều này không ngăn được một số người dùng các chiến lược “thử lại” như là cơ hội tạo lợi nhuận cho hiện tại.

Khi một cá nhân nào đó cố gạ gẫm các nhà kinh doanh thiếu cảnh giác bằng các khoản lợi nhuận “thử lại” được mô tả như là lợi nhuận hiện tại, thì người đó phạm vào điều luật của Uỷ ban Thị trường hàng hoá tương lai về “tham gia gạ gẫm, lừa đảo khách hàng bằng việc đưa thông tin sai về thu nhập trong quá khứ”.

LỜI NÓI TRÊN LÝ THUYẾT

Một số người không đứng đắn khác thì cố bán các chiến lược “thử lại” của họ cho những ai nhẹ dạ bằng chiêu sử dụng công cụ lý thuyết hết sức ấn tượng. Bất cứ khi nào có ai đó cố gây ấn tượng với bạn bằng một chiến lược tạo lợi nhuận có vẻ nghi ngờ, hãy nhớ hỏi người đó rằng kết quả kinh doanh mà anh ta nói đến là thựctế hay là lý thuyết. Có quá nhiều người giả định rằng thu nhập trên lý thuyết cũng là thu nhập trên thực tế, nhưng đơn giản nó không phải vậy.

Các khoản thu nhập lý thuyết không được tạo ra từ các giao dịch thực, mà thường là kết quả của chiến lược “thử lại”. Bây giờ, khi chúng ta đã biết việc tạo ra những kết quả ấn tượng dễ dàng đến thế nào từ các chiến lược “thử lại”, có thể chúng ta sẽ không bao giờ bị loá mắt trước những kết quả kinh doanh trên lý thuyết nữa.

Một ngày nào đó trong tương lai xa, có thể loài người sẽ hoàn chỉnh cỗ máy thời gian. Nếu điều đó xảy ra, các chiến lược “thử lại” được tối ưu hoá và những khoản thu nhập lý thuyết sẽ trở nên thực sự có giá trị. Còn từ nay đến lúc đó, vì chúng ta không thể kinh doanh bằng quá khứ, tính hữu dụng của các công cụ này là rất hạn chế.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com