Thị Trường ngoại hối – Ed Ponsi – CHƯƠNG XIII: ĐỌC VỊ THỊ TRƯỜNG
Như chúng ta đã lưu ý trước đây, phần lớn các chiến lược kinh doanh tốt đều bắt đầu với một xu hướng của thị trường. Các nhà kinh doanh ghi nhận rằng thị trường có xu thế chuyển động theo một cách thức nhất định nào đó, và họ lựa chọn một chiến lược nhằm hưởng lợi từ xu hướng này. Hãy xem xét một chiến lược được thiết kế để lợi dụng tính biến động trong thị trường Forex.
CHU KỲ CỦA BIẾN ĐỘNG
Biến động thị trường có xu thế xảy ra theo chu kỳ. Nói cách khác, các chu kỳ của những biến động mạnh có xu thế nối tiếp các chu kỳ của những biến động yếu. Cách giải thích đơn giản cho hiện tượng này là khi thị trường đang đi theo xu hướng, những thành phần tham gia thị trường đều có một nhận định chắc chắn về hướng của giao dịch.
Chu kỳ này có thể nhận thấy ở hầu hết các thị trường giao dịch, tuy nhiên nó được xác định chi tiết nhất ở thị trường quyền chọn. Các nhà giao dịch quyền chọn thực hiện các hợp đồng put và call trong những chu kỳ có biến động cao để thu “lợi nhuận”, tức là chi phí của hợp đồng. Các mức lợi nhuận kèm theo các hợp đồng có xu thế hậu hĩ hơn khi thị trường có biến động.
Các nhà giao dịch quyền chọn cho rằng tính biến động sẽ trở lại các mức bình thường trong tương lai, cho phép họ mua lại các hợp đồng với mức lợi nhuận đã được tiết giảm. Trong thế giới của các giao dịch quyền chọn, hình thức này được gọi là bán sự biến động. Chu kỳ biến động này cũng có thể quan sát được cả trên thị trường Forex.
SỰ TIÊN LIỆU TÁC ĐỘNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG
Khi một cặp ngoại tệ bắt đầu đi theo xu hướng, các nhà kinh doanh dành sự ưu tiên cho một loại ngoại tệ này so với loại ngoại tệ kia trong cặp ngoại tệ. Trong thời kỳ của một xu hướng mạnh, thị trường mang tính động cao do giá đang trong quá trình chuyển động. Sự tiên liệu giá đã thay đổi, và do đó giá cả phải chuyển động để phản ánh sự thay đổi về quan điểm kinh doanh này.
Sau khi xu hướng đã tiếp tục một thời gian, cặp ngoại tệ sẽ chạm đến điểm mà tại đó các nhà kinh doanh cảm thấy rằng nó đã được định giá chính xác. Đó là điểm mà phe bò tót và phe gấu đạt đến một thỏa thuận – ít nhất là tạm thời – rằng cặp ngoại tệ đã được định giá vừa phải.
Tại điểm này, xu hướng tạm dừng lại và cặp ngoại tệ đi vào thời kỳ củng cố. Giá được định trong một dải hẹp do không có lý do gì để giá xuyên phá theo bất cứ hướng nào. Thời kỳ củng cố này có thể nhanh hoặc chậm.
Cuối cùng, thời kỳ củng cố cũng sẽ kết thúc. Phe gấu và phe bò tót có thể có một sự hòa hoãn tạm thời, nhưng rồi những thông tin mới sẽ được tung ra thị trường, và tiên liệu về giá của cặp ngoại tệ sẽ lại thay đổi khi những thông tin mới được ghi nhận và phân tích.
Các chỉ số kinh tế thường là chất xúc tác cho thay đổi quan điểm này. Những thông tin không mong đợi có thể tạo nên bùng nổ giá để giá thoát khỏi dải củng cố hẹp và tiếp tục theo xu thế cho đến khi chạm đến một khu vực giá mới mà ở đó phe bò tót và phe gấu lại một lần nữa có thể đạt được một hòa hoãn tạm thời.
CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ BIẾN ĐỘNG GIÁ
Lấy ví dụ, trong mùa Xuân và đầu mùa Hè năm 2005, nhiều sự kiện xảy ra đã dẫn đến một tiên liệu xấu cho đồng euro. Trong số các sự kiện đó có việc Liên minh châu Âu không thông qua được hiến pháp và không đạt được một thỏa thuận về ngân sách.
Thêm vào đó, các quốc gia thuộc Liên minh đang vật lộn với tăng trường chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao. Lãi suất của châu Âu được dự đoán sẽ bị đẩy xuống thấp nhằm kích thích các nền kinh tế thuộc Khối.
Như nhiều nhà kinh doanh có kinh nghiệm đều biết, các mức lãi suất thấp có xu thế làm cho đồng tiền yếu đi do các nhà kinh doanh với mức thu nhập cố định đều mong muốn các khoản đầu tư của mình đều có lợi nhận tốt nhất có thể. Những nhà đầu tư này thường chuyển các khoản đầu tư của họ ra khỏi một nước nào đó để tìm các khả năng đầu tư ở những nước khác trên thế giới, nơi có thể đem lại lợi nhuận cao hơn.
Hiện tượng này tạo nên việc rút vốn đầu tư từ các quốc gia hạ thấp mức lãi suất (hoặc được tiên lượng là sẽ hạ thấp lãi suất trong tương lai), dẫn đến hiện tượng yếu đi của đồng bản tệ, trong ví dụ cụ thể này chính là đồng euro. Các nhà đầu tư đã bán đồng euro vì tiên đoán rằng lãi suất của nó sẽ bị hạ thấp.
CÁC THÔNG TIN CƠ BẢN CỦA ĐỒNG EURO VÀ ĐỒNG ĐÔLA MỸ
Tại thời điểm các quốc gia châu Âu đang đối mặt với những khó khăn như đã nói thì nước Mỹ đang tận hưởng một sự tăng trưởng tương đối mạnh cùng với bức tranh về công ăn việc làm khá sáng sủa. Quỹ Dự trữ Liên bang đang trong chiến dịch nâng lãi suất, vốn có tác dụng làm đồng đôla mạnh lên thông qua việc làm cho các loại trái phiếu Mỹ và các công cụ đầu tư có lãi suất cố định khác trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này tạo nên một dòng lưu chuyển vốn vào quốc gia nào đưa ra được các công cụ đầu tư có lợi nhuận cao hơn, nhờ đó mà đồng bản tệ (trong trường hợp của chúng ta là đồng đôla Mỹ) trở nên mạnh hơn.
Do lãi suất của Mỹ tại thời điển đó cao hơn các mức lãi suất của châu Âu, những nhà kinh doanh đã đánh lên đồng đôla và đánh xuống đồng euro có thể hưởng lãi suất thêm từ mỗi lần tăng vốn.
Ngược lại, những nhà kinh doanh đánh lên đồng euro so với đồng đôla sẽ phải trả lãi suất. Tại thời điểm này, có thể thấy rõ rằng có nhiều lý do để mua đôla, đồng thời có rất ít lý do chính đáng để giữ đồng euro.
Những sự kiện như thế đã đưa đến cho các nhà đầu tư quyền chọn mạnh mẽ vào trị giá tương đối của hai loại ngoại tệ kể trên và họ bán ra không thương tiếc đồng euro để mua đồng đôla. Tỷ giá eur/usd vì thế mà sụt giảm nghiêm trọng, từ 1,35 ngày 11 tháng 3 xuống dưới 1,19 vào ngày 5 tháng 7, tức giảm gần 1.600 pip.
Đến khoảng giữa tháng 7, các nhà kinh doanh cho rằng đồng euro đã bị trừng phạt đủ, do đó tỷ giá của cặp ngoại tệ này trở nên vô hướng, với mức giao dịch bị thu hẹp cho đến cuối mùa Hè. Đây cũng chính là thời gian để bắt đầu tìm kiếm một sự chuẩn bị bùng nổ giá.
CÁC CHỈ SỐ TRUNG BÌNH ĐỘNG VÀ BIẾN ĐỘNG GIÁ
Có rất nhiều nhà kinh doanh sử dụng các chỉ số trung bình động như là một chỉ báo của biến động giá. Ở Biều đồ 13.1 chúng ta thấy rằng trung bình động lũy thừa (EMA) chu kỳ 20 ngày lao dốc khá mạnh trong suốt chu kỳ giao dịch. Khi cặp ngoại tệ đi vào giai đoạn tích lũy vào cuối mùa Hè, EMA 20 ngày giao động tương đối bằng phẳng theo cách “đi ngang”. Đường trung bình động lũy thừa bằng phẳng là một chỉ báo rằng xu hướng đang dừng lại, ít nhất là tạm thời, và tỷ giá đang đi vào giai đoạn tích lũy.
Biều đồ 13.1 Dường EMA 20 ngày đi xuống mạnh trọng chu kỳ của xu hướng
NHỮNG CHỈ BÁO MANH TÍNH XÁC NHẬN KHÁC
Nhằm xác nhận một giai đoạn tích lũy đang hình thành, chúng ta sẽ xem xét thêm hai chỉ báo bổ sung khác nữa (xem Biểu đồ 13.2). Hiểu một cách đơn giản, các chỉ báo này được tính toán để đo mức độ biến động giá cả. Nếu các chỉ báo này giảm, tức là độ biến động giá cũng
giảm. Một khi độ biến động giảm, cặp ngoại tệ cũng đi vào một giai đoạn tích lũy, một hiện tượng báo trước một bùng nổ giá (lên hoặc xuống) mạnh mẽ hơn.
Chỉ báo thứ nhất trong 2 chỉ báo này đó là Dải giá trung bình thực tế (Average True Range – ATR), vốn là một công cụ đo dải giao dịch trung bình của một cặp ngoại tệ trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp đang bàn đến, chúng ta đang đo dải giao động giá của cặp ngoại tệ trên biểu đồ 1 ngày, sử dụng chu kỳ thời gian mặc định là 14. Như chúng ta thấy, chỉ báo ATR đang đi xuống, có nghĩa là dải giá trung bình hàng ngày đang giảm và do đó độ biến động giá cũng giảm.
Chỉ báo thứ hai là Bollinger Bands cũng là một công cụ đo độ biến động giá. Các băng của Bollinger Bands mở rộng xa nhau khi có độ biến động giá cao và hội tụ lại khi độ biến động giảm. Thay vì sử dụng trực tiếp các băng của Bollinger Bands, chúng ta có thể sử dụng chỉ báo độ rộng của các băng của Bollinger Bands, công cụ chỉ đơn giản chỉ báo độ rộng giữa các băng của Bollinger Bands. Chúng ta có thể thấy rằng khi chỉ số này giảm thì có nghĩa là nó cũng xác nhận giai đoạn tích lũy giá với độ biến động giá thuyên giảm.
Biểu đồ 13.2 Bề rộng của các chỉ báo ATR và Bollinger Band xác nhận rằng độ biến động giá đang suy giảm
VIỆC CHUẨN BỊ CHO BÙNG NỔ GIÁ
Mặc dù đã xác định được chu kỳ tích lũy, chúng ta không thể biết trước được liệu sự bùng nổ giá tiếp theo sẽ theo chiều hướng nào, tăng hay giảm. Sở dĩ như vậy vì độ biến động giá không cho biết hướng đi tiếp theo của giá. Chúng ta không thể xác định được hướng giá tiếp theo mặc dù vẫn có thể dự kiến sẽ có một sự bùng nổ giá. Do đó chúng ta cần chuẩn bị cho bùng nổ giá theo cả hai hướng tăng và giảm. Để không bị rơi vào bùng nổ giá giả, chúng ta sẽ phải đặt lệnh dừng lỗ phía dưới đường trên của xu hướng trong trường hợp đánh lên; hoặc đặt lệnh dừng lỗ ở phía trên đường dưới của xu hướng nếu chúng ta đánh xuống. Lưu ý rằng hai đường xu hướng phải tạo nên một tam giác cân, một mô hình thường xuất hiện trong các thời kỳ có độ biến động giá thấp (xem Biểu đồ 13.3).
Biểu đồ 13.3 Các đường xu hướng tạo nên một tam giác cân thường bắt gặp mỗi khi thị trường có độ biến động giá thấp
THOÁT KHỎI GIAO DỊCH
Một khi ta đã có các điểm vào lệnh giao dịch, chúng ta cần xác định điểm thoát lệnh giao dịch. Khi thực hiện điều này, chúng ta cần xem xét các khu vực giá trước đó đã đóng vai trò là các khu vực hỗ trợ hoặc kháng cự, cũng như các mức phục hồi Fibonacci và các mức giá tròn số.
Ví dụ, nếu giá bùng nổ theo chiều giảm và xuyên qua đường xu hướng dưới, tạo cơ hội đánh xuống, thì mức giá 1,2000 sẽ là mức cần chọn để thoát lệnh giao dịch. Mặc dù khu vực giá này đã được xuyên phá vào đầu tháng 7, nó vẫn đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh trong một loạt các dịp sau đó kéo dài tận mùa Hè năm 2004 và vẫn giữ vững trong nhiều đợt sau lần bị xuyên phá vào cuối tháng 7 năm 2005. Con số 1,2000 cũng là số tròn, vốn thường tạo nên các mức kháng cự hoặc hỗ trợ mạnh về tâm lý (xem Biểu đồ 13.4).
Biểu đồ 13.4 Các điểm thoát lệnh giao dịch được chuẩn bị cho bùng nổ giá theo cả hai hướng tăng và giảm
Một mức hỗ trợ tiềm năng nữa có thể là mức giá 1,1865, vốn là điểm giá thấp nhất mà cặp ngoại tệ đã chạm đến kể từ tháng 5 năm 2004. Mức hỗ trợ thứ hai có thể trở nên hữu ích nếu nhà kinh doanh quyết định thoát lệnh giao dịch từng phần với mức lợi nhuận cao hơn; khi mức hỗ trợ thứ nhất bị chạm đến, nhà kinh doanh sẽ thoát một nửa lệnh đã vào, đồng thời di chuyển lệnh dừng lỗ đến điểm hòa vốn. Theo cách này, nhà kinh doanh có thể cầm chắc một phần lợi nhuận, loại bỏ các rủi ro, đồng thời tạo cơ hội lợi nhuận lớn hơn cho phần lệnh giao dịch còn lại.
Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ giá xuyên qua đường xu hướng trên, tạo tín hiệu mua vào? Để xác định các mức kháng cự, chúng ta có thể kẻ các đường hồi phục Fibonacci theo chiều giảm từ 1,3486 đến 1,1865. Mức hồi phục 38,2% của xu hướng giảm này nằm gần điểm giá 1,2485 tạo nên điểm thoát lệnh mang tính thuyết phục cao bởi nó đã đứng vững trong thử thách ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2005.
Điểm này cũng đồng thời nằm trong khu vực của con số tròn 1,2500. Trên thực tế có ba lý do tốt để thoát giao dịch khi giá chạm đến vùng giá 1,2485 – 1,2500: kháng cự thành công trước đó; điểm phục hồi Fibonacci 38,2%; và là con số tròn 1,2500.
Khu vực kháng cự tiếp theo có thể là 1,2675, tức là mức phục hồi Fibonacci 50% của cùng xu hướng giảm. Một lần nữa, nếu giá chạm đến điểm thoát thứ nhất, chúng ta có thể thoát một nửa lệnh giao dịch và nâng lệnh dừng lỗ cho phần lệnh giao dịch òn lại lên điểm giá hòa vốn.
THỜI KỲ TÍCH LŨY CÀNG DÀI THÌ BÙNG NỔ GIÁ CÀNG MẠNH MẼ
Thời gian dành cho giai đoạn tích lũy càng nhiều thì độ mạnh mẽ của sự bùng nổ giá tiếp theo đó càng cao. Muốn biết tại sao lại như vậy chúng ta hãy xem xét điều này trong thời gian cặp ngoại tệ được giao dịch ở giải giá hẹp giữa những người mua và người bán.
Do giá giao động không lớn, các nhà kinh doanh có rất ít lý do để thoát các lệnh giao dịch của mình. Tuy nhiên, khi giá bùng nổ theo bất cứ chiều nào, tăng hay giảm, thì có một phần rất lớn các nhà kinh doanh bị rơi vào thế “nhầm hướng” thị trường. Khi những nhà kinh doanh nhầm hướng này thoát lệnh thì đồng thời họ cũng cấp thêm năng lượng cho bùng nổ giá, giúp đẩy giá đi xa hơn khu vực tích lũy.
Vào ngày thứ Năm, 1 tháng 9 năm 2005, một báo cáo nói về sự yếu đi của nền kinh tế Hoa Kỳ đã trở thành chất xúc tác để cặp EUR/USD bùng nổ thoát khỏi vùng tích lũy và tăng nhanh đến điểm thoát lệnh giao dịch thứ nhất của các lệnh đánh lên cặp ngoại tệ này (xem Biểu đồ 13.5). Tỷ giá chạm điểm 1,2525 ngay trong ngày bùng nổ giá khi mà độ biến động đạt đến mức 200 pip, gần gấp đôi mức biến động trung bình hàng ngày trong giai đoạn này.
Mặc dù ví dụ cụ thể này được lấy trên biểu đồ giá có chu kỳ 1 ngày, cơ hội tương tự cũng xảy ra ở các biểu đồ với các khung thời gian khác nhau. Lô-gic đằng sau sự hình thành bùng nổ giá và xu thế thị trường bùng nổ sau thời gian tích lũy là đúng với tất cả các khung thời gian, ngắn hoặc dài.
CHIẾN LƯỢC KINH DOANH BÙNG NỔ BIẾN ĐỘNG GIÁ
Trong ví dụ tại Biểu đồ 13.6, cặp ngoại tệ GBP/USD đang trong xu thế giảm mạnh vào cuối năm 2005. Đến mùa Xuân 2006, cặp này bước vào một thời kỳ tích lũy hẹp. Khi cặp ngoại tệ chuyển từ mức biến động mạnh về mức biến động yếu, đường EMA-20 bắt đầu đi ngang. Đường EMA-20 đi ngang là một trong những chỉ báo cho biết xu hướng đã dừng lại, ít nhất là tạm thời, và giá đang đi vào thời kỳ tích lũy.
Biểu đồ 13.5 Độ biến động mạnh mẽ trở lại khi cặp ngoại tệ đạt điểm thoát lệnh thứ nhất
Biểu đồ 13.6 Trên biểu đồ giá chu kỳ 1 ngày cặp GBP/USD đang tích lũy sau thời kỳ biến động mạnh
Để xác định một mô hình đang hình thành, nhà kinh doanh có thể sử dụng thêm chỉ báo ATR và chỉ báo độ rộng của Bollinger Bands để đo độ biến động giá. Chỉ báo ATR giảm có nghĩa là dải giá trung bình ngày đang giảm. chỉ báo độ rộng của Bollinger Bands giảm cũng xác nhận rằng giá đang ở giai đoạn tích lũy (xem Biểu đồ 13.7).
Biểu đồ 13.7 ATR và độ rộng Bollinger Bands cho thấy dộ biến động giá đang giảm xuống
Tiếp theo chúng ta đưa thêm các đường xu hướng nhằm xác định các điểm vào lệnh và xác định các mức dừng lỗ. Như ta thấy, các đường xu hướng đã cho thấy rõ việc hình thành một mô hình tam giác cân (xem Biểu đồ 13.8).
Việc tiếp theo là xác định các điểm thoát lệnh giao dịch. Do chúng ta không thể biết trước hướng đi tiếp theo của giá, chúng ta buộc phải chuẩn bị cho bùng nổ giá theo cả hai hướng lên và xuống. Để đặt các điểm thoát lệnh, chúng ta sẽ sử dụng các mức hỗ trợ và kháng cự trước đó, hoặc các số tròn, hoặc các mức hồi phục Fibonacci (xem Biểu đồ 13.9).
Biểu đồ 13.8 Khi độ biến động giá giảm xuống, một tam giác cân được hình thành ở cặp GBP/USD
Biểu đồ 13.9 Sử dụng mức hỗ trợ/kháng cự, các số tròn và Fibonacci để xác định các điểm thoát lệnh giao dịch
Cuối cùng thì cặp GBP/USD cũng bùng nổ thoát khỏi tam giác tích lũy giá và chạm đến các điểm thoát lệnh trong khi độ biến động giá tăng mạnh trở lại. Đợt bùng nổ giá mạnh mẽ này đã đưa tỷ giá đồng bảng Anh lên mức 1,900, một sự biến động đến 1.500 pip (xem Biểu đồ 13.10).
Biểu đồ 13.10 Một sự bùng nổ giá mạnh của cặp GBP/USD đưa tỷ giá cảu cặp ngoại tệ vượt qua các mức thoát lệnh
CÁC MÔ HÌNH LẶP LẠI
Các nhà kinh doanh sẽ thấy sự hình thành mô hình này lặp đi lặp lại mãi (xem Biểu đồ 13.11). Quy luật này là chắc chắn bởi tính chu kỳ của biến động giá do hành vi con người tạo nên. Các thị trường có thể thay đổi theo thời gian và các nhà kinh doanh có thể đến và đi, nhưng bản chất của con người về cơ bản vẫn vậy, không thay đổi. Chính bản chất của con người đã tạo nên các xu thế thị trường và các kỹ thuật kinh doanh dựa trên các xu thế đó sẽ còn hữu ích trong một thời gian dài nữa.
Biểu đồ 13.11 Tính chu kỳ của biến động giá được chứng minh qua cặp ngoại tệ GBP/USD