ĂN TRƯA TẠI HỒ COMO (TÂY) ■ QUÂN ĐỘI CŨNG GIỐNG NHƯ CÁC NHÀ TRIẾT HỌC ■ TÍNH NGẪU NHIÊN CỦA PLATO
TONY BÉO
“Tony Béo” là một trong những người bạn của Nero – người ghét cay ghét đắng Yevgenia Krasnova. Có lẽ chúng ta nên cân nhắc hơn khi gọi anh ta là “Tony thách thức bề ngang” vì xét một cách khách quan, anh ta không quá thừa cân như tên hiệu của mình; có chăng chỉ là cơ thể anh khiến bất cứ thứ gì mặc vào đều có vẻ không vừa. Quần áo anh ta mặc là hàng đặt may, nhiều bộ được may ở Rome nhưng trông như được mua từ mấy website bán hàng trên mạng. Anh ta có một bàn tay múp míp, ngón tay đầy lông, đeo lắc tay bằng vàng và lúc nào cũng nồng nặc mùi kẹo cam thảo, thứ mà anh ta ăn với số lượng lớn như một lựa chọn thay thế cho thói quen hút thuốc khi xưa. Anh ta thường không để tâm chuyện mọi người gọi mình là Tony Béo nhưng vẫn thích được gọi là Tony hơn. Nero gọi anh ta theo cách lịch sự hơn “Tony vùng Brooklyn” bởi vì giọng nói và cách nghĩ theo kiểu Brooklyn của anh ta, dù Tony là một trong những người Brooklyn giàu có nhất đã đến New Jersey cách đây 20 năm.
Tony là người có tính tình vui vẻ, thành công nhưng không lập dị. Anh ta chọn cho mình cách sống hòa đồng trong tập thể. Khó khăn duy nhất có thể thấy ở Tony có vẻ như là cân nặng, kèm theo đó là sự cằn nhằn của gia đình, họ hàng xa và bạn bè, những người luôn cảnh báo anh ta vẻ nguy cơ mắc bệnh tim sớm. Nhưng tất cả đều vô ích; Tony thường đến một nông trại màu mỡ ở Arizona để không phải ăn, giảm vài cân, nhưng rồi sau đó gần như toàn bộ số cân mất đi đều quay lại với anh ta trong khoang hạng sang của chuyến bay trở về. Thật bất ngờ khi anh ta không thể ứng dụng khả năng tự kiềm chế và tính kỷ luật đáng ngưỡng mộ cho chính vòng eo của mình.
Tony khởi đầu với vai trò nhân viên văn phòng cho bộ phận tín dụng thư của một ngân hàng tại New York vào đầu thập niên 80. Anh loay hoay với giấy tờ và làm một số việc nhàm chán, về sau, anh ta được chuyển đến bộ phận phụ trách việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và tìm lời giải cho bài toán về cách huy động vốn từ những ngân hàng khổng lồ, cách thức hoạt động của bộ máy quan liêu và những gì họ muốn nhìn thấy trên giấy tờ. Không lâu sau, với tư cách nhân viên ngân hàng, Tony có được cơ ngơi từ các vụ kiện phá sản, mua lại từ các tổ chức tài chính. Anh ta có sự hiểu biết sâu sắc về nhân viên ngân hàng, những người chào bán cho bạn ngôi nhà không phải là tài sản của họ thì bản thân họ không quan tâm đến ngôi nhà bằng chủ nhân thực sự của nó; Tony nhanh chóng hiểu ra cách để nói chuyện và sử dụng những người này. Sau này, anh ta còn học cách mua đi bán lại trạm xăng bằng tiền đi vay từ các ngân hàng nhỏ lân cận.
Tony có một sở thích khác thường là tìm cách kiếm nhiều tiền một cách dễ dàng nhằm mục đích tiêu khiển mà không hề cảm thấy căng thẳng, không cần công việc văn phòng, không hội họp, chỉ đơn giản là kết hợp hài hòa các thương vụ làm ăn vào cuộc sống riêng tư của mình. Phương châm của Tony là “Tìm xem ai là kẻ ngốc”. Rõ ràng, kẻ ngốc thường là các ngân hàng: “Các nhân viên văn phòng thì chẳng quan tâm đến điều gì”. Việc tìm kiếm những gã ngốc này là bản chất thứ hai của anh ta. Nếu dạo quanh một dãy nhà với Tony, bạn sẽ cảm thấy mình tiếp nhận thêm được rất nhiều thông tin về cấu trúc của thế giới này chỉ nhờ “nói chiện” với Tony.
Tony có biệt tài kiếm được những số điện thoại không có trong danh bạ, những vé máy bay hạng sang mà không phải mất thêm đồng nào, hoặc có thể giúp bạn gửi ô tô vào một garage đã được thông báo hết chỗ, tất cả đều nhờ vào mối quan hệ hay sức thuyết phục mạnh mẽ của anh ta.
John không đến từ Brooklyn
Tôi tìm thấy được một sự hoàn hảo không thuộc vùng Brooklyn ở một người mà tôi sẽ gọi là Tiến sĩ John. Trước đây, John từng là kỹ sư và hiện đang làm chuyên viên thống kê cho một công ty bảo hiểm. John gầy, rắn rỏi, đeo kính và diện complê sậm màu. Anh sống ở New Jersey, không xa chỗ Tony Béo lắm nhưng dĩ nhiên ít khi nào họ chạm mặt nhau. Tony không bao giờ đi làm bằng xe điện và, thực tế là không bao giờ đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng (anh ta lái chiếc Cadillac, thỉnh thoảng cũng lái chiếc ô tô mui trần sản xuất tại Ý của vợ mình và nói đùa rằng, anh ta trông nổi bật hơn phần còn lại của chiếc xe nhiều). Tiến sĩ John là bậc thầy về giờ giấc; có thể ví anh như một chiếc đồng hồ vậy. Anh âm thầm đọc báo suốt thời gian ngồi xe điện đến Manhattan, sau đó gấp nó lại cẩn thận để dành lúc ăn trưa mang ra đọc tiếp. Trong lúc Tony làm giàu cho các chủ nhà hàng (họ rạng rỡ khi nhìn thấy anh ta đến và chào đón bằng những cái ôm ồn ào) thì mỗi sáng, John cẩn thận xếp bánh sandwich, salad trái cây vào hộp nhựa. Còn về cách ăn mặc, John cũng diện complê nhưng trông nó giống như được mua từ website bán hàng trên mạng, ngoại trừ việc rất có khả năng là đúng như thế.
Tiến sĩ John là một người rất chịu khó, có lý lẽ và hòa nhã. Không như Tony, anh ta làm việc rất nghiêm túc, nghiêm túc đến nỗi nếu ví thời gian làm việc và hoạt động giải trí là hai hạt cát thì bạn có thể thấy cả một đường ngăn cách giữa chúng. Anh ta có bằng tiến sĩ Kỹ thuật điện tại Đại học Texas ở Austin. Do có chuyên môn về điện toán và thống kê nên John được thuê thực hiện các giả lập trên máy tính cho một công ty bảo hiểm; và anh ta thích thú với công việc này. Phần lớn công việc của anh ta là vận hành những chương trình chạy trên máy tính để “quản lý rủi ro”.
Tôi hiểu rằng thật khó để Tony Béo và Tiến sĩ John cùng hít thở một bầu không khí, nói gì đến khả năng họ có thể gặp nhau trong một quầy bar, vậy hãy chỉ xem đây là một thí nghiệm về tư duy. Tôi sẽ đưa ra câu hỏi cho từng người và so sánh câu trả lời:
NNT (tức là tôi): Giả định bạn có một đồng xu “công tâm”, tức xác suất mặt ngửa hay mặt sấp xuất hiện khi gieo nó là như nhau. Tôi gieo đồng xu 99 lần và lần nào cũng được mặt ngửa. Vậy khả năng tôi được mặt sấp trong lần gieo tiếp theo là bao nhiêu?
Tiến sĩ John: Câu hỏi thật đơn giản. Dĩ nhiên là 0,5 bởi anh đã giả định xác suất xuất hiện mỗi mặt là 50% và các lần gieo độc lập với nhau. NNT: Ý anh thì sao Tony?
Tony Béo: Dĩ nhiên là không quá 1%.
NNT: Sao vậy? Tôi cho anh giả định ban đầu rằng đây là đồng xu nguyên chất, nghĩa là mặt nào cũng có xác suất là 50% cả.
Tony Béo: Hoặc là đầu óc anh toàn thứ bã đậu hoặc anh chỉ là một tên ngốc không hơn không kém khi tin vào cái nguyên tắc “50 phần chăm” ấy. Đồng xu không tinh khiết. Đây không thể là một trò chơi công bằng được. (Dịch ý anh ta ra: Có nhiều khả năng giả định ban đầu của bạn về tính công bằng của đồng xu là sai vì nó luôn cho mặt ngửa trong suốt 99 lần thử).
NNT: Nhưng Tiến sĩ John cho là 50%.
Tony Béo (thì thầm vào tai tôi): Tôi quen nhiều gã có những ví dụ ngu xuẩn từ ngày còn làm việc cho ngân hàng. Họ rất chậm tiêu. Và những gã này quá bão hòa rồi. Họ rất dễ bị lừa.
Bây giờ, bạn sẽ chọn ai trong hai người này cho chức thị trưởng Thành Phố New York (hay Ulan Bator, Mông Cổ) ? Tiến sĩ John hoàn toàn giới hạn suy nghĩ của mình trong “chiếc hộp” – một “chiếc hộp” mà người khác đưa cho anh ta; còn Tony Béo thì gần như hoàn toàn nằm ngoài “chiếc hộp” ấy.
Để làm rõ thuật ngữ “kẻ lập dị”, tôi xin giải thích như sau, “kẻ lập dị” ở đây không phải là người trông có vẻ lôi thôi, không có giá trị thẩm mỹ, nhìn vàng vọt, đeo kính và gài một cái máy tính xách tay ở thắt lưng như thể nó là vũ khí. Kẻ lập dị chỉ đơn giản mà một người có tư duy hoàn toàn được gói gọn bên trong “chiếc hộp” mà thôi.
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao có quá nhiều sinh viên liên lục đạt điểm A lại chẳng giành được thành tựu gì trong đời, trong khi một số kẻ lẹt đẹt phía sau lại đang kiếm được rất nhiều tiền, mua sắm kim cương và luôn chủ động gọi lại cho chủ nhân của những cuộc gọi đến, hay thậm chí còn đoạt giải Nobel trong một ngành khoa học danh giá như y học chẳng hạn? Một số trường hợp như thế này có thể liên quan đến vận may, nhưng chính cái đặc tính cằn cỗi và ngu dân vốn thường gắn với kiến thức trường lớp đã cản trở quá trình nhận thức những gì đang diễn ra trong thực tế cuộc sống. Trong một bài kiểm tra IQ cũng như trong bất kỳ môi trường học thuật nào khác (kể cả thể thao), Tiến sĩ John sẽ nổi trội hơn Tony Béo nhiều. Nhưng ngược lại, Tony Béo sẽ qua mặt Tiến sĩ John trong các tình huống đời thường gắn với môi trường sống. Thật ra, dù không có học thức cao nhưng Tony vô cùng hiếu kỳ trước kết cấu của thực tế và trình độ học vấn của chính mình – đối với tôi, anh ta còn khoa học hơn Tiến sĩ John, tôi nói thế xuất phát từ bản chất sự việc chứ không vì xã giao.
Chúng ta sẽ tìm hiểu thật sâu về sự khác biệt trong cách trả lời của Tony Béo và Tiến sĩ John; đây có thể là vấn đề gây tranh cãi nhất mà tôi biết về mối liên hệ giữa hai loại kiến thức: một cái chúng ta gọi là kiến thức Plato và cái còn lại là phi Plato. Nói một cách đơn giản, những người như Tiến sĩ John có thể tạo ra Thiên Nga Đen ngoài Mediocristan – đầu óc của họ bảo thủ. Dù vấn đề này rất phổ biến nhưng một trong những ảo tưởng tồi tệ nhất về nó là cái mà tôi gọi là ngụy biện trò chơi (ludic fallacy) – thuộc tính của những bất định mà chúng ta đối mặt trong cuộc sống hầu như không mấy liên quan đến những hiện tượng bất định đã được “xử lý” trong các bài kiểm tra hay các thí nghiệm.
Do đó, tôi sẽ kết thúc Phần 1 bằng câu chuyện sau.
ĂN TRƯA TẠI HỒ COMO
Một ngày mùa xuân vài năm trước, tôi rất bất ngờ khi nhận được thư mời từ viện chính sách do Bộ Quốc phòng Mỹ tài trợ để tham dự phiên họp tư duy về những nguy cơ có thể xảy ra tại Las Vegas mùa thu năm sau. Người mời tôi đã gọi điện thông báo “Chúng ta sẽ ăn trưa ở ngọn đồi nhìn ra Hồ Como” và điều này khiến tôi rất buồn. Las Vegas (cùng với vương quốc bài bạc anh em của nó ở Dubai) có lẽ là nơi tôi không bao giờ muốn đến trước khi nhắm mắt. Việc ăn trưa tại “Como giả” khác gì cực hình. Nhưng rất mừng là tôi đã đến.
Viện chính sách này đã tập hợp một nhóm người phi chính trị mà họ gọi là những người hành động và học giả (và cả những người đang hành nghề như tôi – những người không chấp nhận sự phân biệt đó) vốn thường xuyên tiếp xúc với tính bất định trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Và đặc biệt là họ hẹn nhau ở một sòng bạc lớn.
Buổi hội nghị được diễn ra dưới hình thức họp kín, mang màu sắc tôn giáo và quy tụ những người mà nếu không vì sự kiện này thì sẽ không bao giờ ngồi lại với nhau. Điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ chính là giới quân nhân có cách tư duy, ứng xử và hành động không khác gì những nhà triết học – thậm chí còn hơn hẳn những nhà triết học hay “bới móc” những chuyện vặt vãnh trong hội nghị chuyên đề hàng tuần của họ, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về điều này trong Phần 3. Họ, nhóm quân nhân, cũng có lối tư duy mở như giới thương nhân nhưng chính xác hơn và không sợ yếu tố nội quan (introspection). Thư ký Bộ trưởng Quốc phòng cũng có mặt trong nhóm chúng tôi, tuy nhiên, nếu không biết công việc hiện tại của ông ta thì tôi sẽ nghĩ đó là một người hoài nghi theo chủ nghĩa thực nghiệm. Thậm chí một điều tra viên với chuyên môn về kỹ thuật từng khảo sát nguyên nhân vụ nổ của phi thuyền không gian cũng rất sâu sắc và có tư duy mở. Tôi rời cuộc họp và nhận ra rằng chỉ có nhóm quân nhân là đối mặt với tính ngẫu nhiên bằng sự trung thực độc đáo của trí tuệ nội quan – không giống như nhóm học thuật và nhóm điều hành cấp cao chuyên sử dụng tiền của người khác. Điều này không thể hiện trong phim ảnh về chiến tranh, nơi quân đội thường được miêu tả như những kẻ chuyên quyền hiếu chiến. Những người trước mặt tôi không phải là những người châm ngòi chiến tranh. Quả thật, với nhiều người, chính sách quốc phòng sẽ được coi là thành công khi có thể loại bỏ được các mối nguy cơ tiềm tàng mà không cần dùng đến chiến tranh, chẳng hạn như chiến lược làm người Nga phá sản do chi phí quốc phòng leo thang. Khi tôi bày tỏ sự ngạc nhiên với Laurence, người thuộc giới tài chính ngồi bên cạnh, ông ta bảo với tôi rằng quân đội là nơi quy tụ nhiều nhân tài và những nhà tư duy rủi ro thực thụ hơn hầu hết – nếu không muốn nói là tất cả – các lĩnh vực khác. Những người trong Bộ Quốc phòng muốn hiểu rõ nhận thức luận về rủi ro.
Trong nhóm thảo luận còn có một quý ông, người điều hành một nhóm cờ bạc chuyên nghiệp mà hầu hết các sòng bài đều cấm cửa. Ông đến để chia sẻ những hiểu biết uyên thâm với chúng tôi. Ngồi cách vị giáo sư khoa học chính trị không xa, không những nghiêm nghị, vị giáo sư này còn là người khô khan và tiêu biểu cho phong cách “ông lớn” khi rất giữ kẽ cho tiếng tăm của mình, không nói gì ngoài khuôn khổ của “chiếc hộp” và không bao giờ nở một nụ cười. Trong suốt các phiên họp, tôi cố tưởng tượng cảnh nhân vật lịch thiệp ấy bị bỏ một con chuột vào lưng và quằn quại trong hoảng loạn. Có thể ông ta giỏi thảo ra những mô hình kiểu Plato của cái gọi là lý thuyết trò chơi, nhưng khi bị Laurence và tôi chỉnh huấn vì dùng sai lối ẩn dụ trong tài chính, ông ta không còn vẻ kiêu ngạo nữa.
Bây giờ, khi bạn nghĩ về những rủi ro chính mà các sòng bài phải đối mặt thì các tình huống đánh bạc sẽ tự khắc hiện ra trong đầu. Một người có thể nghĩ rằng rủi ro cho các sòng bạc là những con bạc may mắn có thể đánh bại nhà cái khi cứ liên tục thắng lớn, hay tiền có thể chảy vào túi những tay chơi bịp với rất nhiều thủ đoạn xảo quyệt. Không chỉ công chúng tin vào điều đó mà quản lý các sòng bạc cũng thế. Do đó, các sòng bạc đều trang bị một hệ thống giám sát công nghệ cao để theo dõi những tên bịp bợm, những người sử dụng thủ thuật đếm bài và bất kỳ ai khác muốn qua mặt họ.
Từng người tham dự phiên họp sẽ trình bày ý kiến của mình và lắng nghe người khác. Tôi đứng lên trình bày về những hiện tượng Thiên Nga Đen và định nói với họ rằng điều duy nhất mà tôi biết đó là chúng ta biết rất ít về chúng, rằng đặc tính của chúng là lẳng lặng khiến cho chúng ta thót tim, và rằng mọi cố gắng Plato hóa chúng có thể làm phát sinh thêm nhiều hiểu lầm nữa. Giới quân nhân có thể hiểu những điều như thế và gần đây, ý tưởng đó đã trở nên phổ biến trong quân đội qua khẩu hiệu: ẩn số không biết (tương phản với ẩn số đã biết). Nhưng tôi đã chuẩn bị bài nói của mình (trên năm tấm khăn ăn trong nhà hàng, một số chữ bị nhòe) và sẵn sàng thảo luận khái niệm mà tôi mới nghĩ ra nhân dịp này: ngụy biện trò chơi. Tôi định nói với họ rằng mình không nên phát biểu tại một sòng bạc bởi nó chẳng liên quan gì đến yếu tố bất định cả.
Tính bất định của kẻ lập dị
Ngụy biện Ludic là gì? Ludic bắt nguồn từ chữ ludus trong tiếng Latin có nghĩa là trò chơi.
Tôi hy vọng các đại diện của sòng bạc sẽ nói trước để sau đó tôi có thể công kích họ khi chứng minh rằng sòng bạc hoàn toàn không phải là nơi lựa chọn cho buổi thảo luận như thế này, bởi những rủi ro mà một sòng bài phải đối mặt rất tầm thường và nằm ngoài khuôn viên sòng bạc, và nghiên cứu của họ không phải là thứ có thể dễ dàng chuyển nhượng được. Theo quan điểm của tôi, đánh bạc là một bất định đã được “vô trùng” và thuần hóa. Vào sòng bài, bạn phải biết luật, bạn có thể tính toán xác suất, và loại bất định bạn gặp trong đó – như chúng ta sẽ thấy sau đây – sẽ rất nhẹ nhàng và thuộc về Mediocristan. Phát biểu mà tôi đã chuẩn bị là những dòng như sau: “Sòng bạc chính là sự mạo hiểm duy nhất của loài người mà xác suất của nó được nhiều người biết đến, thể hiện bằng đường cong Gauss (tức đường cong hình chuông) và gần như có thể biểu thị bằng kết quả tính toán”. Bạn không thể hy vọng sòng bạc sẽ trả tiền thắng cược cho mình liên tục một triệu lần cho dù bạn có đạt được số lần thắng cược nhiều như thế; hoặc họ sẽ bất ngờ thay đổi luật chơi vì không bao giờ có chuyện người ta thiết kế “36 nút đen” 37 cùng xuất hiện với xác suất 95%. 38
Trong cuộc sống, bạn không thể biết được chính xác các khả năng; bạn cần phải khám phá ra chúng, và người ta cũng không định nghĩa được nguồn gốc của bất định. Các nhà kinh tế học, những người không bao giờ coi trọng khám phá của những nhân vật không phải là nhà kinh tế học, đã tìm ra sự khác biệt giả tạo về rủi ro Knight (thứ bạn có thể tính toán) và bất định Knight (thứ bạn không thể tính toán) sau khi có một chàng Frank Knight nào đó tái phát hiện khái niệm về bất định vô danh và bỏ công tư duy rất nhiều nhưng có lẽ anh ta chưa bao giờ mạo hiểm với rủi ro hoặc có thể anh ta sống gần một sòng bài nào đó. Nếu từng mạo hiểm với các rủi ro về kinh tế hay tài chính thì hẳn anh ta đã nhận ra rằng những rủi ro “có thể tính toán” này thường không dễ tìm thấy trong thực tế! Chúng chỉ là những cỗ máy kỳ lạ trong phòng thí nghiệm!
Tuy nhiên, chúng ta lại có xu hướng tự động gắn kết cơ hội với những trò chơi “Plato hóa” (Platonified) này. Có một điều khiến tôi điên tiết đó là, sau khi biết được tôi chuyên về các yếu tố may rủi, ngay lập tức, mọi người dồn dập hỏi tôi các vấn đề liên quan đến trò súc sắc. Hai họa sĩ vẽ minh họa cho ấn bản bìa mềm của một trong số các cuốn sách của tôi đã tự ý bổ sung một hột súc sắc lên cái bìa và dưới mỗi chương, làm tôi tức điên lên. Biên tập viên, vốn đã quen với cách nghĩ của tôi, cảnh báo họ nên “tránh lối ngụy biện trò chơi” như thể nó là một vi phạm trí tuệ phổ biến vậy. Và thật buồn cười là hai họa sĩ nọ đều phản ứng theo cùng một kiểu: “À, xin lỗi, tôi không biết”.
Những ai dành quá nhiều thời gian dí mũi vào các loại bản đồ sẽ có xu hướng nhận định sai lãnh thổ các quốc gia trên đó. Thử đi mua một cuốn sách mới nhất viết về lịch sử môn xác suất và tư duy xác suất mà xem; bạn sẽ ngập chìm trong hàng đống cái tên được người ta cho là “tư tưởng gia xác xuất”, những người hoàn toàn xây dựng ý tưởng của mình trên các công trình đã được “khử trùng”. Gần đây, tôi có theo dõi xem người ta dạy gì cho sinh viên trong môn học về may rủi và tôi thực sự kinh hãi; họ đã bị tẩy não bởi lối ngụy biện trò chơi và đường cong hình chuông kỳ quặc. Điều tương tự cũng xảy ra với những người theo học Tiến sĩ về lý thuyết xác suất. Tôi chợt nhớ ra gần đây có cuốn sách của nhà toán học uyên bác Amir Aczel, với tựa đề May rủi. Có thể đó là một cuốn sách xuất chúng nhưng cũng giống như nhiều cuốn sách đương đại khác, nó vẫn được dựa trên lối ngụy biện trò chơi. Hơn nữa, cứ cho rằng may rủi có gì đó liên quan đến toán học thì quá trình toán học hóa nhỏ nhoi mà chúng ta có thể thực hiện trong thế giới thực tại này cũng không thừa nhận tính ngẫu nhiên vừa phải do đường cong hình chuông thể hiện, ngoại trừ tính ngẫu nhiên vừa phải có tính thang bậc. Những gì có thể toán học hóa thường thuộc hệ Mandelbrot chứ không thuộc Gauss.
Bây giờ, hãy tìm đọc bất kỳ tác phẩm nào của các tư tưởng gia cổ điển, như Cicero chẳng hạn, những người có thể nói một điều gì đó thực tế về chủ đề may rủi, bạn sẽ khám phá ra một cái gì đó rất khác khái niệm về xác suất vốn vẫn còn mơ hồ, như nó vốn dĩ phải thế, bởi sự mơ hồ ấy là bản chất tự nhiên của bất định. Xác suất là một nghệ thuật tự do (liberal art); nó là con đẻ của chủ nghĩa hoài nghi chứ không phải công cụ để thỏa mãn tham vọng tìm ra các phép toán nhiệm màu và những điều chắc chắn của những người lúc nào cũng “kè kè” máy tính trong tay. Trước khi lối tư duy phương Tây chết chìm trong tâm lý “khoa học” của nó – cái mà được gọi một cách ngạo mạn là Thời đại khai sáng – người ta dùng bộ não để nghĩ chứ không phải để tính toán. Trong cuốn chuyên luận rất hay – nhưng hiện đã biến mất khỏi nhận thức của chúng ta – mang tên Dissertation on the Search for Truth (Chuyên luận truy tìm sự thật), xuất bản năm 1673, tay bút chiến Simon Foucher đã trình bày tâm lý chuộng những điều chắc chắn/tâm lý cầu an của con người. Tác giả đã dạy chúng ta nghệ thuật hoài nghi, cách định vị mình giữa hoài nghi và tin tưởng. Ông viết, “Một người cần thoát khỏi nghi ngờ để tạo nên khoa học – nhưng hầu như không mấy ai để ý đến tầm quan trọng của việc không sớm thoát khỏi nó… Trên thực tế, thường thì người ta thoát khỏi nghi ngờ mà không hề nhận ra”. Sau đó, ông tiếp tục cảnh báo: “Chúng ta có xu hướng giáo điều từ lúc còn là bào thai trong bụng mẹ”.
Bằng lỗi chứng thực đã được thảo luận trong Chương 5, chúng ta sử dụng ví dụ về những trò chơi với khả năng áp dụng thành công lý thuyết xác suất, và rồi khẳng định đây là một trường hợp phổ biến. Hơn nữa, dù đánh giá thấp vai trò của may mắn trong cuộc sống nói chung nhưng chúng ta lại có xu hướng quan trọng hóa nó trong các trò chơi may rủi.
Tôi muốn hét lên “Tòa nhà này đang ở trong rào chắn Plato (Platonic fold); ngoài kia mới là cuộc sống”.
Cá cược bằng hạt súc sắc gian
Tôi khá bất ngờ khi biết chính bản thân tòa nhà ấy cũng nằm ngoài rào chắn Plato.
Ngoài việc thiết lập luật chơi, công việc quản lý rủi ro của sòng bài còn nhằm mục đích giảm thiểu các khoản lỗ do những tay bạc bịp gây ra. Không cần phải được đào tạo sâu về lý thuyết xác suất, bạn cũng có thể hiểu rằng sòng bạc phải đạt đủ tiêu chuẩn đa dạng hóa giữa các bàn để không phải lo lắng về nguy cơ bị tấn công bởi một con bạc cực kỳ may mắn (luận chứng đa dạng hóa ấy dẫn đến đường cong hình chuông mà chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi trong Chương 15). Tất cả những gì họ phải làm là kiểm soát “những con cá voi”, những con bạc đại gia đến từ Manila hay Hồng Kông vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các sòng bài; trong một lượt chơi, “cá voi” có thể “xoay xở” kiếm được dăm ba triệu đô-la Mỹ. Nếu không gian lận, thành tích mà những con bạc riêng lẻ đạt được thường không đáng kể và không ảnh hưởng gì đến sự ổn định của sòng bạc.
Tôi đã hứa là sẽ không đi sâu vào chi tiết hệ thống giám sát tinh vi của các sòng bạc; tất cả những gì được phép nói là tôi có cảm giác như mình xuất hiện trong một bộ phim về James Bond – tôi tự hỏi không biết có phải sòng bạc được xây dựng phỏng theo các bộ phim hay liệu các bộ phim được mô phỏng từ các sòng bạc. Tuy nhiên, mặc cho sự tinh vi đó, rủi ro mà họ đối mặt không liên quan đến những gì có thể tiên đoán sau khi biết rằng cơ sở kinh doanh đó là một sòng bạc. Tôi nói như thế bởi vì có bốn khoản thua lỗ lớn nhất mà các sòng bạc phải chịu hay khó tránh được và chúng hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát tinh vi ấy.
Thứ nhất, họ mất khoảng 100 triệu đô-la Mỹ khi một diễn viên chủ chốt bị con hổ xé xác trong buổi diễn chính (buổi diễn Siegfried and Roy từng là một trò thu hút của Las Vegas). Diễn viên đó đã nuôi dạy con hổ và thậm chí còn cho nó ngủ trong phòng mình; cho đến khi không ai có thể nghĩ loài mãnh thú này lại tấn công chủ nhân của nó. Trong các tài liệu phần tích về những viễn cảnh có thể xảy ra, sòng bạc thậm chí đã tính đến khả năng con hổ có thể nhảy về phía khán giả nhưng không ai nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho những trường hợp đó.
Thứ hai, một người thầu khoán bị thương khi đang xây dựng phần kiến trúc phụ cho một khách sạn. Quá giận dữ về cách bồi thường của họ, ông đã tìm cách cài mìn cho nổ tung khách sạn. Kế hoạch của ông là cài chất nổ quanh các cột móng của tòa nhà. Dĩ nhiên, nỗ lực của ông ta đã bị ngăn chặn (bằng không, theo lập luận trong Chương 8 thì giờ này chúng tôi không còn ở đây nữa), nhưng tôi vẫn rùng mình khi nghĩ đến chuyện mình từng ngồi trên một đống thuốc nổ.
Thứ ba, các sòng bài phải trình lên Tổng cục thuế (Intemal Revenue Service) một báo cáo nêu rõ khoản lợi nhuận của người đánh bạc nếu con số đó vượt quá mức cho phép. Lẽ ra phải gửi văn bản này đi thì không biết vì lý do gì, nhân viên sòng bạc lại giấu chúng trong những chiếc hộp dưới bàn làm việc của mình. Nhiều năm trôi qua mà không ai nhận thấy có điều sai trái đang diễn ra. Và không ai có thể nghĩ rằng nhân viên đó không chịu gửi văn bản đi. Trối thuế hay vi phạm các quy định về thuế là những tội rất nặng, và sòng bạc phải đứng trước nguy cơ bị rút giấy phép kinh doanh hoặc bị phạt nặng. Dĩ nhiên, sau cùng họ chọn cách nộp phạt (khoản phạt khổng lồ này không được công khai) nhưng đây chính là cách may mắn nhất để thoát khỏi khó khăn.
Thứ tư, có rất nhiều viễn cảnh nguy hiểm khác như con gái chủ sòng bạc bị bắc cóc buộc ông ta phải vi phạm luật bài bạc, mở két sắt lấy hết tiền mặt để chuộc lại con.
Kết luận: Phương pháp tính toán theo kiểu phỏng đoán cho thấy rằng giá trị tính theo đồng đô-la của những hiện tượng Thiên Nga Đen này – những nguy cơ “nằm ngoài khuôn mẫu” và những cuộc tấn công tiềm ẩn mà tôi vừa phác thảo trên đây – vượt xa những rủi ro “trong khuôn khổ” theo tỷ lệ gần 1000:1. Các sòng bài thường chi hàng trăm triệu đô-la để đầu tư cho việc xây dựng lý thuyết cá cược và hệ thống giám sát công nghệ cao trong khi rất nhiều rủi ro gặp phải lại nằm ngoài mô hình quản lý của họ.
Tất cả những người này, và cả phần còn lại của thế giới vẫn còn nghiên cứu về xác suất và tính bất định qua các ví dụ về bài bạc.
TÓM TẮT PHẦN MỘT
Những gì được tô điểm sẽ tự động nổi lên bề mặt
Tất cả các chủ đề trong Phần 1 thật ra chỉ là một. Bạn có thể suy nghĩ về một chủ đề suốt một thời gian dài đến mức bị nó ám ảnh. Bằng cách nào đó, bạn có rất nhiều ý tưởng nhưng chúng có vẻ không gắn kết với nhau một cách rõ ràng; cái lôgic gắn kết chúng vẫn lẩn trốn bạn. Tuy nhiên, bạn thật sự hiểu rõ rằng tất cả những ý tưởng này đều là một. Trong khi đó, những người mà Nietzsche gọi là những tên trọc phú trí thức (bildungs- philisters) 39 hay những tên trọc phú văn hóa, giới “cổ xanh” của lĩnh vực tư duy, sẽ nói với bạn rằng bạn đang đề cập đến nhiều lĩnh vực; bạn đáp lại rằng những ngành kiến thức này là giả tạo và tùy tiện, nên không có giá trị. Sau đó, bạn nói với họ rằng bạn là người lái chiếc limousine, và họ sẽ không thèm đếm xỉa đến bạn nữa – bạn cảm thấy như vậy tốt hơn vì bạn không giống họ và vì thế, bạn không còn phải chịu giải phẫu để nằm vừa chiếc giường Procrustes 40 của những ngành kiến thức đó nữa. Sau cùng, chỉ cần một biến cố nhỏ và bạn sẽ thấy chúng hoàn toàn là một vấn đề.
Buổi tối nọ, tôi tình cờ tham dự một buổi tiệc cocktail, tại căn hộ của một người từng là nhà sử học nghệ thuật ở Munich. Trong ngôi nhà đó có một thư viện lớn với nhiều sách nghệ thuật, đến nỗi tôi không tin rằng có đến ngần ấy đầu sách tồn tại trên đời. Tôi đứng nhâm nhi loại rượu vang trắng thượng hạng vùng Riesling giữa đám đông tự phát giao tiếp bằng tiếng Anh ở góc nhà với hy vọng rằng thứ men say này sẽ đưa tôi vào trạng thái có thể nói chuyện bằng thứ tiếng Đức nhái giọng của mình (ND: nghĩa là tiếng Đức thể hiện qua cách nói của một người không biết tiếng Đức). Một trong những tư tưởng gia uyên bác mà tôi biết, chủ một công ty máy tính, Yossi Vardi, thôi thúc tôi tóm tắt “ý tưởng của mình” trong khi chỉ đứng trên một chân. Không dễ gì đứng được bằng một chân sau vài ly rượu vang Riesling thơm lừng nên tôi không thể ứng biến được. Ngày hôm sau, tôi hiểu ra vấn đề một cách muộn màng. Tôi nhảy ra khỏi giường với ý tưởng sau: những cái được tô điểm và chủ quan kiểu Plato sẽ tự động nổi lên bề mặt. Đây là sự mở rộng giản đơn của bài toán về kiến thức. Đơn giản, tối qua tôi chỉ mới thấy được một mặt của thư viện Eco, mặt còn lại vốn không bao giờ được thấy đang bị lờ đi. Đây cũng là bài toán về bằng chứng thầm lặng. Nó là nguyên do vì sao chúng ta không thấy được Thiên Nga Đen: chúng ta lo lắng về những gì đã xảy ra chứ không phải những gì lẽ ra đã xảy ra nhưng lại không xảy ra. Đây là nguyên do khiến chúng ta bị Plato hóa, ưa chuộng những giản đồ đã biết với kiến thức được hệ thống tốt – đến mức không còn thấy thực tế nữa. Nó giải thích vì sao chúng ta rơi vào bài toán quy nạp, vì sao chúng ta chứng thực. Nó giải thích vì sao những người “học tập nghiên cứu” giỏi và đạt thành tích cao trong trường thường có xu hướng trở thành kẻ ngốc của ngụy biện trò chơi.
Và nó giải thích vì sao chúng ta có nhiều hiện tượng Thiên Nga Đen mà không bao giờ học tập từ sự xuất hiện của chúng, bởi những gì không xảy ra thường được cho là quá trừu tượng. Nhờ Vardi, giờ đây tôi thuộc về nhóm những người suy nghĩ đơn giản.
Chúng ta đều thích những gì hữu hình, chứng thực, có thể sờ mó được, rõ ràng, cụ thể, sống động, mang tính xã hội, đã được ghi nhớ, chất đầy cảm xúc, đáng chú ý, rập khuôn, chuyển động màu mè, cường điệu, hào nhoáng mang tính hình thức, cách nói ba hoa ra vẻ uyên bác (khỉ thật!), những nhà kinh tế học khoa trương thuộc trường phái toán học Gauss, những thứ tầm phào đã được toán học hóa, sự phô trương, Viện hàn lâm Pháp, Trường kinh doanh Harvard, giải Nobel, những bộ complê sậm màu với áo sơ mi trắng và cà vạt Ferragamo, bài diễn văn cảm động và những gì khủng khiếp. Suy cho cùng, chúng ta thích những gì được kể lại.
Than ôi, với phiên bản hiện tại của loài người, chúng ta không được lập trình để hiểu những vấn đề trừu tượng – chúng ta cần một bối cảnh cụ thể. Sự ngẫu nhiên và bất định đều trừu tượng. Chúng ta đánh giá cao những gì đã xảy ra nhưng lại thờ ơ trước những cái lẽ ra đã xảy ra. Nói cách khác, bản chất của chúng ta là nông cạn và hời hợt – nhưng chúng ta không nhận ra điều này. Đây không phải là vấn đề thuộc về tâm lý học; nó xuất phát từ thuộc tính chính của thông tin. Phần bị che khuất của mặt trăng rất khó thấy; muốn thấy được nó, ta phải mất nhiều công sức. Tương tự, việc làm sáng tỏ những gì chưa thấy đòi hỏi rất nhiều nỗ lực về tâm lý và khả năng tính toán.
Khoảng cách giữa con người và loài linh trường
Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều sự khác biệt giữa các hình thái con người bậc cao và bậc thấp. Với người Hy Lạp, họ có người Hy Lạp và tộc người mọi rợ, những người ở phương Bắc giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ rời rạc mà theo mô tả của người Athen thì nghe giống như tiếng rít của loài thú. Với người Anh, biểu tượng của cuộc sống cao cấp là những người quyền quý – trái với cách hiểu ngày nay, cuộc sống của giới quỹ tộc rất nhàn hạ, có nhiều luân thường đạo lý và các quy tắc ứng xử, nhưng hầu như họ không cần làm việc để đáp ứng nhu cầu cuộc sống vốn đã quá sung túc. Với người New York, họ gồm những người đến từ Manhattan, từ Brooklyn, hay tệ hơn, từ Queens. Với tư tưởng Nietzsche trước đây, có những người mang động thái Apollonian 41 và những người mang động thái Dionysian 42 còn với tư tưởng phổ biến hơn của Nietzsche thì có cả siêu nhân, độc giả của ông hiểu thế nào cũng được miễn là phù hợp. Còn với những người theo phái khắc kỷ hiện đại, một cá thể cao cấp hơn sẽ tán thành quy tắc đức hạnh cao quý – quy tắc sẽ quyết định sự lịch thiệp trong hành vi ứng xử và khả năng tách bạch kết quả ra khỏi nỗ lực. Tất cả những khác biệt này đều nhằm gia tăng khoảng cách giữa chúng ta với những người bà con trong họ linh trưởng. (Tôi vẫn nhấn mạnh rằng khi buộc phải đưa ra quyết định, khoảng cách giữa chúng ta và những người bà con lông lá này ngắn hơn chúng ta tưởng rất nhiều.)
Tôi đề nghị thế này, nếu muốn đơn giản bước chân vào một thế giới cao cấp hơn, hãy dứt bỏ phần “con” trong bạn đến mức có thể, bạn cần phải chống lại lối tường thuật, tức là hãy tắt ti vi, hạn chế tối đa thời gian đọc báo, không thèm đọc blog. Hãy rèn luyện để có thể đưa ra quyết định dựa trên khả năng lý luận của chính mình; tống cổ Hệ thống 1 (hệ thống tự khám phá hay dựa trên trải nghiệm) ra khỏi những quyết định quan trọng. Hãy tự rèn luyện để nhận ra sự khác biệt giữa những gì giàu cảm xúc và những gì dựa theo kinh nghiệm. Việc cách ly khỏi sự độc hại của thế giới này còn tạo ra một lợi ích: nó sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn. Ngoài ra, luôn ghi nhớ sự hiểu biết nông cạn của chúng ta về xác suất, nơi sản sinh ra mọi khái niệm trừu tượng. Bạn không nhất thiết phải nỗ lực hơn nữa để hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới xung quanh. Trước tiên, hãy học cách tránh “đi đường hầm”.
Một cây cầu nối nhịp sẽ xuất hiện. Sự mù mờ kiểu Plato mà tôi đã minh họa qua câu chuyện về sòng bạc còn có cách thể hiện khác: tập trung. Khả năng tập trung là một ưu điểm lớn nếu bạn là anh thợ sửa đồng hồ, bác sĩ giải phẫu não hay kỳ thủ cờ vua. Nhưng “tập trung” là việc sau cùng bạn cần làm khi đối mặt với sự bất định (chính sự bất định mới cần phải tập trung, không phải chúng ta). Sự tập trung này sẽ biến bạn thành kẻ ngốc; nó sẽ chuyển thành những vấn đề về dự đoán mà chúng ta sẽ gặp trong phần tiếp theo. Dự đoán, chứ không phải tường thuật, mới chính là bài kiểm tra thực sự cho vốn hiểu biết của bạn về thế giới này.