BÀI TOÁN DIAGORAS ■ LÀM CÁCH NÀO THIÊN NGA ĐEN CÓ THỂ THOÁT KHỎI KHUÔN KHỔ NHỮNG CUỐN SÁCH LỊCH SỬ ■ CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÚP BẠN KHỎI CHẾT ĐUỐI ■ NGƯỜI CHẾT ĐUỐI THƯỜNG KHÔNG BỎ PHIẾU ■ TẤT CẢ CHÚNG TA NÊN TRỞ THÀNH NHÀ MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN ■ LIỆU BẰNG CHỨNG THẦM LẶNG CÓ GIÁ TRỊ KHÔNG? ■ CÔ VŨ CÔNG BALÊ (ÉTOILE) CỦA CASANOVA ■ NEW YORK LÀ “BẤT KHẢ CHIẾN BẠI”
Một ảo tưởng sai lầm khác trong cách chúng ta hiểu về các sự kiện là bằng chứng thầm lặng. Lịch sử đã che giấu cả hiện tượng Thiên Nga
CÂU CHUYỆN VỀ NHỮNG NGƯỜI SÙNG TÍN BỊ CHẾT ĐUỐI
Hơn hai ngàn năm trước, Stoic, nhà hùng biện, nhà văn, nhà tư tưởng La Mã, cùng với Marcus Tullius Cicero – một quý ông đức cao vọng trọng -đã kể câu chuyện sau. Người ta đưa cho Diagoras, một triết gia vô thần, xem những bảng gỗ khắc chân dung một số người sùng tín – những người đã cầu nguyện và sống sót sau một vụ đắm tàu. Hàm ý ở đây là sự cầu nguyện sẽ giúp bạn khỏi tai nạn chết đuối. Digoras bèn hỏi, “Thế còn bức ảnh những người cầu nguyện nhưng sau đó vẫn chết đuối đâu?”
Những người sùng tín bị chết đuối hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn “quảng bá” về trải nghiệm của mình dưới đáy đại dương. Điều này có thể đánh lừa những người quan sát cẩu thả và khiến họ tin vào phép màu.
Chúng tôi gọi đây là bài toán về bằng chứng thầm lặng. Ý tưởng này đơn giản nhưng có sức thuyết phục và ảnh hưởng mạnh mẽ. Trong khi hầu hết các nhà tư tưởng đều nỗ lực để vượt trội hơn tiền bối của mình thì Cicero đã bỏ xa lớp hậu bối – những tư tưởng gia theo chủ nghĩa thực nghiệm cho đến tận ngày nay.
Về sau, cả hai vị anh hùng trong số những anh hùng mà tôi ngưỡng mộ – nhà văn tiểu luận Michel de Montaigne và tư tưởng gia theo chủ nghĩa hoài nghi Frands Bacon – cũng nhắc đến quan điểm này trong tác phẩm của mình, đồng thời áp dụng nó vào quá trình hình thành những niềm tin sai lầm. Bacon đã viết trong tác phẩm Novum Organum của mình như sau “Và những điều như vậy đều là mê tín, dù trong thuật tử vi, giấc mơ, điềm báo, lời tiên tri hay những gì tương tự thế”. Dĩ nhiên, vấn đề là nếu không diễn ra một cách có hệ thống, hoặc hợp nhất với phương pháp tư duy của chúng ta thì những quan sát vĩ đại này sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Bằng chứng thầm lặng có ảnh hưởng đối với tất cả những thứ liên quan đến khái niệm lịch sử. Khi sử dụng hai từ lịch sử, tôi không chỉ muốn nói đến những cuốn sách nhàm chán mà chúng ta bị buộc phải học trong lĩnh vực Lịch sử (với những bức tranh thời Phục Hưng in ở bìa để thu hút người xem). Xin nhắc lại rằng, lịch sử là một chuỗi các sự kiện được xem xét trong ảnh hưởng của trình tự diễn ra sau đó.
Thiên kiến này mở rộng đến việc phân bổ các yếu tố tạo nên sự thành công của các ý tưởng và các tôn giáo, đến ảo tưởng về kỹ năng trong nhiều ngành nghề, đến thành công trong các hoạt động nghệ thuật, đến tranh luận giữa phẩm chất nội tại và trải nghiệm cá nhân, đến những sai lầm trong việc sử dụng chứng cứ tại tòa án, đến những ảo tưởng về tính lôgic của lịch sử – và dĩ nhiên, nghiêm trọng nhất là đến nhận thức của chúng ta về bản chất của các biến cố cực độ.
Bạn đang ngồi trong lớp học, lắng nghe một ai đó tự cho mình là quan trọng, có phẩm cách và cần cù (nhưng đần độn), khoác trên mình một chiếc áo vét bằng vải tuýt (với sơ mi trắng, cà vạt thắt nút polka) và rêu rao suốt hai giờ liền về các nguyên lý của lịch sử. Bạn đờ người vì chán nản nên không hiểu anh ta đang nói cái quái gì nhưng vẫn nghe nhắc đến tên một số nhân vật nổi tiếng như Hegel, Fichte, Marx, Proudhon, Plato, Herodotus, Ibn Khaldoun, Toynbee, Spengler, Michelet, Carr, Bloch, Fukuyama, Schmukuyama, Trukuyama. Anh ta có vẻ sâu sắc và uyên bác, việc cố gắng tập trung khiến bạn không còn nhớ phương pháp của anh ta là “hậu-Marxist”, “hậu biện chứng” hay hậu cái gì đó cũng được. Và bạn nhận ra phần lớn những gì anh ta nói đều chỉ dựa trên ảo giác! Nhưng điều này cũng không tạo ra sự khác biệt nào: vì đã đầu tư cho nó nhiều đến nỗi, nếu bị chất vấn về phương pháp của mình, anh ta sẽ quẳng cho bạn hàng đống tên gọi khác nữa.
Có thể dễ dàng để tránh nhìn vào nghĩa trang khi dựng lên lý thuyết về lịch sử. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề về lịch sử, mà về cách chúng ta xây dựng ví dụ mẫu và thu thập bằng chứng trong mọi lĩnh vực. Chúng ta có thể gọi sự bóp méo này là một thiên kiến, nghĩa là sự khác nhau giữa những gì bạn nhìn thấy và những gì hiện hữu. Khi nói đến thiên kiến, tôi muốn ám chỉ một lỗi có tính hệ thống – lỗi này cho thấy ảnh hưởng từ một hiện tượng thường tích cực hơn hay tiêu cực hơn bản chất thật sự của nó, cũng giống như một cái cân chạy sai mà theo đó, trọng lượng của bạn có thể thừa hoặc thiếu đi vài cân, hoặc trong một đoạn phim nào đấy, vòng eo của bạn đột nhiên to hơn đôi chút. Thiên kiến này được nhiều trường phái khám phá lại trong thế kỷ qua, nhưng thường bị lãng quên nhanh chóng (giống như nghiên cứu của Cicero). Vì những người sùng tín bị chết đuối không thể viết lại trải nghiệm của mình (còn sống để làm điều này vẫn tốt hơn), nên những con người hay ý tưởng bại trận ấy vẫn nằm lại cùng lịch sử. Thật lạ thường là các sử gia và những học giả khác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhân văn, những người lẽ ra cần phải hiểu rõ bằng chứng thầm lặng nhất thì lại chẳng quan tâm gì đến nó (tôi nói sau khi đã nghiên cứu kỹ). Còn đối với báo giới, hãy quên chuyện này đi! Họ là lớp “đạo diễn” chuyên sản sinh ra sự bóp méo.
Thuật ngữ thiên kiến còn thể hiện bản chất định lượng tiềm tàng của điều kiện đó. Bạn có thể tính toán và hiệu chỉnh sự bóp méo đó bằng cách xem xét cả người chết lẫn những người đang sống, thay vì chỉ mỗi những người còn sống.
Bằng chứng thầm lặng là thứ mà các biến cố dùng để che đậy tính ngẫu nhiên của chúng, đặc biệt là tính ngẫu nhiên mang đặc điểm Thiên Nga Đen.
Francis Bacon là một người thú vị và dễ mến ở nhiều khía cạnh.
Ông nuôi dưỡng cho mình phẩm chất kiên định, hoài nghi, kinh nghiệm chủ nghĩa, không hàn lâm và không giáo điều, mà đối với một số người cũng hoài nghi, kinh nghiệm chủ nghĩa, không hàn lâm và không giáo điều như tác giả cuốn sách này, thì những phẩm chất nói trên gần như không thể tìm thấy trong ngành học về tư duy. (Bất kỳ ai cũng có thể hoài nghi; bất kỳ một nhà khoa học nào cũng có thể quá dựa vào kinh nghiệm – khó khăn hơn cả chính là không phải ai cũng có khả năng kết hợp được chủ nghĩa hoài nghi và chủ nghĩa kinh nghiệm). Hơn nữa, chủ nghĩa kinh nghiệm của ông muốn chúng ta chứng thực chứ không phải phản bác; do đó ông giới thiệu bài toán về chứng thực – một sự chứng thực vô cùng khó chịu nhưng lại hình thành nên Thiên Nga Đen.
NGHĨA TRANG CỦA NHỮNG CHỮ CÁI
Chúng ta vẫn thường được nhắc nhở rằng người Phê-ni-xi không hề có một tác phẩm văn học nào mặc dù được cho là người đã phát minh ra bảng chữ cái. Các nhà phê bình thảo luận về sự tầm thường của người Phê-ni-xi dựa trên sự thiếu vắng các di sản dưới dạng chữ viết, quả quyết rằng những người này quan tâm đến thương nghiệp hơn nghệ thuật. Theo đó, việc phát minh ra chữ cái của người Phê-ni-xi được cho là vì một mục đích tầm thường: phục vụ cho việc ghi chép thương mại thay vì một mục đích cao quý hơn là sáng tác văn chương. (Trên kệ sách của một trang viên nơi tôi từng thuê để ở, tôi có nhìn thấy một cuốn sách lịch sử đã mốc meo của Will và Ariel Durant mô tả người Phê-ni-xi là “tộc người thương nghiệp”. Tôi chỉ muốn quẳng nó vào lò sưởi cho rồi.) Ngày nay, có vẻ người ta đã biết đến các tác phẩm viết của người Phê-ni-xi nhiều hơn một chút nhưng vì thời đó người ta sử dụng loại giấy dễ bị phân hủy nên những tác phẩm ấy không thể tồn tại theo thời gian. Những bản thảo như thế đang đứng trước nguy cơ biến mất hoàn toàn. Mãi đến thế kỷ thứ hai hay thứ ba, các tác giả và người sao chép mới chuyển sang viết trên giấy da. Những tác phẩm không được chép lại vào thời đó đã hoàn toàn biến mất.
Sự thờ ơ trước bằng chứng thầm lặng là đặc tính cố hữu trong phương pháp mà chúng ta nghiên cứu năng lực so sánh, đặc biệt trong những hoạt động có tính chất kẻ-thắng-lấy-hết. Chúng ta có thể thích thú với những gì mình nhìn thấy, nhưng chẳng ích gì khi đọc quá nhiều câu chuyện thành công bởi sẽ không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh.
Hãy nhớ lại hiệu ứng kẻ-thắng-lấy-hết trong Chương 3: lưu ý rằng phần lớn những người tự nhận mình là nhà văn thực chất (chỉ “tạm thời”) đang làm việc bên cạnh những chiếc máy pha cà phê sáng bóng ở Starbucks. Sự bất công trong lĩnh vực này lớn hơn rất nhiều so với lĩnh vực y học bởi chúng ta hiếm khi thấy tiến sĩ y khoa đi phục vụ bánh hamburger. Do đó, tôi luận ra rằng, có thể đánh giá hiệu quả công việc của nhóm nghề thứ hai qua mẫu thử nào mà mình nhìn thấy. Điều này cũng xảy ra với thợ sửa ống nước, tài xế tắc-xi, gái mại dâm và những nghề không có hiệu ứng siêu sao. Chúng ta sẽ tiếp nối tranh luận về Mediocristan và Extremistan trong Chương 3. Hậu quả của động lực siêu sao chính là những thứ mà chúng ta gọi là “di sản văn học” hay “kho báu văn học” chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số tác phẩm đã được sáng tác. Đây là ý thứ nhất. Cách thức mà động lực này vô hiệu hóa quá trình nhận dạng tài năng có thể xuất phát từ chính bản thân nó: ví dụ bạn cho rằng thành công của tiểu thuyết gia thế kỷ 19 Honoré de Balzac là nhờ ông ta có được những phẩm chất siêu hạng như “thuyết duy thực”, “thấu hiểu”, “nhạy cảm”, “cách xử lý các nhân vật”, “khả năng thu hút độc giả”, và nhiều phẩm chất khác. Những điều nói trên có thể được cho là phẩm chất “siêu hạng” mang đến thành công siêu hạng khi, và chỉ khi những người không có thứ mà chúng ta gọi là tài năng và cũng không có những phẩm chất nêu trên. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như hàng loạt kiệt tác văn học với các thuộc tính tương đồng bắt đầu lụi tàn? Và, theo mạch lôgic của tôi, nếu quả thật có nhiều bản thảo tương đồng nhau về thuộc tính bị hư hỏng thì, tôi rất tiếc khi phải nói, thần tượng Balzac của bạn chỉ là kẻ hưởng lợi từ sự may mắn bị bóp méo so với đồng nghiệp của ông ta. Hơn nữa, có thể bạn sẽ tỏ ra bất công với người khác do quá thần tượng ông ta.
Xin được nhắc lại, tôi không cho rằng Balzac bất tài mà là tài năng của ông không đến nỗi độc nhất vô nhị như chúng ta vẫn nghĩ. Hãy nghĩ xem có hàng ngàn nhà văn hiện nay hoàn toàn bị rơi vào quên lãng: thành tích của họ không được đưa vào phân tích. Có hàng tấn bản thảo bị trả lại nhưng chúng ta không nhìn thấy bởi chưa ai biết đến tên tuổi của những tác giả này. Chỉ riêng tờ New York Times thôi đã từ chối cả trăm bản thảo mỗi ngày, vì vậy, hãy tưởng tượng xem số lượng thiên tài mà chúng ta chưa bao giờ nghe nói đến sẽ nhiều như thế nào. Ở một quốc gia như Pháp, nơi mà buồn thay, có nhiều người viết sách hơn người đọc sách, những nhà xuất bản văn học có uy tín đủ chọn một trong mười nghìn bản thảo mà họ nhận được từ các tác giả mới toanh. Tương tự, hãy nghĩ mà xem có bao nhiêu diễn viên chưa bao giờ vượt qua vòng sơ tuyển, những người mà hẳn sẽ diễn xuất rất tốt nếu như được số phận ban tặng may mắn lớn lao như thế trong đời.
Lần tới, khi bạn đến thăm một người Pháp có đời sống vật chất tiện nghi, bạn có thể sẽ nhìn thấy những cuốn sách thô cứng từ tuyển tập Bibliothèque de la Pléiade 29, loại sách mà chủ nhân của nó không bao giờ, hay hầu như chưa bao giờ đọc chủ yếu do kích thước và trọng lượng bất tiện của chúng. Tư cách thành viên của nhóm Pléiade 30 (Nhóm Tao Đàn Thất Tinh) đồng nghĩa với tư cách thành viên trong cộng đồng văn chương. Bộ sách này rất đắt tiền; nó có mùi đặc trưng của loại giấy siêu mỏng từ Ấn Độ, gần một nghìn năm trăm trang sách được nén lại chỉ bằng độ dày của những cuốn sách bìa mềm. Có vẻ như cách làm đó sẽ giúp bạn tận dụng được tối đa mỗi foot vuông giấy để in được nhiều kiệt tác. Nhà xuất bản Gallimard cực kỳ cẩn thận khi chọn lựa một tác giả xứng đáng với giải thưởng Tao Đàn Thất Tinh – chỉ một số ít tác giả như André Malraux, nhà mỹ học và là người thích phiêu lưu, có được sự công nhận này khi còn sống, ngoài ra còn có các tác giả lớn khác như Dickens, Dostoyevsky, Hugo, Stendhal, Mallarmé, Sartre, Camus và… Balzac. Tuy nhiên, nếu đi theo tư tưởng của Balzac, chủ đề mà tôi sắp phân tích, bạn phải chấp nhận một điều là không có một lời lẽ biện minh sau cùng nào dành cho một tập văn chính thống như thế.
Balzac đã phác họa toàn bộ vấn đề liên quan đến bằng chứng thầm lặng trong cuốn tiểu thuyết mang tên Ảo tưởng tiêu tan (Lost Illusions). Lucien de Rubempré 31 (hay còn gọi là Lucien Chardon), một vĩ nhân tỉnh lẻ đến Paris để bắt đầu nghiệp văn chương. Người ta bảo rằng ông rất có tài – sự thật là tầng lớp nửa quý tộc vùng Angoulême có nói với ông như thế. Nhưng thật khó biết được lời khen đó xuất phát từ ngoại hình đẹp hay từ chất lượng văn chương trong các tác phẩm của ông – hay thậm chí liệu chất lượng văn chương có hữu hình hay không, hoặc, như Balzac luôn tự hỏi, có liên quan gì nhiều đến bất cứ thứ gì trong số đó không. Thành công được trao tặng mà không cần lý do, cũng giống như thành quả của mưu toan và thăng tiến hay sự gia tăng đột biến mức độ yêu thích chỉ vì những lý do hoàn toàn nằm ngoài phạm vi các tác phẩm đó. Lucien khám phá ra sự tồn tại của nghĩa trang rộng lớn vốn là nơi sinh sống của cái mà Balzac gọi là “chim sơn ca”.
Người ta nói với Lucien là danh hiệu “chim sơn ca” này được các hiệu sách “trao tặng” cho những tác phẩm nằm trên các kệ sâu hun hút trong của hàng.
Balzac khiến chúng ta cảm thấy tiếc nuối cho nền văn học thời đó khi mà một nhà xuất bản từ chối bản thảo của Lucien dù chưa bao giờ đọc qua nó, về sau, khi Lucien đã có danh tiếng, cũng chính cái bản thảo ấy nhưng một nhà xuất bản khác lại chấp nhận mà (cũng) không cần đọc qua nó. Cho nên, bản thân tác phẩm chỉ đóng vai trò thứ yếu mà thôi.
Một ví dụ khác về bằng chứng thầm lặng, các nhân vật trong cuốn sách cứ liên tục than vãn rằng mọi thứ đã không còn như trước kia nữa, điều muốn ám chỉ tính công bằng trong văn học được tôn trọng hơn vào thời xưa – họ than vãn như thể trước kia không có cái nghĩa trang nào chôn vùi tài năng vậy. Họ không xét đến những chú chim sơn ca trong các tác phẩm cổ đại! Lưu ý rằng gần hai thế kỷ trước, con người thường lý tưởng hóa khi nghĩ về quá khứ của mình, cũng giống như chúng ta vẫn lý tưởng khi nghĩ về quá khứ của ngày hôm nay.
Như tôi đã đề cập, để hiểu được thành công và phân tích điều gì đã làm nên nó, chúng ta cần nghiên cứu những đặc điểm hiện hữu trong thất bại. Sau đây, tôi sẽ trình bày một phiên bản phổ quát hơn về luận điểm này.
10 bước để trở thành triệu phú
Hàng loạt công trình nghiên cứu về triệu phú với mục tiêu tìm kiếm những kỹ năng cần có để thành công được thực hiện theo phương pháp luận sau. Họ chọn ra một số người thành công, những người có danh tiếng và đang nắm giữ các vị trí quan trọng, và nghiên cứu đặc điểm từng người. Họ xem xét những đặc điểm chung của những người này như sự can đảm, dám chấp nhận rủi ro, lạc quan, vân vân, và suy ra rằng những phẩm chất này, mà nổi bật nhất là dám chấp nhận rủi ro, sẽ giúp bạn thành công. Bạn có thể cũng có cảm giác tương tự nếu đọc tự truyện của một số tổng giám đốc được viết bằng ngòi bút của người khác hay tham gia các buổi hội thảo của họ với các sinh viên MBA nịnh bợ.
Bây giờ, hãy cùng nhìn vào nghĩa trang. Cũng khó thuyết phục những người thất bại viết hồi ký, và trong trường hợp họ chịu viết thì những nhà xuất bản thể loại sách kinh doanh mà tôi biết thậm chí còn không thèm có một cử chỉ lịch sự là gọi điện hồi âm (cũng như viết thư hồi âm, quên nó đi!). Bạn đọc không bao giờ chịu trả 26,95 đô-la cho một câu chuyện về sự thất bại, thậm chí dù bạn có thuyết phục họ rằng câu chuyện đó chứa đựng nhiều bí quyết hữu ích hơn cả một câu chuyện về thành công. 32 Toàn bộ ý niệm về tiểu sử đều dựa trên sự quy kết độc đoán về mối quan hệ nhân quả giữa các đặc điểm cụ thể và các sự kiện diễn ra sau đó. Bây giờ, hãy nghĩ đến nghĩa trang. Bãi tha ma dành cho những người thất bại là nơi hiện diện đông đảo những người có cùng các đặc điểm sau: can đảm, dám chấp nhận rủi ro, lạc quan, v.v. Cũng giống hệt như nhóm các nhà triệu phú. Có thể có một vài khác biệt về kỹ năng, nhưng điều thực sự chia tách họ làm hai nhóm chính là một tác nhân duy nhất: may mắn. Đơn giản chỉ là may mắn.
Bạn không cần vận dụng nhiều kiến thức của chủ nghĩa kinh nghiệm để tìm ra lời giải cho vấn đề này: chỉ cần một thí nghiệm đơn giản về tư duy là đủ. Lĩnh vực quản lý quỹ đòi hỏi một số người phải thực sự có khả năng bởi vì hết năm này qua năm khác, họ phải tìm cách “vượt mặt” thị trường. Người ta sẽ tôn vinh những “thiên tài” này và thuyết phục bạn rèn luyện để có được những kỹ năng như họ. Phương pháp mà cho đến nay tôi vẫn sử dụng là tạo ra một nhóm các nhà đầu tư được lựa chọn hoàn toàn ngẫu nhiên và, bằng phương pháp giả lập trên máy tính, chỉ ra quy trình tất yếu của việc sản sinh ra những “thiên tài” trên thành công chỉ nhờ may mắn này. Hết một năm, bạn lại sa thải kẻ bại trận và chỉ giữ lại người chiến thắng và từ đó, công ty chỉ toàn những người chiến thắng liên tục trong dài hạn. Vì không quan sát nghĩa trang của những nhà đầu tư chiến bại nên bạn sẽ nghĩ rằng công ty đang vận hành tốt, và rằng một số nhân viên điều hành hoàn toàn vượt trội hơn so với người khác. Dĩ nhiên, người ta dễ dàng tìm ra lời giải thích cho thành công của những người may mắn sống sót đó: “Anh ta ăn đậu hũ”, “Cô ta ở lại công ty đến tối mịt, một ngày nọ tôi gọi đến văn phòng cô ấy lúc 8 giờ tối và…” hoặc dĩ nhiên cũng có những ý kiến đại loại như “Bản chất cô ta là lười nhác rồi. Mà người lười nhác như cô ấy thì nhìn nhận sự việc rất rõ ràng”. Nhờ vào cơ chế của thuyết tiền định truy hồi về quá khứ, chúng ta sẽ tìm thấy “nguyên nhân” – thật vậy, chúng ta cần phải nhìn thấy nguyên nhân. Tôi gọi sự mô phỏng về những nhóm người giả sử này, vốn thường được thực hiện bằng máy tính, là cơ chế nhận thức luận tính toán (computational epistemology). Những thí nghiệm về tư duy của bạn có thể được thực hiện bằng máy tính. Bạn chỉ cần giả lập một thế giới khác, một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, và xác nhận là nó tương tự với thế giới mà chúng ta đang sống. Việc không đưa các tỷ phú may mắn vào các thí nghiệm này có thể xem là ngoại lệ. 33
Hãy nhớ lại điểm khác biệt của Mediocristan và Extremistan ở chương 3. Tôi đã nói là không nên làm một công việc “có tính thang bậc”, đơn giản là vì ít ai thành công trong những nghề như thế. Và những nghề như vậy tạo ra một nghĩa trang rộng lớn: nhóm người làm diễn viên sống trong đói kém luôn đông đảo hơn nhóm người hành nghề kế toán, dù bạn có thể cho rằng thu nhập trung bình của họ là như nhau.
CÂU LẠC BỘ CHĂM SÓC SỨC KHỎE DÀNH CHO CHUỘT
Tính đa dạng thứ hai, và cũng khắc nghiệt hơn về bằng chứng thầm lặng như sau. Khi ở độ tuổi đôi mươi, tôi vẫn còn đọc báo và nghĩ rằng cứ đọc báo đều đặn thì ít nhiều gì cũng có ích, và tôi tình cờ đọc được một bài báo nói về mối đe dọa ngày càng lớn của giới mafia Nga ở Mỹ và việc bọn chúng đã hất cẳng băng nhóm lâu đời Louie và Tony ra khỏi một số khu vực lân cận Brooklyn. Bài báo lý giải sự lì lợm và tàn bạo của băng nhóm này chính là hậu quả của những trải nghiệm cay đắng mà họ đã hứng chịu ở Gulag. Gulag là hệ thống trại cải tạo tại Siberia, nơi tội phạm và các phần tử chống đối bị lưu đày. Việc đưa người đến Siberia là một trong những phương pháp thanh lọc được các triều đại Nga Hoàng sử dụng lần đầu tiên và sau đó được tiếp tục hoàn thiện. Nhiều tù nhân đã không thể sống sót trong các trại cải tạo này.
Chai sạn vì Gulag? Với tôi, câu này vừa hết sức sai lầm, (vừa như một suy luận hợp lý. Phải mất một khoảng thời gian tôi mới nhận thấy những điều vô nghĩa ẩn bên trong lớp vỏ hào nhoáng của nó; thí nghiệm về tư duy sau sẽ cho chúng ta lời giải đáp. Giả sử rằng bạn có thể tập hợp được một bầy chuột đông đúc và hỗn tạp: mập, ốm, bệnh hoạn, khỏe mạnh, dáng vóc cân đối, vân vân. (Bạn có thể dễ dàng bắt chúng trong bếp ăn của các nhà hàng nổi tiếng ở New York). Với hàng ngàn con chuột này, bạn lập ra một nhóm hỗn tạp – nhóm có thể đại diện cho toàn bộ chuột tại New York. Bạn mang chúng đến phòng thí nghiệm của tôi ở đường East 59th, New York và chúng ta cùng nhau cho tất cả đám chuột này vào một bể chứa lớn. Chúng ta khiến lũ chuột bị nhiễm phóng xạ với liều lượng ngày càng cao (do đây là một thí nghiệm về tư duy nên người ta nói với tôi rằng không có khái niệm tàn ác trong quá trình thực hiện). Tại mỗi mức phóng xạ, những con chuột nào bản chất vốn khỏe mạnh (và đây chính là chìa khóa) sẽ sống sót; những con chết sẽ được đưa ra khỏi mẫu thử. Càng về sau, chúng ta sẽ có được một tập hợp những con chuột ngày càng khỏe mạnh. Nhưng hãy chú ý một thực tế quan trọng: tất cả những con chuột, dù là những con khỏe mạnh, đều trở nên yếu hơn so với thời điểm trước khi nhiễm phóng xạ.
Một nhà quan sát được trời phú cho khả năng phân tích, người mà chắc hẳn điểm số đại học phải vào loại xuất sắc, sẽ tin rằng thí nghiệm đó của tôi là một hình thức thay thế hoàn hảo cho câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe, và nó có thể được áp dụng cho bất kỳ loài động vật hữu nhũ nào (hãy nghĩ đến khả năng thành công về mặt thương mại). Logic của anh ta như sau: Những con chuột này khỏe mạnh hơn tất cả những con còn lại. Vậy chúng có điểm chung gì? Tất cả chúng đều đến từ phòng thí nghiệm của tay chuyên nghiên cứu Thiên Nga Đen, Taleb. Không mấy ai muốn đến xem những con chuột chết.
Tiếp đến, chúng ta chơi khăm tờ New York Times theo cách sau: chúng ta thả những con chuột còn sống vào thành phố New York và gợi ý cho con chuột đầu đàn viết một bài báo lý thú về sự chia rẽ trong tôn ty trật tự xã hội loài chuột ở New York. Chú ta sẽ viết một bài dài (và mang tính phân tích) về động lực xã hội của loài chuột ở New York, trong đó có đoạn sau: “Những chú chuột đó đã trở thành “đầu gấu” trong xã hội loài chuột chúng ta. Thật vậy, chúng bắt đầu điều khiển mọi việc. Trở nên mạnh mẽ hơn nhờ vào những trải nghiệm trong phòng thí nghiệm của nhà thống kê học/nhà triết học/nhà môi giới chứng khoán sống ẩn dật (nhưng thân thiện) – Tiến sĩ Taleb – chúng…”
Thiên kiến tội lỗi
Có một thuộc tính xấu xa trong thiên kiến này: nó ẩn mình giỏi nhất khi ảnh hưởng của nó ở mức nghiêm trọng nhất. Do người ta không nhìn thấy những con chuột chết nên càng trở nên nguy hiểm chừng nào thì rủi ro lại càng khó phát hiện bởi những hậu quả nghiêm trọng thường bị loại khỏi bằng chứng. Tính sát thương của thí nghiệm trên càng cao thì khác biệt giữa những con chuột sống sót và phần còn lại trong đàn sẽ càng lớn, và điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ tiếp tục bị hiệu ứng mạnh mẽ hơn đánh lừa. Một trong hai thành phần sau rất cần thiết để giải thích cho sự khác biệt giữa tác động thực sự (suy yếu đi) và tác động theo quan sát (mạnh mẽ hơn): a) mức độ chênh lệch của sức mạnh, hay sự đa dạng, trong đàn, hoặc b) sự biến đổi, hay sự đa dạng, xuất hiện ở bước nào đó trong quá trình thí nghiệm. Sự đa dạng ở đây có liên quan đến độ bất định cố hữu trong quá trình thí nghiệm.
Thêm nhiều ứng dụng ẩn
Chúng ta có thể phát triển luận điểm này; nó có tính phổ quát cao đến nỗi một khi chúng ta đã mắc phải rồi thì rất khó có thể nhìn nhận thực tế như trước đây được nữa. Rõ ràng, nó đã cướp mất sức mạnh duy thực trong các quan sát của chúng ta. Tôi sẽ liệt kê ra một vài trường hợp để minh họa cho những điểm yếu trong cơ chế suy luận của chúng ta.
Tính ổn định của các loài. Lấy ví dụ một số loài động vật mà chúng ta cho là đã tuyệt chủng. Trong một thời gian dài, các nhà khoa học chỉ phân tích những mẫu hóa thạch vẫn còn tồn tại đến ngày nay để xác định số loài tuyệt chủng. Nhưng con số được công bố này đã bỏ sót cả một nghĩa trang lặng im những loài xuất hiện rồi diệt vong và không để lại dấu tích nào ở dạng hóa thạch; số mẫu hóa thạch mà chúng ta đã tìm thấy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số các loài đã xuất hiện rồi diệt vong. Điều này có nghĩa là sinh học trên hành tinh này phong phú hơn rất nhiều so với nghiên cứu ban đầu. Một hậu quả đáng lo ngại hơn chính là tỷ lệ tuyệt chủng của các loài cao hơn rất nhiều so với suy nghĩ của chúng ta – gần 99,5% loài xuất hiện trên trái đất này hiện đã tuyệt chủng, trong khi số nhà khoa học thì cứ liên tục tăng. Cuộc sống dễ đổ vỡ hơn khả năng chịu đựng của chúng ta rất nhiều. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta (loài người) nên cảm thấy tội lỗi trước sự diệt vong đang diễn ra xung quanh hay chúng ta phải hành động để ngăn chặn nó – các loài sinh vật đã xuất hiện rồi biến mất trước khi chúng ta bắt đầu phá tung môi trường mà không cần phải gánh trách nhiệm đạo đức cho bất kỳ sinh vật nào đã tuyệt chủng.
Liệu phạm tội có phải trả giá? Báo chí thường đưa tin tội phạm bị bắt giữ. Nhưng không có mục nào trên tờ The New York Times đăng tải câu chuyện về những tên tội phạm chưa bị bắt. Điều này cũng xảy ra với các vấn đề như trốn thuế, hối lộ trong chính quyền, tệ nạn mại dâm, chuyện những cặp đôi nổi tiếng bị đầu độc (bằng các loại chất không tên và không thể phát hiện được), và vận chuyển ma túy.
Hơn nữa, rất có thể hiểu biết của chúng ta về tội phạm được căn cứ trên đặc điểm của những tên vì kém thông minh nên mới bị bắt.
Một khi bản thân chúng ta dần thoát khỏi ảnh hưởng của bằng chứng thầm lặng thì rất nhiều điều trước kia vốn ẩn mình nay bắt đầu hiện ra trước mắt. Trải qua một vài thập niên với hệ tư tưởng này, tôi tin rằng (nhưng không thể chứng minh) giáo dục và đào tạo có thể giúp chúng ta tránh được cạm bẫy.
Sự phát triển của vóc dáng vận động viên bơi lội
Hai cụm từ thông dụng “vóc dáng của một vận động viên bơi lội” và “may mắn của người mới bắt đầu” có gì giống nhau? Chúng có gì giống với khái niệm về lịch sử?
Giới cá cược tin rằng những người mới bắt đầu hầu như luôn may mắn.
Bạn sẽ nghe người ta nói rằng, “Càng chơi càng thua, nhưng ban đầu, tay cờ bạc nào cũng gặp vận đỏ”. Quả thật, theo kinh nghiệm nhiều người, câu nói này đúng: các nhà phân tích xác nhận rằng những con bạc thường có khởi đầu đầy may mắn (điều này cũng tương tự với nhiều nhà đầu cơ trên thị trường chứng khoán). Liệu điều này có nghĩa là mỗi người trong chúng ta nên trở thành con bạc trong một khoảng thời gian nhất định, tận dụng sự hiện hữu của Thần May Mắn dành cho người mới bắt đầu và sau đó ngưng lại?
Câu trả lời là không. Ảo giác sau vẫn thường xảy ra: những người mới bắt đầu cá cược hoặc may mắn hoặc xui xẻo (cứ cho là các sòng bạc gặp may, nhiều người xui hơn may). Những người may mắn thì cảm thấy rằng số phận đã chọn họ nên sẽ tiếp tục lao vào cá cược; những người xui xẻo thì trái lại, cảm thấy thoái chí, nên không đến sòng bạc nữa. Tùy thuộc vào khí chất của từng người mà mọi người có thể bắt đầu tham gia các hình thức giải trí khác như quan sát chim, trò chơi sắp chữ Scrabble, trò cướp biển, v.v. Những người tiếp tục cá cược sẽ nhớ rằng họ đã từng có một khởi đầu may mắn. Theo lý thuyết, những người bỏ cuộc sẽ không còn là thành viên của cộng đồng những con bạc sống sót. Điều này lý giải cho may mắn của những người mới bắt đầu.
Có một phép loại suy trong cách nói mà chúng ta quen dùng là “vóc dáng của vận động viên bơi lội”, mà vài năm trước đã khiến tôi mắc phải một sai lầm đáng xấu hổ (mặc dù có kiến thức chuyên môn về lỗi thiên kiến này nhưng tôi vẫn không nhận thấy mình đang bị đánh lừa). Khi hỏi mọi người về vóc dáng của các vận động viên, tôi thường nghe thấy rằng vận động viên điền kinh trông có vẻ còm nhom, vận động viên xe đạp thì mông to, còn vận động viên cử tạ thì không cân đối và có vẻ gì đó nguyên sơ. Tôi suy luận ra rằng mình nên dành thời gian đến hồ bơi Đại học New York hít thở khí clo để có được những “cơ bắp thon dài”. Bây giờ, tạm thời không quan tâm đến thuyết nhân quả. Giả sử rằng sự khác biệt về gien khiến cơ thể mỗi người chỉ phù hợp với một vóc dáng nào đó. Những ai sinh ra với một cơ thể có thiên hướng trở thành vận động viên bơi lội sẽ trở thành một người bơi rất giỏi. Họ là những người liên tục làm nước bắn tung tóe ở hồ bơi. Nhưng nếu tăng cân thì cơ thể họ vẫn không có nhiều khác biệt. Thực ra, một số cơ bắp chỉ phát triển theo cùng một cách dù bạn có tiêm xteroit hay tập leo tường trong phòng thể dục gần nhà.
NHỮNG GÌ BẠN THẤY VÀ KHÔNG THẤY
Katrina, cơn bão đã tàn phá New Orleans năm 2005, khiến nhiều chính trị gia đang vận động tranh cử phải xuất hiện trên truyền hình. Xúc động bởi hình ảnh vẻ sự tàn phá của trận bão và cơn thịnh nộ của những nạn nhân giờ đã trở những kẻ vô gia cư, các nhà lập pháp hứa sẽ “tái thiết” nơi này. Với họ, làm một điều gì đó mang tính nhân văn, vượt lên trên sự ích kỷ thấp hèn của chính mình là những việc làm hết sức cao quý.
Liệu họ sẽ thực hiện lời hứa bằng tiền túi của chính mình? Không. Họ sử dụng tiền của công chúng. Hãy nhớ rằng những nguồn quỹ đó được chuyển đến từ một nơi nào khác, giống như trong “Của Thiên trả Địa” vậy. Một nơi nào khác ấy có thể là ngân sách dành cho nghiên cứu chữa trị ung thư hay dùng vào các nỗ lực ngăn chặn bệnh tiểu đường. Ít ai quan tâm đến những bệnh nhân ung thư đang nằm cô độc trong trạng thái suy sụp – những hình ảnh không được phát lên truyền hình. Những bệnh nhân ung thư này không những không được bầu cử (vì họ sẽ chết trước khi kỳ bỏ phiếu kế tiếp bắt đầu) mà hình ảnh của họ còn không nằm trong hệ thống xúc cảm của chúng ta. Hàng ngày có nhiều người chết vì ung thư hơn số lượng nạn nhân của cơn bão Katrina; họ mới chính là những người cần chúng ta nhất, không chỉ là trợ giúp về mặt tài chính mà là sự quan tâm và thái độ ân cần của chúng ta. Và có thể dưới hình thức gián tiếp hay trực tiếp, nguồn tiền cho kế hoạch “tái thiết” ấy được trích ra từ chính nguồn tiền dành cho những bệnh nhân ung thư này. Tiền (dù ở dạng của công hay tài sản cá nhân) được rút ra từ các dự án nghiên cứu có thể phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân này – một dạng tội ác vẫn còn nằm trong im lặng.
Một nhánh của ý tưởng này có liên quan đến quá trình ra quyết định của chúng ta trong điều kiện có nhiều khả năng có thể xảy ra. Chúng ta nhìn thấy rõ các hậu quả chứ không mơ hồ và vô hình. Tuy nhiên, những hậu quả không nhìn thấy – không, phải nói là nhìn chung – có thể sẽ mang ý nghĩa hơn.
Frédéric Bastiat là một nhà nghiên cứu khoa học nhân văn sống vào thế kỷ 19, một người kỳ lạ và là một trong những tư tưởng gia độc lập hiếm hoi thời đó, độc lập đến mức trở nên vô danh tại chính nước Pháp – quê hương của mình – bởi ý tưởng của ông đi ngược với quan điểm chính trị chính thống của Pháp (ông là một trong những tư tưởng gia mà tôi yêu kính, cũng như Pierre Bayle, họ là những người vô danh ngay tại chính quê hương và trong chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình). Nhưng có rất nhiều người ở Mỹ đi theo tư tưởng của ông.
Trong bài tiểu luận “Những gì chúng ta thấy và không thấy” của mình, Bastiat muốn chuyển tải ý tưởng sau: chúng ta có thể thấy hành động của chính quyền và do đó, ca ngợi họ – và chúng không thấy được giải pháp thay thế. Nhưng thật sự là có một giải pháp thay thế dù nó không hiện hữu rõ ràng và vẫn còn vô hình.
Hãy nhớ lại phần ngụy biện chứng thực: chính phủ các nước thường rất giỏi thông báo cho bạn biết họ đã làm được gì, nhưng không hé nửa lời về những gì họ chưa làm được. Trên thực tế, chúng ta có thể gọi việc làm của họ là “lòng bác ái” giả tạo – hành động giúp đỡ mọi người theo cách dễ nhận thấy và tạo cảm giác mạnh, nhưng lại chẳng thèm bận tâm đến chuyện vẫn còn đó cả một nghĩa trang thầm lặng với các hậu quả vô hình. Bastiat truyền cảm hứng cho những người tán thành chủ nghĩa tự do bằng cách công kích những luận điểm thông thường phục vụ cho lợi ích của chính quyền. Tuy vậy, các ý tưởng của ông vẫn có thể khái quát hóa để áp dụng cho cả Phe Hữu lẫn Phe Tả.
Bastiat đi sâu hơn một chút. Nếu cả hậu quả tiêu cực lẫn tích cực của một hành động dòng ảnh hưởng đến tác giả thì quá trình học tập của chúng ta sẽ diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên, hậu quả tích cực của một hành động thường chỉ làm lợi cho tác giả của nó, trong khi hậu quả tiêu cực vô hình lại rơi vào người khác và kèm theo đó là một chi phí tính cho xã hội. Hãy phân tích các biện pháp bảo trợ việc làm mà xem: bạn chú ý đến những người có công ăn việc làm được bảo trợ và kết luận phúc lợi xã hội chính là biện pháp bảo trợ đó. Nhưng bạn lại không nhận thấy nó đã khiến nhiều người thất nghiệp vì số lượng cơ hội việc làm giảm đi đáng kể. Trong một số trường hợp, như hoàn cảnh những bệnh nhân ung thư bị cơn bão Katrina trừng phạt chẳng hạn, kết quả tích cực của một hành động tức thì sẽ sinh lợi cho các chính trị gia và những nhà hoạt động nhân đạo giả tạo, trong khi hậu quả tiêu cực thì còn lâu mới xuất hiện – hoặc cũng có thể chúng không bao giờ được nhận thấy. Thậm chí người ta có thể kết tội báo chí vì đã hướng các khoản đóng góp từ thiện đến những người mà ít cần chúng nhất.
Chúng ta hãy áp dụng cách lý luận này cho sự kiện 11 tháng 9 năm 2001. Có khoảng 2.500 người chết khi máy bay của trùm khủng bố Bin Laden đâm sập tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. Gia đình các nạn nhân nhận được hỗ trợ dưới mọi hình thức từ các cơ quan và tổ chức từ thiện, và họ xứng đáng được như thế. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, trong ba tháng cuối năm đó, có gần một ngàn người chết và họ chính là nạn nhân thầm lặng của bọn khủng bố. Vì sao? Những người sợ đi máy bay chuyển sang lái ô tô và phải gánh chịu một rủi ro tử vong cao hơn. Có bằng chứng về tỷ lệ thương vong trên xa lộ gia tăng trong giai đoạn này; xa lộ tiềm ẩn nguy cơ tử vong cao hơn bầu trời. Những gia đình này không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào – thậm chí họ còn không biết người thân của mình là nạn nhân của Bin Laden.
Bên cạnh Bastiat, tôi còn chỉ ra một yếu điểm của Ralph Nader (nhà hoạt động xã hội và luật sư bảo vệ người tiêu dùng, dĩ nhiên, ông không phải chính trị gia hay một người có tư duy chính trị). Có thể ông là công dân Mỹ đã cứu sống nhiều người nhất khi công bố hồ sơ đánh giá độ an toàn của các công ty kinh doanh ô tô. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử cách đây vài năm, ông lại quên công bố rằng có hàng vạn người đã được cứu sống nhờ luật về thắt dây an toàn của ông. Thuyết phục người khác bằng câu “Nhìn xem, tôi đã làm gì cho anh” luôn dễ dàng hơn rất nhiều so với “Nhìn xem, tôi đã giúp anh tránh được những gì”.
Hãy nhớ lật lại Phần mở đầu để thấy rằng, câu chuyện về một nhà lập pháp giả định nào đó với những động thái có thể giúp chúng ta tránh được thảm họa 11/9. Có bao nhiều người như thế bước đi trên đường mà không có dáng đi thẳng đứng của một vị anh hùng giả tạo?
Hãy dũng cảm xem xét những hậu quả thầm lặng khi đứng trước một kẻ hoạt động nhân đạo lừa đảo.
Bác sĩ
Sự thờ ơ của chúng ta trước các bằng chứng thầm lặng đang cướp đi mạng sống của nhiều người mỗi ngày. Cứ cho là thuốc men sẽ giúp nhiều người tránh được một số bệnh nguy hiểm tiềm ẩn, nhưng lại có nguy cơ giết chết một số người, và đồng thời mang đến cho xã hội một lợi ích sau cùng nào đó. Liệu bác sĩ có đồng ý kê toa? Ông ta không có động cơ gì để làm thế cả. Luật sư của người chịu ảnh hưởng từ tác dụng phụ của thuốc sẽ theo sát vị bác sĩ đó như chó săn, trong khi số người được cứu sống nhờ liều thuốc mà bác sĩ kê toa lại không được nhắc đến.
Một mạng người được cứu sống là một con số thống kê, một người bị tổn thương là một giai thoại, số liệu thống kê thì mơ hồ còn một giai thoại thì lại rất rõ ràng. Tương tự, rủi ro của một hiện tượng Thiên Nga Đen cũng rất mơ hồ.
PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ KIỂU TEFLON 34 CỦA GIACOMO CASANOVA
Điều này đưa chúng ta đến với hình thái biểu hiện nghiêm trọng nhất của bằng chứng thầm lặng, đó là ảo tưởng về tính ổn định. Lỗi thiên kiến làm giảm khả năng nhận thức của chúng ta về những rủi ro đã gặp trong quá khứ, đặc biệt đối với những người may mắn sống sót. Mạng sống của bạn đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhưng sau khi vượt qua, bạn lại đánh giá thấp mức độ nguy hiểm thật Sự của tình huống ấy khi nhìn lại quá khứ.
Giacomo Casanova, hay còn gọi là Jacques, Chevalier de Seingalt. Có lẽ một số độc giả sẽ ngạc nhiên vì tay tán gái huyền thoại này lại chẳng giống James Bond chút nào.
Giacomo Casanova là một người thích phiêu lưu mạo hiểm, người mà về sau tự gọi mình là Jacques, Chevalier de Seingalt, một người trí thức, nhiều hoài bão và một tay cưa gái huyền thoại, ở ông có một đặc điểm kiểu Teflon mà giới quý tộc mafia dù gan lì nhất cũng phải ganh tị: bất hạnh không bao giờ đến với ông. Trong khi được nhiều người biết đến bởi sự quyến rũ thì Casanova lại tự xem mình là một dạng học giả nào đó. Ông muốn tìm kiếm danh vọng trong làng văn bằng tác phẩm dài mười hai tập History of my life (Nhật ký đời tôi) được viết bằng thứ tiếng Pháp tệ (tệ một cách thú vị). Bên cạnh những bài học cưa gái vô cùng hữu ích, cuốn Nhật ký này còn gửi đến bạn đọc hàng loạt tình huống “chuyển bại thành thắng” đầy may mắn nhưng vô cùng thú vị. Casanova cảm thấy rằng mỗi khi ông gặp khó khăn thì ngôi sao may mắn của ông, cô vũ công ba lê, đều luôn giúp ông vượt qua. Khi mọi thứ trở nên tồi tệ với ông thì như có bàn tay vô hình nào đó đã khiến tình hình tốt đẹp trở lại, và ông buộc phải tin rằng việc vượt qua khó khăn bằng cách đón chào cơ hội mới chính là đặc tính thực chất bên trong con người mình. Bằng cách nào đó, ông gặp một người đang trong cơn cùng cực và chào mời ông ta một giao dịch tài chính. Đó là một khách hàng mới mà ông chưa từng lừa gạt trước đây, hoặc là người đủ rộng lượng hoặc đủ kém về trí nhớ để quên những trò lừa của ông trong quá khứ. Liệu có phải định mệnh đã ban cho Casanova khả năng vượt qua tất cả khó khăn không?
Không hẳn thế. Hãy xem xét nhận định sau: trong số tất cả những tay phiêu lưu tài giỏi trên trái đất này, nhiều người đôi khi bị khó khăn quật ngã, trong khi số khác thì lúc nào cũng có thể vượt qua. Chính những người sống sót thường có xu hướng tin rằng không gì có thể đánh bại được mình; họ có những kinh nghiệm đủ sâu sắc để viết sách. Dĩ nhiên là cho đến khi…
Thật ra, có rất nhiều người phiêu lưu cảm thấy rằng số phận đã chọn họ, đơn giản là vì có quá nhiều người thích phiêu lưu mạo hiểm và chúng ta không hề nghe đến những chuyện đen đủi mà họ gặp phải. Khi bất đầu viết chương này, tôi chợt nhớ có lần đã trò chuyện với một phụ nữ về vị hôn phu thích khoa trương của cô – con trai một công chức nhà nước, người đã thành công trong một số phi vụ làm ăn và nhờ đó mà có một cuộc sống vương giả: giày được làm thủ công, xì gà Cuba, sưu tập ô tô, v.v. Tiếng Pháp có một từ mô tả những người này – flambeur (người làm ăn lớn) – sự pha trộn giữa khái niệm về một người lịch thiệp quá mức, một nhà đầu cơ ngông cuồng và một người dám chấp nhận rủi ro; đó là một từ mà dường như không hiện diện trong nền văn hóa các nước Anglo-Saxon. Vị hôn phu này rất giỏi xài tiền và khi chúng tôi nói về vận mệnh của anh ta (rốt cuộc thì cô gái cũng lấy anh ta), người phụ nữ cho tôi biết rằng anh ta đang gặp một vài khó khăn nhưng không cần phải lo lắng vì anh ta luôn vượt qua được cùng với một kế hoạch phục thù. Câu chuyện đã xảy ra cách đây vài năm. Vốn tò mò, tôi theo dõi anh ta (và cố gắng làm sao cho thật tinh tế): anh ta vẫn không (hay chưa) phục hồi sau thất bại gần nhất. Anh ta cũng hoàn toàn biệt tăm khỏi nhóm những người làm ăn lớn.
Điều này thì có liên hệ gì với động năng của lịch sử? Hãy nghĩ đến điều mà chúng ta thường gọi là tính quật cường của thành phố New York. Với những nguyên nhân có phần huyền bí, mỗi khi đứng trước bờ vực của thảm họa thì thành phố này nó luôn có cách thoát hiểm và phục hồi. Một số người thật sự tin rằng đây là một thuộc tính nội tại của New York. Đoạn văn sau được trích từ một bài báo đáng trên tờ New York Times:
Điều này lý giải tại sao New York vẫn cần Samuel M. E. – nhà kinh tế học năm nay đã 77 tuổi, người đã nghiên cứu những thăng trầm của New York trong suốt hơn nửa thế kỷ qua… Ông nói: “Chúng ta có truyền thống vượt khó và trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Bây giờ, hãy lật ngược ý tưởng trên: nghĩ về những thành phố có quy mô nhỏ như người Giacomo Casanova hay bầy chuột trong phòng thí nghiệm. Tương tự như cách chúng ta đặt hàng ngàn con chuột vào một quy trình thử nghiệm đầy nguy hiểm, hãy đặt những thành phố sau vào một giả lập lịch sử Rome, Athens, Carthage, Byzantium, Tyre, Catal Hyuk (tọa lạc tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, một trong những nơi định cư đầu tiên của loài người), Jericho, Peoria và, dĩ nhiên là phải có New York. Chỉ một số thành phố có thể sống sót sau nhiều biến động khắc nghiệt của giả lập lịch sử. Bởi vì chúng tôi biết rằng, với nhiều nước khác, lịch sử không có vẻ gì là tử tế cả. Tôi chắc rằng Carthage, Tyre và Jericho đều có một câu nói đặc trưng, giống như của Samuel M. E. và cũng không kém phần hùng biện “Kẻ thù nhiều lần muốn tiêu diệt chúng ta; nhưng chúng ta lại trở nên kiên cường hơn bao giờ hết. Giờ đây chúng ta là bất khả chiến bại”.
Lỗi thiên kiến này khiến những trường hợp sống sót không đủ điều kiện trở thành chứng nhân của quá trình thí nghiệm đó. Liệu có đáng lo không? Việc bạn sống sót là một điều kiện có thể khiến bạn hiểu không đầy đủ về thuộc tính của trường hợp sống sót đó, bao gồm cả ý niệm nông cạn về “nguyên nhân”.
Bạn có thể áp dụng nhận định trên trong nhiều trường hợp. Hãy thay thế vị giáo sư Samuel M. E. đã về hưu bằng một tổng giám đốc và bàn về khả năng khắc phục khó khăn của công ty ông. “Sự khôi phục nhanh chóng của hệ thống tài chính” mà nhiều người chế nhạo được hiểu như thế nào? Số phận vị tổng giám đốc đã lèo lái công ty hoạt động hiệu quả sẽ như thế nào?
Giờ đây, bạn đọc có thể hiểu được vì sao tôi sử dụng sự may mắn liên tục của Casanova như một khuôn khổ chung cho quá trình phân tích lịch sử hay tất cả những sự kiện đã xảy ra. Tôi tạo ra những tình huống giả định về lịch sử về hàng triệu người như Giacomo Casanova chẳng hạn và quan sát sự khác biệt giữa đặc điểm của những Casanova thành công (bởi vì chính bạn là người tạo ra chúng nên bạn biết chính xác các đặc điểm) với những đặc điểm mà người quan sát kết quả nhận. Từ góc nhìn này, việc trở thành một Casanova không phải là một ý kiến hay.
“Tôi là một người dám chấp nhận rủi ro”
Hãy phân tích công việc kinh doanh nhà hàng tại một nơi cạnh tranh như New York. Quả thật, nếu chỉ mở một nhà hàng thôi, bạn sẽ thấy rằng đó là một ý tưởng ngốc nghếch bởi ngành kinh doanh này vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro với hành động phá rối diễn ra khắp nơi, đó là chưa kể đến các khách hàng khó tính, kén chọn. Nghĩa trang yên nghỉ của những nhà hàng thất bại rất tĩnh lặng: dạo một vòng quanh Midtown Manhattan, bạn sẽ thấy những nhà hàng ấm cúng luôn đầy ắp khách hàng quen, bên ngoài những chiếc limousin đang đậu chờ thực khách bước ra với người phụ tá, “chiến lợi phẩm” và “một nửa” của mình. Chủ nhà hàng làm việc mệt nhoài nhưng hạnh phúc vì những nhân vật quan trọng này đã chiếu cố tới quán của ông. Nhưng liệu điều này có nghĩa là nên mở nhà hàng tại một khu vực có tính cạnh tranh cao như thế? Dĩ nhiên là không, tuy nhiên, nhiều người vẫn làm, họ lao vào những cuộc phiêu lưu như thế, chấp nhận rủi ro một cách ngu xuẩn bởi lợi ích trước mắt đã làm họ mù quáng.
Rõ ràng, trong chúng ta có đặc điểm sinh tồn kiểu Casanova, đó là loại gien dám chấp nhận rủi ro, nó khiến ta mù quáng chấp nhận các rủi ro và không nhận thức được tính tùy biến của những kết quả có thể xảy đến. Chúng ta được thừa hưởng sở thích chấp nhận rủi ro ngoài dự tính. Liệu chúng ta có nên khuyến khích những hành vi như vậy?
Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế bắt nguồn từ những hành vi dám chấp nhận rủi ro ấy. Nhưng một gã khờ nào đó sẽ cãi lại như sau: nếu ai đó làm theo cách lý luận của tôi thì hẳn chúng ta đã không đạt được mức tăng trưởng thần kỳ trong quá khứ. Điều này cũng hoàn toàn giống với việc một người chơi trò Ru-lét Nga 35 và xem nó là một trò hay bởi anh ta sống sót và kiếm được tiền.
Mọi người thường nói rằng loài người chúng ta có xu hướng lạc quan và điều đó có vẻ tốt cho chúng ta. Luận điểm này nhằm biện minh cho việc dám chấp nhận rủi ro mà chúng ta thường thấy như một sự táo bạo tích cực, và là một hành động thường được biểu dương trong cộng đồng. Này, cha ông của chúng ta dám đương đầu thách thức trong khi ông, NNT, lại khuyến khích chúng tôi không làm gì (tôi đâu có ý như thế)
Quả thật, chúng ta có đủ bằng chứng để xác nhận rằng loài người là một loài vô cùng may mắn và rằng chúng ta thừa hưởng gien chấp nhận rủi ro. Nhưng trên thực tế, những người dám chấp nhận rủi ro một cách ngu xuẩn chính là những Casanova sống sót.
Một lần nữa, xin khẳng định là tôi không phủ nhận ý tưởng chấp nhận rủi ro vì bản thân tôi cũng từng trải nghiệm nó. Tôi chỉ phê phán cái lối khuyến khích người ta mạo hiểm khi không có thông tin gì về rủi ro. Nhà siêu tâm lý học Danny Kahneman đã đưa ra bằng chứng cho thấy chúng ta chấp nhận rủi ro không phải xuất phát từ sự can đảm mà từ sự ngu dốt và mù quáng trước khả năng xảy ra của rủi ro đó! Các chương tiếp theo sẽ đề cập sâu hơn vì sao chúng ta có xu hướng phủ nhận những yếu tố ngoại lai và kết quả bất lợi khi tiên đoán về tương lai. Nhưng tôi vẫn duy trì quan điểm sau: việc chúng ta có được thành công nhờ may mắn không có nghĩa là chúng ta nên tiếp tục mạo hiểm với những rủi ro tương tự. Chúng ta là một loài đủ trưởng thành để nhận ra điều này, hãy tận hưởng hạnh phúc và cố gắng gìn giữ những gì chúng ta có được nhờ may mắn bằng việc trở nên thận trọng hơn. Chúng ta đang chơi trò Ru-lét Nga; giờ hãy ngưng lại và tìm kiếm một công việc thực tế.
Tôi còn hai ý muốn trình bày về chủ đề này. Thứ nhất, lời biện minh cho thái độ lạc quan thái quá bằng lý lẽ như “nó mang chúng ta đến đây” xuất phát từ một sai lầm còn nghiêm trọng hơn về bản chất con người: đó là niềm tin cho rằng con người sinh ra để hiểu thiên nhiên và bản chất của chính mình, và rằng quyết định của chúng ta đã và đang dựa trên lựa chọn của chính chúng ta. Tôi xin được phản bác điều này. Có quá nhiều bản năng chi phối chúng ta.
Thứ hai – điều hơi đáng lo hơn ý thứ nhất: sự đấu tranh sinh tồn vẫn không ngừng bị phóng đại và thêu dệt bởi nhóm người xem nó là Chân Lý Phúc Âm. Một người càng xa lạ với tính ngẫu nhiên sinh ra Thiên Nga Đen chừng nào thì càng tin vào công dụng tối ưu của tiến hóa. Bằng chứng thầm lặng không hiện hữu trong lý thuyết của họ. Tiến hóa là một chuỗi những may rủi, nhưng rủi nhiều may ít và bạn chỉ thấy những gì tốt đẹp mà thôi. Nhưng về ngắn hạn, rất khó nhận biết đặc điểm nào thật sự tốt cho bạn, nhất là khi bạn đang ở trong môi trường sản sinh ra Thiên Nga Đen như Extremistan. Điều này giống như khi bạn quan sát thấy những tay cờ bạc giàu có bước ra từ sòng bạc và tuyên bố rằng cái gu bài bạc là tốt cho muôn loài bởi nó khiến bạn trở nên giàu có! Việc chấp nhận rủi ro đã khiến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng!
Ý tưởng rằng chúng ta đang ở đây, rằng đây là một thế giới tươi đẹp nhất trong mọi thế giới và rằng sự tiến hóa đã thực hiện một công việc vĩ đại có vẻ như khá mơ hồ nếu xét dưới góc độ tác động của bằng chứng thầm lặng. Những kẻ ngốc, giống Casanova hay những kẻ mạo hiểm mù quáng, thường chỉ chiến thắng trong ngắn hạn. Tệ hơn, trong môi trường của Thiên Nga Đen, nơi mà một biến cố hiếm có thể thình lình xuất hiện và làm biến đổi một chủng loài vốn đã thích nghi lâu nay, thì những người mạo hiểm một cách mù quáng cũng có thể chiến thắng trong dài hạn! Tôi sẽ trở lại với ý tưởng này trong Phần 3 và cho bạn thấy vì sao Extremistan lại khiến cho tác động của bằng chứng thầm lặng trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng có một hình thái biểu hiện khác đáng để chúng ta nói đến.
TÔI LÀ MỘT THIÊN NGA ĐEN: MỘT LỖI THIÊN KIẾN CỦA LOÀI NGƯỜI
Tôi muốn tỏ ra thực tế hơn và tránh thảo luận về những luận điểm siêu hình hay luận chứng vũ trụ – đâu đó trên trái đất này vẫn còn nhiều mối nguy hiểm đáng để chúng ta lo ngại và vì thế sẽ thật khôn ngoan khi gác việc tự biện siêu hình này lại. Tuy nhiên, cũng tốt nếu bạn lén nhìn một lần (không hơn nhé) cái gọi là luận chứng vũ trụ của loài người bởi nó chỉ ra mức độ nghiêm trọng trong việc chúng ta hiểu sai về tính ổn định của lịch sử.
Gần đây có một làn sóng các nhà triết học và vật lý học (và những người thuộc cả hai nhóm ấy) đang nghiên cứu về sự tự giả định (self-sampling assumption), một dạng khái quát về nguyên lý của thiên kiến Casanova đối với sự hiện hữu của chính chúng ta.
Hãy nghĩ về số phận của chúng ta mà xem. Nhiều người lập luận rằng khả năng bất kỳ ai trong chúng ta có thể tồn tại trong thế giới này thấp đến nỗi nó không được xem là sự ngẫu nhiên của số phận. Hãy nghĩ về khả năng những tham số xuất hiện chính xác nơi chúng cần có mặt để tạo nên sự sống của chúng ta (bất kỳ sự chệch hướng nào trong quá trình định cỡ cũng có thể khiến thế giới của chúng ta nổ tung, sụp đổ hay đơn giản là không thể tồn tại). Người ta thường nói rằng trái đất được sinh ra với những đặc tính giúp cho chúng ta có thể tồn tại. Theo luận điểm này, nó không bắt nguồn từ may mắn.
Tuy nhiên, sự hiện diện của chúng ta trong mẫu thử đã vô hiệu hóa hoàn toàn việc tính toán các khả năng. Một lần nữa, câu chuyện về Casanova có thể khiến cho quan điểm trên trở nên khá đơn giản – đơn giản hơn nhiều so với cấu trúc thông thường của nó. Hãy nhớ lại tất cả những thế giới có thể tồn tại khi các Casanova bé nhỏ đi theo vận mệnh của mình. Người nào vẫn có thể tiếp tục tồn tại (nhờ may mắn) sẽ cảm thấy rằng (giả định là anh ta không thường gặp may) có một thế lực huyền bí nào đó đang dẫn đường cho anh và quan sát số mệnh của anh: “Này, bằng không thì khả năng có thể đến được đây sẽ rất thấp, dù là nhờ vào may mắn”. Đối với những ai đã quan sát tất cả những người thích phiêu lưu, khả năng tìm thấy một người như Casanova không thấp chút nào: có quá nhiều người thích phiêu lưu mạo hiểm thì buộc phải có một ai đó chiến thắng chứ.
Ở đây, vấn đề của vũ trụ và của loài người chính là chúng ta là những Casanova sống sót. Nếu ban đầu bạn có nhiều Casanova mạo hiểm thì hẳn thế nào cũng có một người sống sót, và đoán thử xem: nếu bạn đang ở đây để nói về điều đó thì nhiều khả năng bạn chính là người đặc biệt ấy (lưu ý “điều kiện” đó là bạn đã sống sót để nói về nó). Vì thế, chúng ta không còn ngây thơ khi tính toán các khả năng mà không cân nhắc đến việc điều kiện đảm bảo sống còn cho chúng ta sẽ đặt ra những giới hạn cho quá trình đưa ta đến đây.
Giả định rằng lịch sử sẽ tạo ra những viễn cảnh hoặc “u ám” (tức bất lợi) hoặc “hồng tươi” (tức có lợi). Viễn cảnh u ám sẽ dẫn tới sự diệt vong. Rõ ràng, nếu hiện giờ tôi vẫn ngồi đây viết ra những dòng này thì hẳn nhiên lịch sử đã mang đến một viễn cảnh tươi sáng – viễn cảnh cho phép tôi được hiện diện ở đây, một chặng đường lịch sử mà trong đó tổ tiên tôi đã tránh được họa thảm sát do quân xâm lược trên khắp miền Cận Đông gây ra. Ngoài những viễn cảnh có lợi đó ra thì không có sự hiện hữu của các vụ thiên thạch va vào trái đất, chiến tranh hạt nhân hay các đợt dịch bệnh chết người xảy ra trên diện rộng nào khác. Nhưng tôi sẽ không xem xét loài người như một tổng thể. Bất kỳ khi nào nhìn lại tiểu sử của mình, tôi đều cảm thấy lo lắng cho sự mong manh của đời mình. Một lần, khi trở lại Li băng trong thời gian diễn ra chiến sự vào năm mười tám tuổi, tôi cảm thấy mệt mỏi và ớn lạnh mặc cho cái nóng của mùa hè. Tôi bị sốt thương hàn. Nếu không nhờ vào sự phát minh ra chất kháng sinh của một vài thập niên trước thì có lẽ lúc này tôi sẽ không có mặt ở đây được. Sau này, cũng nhờ vào kỹ thuật trị liệu mới được khám phá mà tôi đã được “cứu sống” khỏi một căn bệnh nghiêm trọng khác. Là một người đang sống trong kỷ nguyên Internet, một người có thể viết và có được một lượng bạn đọc nhất định, tôi đã hưởng lợi rất nhiều từ may mắn của xã hội và từ sự thiếu vắng một cách khác thường của các cuộc chiến tranh quy mô lớn trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, tôi chính là kết quả của sự phát triển loài người mà bản thân nó cũng là một biến cố ngẫu nhiên.
Sự hiện diện của tôi ở đây là một biến cố có xác suất thấp và tôi có xu hướng quên béng nó đi.
Chúng ta hãy trở lại với công thức 10 bước để trở thành triệu phú. Một người thành công sẽ cố thuyết phục bạn rằng thành tựu của anh ta không phải do may mắn, cũng giống như một tay cờ bạc thắng trò Ru-lét 7 lần liên tiếp sẽ giải thích với bạn rằng khả năng thắng liền một mạch như thế còn nhỏ hơn một phần triệu, vì vậy, hoặc là bạn phải tin rằng có một sự can thiệp huyền bí nào đó đang diễn ra hoặc phải thừa nhận kỹ năng và hiểu biết của anh ta trong việc chọn lựa các con số. Nhưng nếu bạn tính đến tất cả các tay cờ bạc ngoài kia, và cả những hành vi mạo hiểm khác (tổng cộng cũng có vài triệu đấy), thì hiển nhiên phải có những trường hợp ăn may như thế. Và nếu bạn đang nói về chúng thì chúng đã xảy ra với bạn rồi.
Lý lẽ của điểm quy chiếu như sau: đừng tính toán các khả năng thông qua lợi thế chiến lược của tay cờ bạc thắng cuộc (hay qua một người may mắn như Casanova, một thành phố không ngừng khôi phục như New York, hoặc một thành phố bất khả chiến bại như Carthage), mà phải xuất phát từ tất cả những ai tham gia vào nhóm đánh bạc ngay từ đầu. Một lần nữa, tiếp tục xem xét ví dụ về người đánh bạc. Nếu xem xét toàn bộ nhóm người tham gia đánh bạc ngay từ đầu thì bạn gần như chắc chắn rằng một người trong số họ (nhưng không biết trước được là ai) sẽ đạt được thành công xuất chúng nhờ may mắn. Vì vậy, từ điểm quy chiếu là nhóm đánh bạc lúc ban đầu, bạn sẽ thấy thành tích ấy cũng không có gì ghê gớm. Nhưng từ điểm quy chiếu của người thắng bạc (và, đây là điểm mấu chốt, những người mà không bao gồm những người thua bạc), một chuỗi dài những chiến thắng sẽ xuất hiện như một cách quá khác thường đến mức không thể lý giải đó là nhờ may mắn. Lưu ý rằng một “tiến trình lịch sử” chỉ là một chuỗi các con số theo thời gian. Những con số này có thể nói lên mức độ giàu có, khả năng thích nghi, cân nặng và mọi thứ.
Khái niệm “bởi vì” đầy hào nhoáng
Chính bản thân khái niệm này đã làm suy yếu nghiêm trọng ý niệm “bởi vì” mà các nhà khoa học thường đề xuất, trong khi các nhà sử học thì lại luôn dùng sai. Chúng ta phải chấp nhận sự mơ hồ của những cái “bởi vì” tương tự nhau cho dù nó có làm ta buồn nôn đến mức nào đi nữa (và nó thực sự khiến ta buồn nôn khi loại bỏ ảo giác giảm đau của quan hệ nhân quả). Tôi xin lặp lại rằng chúng ta là loài động vật luôn tìm kiếm lời giải thích, là những người luôn có xu hướng cho rằng mọi việc đều có một nguyên nhân tương tự nhau và chộp lấy nguyên nhân nào rõ ràng nhất làm lời giải thích. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có những cái bởi vì rõ ràng mà trái lại, thường không có gì cả, thậm chí là một tia sáng nhỏ về những lời giải có thể có. Nhưng bằng chứng thầm lặng đã che phủ sự thật này. Bất cứ khi nào chúng ta còn tồn tại thì ý niệm về cái “bởi vì” vẫn còn bị suy yếu nghiêm trọng. Điều kiện sống còn đó lấn át mọi lời giải thích có thể xảy ra. Theo trường phái Aristotle, cái “bởi vì” không xuất hiện ở đó để giải thích cho mối liên kết chặt chẽ giữa hai sự vật, mà thay vào đó, như chúng ta đã thấy trong Chương 6, là nhằm phục vụ cho điểm yếu đã được che giấu của chúng ta trong việc truyền đạt lời giải thích.
Hãy áp dụng lối suy luận này vào câu hỏi sau: Tại sao bệnh dịch hạch không giết chết nhiều người hơn thế? Người ta sẽ đưa ra hàng loạt những lời giải thích “hào nhoáng”, trong đó có cả lý thuyết về quy mô của trận dịch đó và “các mô hình khoa học” về bệnh dịch. Bây giờ, hãy thử ứng dụng luận chứng suy yếu về quan hệ nhân quả mà tôi vừa mới nhấn mạnh trong chương này: nếu bệnh dịch hạch giết nhiều người hơn thì những người quan sát (tức chúng ta) sẽ không còn ở đây mà quan sát nữa. Vì vậy, các bệnh dịch không nhất thiết phải có đặc điểm là chừa lại vài người như chúng ta. Bất kỳ lúc nào bạn còn hiện hữu thì đừng vội tìm kiếm nguyên nhân và hậu quả. Có thể chúng ta không thể nhận biết được lý do chủ yếu cho sự tồn tại của mình trước những căn bệnh như thế: chúng ta có mặt ở đây là bởi viễn cảnh “hồng tươi” theo kiểu Casanova đã cứu nguy, và nếu như điều này có vẻ quá khó hiểu thì đó là do chúng ta đã bị tẩy não bởi các ý niệm về quan hệ nhân quả và cho rằng việc sử dụng chữ bởi vì sẽ là hành động khôn ngoan hơn việc chấp nhận sự ngẫu nhiên.
Vấn đề lớn nhất mà tôi nhìn thấy ở hệ thống giáo dục hiện nay chính là nó buộc học sinh phải cố nặn ra đáp án cho các nội dung môn học và làm chứng hổ thẹn vì không đưa ra được ý kiến hoặc vì thốt lên rằng “Tôi không biết”. Vì sao Chiến tranh lạnh kết thúc? Vì sao quân Ba Tư lại bại trận ở đảo Salamis? Vì sao Hannibal 36 lại bị phản bội? Vì sao Casanova có thể phục hồi sau gian khó? Trong mỗi ví dụ này, chúng ta xem xét một điều kiện, một tình huống sống sót và tìm kiếm lời giải thích thay vì cứ lật đi lật lại vấn đề và tuyên bố đó là điều kiện để tồn tại, một người không thể hiểu thái được quy trình nhiều như vậy nên họ cần học cách viện dẫn một chừng mực nào đó của tính ngẫu nhiên (ngẫu nhiên là thứ chúng ta không biết; để viện dẫn tính ngẫu nhiên thì phải thú nhận sự ngu dốt). Không chỉ giáo sư đại học là người duy nhất hình thành cho bạn thói quen xấu. Tôi đã trình bày trong Chương 6 về cách mà báo chí nhồi nhét những mối liên kết nhân quả vào nội dung để khiến bạn thích thú với các bài tường thuật đó. Nhưng xin hãy tỏ ra có nhân cách trong việc sử dụng từ “bởi vì” của mình; cố gắng giới hạn nó trong những tình huống mà cái “bởi vì” đó xuất phát từ thực nghiệm chứ không từ việc nhìn lại lịch sử.
Xin lưu ý rằng tôi không nói là nguyên nhân không hề tồn tại; đừng sử dụng luận chứng này để rồi không nỗ lực học tập từ lịch sử. Tất cả những gì tôi muốn nói chính là nó không quá đơn giản như bạn nghĩ; hãy tỏ ra hoài nghi những cái “bởi vì” và cẩn thận ứng phó với nó – đặc biệt trong những tình huống bạn nghi ngờ có bằng chứng thầm lặng.
Chúng ta đã chứng kiến nhiều loại bằng chứng thầm lặng đã bóp méo nhận thức của mình về trải nghiệm thực tế, khiến nó có vẻ dễ lý giải hơn (và ổn định hơn) so với bản chất thực sự. Bên cạnh lỗi chứng thực và liên tưởng ngụy biện, các dạng thức biểu hiện của bằng chứng thầm lặng còn làm méo mó vai trò và tầm quan trọng của Thiên Nga Đen. Trên thực tế, đôi lúc chúng khiến ta đánh giá quá cao (như những thành công trong văn học chẳng hạn), nhưng cũng có khi chúng khiến ta đánh giá quá thấp (như tính ổn định của lịch sử; sự bền vững của loài người).
Trước đây, tôi đã nói rằng hệ thống tri giác của chúng ta không thể phản ứng lại những gì không hiện ra trước mắt hoặc những gì không đánh thức được sự quan tâm về mặt cảm xúc của bản thân. Khi chào đời, chúng ta đã mang trong mình sự hời hợt, tức chỉ chú ý những gì nhìn thấy chứ không bận tâm đến những gì không hiện hữu rõ ràng trong tâm trí mình. Chúng ta tiến hành một cuộc chiến kép chống lại bằng chứng thầm lặng. Phần vô thức trong cơ chế suy luận của chúng ta (có một thứ như thế) sẽ phớt lờ cái nghĩa trang đó cho dù ý thức rõ được sự cần thiết phải xem xét nó. Xa mặt, cách lòng: chúng ta nuôi dưỡng thái độ khinh rẻ tự nhiên, thậm chí thô bạo, đối với những gì trừu tượng.
Điều này sẽ được minh họa cụ thể hơn ở chương tiếp theo.