menu
Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 10 THẬN TRỌNG SO VỚI THÔNG THƯỜNG

Luật Của Warren Buffett – CHƯƠNG 10 THẬN TRỌNG SO VỚI THÔNG THƯỜNG

News Trading

News Trading
Like
1144 View

“Việc thăm dò dư luận không thể thay thế tư duy.”

− NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1965

Trong nhiều trường hợp, đi theo đám đông có thể là một chiến lược khá hiệu quả. Khi bạn tới một ngôi trường xa lạ để xem một trận đấu lớn, theo sau đám đông trước khi trận đấu bắt đầu thường là một cách hay để tìm sân vận động. Tương tự như vậy, nếu bạn thấy mọi người hoảng loạn chạy khỏi một rạp chiếu phim, thì chắc bạn không nên bước vào đó thì hơn. Lần tới, nếu bạn thấy một đám người cùng nhìn chăm chú theo một hướng, bạn thử xem có ngăn được bản thân không nhìn không. Tôi cược là bạn không thể. Được lập trình sẵn trong trạng thái con người của chúng ta, bản năng này được gọi là bằng chứng xã hội, và nó thường khá hữu ích trong nhiều trường hơp.

Bằng chứng xã hội cũng vô tình trở thành “nàng thơ” của giới đầu tư. Nó thu hút bạn bằng sự thoải mái khi trở thành một phần trong đám đông và sau đó giết chết cơ hội làm tốt hơn của bạn bởi, theo định nghĩa, việc trở thành một phần trong bầy đàn có nghĩa là tầm nhìn đầu tư của bạn sẽ thiếu đi sự khác biệt. Thật khó để cả số đông cùng làm tốt hơn mức trung bình.

Đầu tư thành công đòi hỏi bạn cần phải tư duy theo cách riêng của mình và tập luyện để làm cho mình thấy thoải mái khi đi ngược lại đám đông. Bạn có thể nói rằng thành quả tốt chủ yếu nhờ biết cân bằng đúng mực giữa tính ngạo mạn và khiêm nhường – hãy đủ ngạo mạn để nghĩ rằng bạn có hiểu biết vượt trội so với trí tuệ tập thể của thị trường, đủ khiêm nhường để biết các giới hạn trong khả năng của mình và hãy sẵn sàng đổi hướng khi nhận thấy sai sót.

Bạn sẽ phải đánh giá các sự kiện và hoàn cảnh, áp dụng logic và lập luận để xây dựng giải thuyết, rồi sau đó hành động khi những sự kiện đó xuất hiện, cho dù đám đông có đồng ý hay bất đồng với các kết luận của bạn. Việc đầu tư thành công đi ngược lại những hạt giống của bằng chứng xã hội và những bản năng đã được lập trình trong di truyền vào bản chất của con người chúng ta. Đó cũng là một lý do khiến việc này trở nên khó khăn như vậy.

Howard Marks(65), một người cùng thời với Buffett và cũng có sở thích văn chương, đã thách thức độc giả của mình “có dám trở nên vĩ đại” để dám trở thành các nhà đầu tư giỏi hơn. Ông nói với độc giả của mình rằng, “câu hỏi thực sự là liệu bạn có dám làm những điều cần thiết để trở nên vĩ đại không. Bạn có sẵn sàng trở nên khác biệt, và bạn có sẵn sàng mắc sai lầm không? Để có cơ hội thành công lớn, bạn phải sẵn sàng làm hai điều này.” Trong suốt sự nghiệp của mình, Buffett đã tìm thấy thành công bằng việc dám trở nên khác biệt nhưng hầu như không mắc sai lầm.

Các bức thư giúp chúng ta hiểu về hai ý tưởng chủ chốt đằng sau phương pháp độc lập của ông. Thứ nhất, tính thận trọng(66) trong đầu tư chỉ dựa trên các sự kiện đúng đắn và lập luận có cơ sở – dù có thể là thông thường, nhưng nó thường không chính thống. Bạn phải thấy khoản đầu tư của mình hợp lý; sở thích của đám đông không nên ảnh hướng tới quyết định của bạn. Trong thực tế, người cuối cùng “tham gia vào đám đông” thường là người phải trả giá cao nhất. Quyết định mua khôn ngoan nhất được thực hiện vào đúng thời điểm trái ngược, khi tư duy của bạn đặt bạn đi ngược lại trí tuệ thông thường hay các xu hướng chung chung.

Thứ hai, một danh mục đầu tư tập trung thực tế có thể thận trong hơn một danh mục đa dạng hóa khi đáp ứng các điều kiện đúng đắn. Lối tư duy thông thường trong sách vở thường mâu thuẫn với ý tưởng này; nó bị kéo xa khỏi kết luận “ít hơn là tốt hơn” bởi những phép toán trông có vẻ thanh lịch nhưng lại sai lầm bởi dựa trên một tiền đề lỗi là hệ số beta(67) của một cổ phiếu (đo lường mức độ dao động của cổ phiếu) là thước đo phù hợp cho độ rủi ro của nó (nguy cơ thua lỗ vĩnh viễn). Sau đó, mối liên hệ “lỗi” này được ngoại suy để kết luận rằng một danh mục đầu tư có hệ tố beta thấp hơn là ít rủi ro hơn. Bởi về mặt toán học, việc bổ sung một chứng khoán làm giảm hệ số beta tổng thể của một danh mục đầu tư, nên đa dạng hóa càng cao được coi là càng làm giảm rủi ro tổng thể. Nếu A=B và B=C thì A=C, đúng chứ? Ý tưởng beta=rủi ro đã gây ra (và sẽ còn tiếp tục gây ra) rất nhiều tư duy đầu tư mơ hồ. Munger(68) và Buffett sẽ bảo bạn rằng đó là một sai lầm phổ biến bởi toán học quá thanh lịch. Những người sử dụng các công cụ kỹ thuật và tính toán thường dễ đưa ra các kết luận sai lầm dẫn đến việc đặt thêm vài con số vào bên phải của một dấu thập phân; độ chính xác như vậy dẫn tới một cảm giác sai lầm về tính an toàn. Nói theo cách của Keynes(69) là: Xấp xỉ đúng vẫn còn hơn sai hoàn toàn.

Buffett luôn tập trung cao độ và cảm thấy các hành động của mình có tính thận trọng cao. Tại sao phải mua lựa chọn tốt thứ 10 của bạn (chưa kể tới lựa chọn tốt thứ 100) trong khi bạn vẫn có thể mua thêm lựa chọn bạn yêu thích nhất ở mức giá hấp dẫn? Có rất nhiều điều đáng học từ Buffett về cách quản lý rủi ro và các chi phí cơ hội của khoản đầu tư cận biên trong bình luận của ông về ý nghĩa đích thực của tính thận trọng.

Hãy tự mình suy nghĩ

Đối với Buffett, nếu một điều hợp lý thì nó có tính thận trọng. Chấm hết. Đôi lúc, phương pháp này cuối cùng trở thành thông thường, đôi lúc nó lại không. Như ông nói, “qua diễn biến của nhiều đợt giao dịch, mọi người sẽ đúng nếu giả thuyết của mọi người chính xác, sự kiện của mọi người chính xác, và lập luận của mọi người chính xác. Tính thận trọng đích thực chỉ có thể đạt được nhờ hiểu biết và lập luận.” Trong đầu tư, “bầy đàn” thường sai. Thời điểm tốt nhất để mua chứng khoán là khi đám đông đang sợ hãi nhất. Khi ngay tới các người tài xế taxi còn nói chuyện về danh mục đầu tư chứng khoán, thì sẽ khôn ngoan hơn khi thận trọng.

Có một câu nói xưa trên Phố Wall là, “Một ý tưởng hay lúc đầu thường trở thành một ý tưởng tồi cuối cùng.” Buffett không thấy thoải mái khi quá nhiều người đồng ý với ông; ông không quan tâm những người có ảnh hưởng và quyền lực nghĩ gì. Ông nhận ra rằng theo quan điểm thông thường, một thứ vượt qua được bài kiểm tra tính thận trọng khi nhiều người cùng đồng thuận với nhau, bao gồm cả các “chuyên gia.” Ông luôn nhấn mạnh việc quan điềm của mình về điều khiến một thứ có tính thận trọng khác biệt với những quan điểm thông thường như thế nào.

Những bài học từ Công ty Hợp danh dạy các nhà đầu tư rằng chỉ có một nhóm các trường hợp mà trong đó bạn hay bất kỳ ai khác nên ra quyết định đầu tư – đó là khi các sự kiện quan trọng trong trường hợp đó được hiểu đầy đủ và khi các bước

hành động rõ như ban ngày. Nếu không, hãy bỏ qua chúng đi. Chẳng hạn, tại Sanborn, khi Buffett nhận ra rằng ông gần như chắc chắn kiếm được tiền từ cổ phiếu này nếu ông mua danh mục chứng khoán của nó ở mức giá 70 xu cho 1 đô la còn mảng kinh doanh bản đồ là miễn phí, ông đã đầu tư rất nhiều. Khi ông nhận thấy Dempster đang bán thấp hơn giá trị chỉ tính riêng hàng tồn kho dư thừa của nó, ông đã đầu tư ngay. Trong mỗi trường hợp, khi ông hoàn toàn ở trong vòng tròn năng lực của mình và hiểu được các yếu tố chi phối kết quả, ông hành động ngay: “Khi chúng ta thực sự ngồi lại với một nụ cười trên môi là lúc chúng ta bước vào một tình huống mình có thể hiểu được, tại đó các sự kiện có thể biết chắc chắn và rõ ràng, và các bước hành động là hiển nhiên. Trong tình huống đó – dù thông thường hay thận trọng – dù người khác đồng ý hay bất đồng – chúng ta cảm thấy rằng – chúng ta đang bước đi một cách thận trọng.”

Quyết định đầu tư

Như Buffett nói với các thành viên góp vốn, tất nhiên sẽ là lý tưởng nếu ông có thể tìm được 50 cơ hội khác nhau với xác suất tương đương nhau mà có thể thu được lãi cao hơn 15% so với chỉ số Dow. Bằng cách đó, dù vài cơ hội có thất bại thì kết quả vẫn thật kinh ngạc. Nhưng như ông nói, “Mọi chuyện đâu dễ dàng như vậy… chúng ta phải làm việc rất cực nhọc mà cũng chỉ để tìm được vài cơ hội đầu tư hấp dẫn mà thôi.”

Lợi ích của việc đa dạng hóa chỉ xuất hiện sau khi danh mục đầu tư có 6 đến 8 doanh nghiệp (cổ phiếu) đầu tiên không tương quan nhau. Ở đây, chúng ta đang nói tới việc đa dạng hóa các yếu tố chi phối lợi nhuận của từng công ty, chứ không phải hiệp phương sai(70) của các mức giá cổ phiếu của chúng hay bất kỳ thứ gì mang tính kỹ thuật như vậy. Bạn có thể trung hòa nhiều rủi ro ngoài ý muốn chỉ với vài ý tưởng. Chẳng hạn, nếu bạn sở hữu cổ phiếu của Exxon Mobil (công ty dầu khí tổng hợp) và Sherwin-Williams (công ty sơn kiến trúc), bạn sẽ chẳng cần quan tâm tới chiều biến động của giá dầu. Giá cả tăng nhìn chung tốt cho lợi nhuận của Exxon nhưng lại bất lợi cho lợi nhuận của Sherwin bởi dầu và các sản phẩm từ dầu chiếm phần lớn doanh thu của Exxon nhưng cũng là phần lớn chi phí sản xuất của Sherwin. Nếu bạn có thể tìm được 6-8 ý tưởng khác nhau, bạn có thể trung hòa rất nhiều những tác động ngoài ý muốn này.

Tuy nhiên, sau nhóm đầu tiên này, tác dụng làm giảm rủi ro của việc bổ sung thêm cổ phiếu sẽ ngày càng giảm dần. Các lợi ích nhanh chóng bị lấn át bởi việc giảm lợi nhuận kỳ vọng của danh mục đầu tư. Thực tế là các ý tưởng hay – các cơ hội đầu tư tiềm năng với rủi ro thấp, lợi nhuận cao – không thường xuất hiện cho lắm. Thông thường, lợi nhuận kỳ vọng từ ý tưởng tốt thứ 7 sẽ thấp hơn nhiều ý tưởng tốt nhất của bạn.

Buffett ngày càng bị thuyết phục về lợi ích của việc tiến hành đầu tư khi các điều kiện chín muồi. Vào năm 1965, ông đã sửa đổi Quy tắc cơ bản để thêm một điều khoản cho phép tới 40% giá trị tài sản ròng của BPL được đặt vào một chứng khoán duy nhất dưới điều kiện “có xác suất rất cao là các sự kiện và lập luận của chúng ta chính xác với xác suất cực thấp rằng bất kỳ điều gì có thể làm thay đổi trầm trọng giá trị cơ bản của khoản đầu tư.” Nói cách khác, khi các sự kiện có thể biết chắc chắn và rõ ràng, cũng như các bước hành động là hiển nhiên, đồng thời rủi ro thua lỗ ở mức tối thiếu, bạn nên đầu tư ngay.

Ông đã đưa lời khuyên sau đây cho một nhóm sinh viên vào cuối những năm 1990:

Nếu có thể xác định được 6 doanh nghiệp tốt nhất, thì đó là tất cả sự đa dạng các bạn cần. Các bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Và tôi có thể đảm bảo rằng việc tìm thêm một doanh nghiệp thứ 7 thay vì đầu tư nhiều hơn vào doanh nghiệp đầu tiên sẽ là một sai lầm khủng khiếp. Chẳng mấy ai giàu có nhờ ý tưởng tốt thứ 7 của mình cả. Nhưng rất nhiều người đã trở nên giàu có nhờ ý tưởng hay nhất của họ. Vậy tôi có thể nói với bất kỳ ai làm việc với số vốn thông thường mà thực sự hiểu các doanh nghiệp họ đang đầu tư vào rằng, sáu là nhiều rồi, và tôi [sẽ] có thể đầu tư nửa [số vốn đó] vào doanh nghiệp nào tôi thích nhất.

Hiện vẫn còn rất nhiều nhà quản lý đầu tư chủ động điều hành các danh mục đầu tư với hơn 100 loại cổ phiếu như trong thời kỳ của Công ty Hợp danh. Buffett đã mỉa mai nhóm này trong những bức thư của mình:

Bất kỳ ai sở hữu số lượng chứng khoán như vậy sau khi chắc hẳn đã nghiên cứu các tiêu chuẩn đầu tư của mình (và tôi không quan tâm chức danh của họ uy tín ra sao), đang theo đuổi cái mà tôi gọi là phong cách đầu tư Tàu Noah – “nồi lẩu thập cẩm”. Những nhà đầu tư đó nên thí điểm “con tàu” trước đã. Trong khi Tàu Noah vận hành theo các nguyên tắc sinh học nhất định đã được thử nghiệm qua thời gian thì các nhà đầu tư lại lạc lối qua các nguyên tắc toán học. (Tôi chỉ biết nhiều về hình học phẳng thôi, nhưng có một ngoại lệ là tôi đã cẩn thận sàng lọc các nhà toán học ra khỏi Công ty Hợp danh của chúng ta rồi.)

Thử nghiệm tính thận trọng

Buffett nhanh chóng nhận ra rằng các ý tưởng của ông rất chủ quan và đưa ra một phương pháp định lượng để tiếp cận vấn đề: “một cách hợp lý để đánh giá tính thận trọng của các chính sách trước đây là nghiên cứu thành tích tại các thị trường đi xuống.” Sau đó ông đưa ra dẫn chứng của mình, cho thấy BPL đã luôn làm tốt thế nào trong những năm thị trường đi xuống. Đây vẫn là một cách hiệu quả để thử nghiệm tính thận trọng trong quá khứ của bất kỳ nhà đầu tư nào.

Từ lúc BPL thành lập cho tới năm 1965, chỉ số Dow Jones đã có ba năm đi xuống. Tính tổng ba năm đó thì thành tích của Công ty Hợp danh là +45%, trong khi chỉ số Dow là -20% còn các nhà quản lý đầu tư khác mà Buffett thường so sánh kết quả của mình với họ đi xuống trong khoảng -9% tới -24% trên cơ sở tương đương.

Mặc dù ông thừa nhận rằng việc so sánh không “quan trọng cho lắm,” ông nói rằng “việc đánh giá tính thận trọng của bất kỳ chương trình hay bất kỳ nhà quản lý (bao gồm cả tự quản lý) đầu tư nào cũng cần dựa trên các tiêu chuẩn khách quan hợp lý và tôi nghĩ thành tích tại các thị trường đi xuống ít nhất cũng là một phép thử có ý nghĩa.”

Đáng chú ý là Buffett chưa từng có năm nào đi xuống trong suốt thời kỳ của Công ty Hợp danh. Stanley Druckenmiller, người từng kiếm được hàng tỷ đô la với George Soros, chưa từng có năm nào đi xuống tại quỹ phòng hộ của mình, Duquesne, nơi ông quản lý các khoản đầu tư trong suốt 20 năm. Joel Greenblatt, một nhà đầu tư nổi tiếng đã giúp Gotham đạt lợi nhuận trung bình 50% mỗi năm, chưa từng có năm nào đi xuống trong suốt 10 năm từ năm 1985 tới 1994. Khả năng đạt thành tích tốt tại các thị trường đi xuống đều là tiêu chuẩn vàng của ba nhà đầu tư vĩ đại này.

Ý tưởng đầu tư tốt nhất xác định lựa chọn tiếp theo của bạn

Khi cân nhắc giá trị của việc thêm một ý tưởng mới vào các khoản đầu tư hiện có của bạn, hãy so sánh nó với khoản đầu tư hiệu quả nhất bạn có. Hiểu rõ các ý tưởng đầu tư của bạn trong cơ cấu này sẽ giúp bạn tránh được việc sở hữu quá nhiều cổ phiếu và pha loãng lợi nhuận kỳ vọng của mình.

Nếu bạn chưa từng nghe tới khái niệm “chi phí vốn chủ sở hữu(71)” hay “mô hình định giá tài sản vốn(72),” bạn gặp may đấy. Chúng là những công cụ khá phức tạp được đám đông đầu tư theo hướng toán học tạo ra để trả lời cho các câu hỏi khá đơn giản: Với các lựa chọn đầu tư có sẵn tại một thời điểm, lợi suất kỳ vọng tối thiểu cần thiết từ một ý tưởng đầu tư để khiến nó đáng được thêm vào danh mục của bạn là bao nhiêu? Những ai đưa ra được con số nào bằng máy tính hay bảng tính lại một lần nữa sai lầm khi trộn lẫn hệ số beta và rủi ro đồng thời thường tạo ra các công cụ có vẻ thanh lịch về mặt toán học nhưng chẳng mấy hữu ích. Hãy quên thứ đó đi. Khi một ý tưởng đầu tư mới xuất hiện, chỉ mua khi nó hấp dẫn hơn những thứ bạn đã sở hữu rồi.

Tính thận trọng “đích thực” theo kiểu của Buffett hoàn toàn trái ngược với định nghĩa thông thường. Về bản chất, tính thận trọng theo kiểu của ông dựa trên sức mạnh của việc tự mình suy nghĩ và áp dụng lập luận có cơ sở. Các sự kiện quyết định tính thận trọng của một hành động, chứ không phải số đông. Điều này cho phép ông đi ngược lại đám đông và tập trung nhiều vào các ý tưởng đầu tư tốt nhất của mình.


Thư gửi thành viên góp vốn: Thận trọng so với thông thường


NGÀY 24 THÁNG 1 NĂM 1962

Câu hỏi về tính thận trọng

Mô tả các lĩnh vực hoạt động của chúng ta có thể cung cấp manh mối về câu hỏi: danh mục của chúng ta được đầu tư thận trọng đến mức nào. Vài năm trở lại, nhiều người nghĩ rằng họ sẽ hoạt động theo cách thận trọng nhất bằng việc mua các trái phiếu chính phủ hay đô thị trung hay dài hạn. Trong nhiều trường hợp, chính sách này đã gây ra các mức giảm giá thị trường đáng kể, và phần lớn chắc chắn đã không thể duy trì hay tăng sức mua thực sự.

Do đã nhận thức được, thậm chí là biết quá rõ, về lạm phát, nhiều người giờ cảm thấy rằng họ nên hành xử một cách thận trọng bằng việc mua các cổ phiếu blue-chip dù bất kể hệ số giá trên thu nhập một cổ phần (P/E), tỷ lệ cổ tức, v.v. như thế nào. Nếu không kể tới lợi ích của sự nhận thức muộn như trong ví dụ về trái phiếu, tôi cảm thấy rằng bước hành động này đầy nguy hiểm. Tôi nghĩ chẳng có gì thận trọng trong việc đầu cơ với mức số nhân mà đám đông tham lam và thất thường kia sẽ đặt lên lợi nhuận.

Mọi người sẽ không thể đúng đơn giản chỉ bởi rất nhiều người cùng lúc đồng ý với mọi người. Mọi người sẽ không thể đúng đơn giản chỉ bởi những người quan trọng đồng ý với mọi người. Trong nhiều quý, việc xuất hiện đồng thời của hai yếu tố trên là đủ để khiến bước hành động vượt qua được bài kiểm tra về tính thận trọng của nó. Qua diễn biến của nhiều đợt giao dịch, mọi người sẽ đúng nếu giả thuyết của mọi người chính xác, sự kiện của mọi người chính xác, và lập luận của mọi người chính xác. Tính thận trọng đích thực chỉ có thể đạt được nhờ hiểu biết và lập luận.

Tôi muốn nói thêm rằng việc danh mục đầu tư của chúng ta không thông thường sẽ không bao giờ chứng minh rằng chúng ta thận trọng hơn hay ít thận trọng hơn các phương pháp đầu tư tiêu chuẩn cả. Điều này chỉ có thể được quyết định bằng cách kiểm tra phương pháp hay các kết quả.

Tôi cảm thấy phép thử khách quan nhất về mức độ thận trọng trong cách đầu tư của chúng ta đến từ việc đánh giá thành tích tại các thị trường đi xuống. Tốt nhất các thị trường đó nên có một mức giảm tương đối trong chỉ số Dow. Thành tích của chúng ta trong thời kỳ sụt giảm khá nhẹ giữa các năm 1957 và 1960 sẽ xác nhận giả thuyết của tôi rằng chúng ta đầu tư theo một cách cực kỳ thận trọng. Tôi hoan nghênh bất kỳ thành viên góp vốn nào đề xuất các phép thử khách quan về tính thận trọng đề xem chúng ta so sánh thế nào. Chúng ta chưa từng có một mức lỗ thực hiện nào nhiều hơn 0,5% trong 1% tổng tài sản ròng cả, và hệ số lãi thực hiện trên lỗ thực hiện là 100 trên 1. Tất nhiên, điều này phản ánh rằng ở mức cân bằng chúng ta đang hoạt động ở một thị trường đi lên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nguy cơ xuất hiện các giao dịch thua lỗ thậm chí trong những thị trường như vậy (mọi người có thể tự tìm ra một vài giao dịch như vậy), nên tôi nghĩ rằng những thực tế trên cũng có chút ý nghĩa.


NGÀY 18 THÁNG 1 NĂM 1965

Câu hỏi về tính thận trọng

Khi nhìn vào… thành tích đầu tư của công ty, sẽ có câu hỏi là: “Vâng, nhưng không phải các công ty đó hoạt động theo cách thận trọng hơn Công ty Hợp danh à?” Nếu mọi người hỏi ban quản trị của các công ty đầu tư đó câu hỏi như vậy, thì họ sẽ thành thật nói rằng họ thận trọng hơn. Nếu mọi người hỏi một trăm nhà phân tích chứng khoán đầu tiên mọi người gặp, tôi chắc rằng phần lớn họ cũng sẽ trả lời tốt cho các công ty đầu tư này. Tôi sẽ không đồng ý. Tôi có hơn 90% giá trị tài sản ròng của tôi ở BPL, và phần lớn gia đình tôi đều có cổ phần ở đây, nhưng tất nhiên, điều đó chỉ chứng minh được sự chân thành trong quan điểm của tôi – chứ không phải tính đúng đắn của nó.

Sự thật chẳng thể chối cãi là các công ty đầu tư này đầu tư tiền theo cách thông thường hơn hẳn chúng ta. Nhiều người không thể phân biệt được tính thông thường và tính thận trọng. Tôi nghĩ điều này thể hiện lối tư duy sai lầm. Về bản chất, phương pháp thông thường hay không thông thường đều không thận trọng.

Các hành động thận trọng theo cách đích thực chỉ xuất phát từ các giải thuyết thông minh, các sự kiện chính xác và lập luận có căn cứ. Các tính chất này có thể dẫn tới các hành động thông thường, nhưng đã có nhiều lần chúng dẫn tới sự không chính thống. Ở ngóc ngách nào đó trên thế giới, họ có thể vẫn đang tổ chức cuộc họp thường kỳ của Hội Trái đất Phẳng.

Chúng ta sẽ không thấy thoải mái khi những người quan trọng, những người có tiếng nói, hay rất nhiều người đồng ý với chúng ta. Chúng ta cũng không thoải mái khi họ không đồng tình. Việc thăm dò dư luận không thể thay thế tư duy. Khi chúng ta thực sự ngồi lại với một nụ cười trên môi là lúc chúng ta bước vào một tình huống mình có thể hiểu được, tại đó các sự kiện có thể biết chắc chắn và rõ ràng, và các bước hành động là hiển nhiên. Trong tình huống đó – dù thông thường hay thận trọng – dù người khác đồng ý hay bất đồng – chúng ta cảm thấy rằng – chúng ta đang bước đi một cách thận trọng.

Phương pháp trên có vẻ rất chủ quan. Và nó đúng là vậy. Mọi người chắc sẽ thích một cách tiếp cận khách quan hơn cho câu hỏi này. Tôi cũng vậy. Tôi nghĩ một cách hợp lý để đánh giá tính thận trọng của các chính sách trước đây là nghiên cứu thành tích tại các thị trường đi xuống. Chúng ta chỉ có 3 năm thị trường đi xuống trong bảng của chúng ta và không may là (chỉ đối với mục đích của phép thử này) chúng đều là mức giảm vừa phải. Trong cả ba năm này, chúng ta đều đạt được lợi nhuận đầu tư tốt hơn đáng kể so với bất kỳ danh mục đầu tư nào thông thường hơn.

Cụ thể, nếu ba năm đó xảy ra theo trình tự, lợi nhuận tích lũy như sau:

Chúng ta không nghĩ so sánh này là quan trọng, nhưng chúng ta nghĩ nó cũng thích đáng phần nào. Chúng ta chắc chắn nó có ý nghĩa hơn nhiều việc nói rằng “Chúng ta sở hữu chứng khoán (không tính tới giá) của A.T.&T., General Electric, IBM và General Motors nên chúng ta đang đầu tư thận trọng.” Trong mọi trường hợp, việc đánh giá tính thận trọng của bất kỳ chương trình hay bất kỳ nhà quản lý (bao gồm cả tự quản lý) đầu tư nào cũng cần dựa trên các tiêu chuẩn khách quan hợp lý và tôi nghĩ thành tích tại các thị trường đi xuống ít nhất cũng là một phép thử có ý nghĩa.


NGÀY 20 THÁNG 1 NĂM 1966

Đa dạng hóa

Năm ngoái, khi bình luận về sự bất lực của đại đa số các nhà quản lý đầu tư trong việc đạt thành tích tốt hơn so với thành tích có thể đạt được chỉ nhờ may mắn, tôi đã đỗ lỗi điều này cho: “(1) các quyết định theo nhóm – ý kiến có vẻ hơi hằn học của tôi là việc quản lý đầu tư hiện tại gần như không thể tới từ một nhóm, dù ở quy mô nào đi nữa, mà tất cả các bên đều tham gia vào việc ra quyết định; (2) mong muốn tuân thủ các chính sách và (tới một mức độ nào đó) các danh mục đầu tư của những tổ chức được coi là lớn khác; (3) một cơ cấu tổ chức mà ở đó trung bình là “an toàn” và các phần thưởng cho hành động độc lập không tương xứng với rủi ro gắn liền với hành động đó; (4) việc tuân thủ các hoạt động đa dạng hóa bất hợp lý nhất định; và cuối cùng cũng rất quan trọng, (5) quán tính.”

Năm nay trong văn bản đưa ra vào tháng 11, tôi đã kêu gọi mọi người chú ý tới một Quy tắc cơ bản mới, “7. Chúng ta đa dạng hóa ít hơn nhiều so với hầu hết các hoạt động đầu tư khác. Chúng ta có thể đầu tư tới 40% giá trị tài sản ròng của chúng ta vào một chứng khoán duy nhất dưới các điều kiện có xác suất rất cao là các sự kiện và lập luận của chúng ta chính xác với xác suất cực thấp rằng bất kỳ điều gì có thể làm thay đổi trầm trọng giá trị cơ bản của khoản đầu tư.”

Rõ ràng chúng ta thực hiện một chính sách về đa dạng hóa khác xa chính sách thực tế của toàn bộ các hoạt động đầu tư đại chúng. Thành thật mà nói, chẳng điều gì tôi thích hơn việc có 50 cơ hội đầu tư khác nhau, tất cả chúng đều có kỳ vọng theo toán học (thuật ngữ này phản ánh phạm vi dao động của toàn bộ thành tích đầu tư tương đối có thể xảy ra, bao gồm cả lỗ, được điều chỉnh theo xác suất của từng thành tích (xin đừng ngáp ngắn ngáp dài)) cao hơn chỉ số Dow, chẳng hạn, 15 điểm phần trăm mỗi năm. Nếu 50 kỳ vọng đầu tư này không tương quan với nhau (diễn biến của một kỳ vọng gắn liền với diễn biến của kỳ vọng kia), tôi sẽ đặt 2% số vốn của chúng ta vào mỗi kỳ vọng và chắc chắn rằng thành tích tổng thể sẽ gần bằng lợi thế 15 điểm phần trăm đó.

Mọi chuyện đâu dễ dàng như vậy.

Chúng ta phải làm việc rất cực nhọc mà cũng chỉ để tìm được vài cơ hội đầu tư hấp dẫn mà thôi. Một cơ hội như vậy, theo định nghĩa, là khi kỳ vọng của tôi (như nói trên) về thành tích phải cao hơn ít nhất 10 điểm phần trăm mỗi năm so với chỉ số Dow. Trong một vài cơ hội chúng ta tìm được đó, kỳ vọng của chúng lại khác xa nhau. Câu hỏi luôn là, “Tôi sẽ đầu tư bao nhiêu vào cơ hội thứ nhất (xếp hạng theo kỳ vọng thành tích tương đối) và bao nhiêu vào cơ hội thứ tám?” Điều này phụ thuộc nhiều vào độ rộng của khoảng chênh lệch giữa kỳ vọng toán học của cơ hội thứ nhất và cơ hội thứ tám. Nó cũng phụ thuộc vào xác suất mà cơ hội thứ nhất đạt thành tích tương đối kém cỏi. Hai chứng khoán có thể có kỳ vọng toán học tương đương, nhưng một chứng khoán có thể có 0,05 cơ hội đạt thành tích tốt hơn hay tệ hơn 15 điểm phần trăm so với chỉ số Dow, còn chứng khoán kia có thể chỉ có 0,01 cơ hội đạt thành tích như vậy. Khoảng kỳ vọng rộng hơn trong trường hợp thứ nhất làm giảm mong muốn tập trung đầu tư nhiều vào nó.

Điều trên có thể làm cho toàn bộ hoạt động nghe có vẻ rất chính xác. Nhưng không phải vậy. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của chúng ta là phải tìm hiểu rõ các sự kiện và sau đó áp dụng kinh nghiệm cũng như lập luận vào các sự kiện đó để đạt được kỳ vọng. Dù các nỗ lực của chúng ta có thể thiếu chính xác và bị chi phối bởi cảm xúc, nhưng đó chính là bản chất của hoạt động kinh doanh này. Thành tích của nhiều năm ra quyết định đầu tư vào chứng khoán sẽ chứng minh các anh đang làm tốt như thế nào trong việc thực hiện các tính toán đó – dù các anh có nhận thức được rằng mình đang thực hiện các tính toán đó hay không. Tôi tin rằng một nhà đầu tư sẽ đạt được lợi thế khác biệt nếu anh ta nhận thức được con đường mà quá trình tư duy của mình đang đi theo.

Có một điều tôi có thể đảm bảo với mọi người. Nếu thành tích đầu tư tốt của quỹ là mục tiêu nhỏ, thì bất kỳ danh mục đầu tư nào bao gồm 100 chứng khoán (dù nhà quản lý đầu tư đang giữ 100 ngàn hay 1 triệu đô la) cũng đang không vận hành một cách hợp lý. Việc bổ sung chứng khoán thứ 100 đó đơn giản là không thể làm giảm sự khác biệt tiềm tàng trong thành tích của danh mục đủ để bù lại tác động tiêu cực của nó lên kỳ vọng của danh mục.

Bất kỳ ai sở hữu số lượng chứng khoán như vậy sau khi chắc hẳn đã nghiên cứu các tiêu chuẩn đầu tư của mình (và tôi không quan tâm chức danh của họ uy tín ra sao), đang theo đuổi cái mà tôi gọi là phong cách đầu tư Tàu Noah – “nồi lẩu thập cẩm”. Những nhà đầu tư đó nên thí điểm “con tàu” trước đã. Trong khi Tàu Noah vận hành theo các nguyên tắc sinh học nhất định đã được thử nghiệm qua thời gian thì các nhà đầu tư lại lạc lối qua các nguyên tắc toán học. (Tôi chỉ biết nhiều về hình học phẳng thôi, nhưng có một ngoại lệ là tôi đã cẩn thận sàng lọc các nhà toán học ra khỏi Công ty Hợp danh của chúng ta rồi.)

Tất nhiên, việc ai đó hành xử vô lý khi sở hữu cả một trăm chứng khoán không chứng minh được tình huống của chúng ta. Mặc dù họ có thể sai khi đa dạng hóa quá mức, nhưng chúng ta cũng phải lập luận chắc chắn thông qua một chính sách đa dạng hóa phù hợp về các mục tiêu của chúng ta.

Danh mục đầu tư tối ưu phụ thuộc vào các kỳ vọng khác nhau của những lựa chọn hiện có và mức khác biệt trong thành tích mà có thể chấp nhận được. Số lựa chọn càng lớn, thì biến động trung bình qua các năm trong lợi nhuận thực tế so với kỳ vọng càng giảm. Hơn nữa, lợi nhuận kỳ vọng sẽ càng thấp hơn, với giả định các lựa chọn khác nhau có các kỳ vọng thành tích khác nhau.

Tôi sẵn sàng từ bỏ một chút bằng việc san bằng lợi nhuận qua các năm (hãy nhớ rằng khi tôi nói tới “lợi nhuận,” tôi đang nói về thành tích tương đối so với chỉ số Dow) để đạt thành tích tổng thể trong dài hạn tốt hơn.

Đơn giản mà nói, điều này có nghĩa là tôi sẵn sàng tập trung nhiều vào những thứ tôi tin là cơ hội đầu tư tốt nhất dù nhận thức rõ rằng điều này thỉnh thoảng có thể gây ra một năm “cay đắng” – thậm chí còn cay đắng hơn cả nếu tối đa dạng hóa nhiều hơn. Trong khi điều này có nghĩa thành tích của chúng ta sẽ biến động nhiều hơn, tôi nghĩ nó cũng có nghĩa là thành tích vượt trội của chúng ta trong dài hạn cũng sẽ cao hơn.

Mọi người đã thấy một số ví dụ về điều này. Biên lợi nhuận của chúng ta so với chỉ số Dow nằm trong khoảng từ 2,4 điểm phần trăm vào năm 1958 tới 33,0 điểm vào năm 1965. Nếu các anh đối chiếu lại mức này với các chênh lệch trong các quỹ [đầu tư khác]… các anh sẽ thấy thay đổi của chúng ta có biên độ rộng hơn nhiều. Tôi có thể điều hành theo cách có thể giảm biên độ của chúng ta, nhưng tôi cũng sẽ làm giảm thành tích tổng thể của chúng ta mặc dù nó vẫn cao hơn nhiều thành tích của các công ty đầu tư khác. Khi nhìn lại, và tiếp tục suy nghĩ kỹ vấn đề này, tôi cảm thấy rằng tôi đáng ra nên đầu tư tập trung hơn một chút. Vậy đây là Quy tắc cơ bản mới và vài lời giải thích hơi dài dòng.

Một lần nữa, cho phép tôi nói rằng đây là một lập luận hơi khác thường (không có nghĩa nó đúng hay sai – mà có nghĩa là mọi người phải tự mình tư duy về nó), và mọi người có thể có một quan điểm khác – nếu vậy, thì Công ty Hợp danh này không phải chỗ cho mọi người rồi. Rõ ràng, chúng ta chỉ định đạt tới 40% trong các tình huống rất hiếm hoi – tất nhiên, tính hiếm hoi khiến chúng ta cần đầu tư tập trung hơn, khi thấy những cơ hội như vậy.

Chúng ta có thể chỉ có 5 hay 6 tình huống trong suốt 9 năm qua của Công ty Hợp danh nhưng chúng giúp chúng ta đạt hơn 25% lợi nhuận. Bất kỳ tình huống nào như vậy sẽ phải hứa hẹn một thành tích tốt hơn nhiều chỉ số Dow so với bất kỳ cơ hội đầu tư nào hiện có tại thời điểm đó. Chúng cũng sẽ phải hội tụ các yếu tố định tính và/hay định lượng vượt trội sao cho rủi ro thua lỗ nghiêm trọng lâu dài ở mức tối thiểu. Khi lựa chọn mức giới hạn mà tôi sẽ chạm đến trong bất kỳ khoản đầu tư nào, tôi luôn cố gắng giảm tới mức nhỏ nhất xác suất mà một khoản đầu tư (hay một nhóm, nếu có sự tương quan) có thể tạo ra lợi nhuận cho tổng thể danh mục đầu tư của chúng ta kém hơn chỉ số Dow 10 điểm phần trăm.

Chúng ta hiện có 2 tình huống thuộc nhóm có lợi nhuận lớn hơn 25% – một trong công ty chúng ta đang kiểm soát và một trong công ty lớn chúng ta chưa từng đầu tư bao giờ. Các anh cũng cần biết rằng thành tích của chúng ta trong năm 1965 dựa phần lớn vào năm tình huống đầu tư. Lợi nhuận trong năm 1965 (trong một số trường hợp, cũng là lợi nhuận áp dụng cho cùng loại chứng khoán được nắm giữ ở những năm trước) từ các tình huống này nằm trong khoảng từ 800.000 đô la tới 3,5 triệu đô la. Nếu mọi người lấy thành tích của năm khoản đầu tư Tổng quát nhỏ nhất của chúng ta vào năm 1965, lợi nhuận sẽ rất “mờ nhạt” (Tôi đã chọn tính từ thân thiện lắm rồi.)

Một điều thú vị là các tài liệu về quản lý đầu tư hầu như không nhắc tới việc tính toán sự đa dạng hóa tối ưu. Chúng có đưa ra lời khuyên về sự đa dạng hóa “thích đáng”, nhưng những tài liệu “thích đáng” này gần như không giải thích cơ sở của những kết luận đó. Vì vậy, để tóm tắt về sự đa dạng hóa, chúng ta sẽ nhắc lại câu nói của viện sĩ nổi tiếng Billy Rose, “Nếu bạn có một hậu cung gồm 70 phi tần, bạn sẽ chẳng thể biết rõ được từng cô như thế nào.”


NGÀY 25 THÁNG 1 NĂM 1967

Thành tích tương đối của chúng ta trong nhóm này [Cổ phiếu Tổng quát – Định giá tương đối thấp] là mức tốt nhất mà chúng ta từng có – nhờ vào một cổ phiếu, khoản đầu tư lớn nhất của chúng ta tính tới cuối năm 1965 và cả cuối năm 1966. Khoản đầu tư này của chúng ta đạt thành tích tốt hơn nhiều thị trường chung trong các năm (1964, 1965, 1966) mà chúng ta nắm giữ nó. Mặc dù thành tích của mỗi năm có thể khá thất thường, nhưng chúng ta nghĩ rằng xác suất để thành tích tương lai vượt trội trong thời kỳ 3-4 năm là rất cao. Tính hấp dẫn và mức chắc chắn tương đối của chứng khoán này là lý do tôi giới thiệu Quy tắc cơ bản thứ 7 vào tháng 11, năm 1965 để cho phép mỗi cổ phiếu có thể chiếm tới 40% giá trị tài sản ròng của chúng ta. Chúng ta dành nhiều nỗ lực đáng kể để tiếp tục đánh giá từng mặt của công ty và liên tục thử nghiệm giả thuyết của chúng ta rằng cổ phiếu này vượt trội các lựa chọn đầu tư khác. Những đánh giá và so sánh liên tục như vậy ở các mức giá thay đổi là hoàn toàn cần thiết cho hoạt động đầu tư của chúng ta.

Sẽ dễ chịu hơn nhiều (và chỉ ra một tương lai thuận lợi hơn) khi báo cáo rằng lợi nhuận của chúng ta trong nhóm Cổ phiếu Tổng quát – Định giá tương đối thấp này đại diện cho 15 cổ phiếu trong 10 ngành, thực tế tất cả các cổ phiếu này đều đạt thành tích tốt hơn thị trường. Chỉ đơn giản là chúng ta không có nhiều ý tưởng đầu tư tốt như vậy. Như đề cập ở trên, các ý tưởng đầu tư mới liên tục được so sánh với các ý tưởng hiện tại và chúng ta sẽ không chuyển đổi nếu tác động đó làm giảm thành tích kỳ vọng. Chính sách này đã giới hạn hoạt động trong những năm gần đây khi chúng ta dựa phần nhiều vào thành tích tương đối của cổ phần lớn nhất của chúng ta. Điều đó có nghĩa là các lợi nhuận thực hiện chiếm phần nhỏ hơn nhiều trong thành tích tổng thể so với các năm trước đây khi dòng lợi nhuận từ các ý tưởng tốt dòi dào hơn.

Kiểu tập trung chúng ta đang có ở nhóm cổ phiếu này có thể tạo ra các biến động mạnh trong thành tích về ngắn hạn – một số biến động, chắc chắn, sẽ hơi khó ưa. Có một số biến động áp dụng cho các khoảng thời gian ngắn hơn tôi sử dụng khi báo cáo các thành viên góp vốn. Đây là lý do tôi nghĩ việc báo cáo thường xuyên thật là ngớ ngẩn và có thể làm sai lệch hoạt động kinh doanh định hướng dài hạn như chúng ta đang có.

Theo ý kiến cá nhân của tôi, trong phạm vi các giới hạn được thể hiện trong bức thư về đa dạng hóa năm ngoái, tôi sẵn sàng đánh đổi những “trái đắng” (quên những trái ngọt đi) của các biến động đáng kể trong ngắn hạn để lấy việc tối đa hóa thành tích đầu tư trong dài hạn. Tuy nhiên, tôi không sẵn sàng chịu rủi ro tổn thất vốn lâu dài ở mức đáng kể khi tìm kiếm thành tích đầu tư dài hạn tốt hơn. Nói rõ ra là – theo chính sách tập trung đầu tư của chúng ta, các thành viên góp vốn nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho các thời kỳ thành tích đi xuống đáng kể (khả năng cao trong các thị trường tăng mạnh) để bù đắp cho các thành tích vượt trội đặc biệt như chúng ta từng có vào các năm 1965 và 1966, và đó là cái giá chúng ta trả để kỳ vọng thành tích tốt hơn trong dài hạn.

Toàn bộ nội dung về những nỗ lực bền bỉ này đã khiến một thành viên góp vốn thấy rằng “ngay cả 5 phút cũng là một khoảng thời gian quá dài nếu đầu bạn bị nhúng xuống nước.” Tất nhiên đây là lý do tại sao chúng ta rất ít khi sử dụng vốn vay trong khi hoạt động. Khoản vốn vay ngân hàng trung bình trong năm 1966 chỉ chiếm dưới 10% giá trị tài sản ròng trung bình.


Tóm lược

Buffett lưu ý rằng miễn là đạt được mức đa dạng hóa tối thiểu (6-8 cổ phiếu từ các doanh nghiệp khác nhau), thì biên độ thành tích qua các năm sẽ rộng hơn nhưng lợi nhuận tích lũy kỳ vọng sẽ cao hơn. Ông nói rằng, “Khi nhìn lại, và tiếp tục suy nghĩ kỹ vấn đề này, tôi cảm thấy rằng tôi đáng ra nên đầu tư tập trung hơn một chút.”

Stan Druckenmiller(73), khi suy ngẫm về thành công khó tin của ông với tư cách một nhà đầu tư, đã nói rằng cách duy nhất để đạt lợi nhuận vượt trội là tập trung thật nhiều. Ông nghĩ “đa dạng hóa và tất cả những thứ họ đang dạy ở trường kinh doanh ngày nay có thể là khái niệm sai lầm nhất. Và nếu bạn nhìn vào các nhà đầu tư vĩ đại khác biệt như Warren Buffett, Carl Icahn, Ken Langone, họ thường ‘đặt cược’ rất tập trung. Họ phát hiện thứ gì đó, đặt cược vào đó, và tin rằng nó sẽ thành công… Sai lầm mà 98% các nhà quản lý đầu tư và các cá nhân mắc phải là họ cảm thấy mình phải ‘chơi’ ở thật nhiều thứ.”

Quan điểm của Buffett về tính thận trọng so với tính thông thường bao gồm nhiều khái niệm định hướng cốt lõi rất quan trọng cho chiến lược đầu tư giá trị thành công: Hãy nghĩ một cách độc lập, bỏ qua đám đông và tin tưởng vào kết luận của chính mình. Cách tốt nhất là biết cân bằng giữa đủ kiêu ngạo để tách biệt khỏi đám đông và sự khiêm tốn cần thiết để biết giới hạn của mình. Khi tìm thấy những cơ hội “cất lời” với họ, họ đặt cược và đặt cược cực lớn.

Những kẻ đa dạng hóa quá mức nghĩ rằng họ đang giảm bớt rủi ro, nhưng lợi ích của đa dạng hóa cũng có giới hạn và chúng ta cần tự nhắc nhở bản thân rằng đầu tư không phải là một bài toán. Trong khi các công cụ toán học luôn sẵn có, chúng lại dựa trên các tiền đề lỗi và đưa ra các kết luận sai lầm.

Tương tự, tư duy mơ hồ về thuế cũng là một dạng lỗi kiểu này. Như chúng ta sẽ thấy trong chương tiếp theo, các nhà đầu tư thường làm mọi cách để tối thiểu hóa chi phí thuế của họ và cuối cùng có nguy cơ làm giảm lợi suất sau thuế của mình.

Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments

Tin Hot

GIỚI THIỆU - HƯỚNG DẪN

Tradeboxx.net là một hệ thống mở, thành viên tự chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải. Truy cập, sử dụng website này bạn phải chấp nhận Quy định của Diễn đàn. Phiên bản thử nghiệm, đang tiến hành xin cấp giấy phép thiết lập MXH. Trade Boxx Cung cấp Lớp học trade miễn phí chất lượng cao cho Trader mới miễn phí; Hệ thống mở thư viện các cuốn sách Trading tiêu biểu miễn phí, Hệ thống mở tài liệu Trading Kinh điển miễn phí ...

LIÊN HỆ - CONTACT

Email: [email protected]
Cảnh báo rủi ro. Lưu ý rằng Trading CFDs là sản phẩm có đòn bẩy và có thể dẫn đến thua lỗ tất cả số vốn đã đầu tư. Chính sách bảo mật tb gr

DMCA.com Protection Status

forexlienminhtrader.com