Trong một cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Warren Buffett, ông Jeff Bezos đã hỏi tại sao phương pháp của ông rất đơn giản để áp dụng nhưng có rất nhiều người không học và làm theo, Warren Buffett đã trả lời ngắn gọn rằng “Bởi vì người ta không muốn giàu chậm!”.
Tại ĐHCĐ của Berkshire Hathaway năm 2018, cổ đông đã đặt vấn đề với hai ông Warren Buffett và Charlie Munger về việc đầu tư vào thị trường chứng khoán Nhật Bản với lý do là các Công ty đang giao dịch với thị giá rất gần với giá trị sổ sách. Tuy nhiên, câu trả lời nhận được là Mr Buffett không xem nhân tố giá trị sổ sách thấp là nền tảng để ra quyết định, ông xem xét nó trong mối tương quan thuận chiều với thị giá và sức mạnh + nguồn gốc kiếm tiền của các Công ty.
Ở thị trường Việt Nam các nhà đầu tư thường xuyên nhắc tới khái niệm “bẫy giá trị” để nhắc tới các cổ phiếu có P/E, P/B thấp và nghĩ rằng vùng này khó có thể giảm sâu hơn và rơi vào “bẫy giá trị” do chính mình đặt ra. Mình nghĩ hai vấn đề chính nằm ở nền tảng phương pháp và tâm lý +bản chất của con người,mình chia sẻ thêm một số suy nghĩ như sau :
“Bẫy giá trị” (Value trap) đối với nhà đầu tư khái niệm thường xuất hiện trên thị trường chứng khoán và nhà quản lý quỹ Monish Pabrai đã cho rằng không có bẫy giá trị nào cả và đó đều là những sai lầm trong các quyết định đầu tư mà không có sự phân tích kĩ càng, thấu đáo.
Tình huống này xảy ra chính xác khi nhà đầu tư nhìn vào một cổ phiếu có hệ số giá/ lợi nhuận rất thấp hoặc hệ số giá thị trường/ giá trị sổ sách thấp hoặc đơn giản nhất là giá thị trường sau một đợt giảm rất dài nên nhìn có vẻ rẻ trong mắt những nhà đầu tư và kết quả là họ mua vào với một lượng rất ít thông tin khác được xem xét. Thực tế là không ai chủ động đặt ra những cái bẫy này, mà chính nhà đầu tư rơi vào trạng thái do chính họ gây ra vì sự chuẩn bị không kĩ với nhiều lý do khác nhau, cuối cùng kết luật đó là cái bẫy và phải “kỷ luật” với những tình huống tương tự như vậy xảy ra sau này. Hồi tưởng lại một chút về TTCK trong những giai đoạn khủng hoảng năm 2007 –2008, khi giá thị trường các cổ phiếu bốc hơi gần hết chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, nhà đầu tư dường như mất niềm tin vào “giá trị thực” của cổ phiếu. Rất ít nhà đầu tư nào có thể chịu đựng được việc nhìn tài sản của mình bốc hơi tới 70 –80% (thậm chí âm nặng) mà không có một động thái nào cụ thể và việc bán tháo xảy ra càng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng. Và đó là cái giá phải trả cho việc đầu tư theo phong trào, tâm lý đám đông. Khi hồi tưởng lại những việc trải qua, có lẽ những nhà đầu tư này không khỏi “lắc đầu” và tìm tới những tài sản “an toàn” hơn như bất động sản. Không có tranh cãi nào có thể kết thúc bằng sự đúng hay sai trong những quyết định như vậy, một số nhà đầu tư bất động sản từ cá nhân tới tổ chức cũng đã rất thành công với sự lựa chọn của họ. Tuy nhiên, để hiểu tại sao lại rơi vào bẫy giá trị và sự phi lý trí tột cùng khi con người đối diện với nỗi sợ hãi, cảm giác bị mất tài sản đã từng sở hữu.
Hiện nay, có nhiều phương pháp phân tích rất phổ biến và đơn giản giúp nhà đầu tư tự đánh giá một mô hình kinh doanh từ những công ty còn non trẻ cho tới những công ty đã hoạt động lâu năm và có lợi thế cạnh tranh bền vững. Một số phương pháp có thể kể đến là :
PP 2 chữ “Ng” : bao gồm ngành và người, đây là pp hay được nhắc tới trên chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam, sử dụng để đánh giá nhanh các Start – up. Đối với các nhà đầu tư, quy mô thị trường phải đủ lớn để Start – up có thể mở rộng (ngành) và con người là nhân tố chính, có yếu tố quyết định trong việc định giá của các nhà đầu tư ở giai đoạn Công ty còn non trẻ này, đó là năng lực và khát vọng. Ở giai đoạn đầu, các công ty không có tài sản gì nhiều ngoài những ý tưởng tiềm năng, cho nên việc quan trọng nhất là tìm ra những đội ngũ tiềm năng để thực thi ý tưởng đó, chính cách làm tạo nên sự khác biệt giữa những ý tưởng giống nhau. Giá mua nhà đầu tư đưa ra trong giai này dựa nhiều vào kinh nghiệm và cảm xúc của họ.
PP net –net: mục tiêu là tìm kiếm những công ty có “tài sản ngầm”, một chất xúc tác và một sự giải phóng giá trị tài sản đó chia lại cho các cổ đông. Cha đẻ của pp này chính là Benjamin Graham. Thông thường nhà đầu tư nhìn vào mối tương quan thuận chiều giữa thị giá với giá trị sổ sách cũng có thể dễ mắc sai lầm, đôi khi không có sự tương quan nào trong ngắn hạn giữa hai biến số này trong ngắn hạn cả.
PP 4 chữ M bao gồm: Meaning (mô hình kinh doanh) – Moats (Lợi thế cạnh tranh) – Management (Ban quản trị) – Mos (Biên an toàn) của nhà đầu tư rất thành công Phil –Town. Cách làm này đòi hỏi nhiều thời gian và đánh giá một cách tổng quan hơn, phù hợp với những Công ty đã có những thành công và bề dày lịch sử hoạt động. Nói cách khác, về mặt định lượng đã có những con số để có thể phân tích một cách sâu sắc hơn, từ đó giá mua đưa ra sẽ có cơ sở hơn.
Vẫn còn rất nhiều các phương pháp khác nhưng tóm lại, dù là dùng bất kỳ phương pháp này thì phải hiểu rõ trình tự, phạm vị, hoàn cảnh và đối tượng áp dụng. rút gọn lại các vấn đề trên trong 3 nhân tố là : mô hình kinh doanh, con người và giá cả, đã được áp dụng và chứng minh thực tế từ rất nhiều nhà đầu tư thành công hàng trăm năm qua. Sự thay đổi trật tự của 3 nhân tố này có thể kết thúc với một cái bẫy giá trị do chính nhà đầu tư đó tạo ra và điều này giải thích tại sao nhà đầu tư thường xuyên có các quyết định sai lầm. Cái họ quan tâm là tại sao những người bạn, một đám đông khác có thể kiếm tiền từ chứng khoán một cách dễ dàng, khởi nguồn của suy nghĩ sai lệch là trả lời câu hỏi tại sao đó – với động cơ là kiếm tiền nhanh và bị cuốn vào những con sóng với vòng luẩn quẩn đó.
Ben Graham cũng đã từng nói vấn đề lớn nhất hay kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư chính là họ, vì vậy đầu tư không phải là cuộc chơi để chiến thắng những kẻ khác mà đó là việc kiểm soát chính bản thân trong chính trò chơi của họ. Đối với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, trong những ngày đầu của sự nghiệp, ông cảm thấy hân hoan và hạnh phúc khi nhìn thị trường tăng, sau quá trình đầu tư lâu dài, mỗi khi thị trường giảm mạnh, giá mua vào thấp nhất có thể lại trở thành “người bạn” của ông. Trong khi mọi người đua nhau bán tháo thì ông chỉ việc ngồi mỉm cười hạnh phúc vì sở hữu được những công ty tuyệt vời với mức giá tốt, đó là điểm khác biệt đầu tiên. Điểm khác biệt tiếp theo là ông thực sự rất hiểu những gì mình sẽ và đang sở hữu trong khi những người chạy theo đám đông phải sớm lo lắng về vấn đề khi nào đám đông rời khỏi. Hai điểm khác biệt trên sinh ra niềm tin vững chắc và tính kỷ luật trong đầu tư vì sở hữu một tài sản dựa trên những nền tảng rất chắc chắn – trừ khi những nền tảng đó thay đổi thì việc bán ra gần như là không bao giờ.
Charlie Munger cũng đã nói ông từng nhận ra rất sớm rằng việc làm giàu nhanh là cực kỳ nguy hiểm, tốt hơn hết là nên biết cả những gì mà mình không biết. Bill Gates cũng đã nói con người thường đánh giá quá cao những gì họ làm được trong 1 năm nhưng lại đánh giá quá thấp những gì mà họ có thể làm trong 10 năm. Trên thực tế nói chuyện về các chiến lược dài hạn khá dễ dàng, thực hiện các chiến lược này lại khó hơn nhưng của cải lại chủ yếu sinh ra từ những tư duy dài hạn và đó là lý do tại sao rất ít người thực hiện điều này. Họ còn gia đình, xã hội và những nhu cầu, niềm tự hào cần phải được thỏa mãn trong ngắn hạn. Tương tự như đối với một Doanh nghiệp, cần thời gian cho những chiến lược, triết lý, kế hoạch kinh doanh được triển khai để mang lại hiệu quả cho cổ đông, bên cạnh đó việc khó hơn là duy trì hiệu quả này trong một khoảng thời gian dài, sức mạnh của lãi kép thì không cần tranh cãi và chỉ cần sự nỗ lực làm tốt hơn một chút qua thời gian dài cũng sẽ tích lũy thành những thành tựu khổng lồ.
Quay trở lại câu chuyện về mặt phương pháp, đối với những nhà đầu tư theo định hướng nghiên cứu, việc làm chủ yếu là ngồi yên một chỗ, đọc, tìm hiểu và nghiên cứu để hy vọng có thể gặt hái được những cái nhìn sâu sắc về mặt bản chất của vấn đề – điều này khó hơn hầu hết những gì mà mọi người nghĩ. Vì đa phần họ đều muốn có một công thức như môn Toán để dẫn tới một kết quả và đặt trọn niềm tin vào kết quả đó. John Maynard Keynes cũng đã từng nói “khi những sự thật thay đổi, tôi sẽ thay đổi suy nghĩ của tôi, còn bạn thì sao?”. Để tránh tự rơi vào bẫy giá trị do chính mình đặt ra, quá trình nghiên cứu, liên kết các sự kiện, kiến thức và chuyên môn rất quan trọng, đây là điều tạo nên sự khác biệt giữa kết quả đầu tư của mỗi người. Cần suy nghĩ kĩ những vấn đề tương đối phức tạp, tránh đưa ra những quyết định trên cơ sở có quá ít thông tin hoặc thông tin không đáng tin cậy. Nhìn lại quá trình nhận thức về “giá trị” trong đầu tư, như Warren Buffett đã nói thị trường chứng khoán sẽ quyết định khi nào nhà đầu tư sẽ thành công chứ không quyết định chúng ta sẽ phải làm gì hoặc lên chiến lược như thế nào để thành công dựa trên những dự đoán về thị trường, hãy xem thị trường như là một đối tác. Giá trị chính là nhân tố tự thúc đẩy mọi người nhìn nhận lại giá trị của một vấn đề, tài sản hay bất kỳ điều gì, có những chuẩn mực sai lầm được cả xã hội chấp nhận và làm theo, mất một thời gian dài để mọi người nhìn nhận và thay đổi. Đối với cổ đông, một công ty tốt vẫn tiếp tục tạo ra thêm tài sản cho họ, thì việc nhìn nhận lại giá trị của đại đa số các nhà đầu tư khác là quá trình tất yếu sẽ phải xảy ra.
Cuối cùng, trong một cuộc trò chuyện giữa hai người đàn ông giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Warren Buffett, ông Jeff Bezos đã hỏi tại sao phương pháp của ông rất đơn giản để áp dụng nhưng có rất nhiều người không học và làm theo, Warren Buffett đã trả lời ngắn gọn rằng “Bởi vì người ta không muốn giàu chậm!”.